Quyết định giám đốc thẩm xét xử Phạm Văn Đông về tội "Giết người"

Chủ đề   RSS   
  • #265499 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử Phạm Văn Đông về tội "Giết người"

    Số hiệu

    31/2010/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử Phạm Văn Đông về tội "Giết người"

    Ngày ban hành

    02/11/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    .....

    Ngày 02 tháng 11 năm 2010, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    1. Phạm Văn Đông sinh năm 1982; đăng ký nhân khẩu thường trú tại tổ 8B, Ngô Quyền, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hoá 9/12; nghề nghiệp: công nhân; con ông Phạm Văn Hùng và bà Trần Thị Được; bị bắt giam từ ngày 27-11-2008.

    2. Bùi Văn Hoạt sinh năm 1983; đăng ký nhân khẩu thường trú tại thôn Chùa Bằng, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh trình độ văn hoá 9/12; nghề nghiệp: công nhân; con ông Bùi Văn Tú và bà Lê Thị Chiến; bị bắt giam từ ngày 26-11-2008 ; đã thi hành xong hình Phạt tù.

    3. Vũ Văn Duẩn sinh năm 1984; đăng ký nhân khẩu thường trú tại xóm Chùa, xã Tiền An, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hoá 9/12; nghề nghiệp: công nhân; con ông Vũ Tất Thắng và bà Đỗ Thị Dong; có vợ và 01 con sinh năm 2007; bị tạm giữ từ ngày 26-11-2008 đến ngày 29-11-2008; đi thi hành án từ ngày 05-7-2ỏ09; đã thi hành xong hình phạt tù.

    * Người bị hại: anh Nguyễn Đức Xuân sinh năm 1976 (đã chết).

    * Đại diện hợp pháp của người bị hại: bà Vũ Thị Tiếm (mẹ của người bị hại) và chị Lương Thị Huế (vợ của người bị hại), đều trú tại xóm 4, xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.

    NHẬN THẤY:

    Theo bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, nội dung vụ án như sau:

    Chiều tối ngày 25-11-2008, Phạm Văn Đông, Bùi Văn Hoạt, Vũ Văn Duẩn, Vũ Văn Quyền rủ nhau đi uống rượu, rồi đi hát Karaoke. Sau đó, khoảng 21 giờ cùng ngày, Đông và Quyền đến Khu tập thể Công ty cổ phần thuỷ sản 2; còn Hoạt và Du ẩn rẽ vào quán bia. Tại đây, Hoạt và Duẩn gặp anh Nguyễn Đức Xuân cùng một người (chưa xác định được lai lịch); anh Xuân rủ đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa, nhưng Hoạt và Duẩn không chơi mà đi về Khu tập thể Công ty cổ phần thuỷ sản 2. Anh Xuân và người bạn đi theo. Đến Khu tập thể, Hoạt và Duẩn vào phòng anh Đỗ Văn Giang nghe nhạc. Anh Xuân và bạn gặp Phạm Văn Đông ở sân, anh Xuân rủ Đông đánh bạc, Đông không đánh, hai bên nói qua nói lại rồi dẫn đến cãi nhau. Đông vào gọi Hoạt và Duẩn ra, rồi đóng cổng Khu tập thể lại không cho anh Xuân và bạn về. Anh Xuân đẩy Đông ra làm Đông bị ngã. Thấy vậy, Hoạt, Duẩn xông vào dùng tay, chân đấm đá anh Xuân. Trong lúc đó, Đông chạy vào phòng của chị Trần Thị Nhiên (người yêu Đông) lấy hai con dao (một con dao cán gỗ, đầu lưỡi dao tròn, lưỡi dao dài 11 cm; một con dao cán nhựa màu vàng, mũi nhọn, lưỡi dao dài 10,5cm) chạy ra. Anh Xuân bỏ chạy, Đông, Hoạt, Duẩn đuổi theo. Đến cổng Khu tập thể thì Duẩn dừng lại, Đông và Hoạt tiếp tục đuổi anh Xuân. Đến đường 10 thuộc xã Yên Giang, Hoạt túm được áo anh Xuân, Đông chạy đến dùng dao đâm nhiều nhát vào người anh Xuân. Sau đó, Đông, Hoạt quay lại cùng Duẩn đánh người bạn anh Xuân rồi cho anh này về. Anh Xuân sau khi bị đâm chạy vào Bệnh viện Yên Hưng, do thương tích nặng nên đã chết vào lúc 21 giờ 45 phút cùng ngày. Đông bỏ trốn, ngày 27-11-2008 Đông đầu thú tại Công an huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

    Tại Bản giám định pháp y tử thi số 68/PY08 ngày 28-11-2008 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh kết luận: nạn nhân Nguyễn Đức Xuân chết do suy hô hấp, tuần hoàn cấp do vết thương thân bụng, ngực.

    Tại Cáo trạng số13/KSĐT-HS ngày 22-01-2009, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh truy tố Phạm Văn Đông về tội "Giết người" theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự; Bùi Văn Hoạt và Vũ Văn Duẩn về tội"Gây rối trật tự công cộng" quy định tại khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 42/2009/HSST ngày 20-3-2009, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, các điểm b và p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Phạm Văn Đông tù chung thân về tội "Giết người"; áp dụng khoản 1 Điều 245, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự xử phạt Bùi Văn Hoạt 18 tháng tù, Vũ Văn Du ẩn 12 tháng tù đều về tội "Gây rối trật tự công cộng"; áp dụng Điều 41, Điều 42 Bộ luật hình sự buộc Phạm Văn Đông bồi thường tiền cấp cứu, mai táng phí và tiền tổn thất tinh thần tổng cộng là 45 triệu đồng cho gia đình người bị hại buộc cấp dưỡng cho mẹ anh Xuân là bà Vũ Thị Tiếm và hai con anh Xuân mỗi người 300.000 đồng/tháng. Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về tiêu huỷ vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo luật định.

    Ngày 25-3-2009, người đại diện hợp pháp của người bị hại là chị Lương Thị Huế kháng cáo xem xét lại tội danh đối với Bùi Văn Hoạt và Vũ Văn Duẩn; ngày 13-4-2009 chị Huế kháng cáo bổ sung tăng hình phạt đối với bị cáo Đông.

    Ngày 30-3-2009, Phạm Văn Đông kháng cáo xin giảm hình phạt.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 300/2009/HSPT ngày 29-5-2009, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đông và kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại; giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

    Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số08/QĐ-VKSTC-V3 ngày 02-4-2010, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 300/2009/HSPT ngày 29-5-2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 42/2009/HSST ngày 20-3-2009 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh và đề nghi Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm nêu trên để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật, với lý do: quá trình điều tra, xét xử vụ án không đầy đủ, bỏ lọt nhiều chứng cứ quan trọng, các tài liệu chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ còn nhiều mâu thuẫn, chưa được chứng minh, làm rối dẫn đến việc kết luận Bùi Văn Hoạt và Vũ Văn Duẩn phạm tội "Gây rối trật tự công cộng" là chưa đủ căn cứ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

    Tại phiên toà tám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THÂY:

    Theo lời khai của các bị cáo Phạm Văn Đông, Bùi Văn Hoạt, Vũ Văn Duẩn thì nguyên nhân của sự việc là do người bị hại rủ các bị cáo đánh bạc nhưng các bị cáo không đánh nên đã xảy ra cãi nhau, xô xát. Người bị hại là anh Nguyễn Đức Xuân đã chết, người đi cùng người bị hại thì Cơ quan điều tra không xác định được lai lịch. Các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo để xác định nguyên nhân cũng như diễn biến khách quan của vụ án là không chính xác. Sau khi xét xử phúc thẩm, căn cứ vào đơn khiếu nại của chị Lương Thị Huế (là vợ của anh Nguyễn Đức Xuân) Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xác minh được người đi cùng anh Xuân hôm xảy ra vụ án là anh Hoàng Văn Nhuệ. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới chỉ lấy một lời khai của anh Nhuệ và lời khai này còn sơ sài, chưa đủ cơ sở để xác định sự thật khách quan, bởi vì lời khai này chưa thể hiện tối ngày 25-11-2008, anh Xuân và anh Nhuệ vào Khu tập thể để làm gì? Tại sao hai anh lại bị một nhóm người đe dọa, tấn công? Tại sao nhóm người đó lại chỉ đuổi đánh anh Xuân? Anh Xuân và Phạm Văn Đông, ai là người đã đánh trước? Lời khai của anh Hoàng Văn Nhuệ là một trong những căn cứ xác định sự việc xảy ra có lỗi của người bị hại không; từ đó để đánh giá hành vi giết người của Đông "có tính chất côn đô” hay không?

    Đối với Bùi Văn Hoạt và Vũ Văn Duẩn tham gia cùng Phạm Văn Đông đánh anh Xuân. Khi Đông chạy vào phòng của chị Trần Thị Nhiên lấy dao, Hoạt và Duẩn có biết hay không? Có thống nhất với Đông về việc lấy dao để đâm anh Xuân? Hay việc vào phòng lấy dao là hành vi thái quá của riêng Phạm Văn Đông? Khi đuôi theo anh Xuân, Hoạt có biết Đông chạy theo sau và có cầm dao hay không? Hành vi Hoạt túm áo anh Xuân giữ lại mục đích chỉ là để bản thân đấm, đánh anh Xuân hay là để cho Đông lao từ phía sau đến đâm anh Xuân? Khi đuổi theo anh Xuân, Hoạt hay Đông có hô hào gì không? Hoạt có nhìn thấy Đông cầm dao đâm anh Xuân không và có nghe thấy tiếng anh Xuân kêu gì không? Cần làm rõ thêm các tình tiết nêu trên để xác định Bùi Văn Hoạt và Vũ Văn Duẩn chỉ phạm tội “ Gây rối trật tự công cộng" hay đồng phạm với Phạm Văn Đông về hành vi giết người?

    Theo Biên bản khám nghiệm hiện trường, thì tại hiện trường thu được hai con dao (một con dao cán vàng có dính chất màu nâu nghi máu, một con dao cán gỗ) nhưng Cơ quan điều tra không cho Đông nhận diện con dao gây án, không tiến hành thực nghiệm để xác định vết thương trên cơ thể nạn nhân là do một hay con dao gây ra (nếu là một thì con dao nào gây ra trong hai con dao thu được tại hiện trường), không tiến hành giám định chất màu nâu nghi máu trên con dao cán vàng thu được tại hiện trường có phải là máu hay không, nếu phải thì có trùng với nhóm máu của nạn nhân không? Ngoài ra, theo lời khai của Vũ Văn Duẩn, thì Duẩn có nhìn thấy một con dao rơi ở chân của Bùi Văn Hoạt, nhưng Cơ quan điều tra không cho Hoạt và Duẩn đối chất, không cho Duẩn nhận diện con dao mình đã nhìn thấy để xác định con dao đó có phải là hung khí gây án hay không là có thiếu sót, làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 300/2009/HSPT ngày 29-5-2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 42/2009/HSST ngày 20-3-2009 của Toà án nhấn dân tỉnh Quảng Ninh để điều tra lại; giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

    LỆNH TẠM GIAM

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    Căn cứ vào Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    Căn cứ vào Quyết định giám đốc thẩm số31/2010/HS-GĐT ngày 02- 11-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

    Xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm cho việc điều tra lại vụ án,

    RA LỆNH:

    1. Tạm giam bị cáo Phạm Văn Đông sinh năm 1959; đăng ký nhân khẩu thường trú tại tổ 8B, Ngô Quyền, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.

     Bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm và Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm về tội "Giết người" theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.

    Thời hạn tạm giam kể từ ngày 02-11-2010 cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý lại vụ án.

     2.Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh nơi đang giam giữ Phạm Văn Đông có trách nhiệm thi hành Lệnh này.

     

     
    6842 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận