Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự"

Chủ đề   RSS   
  • #265379 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự"

    Số hiệu

    19/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự"

    Ngày ban hành

    29/07/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 29 tháng 7 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm, xét xử vụ án dân sự về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự giữa:

    Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Trung Việt; địa chỉ: số 40C xa lộ Hà Nội, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

    Người đại diện theo uỷ quyền: ông Lê Văn Thành, Trợ lý giám đốc, đại diện theo giấy ủy quyền ngày 14-8-2004.

    Bị đơn: Tổng Công ty Sông Đà; địa chỉ: Nhà G10 Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

    Người đại diện theo uỷ quyền: ông Phạm Văn Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy theo giấy ủy quyền ngày 04-11-2004.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện đề ngày 03-12-1996, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại – Xây dựng Trung Việt (viết tắt là Công ty Trung Việt) yêu cầu Công ty Sông Đà 16 (nay là Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy thuộc Tổng Công ty Sông Đà) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Lộc (viết tắt là Công ty Phú Lộc) thanh toán cho Công ty Trung Việt trị giá 36.406m3 cát là 1.104.800.000 đồng.

    Đến ngày 06-9-2004 Công ty Trung Việt có đơn xin thay đổi nội dung khởi kiện. Theo đơn xin thay đổi nội dung đơn khởi kiện và các lời khai tại Toà án của đại diện Công ty Trung Việt thì:

    Công ty Phú Lộc ký hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT ngày 24-12-1994 khai thác cát cho Công ty Vật tư Thiết bị Quy Nhơn (sau đổi là Công ty Sông Đà 16) nay là Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy. Ngày 07-3-1995, Công ty Trung Việt ký hợp đồng liên kết liên doanh số 27/HĐLKLD (kèm theo phụ lục hợp đồng ngày 08-3-1995) với Công ty Phú Lộc để Công ty Trung Việt khai thác cát giao cho Công ty Sông Đà 16. Hợp đồng có thoả thuận Công ty Phú Lộc ủy quyền cho Công ty Trung Việt được trực tiếp thanh quyết toán tiền cát với Công ty Sông Đà 16 là 85% tổng giá trị khối lượng cát đã giao. Ngày 09-5-1995, Công ty Phú Lộc đã lập Giấy uỷ quyền cho Công ty Trung Việt.

    Ngày 15-4-1997, Công ty Trung Việt đã tiến hành bàn giao cho Công ty Sông Đà 16 và Công ty Sông Đà 9 khối lượng 36.000 m3 cát (theo biên bản thống nhất khối lượng cát lập ngày 06-12-1997 là 33.406 m3). Nhưng ngày 12-6-1997, Công ty Phú Lộc lại đơn phương ra Thông báo số 87 để hủy bỏ việc uỷ quyền, không cho Công ty Trung Việt được trực tiếp thanh toán tiền cát đã giao với Công ty Sông Đà 16. Do đó, tháng 7-1997, Công ty Trung Việt đã khởi kiện Công ty Phú Lộc tại Toà án tỉnh Gia Lai về tranh chấp hợp đồng kinh tế. Tại bản án kinh tế sơ thẩm số01/KT-ST ngày 10-9-1997 của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai đã buộc Công ty Phú Lộc phải lập giấy uỷ quyền cho Công ty Trung Việt được trực tiếp thanh quyết toán với Công ty Sông Đà16 giá trị khối lượng 33.406m3 cát mà Công ty Trung Việt đã giao cho Công ty Sông Đà 16. Bản án kinh tế sơ thẩm có hiệu lực pháp luật ; ngày 03-12-1997 Công ty Phú Lộc đã lập giấy ủy quyền cho Công ty Trung Việt và ngày 08-01-1998 Phòng Thi hành án Gia Lai bàn giao giấy ủy quyền cho Công ty Trung Việt, nhưng Công ty Sông Đà 16 chưa thanh quyết toán số cát 33.406 m3 cho Công ty Trung Việt mà lại thanh toán cho Công ty Phú Lộc.

    Nay Công ty Trung Việt thay đổi nội dung khởi kiện cho rằng Công ty Phú Lộc không có liên quan trong vụ án mà đề nghị Toà án xác định Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy là bị đơn và buộc Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán 33.406m3 cát trị giá 1.037.175.164 đồng cho Công ty Trung Việt.

    Đại diện theo ủy quyền của Tổng Công ty Sông Đà trình bày:Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy (Công ty Sông Đà 16) không xác lập bất kỳ một hợp đồng nào với Công ty Trung Việt. Trước đây, Công ty Sông Đà 16 có ký hợp đồng khai thác cát với Công ty Phú Lộc. Công ty Phú Lộc đã giao cho Công ty Sông Đà 16 tổng số 53.548,34m3 cát trong đó có 33.406m3 cát mà Công ty Trung Việt là bên thay mặt giao cát thay cho Công ty Phú Lộc. Còn quan hệ giữa 2 Công ty Trung Việt với Công ty Phú Lộc như thế nào thì Công ty Sông Đà 16 không biết. Về số lượng cát Công ty Sông Đà 16 đã nhận thì tính đến ngày 18-4-2000 Công ty cổ phần xi măng Sông Đà Yaly đã thanh toán hết cho Công ty Phú Lộc. Tổng Công ty Sông Đà cho rằng Tổng Công ty Sông Đà cũng như Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy không có nghĩa vụ thanh toán theo yêu cầu của nguyên đơn.

    Công ty Phú Lộc (trước đây là bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) trình bày: Sau khi ký hợp đồng khai thác cát với Công ty Sông Đà 16, Công ty Phú Lộc đã ký hợp đồng với Công ty Trung Việt và Công ty Phú Lộc đã uỷ quyền cho Công ty Trung Việt được thanh toán trực tiếp với Công ty Sông Đà 16. Công ty Trung Việt có khai thác được 33.406m3 cát, nhưng đã tự ý giao cho Công ty Sông Đà 16 rồi tự bỏ hợp đồng là vi phạm nên Công ty Phú Lộc đã ra Thông báo số 27 huỷ bỏ việc ủy quyền.

    Về 33.406m3 cát Công ty Trung Việt giao cho Công ty Sông Đà 16, đến nay Công ty Sông Đà 16 đã thanh toán cho Công ty Phú Lộc. Còn giữa Công ty Phú Lộc và Công ty Trung Việt chưa thanh lý hợp đồng vì trước đây Công ty Trung Việt có ứng tiền của Công ty Phú Lộc nên đề nghị để Công ty Phú Lộc và Công ty Trung Việt giải quyết việc thanh lý hợp đồng, sau đó ai nợ ai sẽ thanh toán cho nhau.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 28-01-2005 Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định:

    Bác toàn bộ đơn khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Trung Việt về việc yêu cầu Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà-YaLy thuộc Tổng Công ty Sông Đà phải thanh toán 1.037.175.625 đồng.

    Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án  phí.

    Ngày 21-02-2005, Công ty Trung Việt kháng cáo đề nghị Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng buộc Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy thanh toán tiền cát cho Công ty Trung Việt 1.037.175.624 đồng.

    Ngày 15-3-2005, Công ty Trung Việt có công văn (không số) gửi Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai giải trình việc nộp đơn kháng cáo quá hạn và đề nghị được chập thuận đơn kháng cáo quá hạn.

    Tại Quyết định phúc thẩm dân sự số 17 ngày 30-3-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định:

    1. Không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại - Xây dựng Trung Việt.

    2. Bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 28-01-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai về việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại - Xây dựng Trung Việt với Tổng Công ty Sông Đà có hiệu lực pháp luật .

    Sau khi có Quyết định phúc thẩm, Công ty Trung Việt có đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định số62/2008/DS-KN ngày 28-3-2008, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định số 17 ngày 30-3-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ quyết định phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại với nhận định như sau:

    Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Xây dựng Trung Việt (sau đây viết tắt là Công ty Trung Việt) uỷ quyền hợp pháp cho ông Lê Văn Thành (trợ lý Giám đốc Công ty) tham gia tố tụng. Ông Thành đã có mặt tham gia phiên toà sơ thẩm ngày 28-01-2005.

    Sau khi có bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 28-01-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai, ngày 21-02-2005 Công ty Trung Việt mới có đơn kháng cáo. Như vậy là Công ty Trung Việt đã kháng cáo quá hạn 08 ngày.

    Tuy nhiên, theo nội dung công văn (không số) đề ngày 15-3-2005 của Công ty Trung Việt gửi Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai thì lý do Công ty Trung Việt kháng cáo quá hạn là: Sau khi tham gia phiên toà sơ thẩm nêu trên, ông Thành (trợ lý Giám đốc Công ty là người được Công ty Trung Việt uỷ quyền tham gia giải quyết vụ án) đã không đến Công ty Trung Việt để báo cáo kết quả xét xử của Toà án cấp sơ thẩm, mà ông Thành đã tự ý bỏ việc; đến ngày 21-02-2005 Công ty Trung Việt mới nhận được bản sao bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai gửi qua đường bưu điện đến trụ sở Công ty Trung Việt; vì thế, Công ty Trung Việt không biết để làm đơn kháng cáo trong thời hạn luật định (Công ty Trung Việt có gửi kèm bản sao Quyết định số 04/2005/QĐ ngày 01-3-2005 và Thông báo ngày 05-3-2005 của Công ty Trung Việt về việc buộc thôi việc đối với ông Thành).

    Như vậy, theo nội dung giải trình và các tài liệu gửi kèm theo nêu trên thì việc Công ty Trung Việt kháng cáo quá hạn là do có trở ngại khách quan, nên cần được xem xét, chấp nhận theo quy định của pháp luật . Toà án cấp phúc thẩm cho rằng lý do Công ty Trung Việt kháng cáo quá hạn nêu trên không phải là do trở ngại khách quan và quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn của Công ty Trung Việt là không đúng quy định pháp luật .

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    1. Về việc xét kháng cáo quá hạn

    Sau khi tham gia phiên toà dân sự sơ thẩm, ông Thành (trợ lý Giám đốc Công ty là người được Công ty Trung Việt uỷ quyền tham gia) đã không đến Công ty Trung Việt để báo cáo kết quả xét xử của Toà án cấp sơ thẩm, mà ông Thành đã tự ý bỏ việc. Theo các tài liệu do Công ty Trung Việt xuất trình thì ngày 01-3-2005 Công ty Trung Việt có Quyết định số 04/2005/QĐNS cho ông Lê Văn Thành thôi việc với lý do ông Thành không đến cơ quan làm việc từ ngày 29-01-2005, tự ý bỏ việc; ngày 05-3-2005, Công ty Trung Việt có Thông báo (không số) cho ông Thành là Công ty có quyết định cho ông Thành thôi việc, ông Thành không còn là nhân viên của Công ty; cùng ngày 05-3-2005, Công ty có Thông báo (không số) gửi Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai về việc Công ty huỷ bỏ Giấy ủy quyền lập ngày 14-8-2004 của Công ty cho ông Thành đại diện Công ty tham gia giải quyết vụ án. Theo Công ty Trung Việt thì ngày 21-02-2005, Công ty Trung Việt mới nhận được bản sao bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai gửi qua bưu điện đến trụ sở Công ty Trung Việt nên không thể làm đơn kháng cáo trong thời hạn luật định.

    Như vậy, việc Công ty Trung Việt kháng cáo quá hạn là do có trở ngại khách quan, nên cần được xem xét, chấp nhận theo quy định của pháp luật. Toà án cấp phúc thẩm cho rằng lý do Công ty Trung Việt kháng cáo quá hạn nêu trên không phải là do có trở ngại khách quan và quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn của Công ty Trung Việt là không đúng.

    2. Về xác định tư cách đương sự:

    Theo Quyết định số936/QĐ-BXD ngày 03-7-2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc chuyển Công ty Xi măng Sông Đà - doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy và Bản điều lệ tổ chức, hoạt động của Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy thì Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy có tư cách pháp nhân, có quyền tham gia tố tụng độc lập. Nguyên đơn là Công ty Trung Việt kiện đòi Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy thực hiện nghĩa vụ trả tiền (yêu cầu xác định Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy là bị đơn), nhưng Toà án cấp sơ thẩm lại xác định Tổng Công ty Sông Đà là bị đơn là không đúng pháp luật. Do Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà YaLy từ chối việc trả tiền cho Công ty Trung Việt, với lý do đã trả tiền cho Công ty Phú Lộc, nên phải đưa Công ty Phú Lộc vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đúng quy định của pháp luật.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ Quyết định phúc thẩm dân sự số 17 ngày 30-3-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng về vụ án yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự giữa nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Trung Việt với bị đơn là Tổng Công ty Sông Đà.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do quyết định phúc thẩm bị hủy:

    Nguyên đơn kháng cáo quá hạn là do có trở ngại khách quan, cần phải được chấp nhận. Toà án đã xác định sai tư cách bị đơn.

     

     
    3567 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận