Số hiệu
|
32/2010/HS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án của Vũ Văn Tuấn về vụ án "Trộm cắp tài sản"
|
Ngày ban hành
|
02/11/2010
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
......
Ngày 02-11-2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
Vũ Văn Tuấn sinh năm 1983; trú tại xóm Đầm, xã Trung Hà, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng; khi phạm tội là bảo vệ của Công ty TNHH công nghiệp giầy Aurora Việt Nam; bị tạm giam từ ngày 28-10-2008 đến ngày 12-01-2009.
Ngoài ra, trong vụ án này còn có 5 bị cáo khác là Nguyễn Hữu Huy, Lê Văn Đông, Vũ Văn Phong, Bùi Công Trọng, Nguyễn Thế Trường đều bị kết án về tội "trộm cắp tài sản "; và bị cáo Nguyễn Hoàng Long bị kết án về tội "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ".
* Nguyên đơn dân sự: Công ty TNHH công nghiệp giầy AURORA Việt Nam; có địa chỉ tại: xã Thiên Hương, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.
NHẬN THẤY:
Khoảng 19 giờ ngày 26-10-2008, Nguyễn Hữu Huy và Lê Văn Đông (đều là bảo vệ của Công ty TNHH công nghiệp giầy Aurora Việt Nam) bàn nhau trộm giầy của Công ty TNHH công nghiệp giầy Aurora Việt Nam (gọi tắt là Công ty giầy Aurora). Huy đã gọi điện cho Vũ Văn Tuấn (là trưởng ca trực bảo vệ tối 26-10-2008 của Công ty giầy Aurora) đặt vấn đề "Tôi cho người vào trộm cắp giầy, số tài sản lấy được thì chia đôi". Được Tuấn đồng ý, Huy và Đông rủ thêm Vũ Văn Phong( lao động tự do) và Bùi Xuân Trọng (trước đây cũng làm bảo vệ cho Công ty giầy Aurora, nhưng đã nghỉ việc được hơn 1 tháng). Tuấn thông báo cho Nguyễn Thế Trường (là bảo vệ cùng ca trực với Tuấn) biết "tối nay bọn Huy cho người vào lấy giầy, Trường gác vị trí chết A2 cảnh giới cho bọn Huy trộm cắp, nếu có người đi kiểm tra thì báo để Tuấn báo cho bọn Huy biết" và Trường đồng ý.
Đến 23 giờ ngày 26-10-2008, Huy, Đông, Phong, Trọng đến khu vực phía sau tường của Công ty giầy Aurora. Huy và Đông đứng ngoài cảnh giới còn Phong và Trọng trèo tường vào Công ty trộm cắp được 75 đôi giầy nhãn hiệu Con'S. Sau đó, Huy và Đông dùng xe máy chở số giầy trộm cắp được về nhà Đông cất giấu. Sáng hôm sau, ngày 27-10-2008, Huy và Phong đến nhà Đông lấy giầy đi bán. Phong cầm 30 đôi bán cho một người không quen biết được 2.100.000 đồng và đã chi tiêu cá nhan hết. Huy cầm 45 đôi bán cho Nguyễn Hoàng Long với giá 100.000 đồng/đôi (được 4.500.000 đồng). Long đã bán cho 01 người không quen biết 6 đôi với giá 130.000đồng/đôi. Huy tiêu hết 950.000 đồng; còn 3.550.000 đồng, Huy chưa kịp chia cho đồng bọn, thì sự việc bị phát hiện. Ngày 27-10-2008, Tuấn, Đông, Huy ra đầu thú. Ngày 28-10-2008, Trọng, Trường, Phong, Long ra đầu thú.
Ngày 05-01-2009, Hội đồng định giá tài sản huyện Thuỷ Nguyên đã định giá và kết luận 75 đôi giầy trên trị giá 45.000.000 đồng.
Bị cáo Nguyễn Hoàng Long đã nộp lại cho Cơ quan điều tra 39 đôi giầy(BL 17); bị cáo Huy nộp lại cho Cơ quan điều tra 3.550.000 đồng tiền bán giầy (BL18). Ngày 31-10-2008, các bị cáo Nguyễn Hữu Huy, Lê Văn Đông, Vũ Văn Tuấn, Vũ Văn Phong tự nguyện nộp cho Cơ quan điều tra 18.050.000 đồng tiền bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH công nghiệp giầy AURORA (BL19). Số tiền các bị cáo nộp bồi thường và số giầy là vật chứng thu giữ đã hoàn trả đầy đủ cho Công ty giầy Aurora (BL32). Công ty giầy Aurora không yêu cầu bồi thường thêm.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 62/2009/HSST ngày 10-4-2009, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng áp dụng khoản 1 Điều 138; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Vũ Văn Tuấn 15 tháng tù về tội "trộm cắp tài sản".
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn xử phạt Nguyễn Hữu Huy 18 tháng tù; Vũ Văn Phong 15 tháng tù; Lê Văn Đông 15 tháng tù; Bùi Công Trọng 15 tháng tù; Nguyễn Thế Trường 12 tháng từ đều về tội "trộm cắp tài sản" theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Hoàng Long 12 tháng tù về tội "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có", nhưng cho Long được hưởng án treo; quyết định về án phí; tịch thu 180.000 đồng tiền thu lợi bất chính của Long để sung công quỹ Nhà nước; tuyên bố quyền kháng cáo theo luật định.
Sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo Huy, Phong, Trọng, Long không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.
Vào các ngày 16, 20 và 23 tháng 4 năm 2009, các bị cáo Lê Văn Đông, Nguyễn Thế Trường và Vũ Văn Tuấn có kháng cáo, xin được hưởng án treo.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 436/2009/HSPT ngày 29-7-2009, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng khoản 1 Điều 138; các điểm b, p, h khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt Vũ Văn Tuấn 15 tháng tù về tội "trộm cắp tài sản", nhưng cho bị cáo Tuấn được hưởng án treo; thời gian thử thách là 27 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn xử phạt Lê Văn Đông 15 tháng tù, Nguyễn Thế Trường 12 tháng tù đều về tội “trộm cắp tài sản" theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự, nhưng cho bị cáo Đông và bị cáo Trường được hưởng án treo; thời gian thử thách đối với bị cáo Đông là 30 tháng, đối với bị cáo Trường là 24 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Tại Quyết định Kháng nghị số20/2010/HS-TK ngày 23-7-2010, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 436/2009/HSPT ngày 29-7-2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Vũ Văn Tuấn; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Tối ngày 26-10-2008, Vũ Văn Tuấn cùng các đồng phạm là Nguyễn Hữu Huy, Lê Văn Đông, Vũ Văn Phong, Bùi Xuân Trọng, Nguyễn Thế Trường đã cùng nhau trộm cắp 75 đôi giầy trị giá 45 triệu đồng của Công ty TNHH Công nghiệp giầy AURORA. Việc trộm cắp giầy của Công ty TNHH Công nghiệp giầy AURORA được các bị cáo bàn bạc, thống nhất và có sự phân công vai trò cụ thể, theo đó Phong và Trọng là người trực tiếp vào trộm giầy; Tuấn là ca trưởng bảo vệ sẽ lo sắp xếp bên trong công ty để bọn Huy thực hiện việc trộm cắp; Đông và Huy giữ vai trò cảnh giới phía ngoài và hỗ trợ cho Phong và Trọng khi Phong và Trọng trộm được giầy mang ra. Như vậy, hành vi trộm cắp giầy của Công ty giầy Aurora có sự cấu kết chặt chẽ giữa các bị cáo Tuấn, Huy, Đông, Phong, Trọng và Trường; phải xác định đây là trường hợp phạm tội có tổ chức. Đúng ra phải xét xử các bị cáo theo điểm a khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự. Tòa án các cấp xét xử các bị cáo theo khoản 1 Điều 138 là không đúng.
Hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù, nhưng do xác định sai khung hình phạt đối với các bị cáo, nên Tòa án cấp phúc thẩm còn áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ "phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng" quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là sai lầm.
Các bị cáo Tuấn và Trường là bảo vệ của Công ty giầy Aurora. Tại thời điểm vụ án xảy ra, các bị cáo đang làm nhiệm vụ trực bảo vệ ( là ca trực của các bị cáo, trong đó Tuấn là ca trưởng). Tuấn và Trường đã lợi dụng quyền hạn là bảo vệ của công ty để giúp sức cho Huy và đồng bọn vào trộm cắp giầy của Công ty giầy Aurora, nên cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng "lợi dụng quyền hạn để phạm tội" theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Tuấn và Trường. Tòa án các cấp không áp dụng tình tiết này đối với các bị cáo Tuấn và Trường là thiếu sót.
- Đối với bị cáo Nguyễn Thế Trường và bị cáo Lê Văn Đông: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xử phạt bị cáo Trường 12 tháng tù, xử phạt bị cáo Đông 15 tháng tù (là mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 138) là không áp dụng pháp luật sai lầm nghiêm trọng vì cả hai bị cáo Trường và Đông đều có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Tòa án cấp phúc thẩm xét thấy cả hai bị cáo đều ra đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo Đông còn tích cực tự nguyện bôi thường cho Công ty giầy Aurora mặc dù Đông chưa được hưởng lợi từ việc trộm cắp giầy; bị cáo Trường có vai trò thấp nhất, thực hiện tội phạm theo sự chỉ huy của Tuấn và thực tế thì Trường chưa có hành vi gì giúp sức trực tiếp cho đồng bọn, và xét thấy không cần thiết bắt cả hai bị cáo này đi chấp hành hình phạt tù, nên cho hưởng án treo là đúng.
- Đối với bị cáo Tuấn: Mặc dù bị cáo Tuấn có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự (sau khi phạm tội đã ra Cơ quan công an đầu thú; thành khẩn khai báo; ăn năn hối cải; bồi thường thiệt hại), nhưng có 01 tình tiết tăng nặng là lợi dụng quyền hạn để phạm tội; Tuấn là ca trưởng trực bảo vệ của Công ty TNHH công nghiệp giầy AURORA Việt Nam. Khi được Huy gợi ý đã đồng ý ngay và còn rủ thêm đồng nghiệp là Nguyễn Thế Trường phạm tội. Tuấn là người phân công Trường cảnh giới để bọn Huy vào trộm, nếu thấy có người đi kiểm tra thì phải báo cho Tuấn để Tuấn báo cho bọn Huy biết. Khi anh Hùng (bảo vệ Công ty giầy Aurora- gác ở chốt A3) phát hiện có 2 người vừa vác bao giầy chạy từ Công ty ra thì đã điện báo cho Tuấn, Tuấn liền xuống và điều ngay anh Hùng lên gác ở chốt A2 thay cho Trường để Trường xuống gác ở chốt A3 thay cho anh Hùng. Khi bọn Huy thông báo đã trộm xong giầy thì Tuấn lại điều anh Hùng và Trường về vị trí cũ (BL 156). Mặc dù không phải là người khởi xướng, chủ mưu nhưng vai trò của Tuấn là ngang bằng với Huy, cao hơn Phong và Trọng. Cả ba bị cáo Huy, Phong, Trọng đều bị xử phạt tù. Việc Tòa án cấp phúc thẩm cho bị cáo Tuấn được hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Ngoài ra, qua xem xét hồ sơ vụ án thấy rang: số giầy mà các bị cáo trộm cắp được là của Công ty TNHH công nghiệp giầy AURORA Việt Nam, nhưng khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không xác định Công ty TNHH công nghiệp giầy AURORA Việt Nam là nguyên đơn dân sự trong vụ án là thiếu sót.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 279, Điều 285, Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,
QUYẾT ĐỊNH:
Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 436/2009/HSPT ngày 29-7-2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Vũ Văn Tuấn; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.