Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265425 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Số hiệu

    09/2009/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Ngày ban hành

    13/05/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 13 tháng 5 năm 2009, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, mở phiên tòa giám đốc xét xử vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản giữa:

    Nguyên đơn:

    1. Ông Hứa Văn Đỡ, sinh năm 1952.

    2. Cụ Võ Thị Chín, sinh năm 1914;

    Ông Đỡ và cụ Chín đều trú tại: 24 Phú Đức, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

    3. Bà Hứa Thị Giúp, sinh năm 1950; trú tại: 294/121 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

    Cụ Chín và bà Giúp đều ủy quyền cho ông Đỡ theo giấy ủy quyền đề ngày 22-12-2003 và 24-12-2003.

     Bị đơn: Ông Hứa Đức Tân, sinh năm 1937; ông Tân ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Lục sinh năm 1943 theo giấy ủy quyền đề ngày 22-12-2003.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Nguyễn Thị Lục sinh năm 1943;

    2. Anh Hứa Đức Thịnh sinh năm  1973;

    3. Anh Hứa Đức Tâm sinh năm 1961;

    4. Chị Hứa Thị Kim Thoa sinh năm 1973;

    5. Anh Hứa Đức Toàn sinh năm 1977;

    6. Anh Hứa Văn Tiến sinh năm 1959;

    Bà Lục, anh Thịnh, anh Tâm, chị Thoa, anh Toàn, anh Tiến đều trú tại: số 60, tổ 3, đường 2/4 Đông Nam, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

    Anh Thịnh, anh Tâm và chị Thoa đều ủy quyền cho anh Toàn theo giấy ủy quyền đề ngày 22-11-2004.

    7. Anh Phạm Văn Đồng, sinh năm 1949;

    8. Bà Võ Thị Chao, sinh năm 1955;

    Ông Đồng, bà Chao đều trú tại: 46A Phú Đức, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

    9. Ông Ngô Văn Hai, sinh năm 1950;

    10. Bà Nguyễn Thị Gương, sinh năm 1952; bà Gương ủy quyền cho ông Hai theo giấy ủy quyền đề ngày 06-9-2004;

     11. Ông Hoàng Phi Hùng sinh năm 1962;

     12. Bà Lương Thị Sương;

    Ông Hai, bà Gương, ông Hùng, bà Sương đều trú tại: 60A đường 2/4 Đông Nam, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 20-11-1995, ngày 20-3-1998 và các lời khai của các nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án thì:

    Cố Hứa Văn Của (chết không rõ năm) có vợ là cố Trần Thị Tào (chết năm 1939), không để lại di chúc, có 3 người con chung là:

    1. Cụ Hứa Văn Tống (tức Châu), đã chết, có vợ là cụ Nguyễn Thị Tý có con là ông Hứa Trạch;

    2. Cụ Hứa Phong;

    3. Cụ Hứa Tống (chết năm 1953), không để lại di chúc, có 2 vợ là: vợ thứ nhất là cụ Lê Thị Phẩm (chết năm 1940), có 1 con chung là ông Hứa Đức Tân; vợ thứ hai là cụ Võ Thị Chín, có 2 người con chung là bà Hứa Thị Giúp và ông Hứa Văn Đỡ.

    Tài sản của cố Tào để lại là 1 mẫu đất theo Địa bộ kiến điền năm 1963 là các thửa 320, 321, 322, 323 thuộc tờ bản đồ số 15 xã Vĩnh Hải, quận Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Ngày 21-4-1969, cụ Hứa Phong, cụ Nguyễn Thị Tý và ông Hứa Trạch (con cụ Hứa Văn Tống và cụ Tý), ông Hứa Văn Tân đứng ra lập tờ tương phân chia tài sản của cố Tào trong đó ông Hứa Văn Tân đại diện cho các thừa kế của cụ Hứa Tống được chia:

    - Phần phượng tự cố Trần Thị Tào mang số 320, phần phượng tự này giao cho ông Hứa Đức Tân trọn quyền hưởng dụng và trách nhiệm cúng giỗ hàng năm vào ngày 27-28/10 âm lịch và được quyền truyền tử lưu tôn vĩnh viễn (trừ trường hợp không có con cháu thừa kế). Phần phượng tự này Hứa Đức Tân lưu hưởng lâu đời, không được quyền bán trừ trường hợp gia tộc đồng ý và có biên bản. Thửa này có diện tích 1.160m2 (nay là nhà số 60, tổ 3, đường 2/4, Đông Nam, phường Vĩnh Hải).

    Phần thực của Hứa Đức Tân hưởng dụng mang số 321 có diện tích là 1.360m2 (nay là các nhà số 60A, 62, 64 là Trạm Ytế phường Vĩnh Hải, nhà trẻ, nhà đất của ông Lê Thái Sơn) ở tổ 3 đường 2/4, Đông Nam, phường Vĩnh Hải.

    Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ Hứa Tống gồm nhà và các tài sản trên hai thửa đất số 320 và 321.

    Bị đơn là ông Hứa Đức Tân trình bày: Năm 1969, gia tộc đã giao cho ông hai lô đất là thửa 320, 321 có tổng diện tích 2.520m2 đất chứ không phải là chia cho cụ Hứa Tống do ông là người đại diện của các thừa kế của cụ Hứa Tống nhận.

    Quá trình sử dụng đất thì năm 1969, ông chuyển nhượng 300m2 đất cho ông Trần Bửu và bà Lương Thị Thi để lấy tiền nuôi bà Giúp và ông Đỡ (phần đất này vợ chồng ông Bửu đã chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Ngô Văn Hai hiện phần đất này có 2 hộ là vợ chồng ông Hai và vợ chồng anh Phi Hùng ở) và chuyển nhượng cho ông Cao Mai 1 lô để mua xe máy cho ông Đỡ (lô đất này hiện Trạm y tế phường Vĩnh Hải sử dụng). Năm 1981, ông cho ông Đỡ 250m2 sau đó ông Đỡ chuyển nhượng cho ông Ngô Văn Hai. Năm 1983, ông chuyển nhượng cho vợ chồng ông Lê Thái Sơn 453,1m2. Năm 1989, ông chuyển nhượng cho vợ chồng ông Đồng 315m2‑. Năm 1994 và năm 1997, ông chuyển nhượng cho vợ chồng ông Đồng 2 lô đất còn lại của thửa 321. Như vậy, ông đã chuyển nhượng toàn bộ lô 321, còn lại lô 320 vợ chồng ông đã chia cho các con hết.

    Năm 1995, khi Nhà nước làm đường 2/4 có đền bù hỗ trợ cho gia đình ông 9.000.000đ. Như vậy, theo tờ thuận phân năm 1969 thì hai thửa đất số 320 và 321 là tài sản của ông chứ không phải là di sản thừa kế của cụ Hứa Tống để lại nên ông không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn.

    Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

    Bà Nguyễn Thị Lục nhất trí với lời khai của ông Tân, tài sản tranh chấp là của vợ chồng bà nên không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn.

    Chị Hứa Thị Kim Thoa đại diện cho anh Thịnh, anh Tâm, anh Toàn cho rằng nhà, đất là của cha, mẹ các anh, chị đã chia cho các anh, chị từ ngày 24-9-199 nên không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn.

    Ông Ngô Văn Hai và bà Nguyễn Thị Gương cho rằng: năm 1979, vợ chồng ông, bà có nhận chuyển nhượng của ông Trần Bửu và bà Lương Thị Thi (nguồn gốc vợ chồng ông Bửu mua của ông Tân) trên đất chỉ có 1 giếng nước. Năm 1995, Nhà nước mở đường có lấy 86,51m2đất. Năm 1997, vợ chồng ông, bà đã chuyển nhượng cho vợ chồng ông Hoàng Phi Hùng 74m2 (3,7 x20m). Phần đất còn lại ông, bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

    Ông Hoàng Phi Hùng và bà Lương Thị Sương thừa nhận lời khai của ông Hai và bà Gương là đúng; ông, bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

    Ông Phạm Văn Đồng và bà Võ Thị Chao trình bày: ngày 24-4-1989, vợ chồng ông, bà có nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Tân 315m2 đất trống; ông, bà đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không chấp nhận yêu cầu của ông Đỡ đòi hủy hợp đồng. Năm 1994 và năm 1997, lại nhận chuyển nhượng 415,8m2 đất của vợ chồng ông Tân (liền với diện tích đất nêu trên); phần đất này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất đề nghị Tòa án xem xét.

    Anh Hứa Văn Tiến cho rằng anh đã được cha, mẹ chia cho 56,48m2 đất tại đường 2/4, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang nên không đồng ý chua thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn.

    Tại Quyết định dân sự sơ thẩm số 73 ngày 17-02-1997, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã quyết định: Đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự.

    Ngày 26-02-1997, ông Đỡ, cụ Chín và bà Giúp kháng cáo.

    Tại Quyết định dân sự phúc thẩm số 04 ngày 15-4-1997, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định giữ nguyên quyết định sơ thẩm.

    Ngày 20-3-1998, ông Đỡ và bà Giúp tiếp tục có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Hứa Tống là nhà, đất.

    Tại Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án số 15 ngày 10-01-2001, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự.

    Ngày 17-01-2001, ông Đỡ, cụ Chín và bà Giúp kháng cáo.

    Tại Quyết định phúc thẩm số09/QĐPT-DS ngày 28-9-2001, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã quyết định giữ nguyên quyết định sơ thẩm.

    Ông Đỡ, cụ Chín và bà Giúp khiếu nại.

    Tại Quyết định kháng nghị số 171/KNDS ngày 08-11-2002, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định phúc thẩm số09/QĐPT-DS ngày 28-9-2001 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm26/GĐT-DS ngày 25-02-2003, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định: Hủy quyết định số 15 ngày 10-01-2001 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang và quyết định số09/QĐPT-DS ngày 28-9-2001 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa; giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử theo thủ tục sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 14/2004/DSST ngày 17-12-2004, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã quyết định:

    1. Bác toàn bộ yêu cầu tranh chấp di sản thừa kế” của các nguyên đơn ông Hứa Văn Đỡ, cụ Võ Thị Chín và bà Hứa Thị Giúp với bị đơn ông Hứa Đức Tân về việc đòi chia di sản của ông Hứa Tống.

    2. Hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2004/QĐKCTT ngày 14-4-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Ngày 22-12-2004, ông Đỡ kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 45 ngày 02-8-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã quyết định: hủy bản án dân sự sơ thẩm số 14/2004/DSST ngày 17-12-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa giải quyết lại vụ án.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006/DSST ngày 24-4-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã quyết định: bác toàn bộ yêu cầu của các nguyên đơn ông Hứa Văn Đỡ, cụ Võ Thị Chín và bà Hứa Thị Giúp về việc đòi chia di sản của cụ Hứa Tống.

    Ngày 24-4-2006, ông Đỡ, cụ Chín và bà Giúp kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 55 ngày 17-8-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã quyết định:

    1. Xác định di sản thừa kế của cố Trần Thị Tào (chết năm 1939) để lại cho con cụ là Hứa Tống và cụ Hứa Tống (chết năm 1953) để lại gồm 2 lô đát số 320, 321 có diện tích 2.520m2, trên đất có nhà, giếng nước, cây ăn trái.

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm cụ Võ Thị Chín (vợ cụ Tống) và các ông bà: Hứa Đức Tân, Hứa Văn Đỡ, Hứa Thị Giúp (3 con đẻ của cụ Tống).

    - Di sản thừa kế được chia là giá trị quyền sử dụng đất của 1.531,68m2 trên lô đất 320 và 321, nay là nhà đất số 60, 60A, 62 đường 2/4, Vĩnh Hải, Nha Trang, Khánh Hòa, giá trị đất 13.892.800đ, thành tiền 21.279.323.904đ được chia thành 5 kỷ phần, mỗi kỷ phần là 4.255.864.780đ.

    2. Ông Hứa Đức Tân được nhận 2 kỷ phần trị giá 8.511.729.561đ.

    - Cụ Võ Thị Chín được nhận 1 kỷ phần trị giá là 4.255.864.780đ.

    - Bà Hứa Thị Giúp được nhận 1 kỷ phần trị giá là 4.255.864.780đ.

    - Ông Hứa Văn Đỡ được nhận 1 kỷ phần trị giá là 4.255.864.780đ.

    Cụ thể:

    - Ông Hứa Đức Tân được nhận bằng hiện vật là nhà, đất số 60 đường 2/4, tổ 3 Đông Nam, Vĩnh Hải, Nha Trang và các diện tích đất đã chuyển nhượng số 60A, 62 đường 2/4 Đông Nam, Vĩnh Hải, Nha Trang và có nghĩa vụ thanh toán cho cụ Võ Thị Chín, bà Hứa Thị Giúp và ông Đỡ mỗi người 4.255.864.780đ.

    - Cụ Chín, bà Giúp và ông Hứa Văn Đỡ mỗi người là 4.255.864.780đ.

    - Cụ Võ Thị Chín được nhận 4.255.864.780đ do ông Hứa Đức Tân thối trả lại.

    - Bà Hứa Thị Giúp được nhận 4.255.864.780đ do ông Hứa Đức Tân thối trả lại.

    - Ông Hứa Văn Đỡ được nhận 4.255.864.780đ do ông Hứa Đức Tân thối trả lại.

    Ngoài ra, bản án phúc thẩm còn quyết định về án phí, trách nhiệm do chậm thi hành án.

    Ông Hứa Đức Tân và vợ là bà Nguyễn Thị Lục khiếu nại cho rằng hai lô đất 320 và 321 không phải là di sản thừa kế của cụ  Hứa Tống mà là của cụ cố Trần Thị Tào để lại năm 1969, gia tộc đã chia cho ông Tân.

    Tại Quyết định kháng nghị số202/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 26-12-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định: kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 55 ngày 17-8-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006/DSST ngày 24-4-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật với nhận định:

    Bản án phúc thẩm xác định di sản của cụ Hứa Tống để lại là 1.531,68 mtrên lô đất số 320, 321 là chưa chính xác. Vì nguồn gốc di sản là của cụ cố Trần Thị Tào chết năm 1939, không để lại di chúc. Sau khi cố Tào chết, di sản do Gia tộc quản lý. Ngày 31-3-1969, Gia tộc thống nhất lập Tờ thuận phân” phân chia di sản của cố Tào để lại, với nội dung:

    - Thửa đất số 320 giao cho ông Hứa Đức Tân quản lý, sử dụng và có trách nhiệm cúng giỗ hàng năm, được truyền tử lưu tôn vĩnh viễn (trừ trường hợp không có con cháu thừa kế) và khẳng định rõ ông Hứa Đức Tân lưu hưởng lâu đời, không được quyền bán trừ trường hợp gia tộc đồng ý và có biên bản. Diện tích 1.160m2.

    - Thửa mang số 321 là phần của ông Hứa Đức Tân được thực hưởng dụng diện tích 1.360m2.

    - Việc thuận phân này có các con, cháu cố Trần Thị Tào ký tên, điểm chỉ; có người làm chứng và có thị thực của Ủy ban hành chính xã Vĩnh Hải. Như vậy, cụ Hứa Tống thực chất được thừa hưởng di sản của cố Trần Thị Tào thửa đất số 321; còn thửa 320 là của Gia tộc giao cho ông Tân quản lý và chịu trách nhiệm thờ phụng và truyền tử lưu tôn vĩnh viễn nhưng do năm 1969 mới phân chia nên tại thời điểm đó cụ Hứa Tống đã chết (chết năm 1953) và ông Hứa Đức Tân được thừa hưởng. Lẽ ra, Tòa án hai cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm phải căn cứ nội dung Tờ thuận phân” xác định di sản của cụ Hứa Tống để lại chỉ có một thửa mang số 321 và xem xét công sức của gia đình ông Hứa Đức Tân trong thời gian quản lý di sản từ năm 1969 đến nay, các phần đất đã chuyển nhượng nguyên đơn không yêu cầu chia, sau đó mới chia thừa kế theo pháp luật mới đảm bảo quyền lợi của đương sự.

        Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Diện tích đất 1.160m2 tại thửa 320 và diện tích đất 1.360m2 tại thửa 321 đang có tranh chấp đều có nguồn gốc là của cố Trần Thị Tào (bà nội của ông Hứa Văn Tân, ông Hứa Văn Đỡ và bà Hứa Thị Giúp) để lại. Sau khi cố Tào chết thì ngày 31-3-1969, một số con cháu của cố Tào  là cụ Hứa Phong, con dâu là cụ Nguyễn  Thị Tý (vợ của cụ Hứa Văn Tống), ông Hứa Trạch (con cụ Hứa Văn Tống), bà Ngô Thị Quyền (vợ ông Trạch) và ông Hứa Đức Tân đã đứng ra lập “Tờ tương phân”, chia di sản thừa kế của cố Tào, giấy này có xác nhận của một số người và có thị thực của Chính quyền chế độ cũ.

    Thửa đất số 320 được xác định tại “Tờ tương phân” là: “Phần phượng tự cố Trần Thị Tào mang số 320, phần phượng tự này giao cho ông Hứa Đức Tân trọn quyền hưởng dụng và trách nhiệm cúng giỗ hàng năm vào ngày 27-28/10 âm lịch và được quyền truyền tử lưu tôn vĩnh viễn (trừ trường hợp không có con cháu thừa kế). Phần phượng tự này Hứa Đức Tân lưu hưởng lâu đời, không được quyền bán trừ trường hợp gia tộc đồng ý và có biên bản”. Như vậy, có căn cứ xác định thửa đất số 320 là Gia tộc giao cho ông Tân quản lý, sử dụng dùng vào việc thờ cúng chứ không phải là phần tài sản của cụ Hứa Tống được hưởng thừa kế của cố Tào.

    Thửa đất số 321 được xác định tại “Tờ tương phân” là: “Phần thực của Hứa Đức Tân hưởng dụng”. Nội dung này chưa thể hiện được về quyền và nghĩa vụ của tài sản cụ thể của ông Tân. Do đó, cần phải xác minh làm rõ là thửa đất nêu trên Gia tộc giao cho ông Tân được toàn quyền sử dụng hay là phần tài sản của cụ Hứa Tống được hưởng thừa kế của mẹ mà ông Tân chỉ là người đại diện cho các thừa kế của cụ Hứa Tống nhận. Nếu có căn cứ xác định là Gia tộc giao cho ông Tân được toàn quyền sử dụng thì phải bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn. Nếu không có căn cứ xác định thửa đất 321 là tài sản ông Tân được hưởng mà ông Tân chỉ là người đại diện các thừa kế của cụ Hứa Tống nhận thì phải xác định là di sản thừa kế của cụ Hứa Tống và chia thừa kế theo pháp luật cho các thừa kế của cụ Hứa Tống. Khi chia cũng cần xem xét đến công sức duy trì, bảo quản di sản thừa kế cho vợ chồng ông Tân; xem xét những phần đất mà ông Tân đã chuyển nhượng nếu lý do chuyển nhượng là hợp lý, vì lợi ích của các thừa kế thì không đưa diện tích đất đã chuyển nhượng vào di sản thừa kế để chia.

    Bản án sơ thẩm xác định cả hai thửa đất nêu trên là tài sản của ông Tân và bản án phúc thẩm lại xác định cả hai thửa đất này là di sản thừa kế của cụ Hứa Tống để chia thừa kế đều chưa có căn cứ chính xác.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 55 ngày 17-8-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006/DSST ngày 24-4-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa về vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa nguyên đơn là ông Hứa Văn Đỡ, cụ Võ Thị Chín, bà Hứa Thị Giúp với bị đơn là ông Hứa Đức Tân.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Cả hai cấp Tòa án đều chưa có căn cứ chính xác  khi đưa ra một trong hai kết luận: Tài sản đang tranh chấp không phải là di sản thừa kế hay đó là di sản thừa kế.

     
    5067 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận