Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265190 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Số hiệu

    18/2007/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Ngày ban hành

    06/06/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 06 tháng 7 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa các đương sự:

    Nguyên đơn:

    1. Ông Nguyễn Ngọc Diêu sinh năm 1932; trú tại: khu dân cư số 20, thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi;

    2. Ông Nguyễn Ngọc Thắng sinh năm 1950; trú tại: khu phố 4, trị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng;

    3. Anh Nguyễn Ngọc Hải (có cùng địa chỉ với ông Thắng)

    4. Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm sinh năm 1947; trú tại: tổ 4, thôn An Thành 2, xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam;

    5. Bà Nguyễn Thị Thới sinh năm 1938; trú tại: xóm 3 thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi;

    6. Bà Nguyễn Thị Thơi sinh năm 1935; trú tại: thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng;

    7. Bà Nguyễn Thị Thịnh sinh năm 1942; trú tại: 152/29 Cách mạng tháng 8, phường 5, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh;

    8. Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên sinh năm 1953; trú tại: thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi;

    9. Bà Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1924 (có cùng địa chỉ với bà Ngọc Liên).

    (Ông Thắng, bà Cẩm, bà Thới, bà Thơi, bà Thịnh, bà Liên và bà Thanh uỷ quyền cho ông Nguyễn Ngọc Diêu).

    Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Thới Chín sinh năm 1953; Trú tại: 372/34 đường Cách mạng tháng 8, phường 10, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh;

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Nguyễn Thị Cường sinh năm 1945; trú tại: 372/34 đường Cách mạng tháng 8, phường 10, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh;

    2. Chị Nguyễn Ngọc Tố Như sinh năm 1976; trú tại: xóm 3 thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi;

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 29-9-1992 và các lời khai tại Toà án trong quá trình giải quyết vụ án các nguyên đơn trình bày:

    Cụ Nguyễn Ngọc Anh (chết năm 1968) có vợ là cụ Phạm Thị Ty (chết ngày 04-9 âm lịch năm 1991), có mười người con chung là:

    1. Ông Nguyễn Ngọc Quý (chết năm 1954) có vợ là bà Nguyễn Thị Cao (năm 1956 tái giá hiện không rõ còn sống hay chết), có hai người con chung là anh Nguyễn Ngọc Thắng và anh Nguyễn Ngọc Tôn (chết năm 1973, hồ sơ không thể hiện rõ vợ của anh Tôn, có một người con là anh Nguyễn Ngọc Hải);

    2. Bà Nguyễn Thị Thanh;

    3. Ông Nguyễn Ngọc Diêu;

    4. Bà Nguyễn Thị Thơi;

    5. Bà Nguyễn Thị Thới;

    6. Bà Nguyễn Thị Thịnh;

    7. Bà Nguyễn Thị Cường;

    8. Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm;

    9. Ông Nguyễn Văn Thạch (chết năm 1993) có vợ là bà Nguyễn Thị Thới Chín, có sáu người con chung là các anh, chị: Nguyễn Ngọc Khôi, Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, Nguyễn Ngọc Tố Như, Nguyễn Ngọc Thảo Như, Nguyễn Ngọc An, Nguyễn Ngọc Thuần;

    10. Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên.

    Tài sản chung của vợ chồng cụ Nguyễn Ngọc Anh và cụ Phạm Thị Ty gồm có nhà trên, nhà dưới, bếp làm trên 4 sào 4 thước đất (khoảng 2.120m2). Sau khi cụ Anh chết, cụ Ty quản lý sử dụng toàn bộ nhà, đất. Năm 1973, cụ Ty bán cho ông Lê Hoài một phần diện tích đất vườn để sửa nhà từ đường. Sau khi cụ Ty chết, nhà đất do vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Thạch và bà Nguyễn Thị Thới Chín quản lý sử dụng. Năm 2000, khi mở đường 1A Nhà nước thu hồi 65,1 m2 đất có đền bù 13.137.000đ (do bà Thới Chín nhận). Hiện nay, tài sản còn lại nhà trên 1.902,2m2 đất.

    Các nguyên đơn cho rằng cụ Anh chết không để lại di chúc. Cụ Ty chết có để lại di chúc. Nếu Toà án không chấp nhận di chúc của cụ Ty thì yêu cầu chia di sản thừa kế của hai cụ theo pháp luật.

    Bị đơn là bà Nguyễn Thị Thới Chín khai: năm 1971, bà kết hôn với ông Nguyễn Ngọc Thạch và ở tại nhà, đất của cha, mẹ đẻ của bà. Đến năm 1975, vợ chồng bà về sửa chữa lại nhà của cụ Anh, cụ Ty và ở chung cùng cụ Ty (tại nhà đất đang tranh chấp). Năm 1981, cụ Ty đã đưa toàn bộ diện tích đất vườn nêu trên vào HTX. Sau này, HTX đã cấp lại cho gia đình bà, còn căn nhà cụ Ty đã cho vợ chồng bà. Như vậy, nhà, đất này là của vợ chồng bà nên bà không đồng ý chia thừa kế cả nhà, đất và tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của các nguyên đơn. Đồng thời bà Thới Chín cho rằng cụ Anh, cụ Ty chết không để lại di chúc còn tờ di chúc do ông Diêu xuất trình là giả mạo.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Cường khai: nhà, đất đang tranh chấp là của cha, mẹ bà để lại yêu cầu để nhà làm nơi thờ cúng chung và chỉ chia đất. Phần bà được hưởng bà giao cho các con ông Thạch quản lý.

        Tại bản án dân sự sơ thẩm số 04/DSST ngày 07-6-1995, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết định:

    “Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 24, điểm a khoản 1 Điều 25, Điều 26 và khoản 2 Điều 35 của Pháp lệnh thừa kế; tuyên xử:

    1- Xác định di sản của ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Phạm Thị Ty để lại gồm 1 ngôi nhà (có nhà trên, nhà dưới, nhà bếp) nằm trên diện tích vườn 1820 m2 thuộc thôn Thạch Trụ, xã Đức Lân, Mộ Đức, Quảng Ngãi.

    2- Chia cho các con anh Nguyễn Ngọc Thạch (gồm các cháu Nguyễn Ngọc Khôi, Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, Nguyễn Ngọc Tố Như, Nguyễn Ngọc Thảo Như, Nguyễn Ngọc An, Nguyễn Ngọc Thuần) và bà Nguyễn Thị Cường được sở hữu nhà dưới và bếp trị giá 10.203.000đ và được sử dụng diện tích đất vườn gắn liền với nhà dưới là 432 m2 có giới cận như sau:

    - Từ vách nhà phía nam và vách nhà phía bắc của nhà dưới kéo thẳng ra giáp đường quốc lộ 1A, có chiều ngang theo quốc lộ 1A là 8m.

    - Từ vách nhà phía nam và vách nhà phía bắc của nhà dưới kéo thẳng ra đến hàng rào sau vườn.

    Cầu tiêu và những cây lâu năm nằm trên phần đất này các con anh Thạch và bà Cường được sở hữu.

    Trong phần nhà và đất vườn này bà Cường được hưởng 1/3 quyền lợi, các con anh Thạch được hưởng 2/3 quyền lợi nhà đất đã chia.

    Giao cho các con anh Thạch quản lý phần quyền của bà Cường theo yêu cầu của bà.

    3- Chia cho ông Nguyễn Ngọc Diêu, bà Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Thơi, Nguyễn Thị Thới, Nguyễn Thị Thịnh, Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Nguyễn Thị Ngọc Liên và các con và cháu nội của ông Quý (Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Ngọc Hải) được sở hữu căn nhà trên trị giá 4.841.200đ và được quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất vườn còn lại.

    Giếng nước, buồng tắm, cây lưu niên nằm trên diện tích đất giao cho anh em ông Diêu thì những người này được hưởng quyền sở hữu ông Diêu thối lại tiền xây buồng tắm cho chị Chín 200.000đ.

    - Các vật dụng dùng để thờ cúng gồm 1 tủ thờ, 1 bàn thờ, 1 bộ lư, 1 bức hoành có tại căn nhà trên giao cho ông Diêu quản lý để lo việc thờ phụng sau này.

    Ông Diêu chịu trách nhiệm quản lý nhà, vườn được chia và giải quyết quyền lợi cho những người được chia đã nêu trên;

    Việc sử dụng diện tích đất vườn giáp đường quốc lộ 1A, các bên phải chấp hành những quy định của Nhà nước về việc mở rộng hành lang đường bộ theo Nghị định 203 của Chính Phủ”.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, điều kiện thi hành án và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 08-6-1995 bà Thới Chín kháng cáo cho rằng bản di chúc do ông Diêu xuất trình là giả mạo. Nếu Toà án xác định là di sản thừa kế thì bà xin hưởng bằng hiện vật và thanh toán tiền cho các thừa kế khác và đề nghị định giá lại nhà.

    Ngày 19-6-1995 ông Diêu kháng cáo cho rằng Toà án cấp sơ thẩm quyết định không công bằng gây thiệt hại đến quyền lợi của tám anh, chị, em của ông.

    Tại bản án phúc thẩm số 44 ngày 14-9-1995, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định:

    “Về hình thức: Chấp nhận đơn kháng cáo trong hạn luật định của ông Nguyễn Ngọc Diêu và bà Nguyễn Thị Thới Chín.

    Về nội dung: huỷ án dân sự sơ thẩm số 04 ngày 07-6-1995 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc tranh chấp di sản thừa kế giữa ông Nguyễn Ngọc Diêu và bà Nguyễn Thị Thới Chín. Giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi điều tra xét xử lại theo hướng nhận định trên.

    Về án phí: hoàn lại cho bà Nguyễn Thị Thới Chín và ông Nguyễn Ngọc Diêu dự phí kháng cáo”.

    Tại Quyết định số 07/TĐC ngày 19-7-1997, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết định:

    “- Tạm đình chỉ vụ án dân sự sơ thẩm nêu trên, đến khi có quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991”.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 15/2005/DSST ngày 30-9-2005, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết định:

    “Áp dụng các Điều 677, 678, 679 và 680 Bộ luật dân sự; khoản 5 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự; tuyên xử:

    Xác định di sản của ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Phạm Thị Ty để lại gồm một ngôi nhà (nhà trên, nhà dưới, nhà bếp) nằm trên đất vườn có có diện tích 1.902,2m2 thuộc  xóm 3 thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi có giá trị nhà, đất là 1.488.880.608đ và 13.137.000đ tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Tổng trị giá 1.502.017.608đ. Mười người con của ông Anh bà Ty được hưởng thừa kế giá trị ngang nhau, mỗi kỷ phần là 150.201.760đ.

    Giao cho bà Chín và các con của ông Thạch, bà Chín được sở hữu nhà dưới, nhà bếp có tổng diện tích 90,36m2 và sử dụng diện tích đất đằng trước giáp quốc lộ 1A và đằng sau kéo thẳng giáp hàng rào xây tường hiện nay, tổng diện tích đất 396m2, cụ thể (có sơ đồ kèm theo) như sau: từ điểm A đến điểm B có chiều ngang 8m; Từ điểm A đến điểm D có chiều dài 48,8m; từ điểm B đến điểm C có chiều dài 50,2m; từ điểm C đến điểm D có bề ngang 8,1m; nhà vệ sinh và những cây lâu năm năm trên phần đất này thì bà Chín và các con được hưởng.

    Tổng giá trị nhà và đất giao cho bà Chín và các con là 363.545.400đ bà Nguyễn Thị Thới Chín và các con bà Chín có trách nhiệm trả lại cho bà Nguyễn Thị Cường một kỷ phần thừa kế là 150.201.760đ. Trừ phần bà Chín và các con được hưởng theo kỷ phần 150.201.760đ còn lại 63.141.880đ bà Chín và các con trả lại cho 8 kỷ phần (các nguyên đơn).

    Giao toàn bộ nhà trên bề ngang 8m, bề dài 7,9m có gác lỡ bằng gỗ cho các nguyên đơn sở hữu có diện tích 63,2 m2 và quản lý sử dụng toàn bộ đất vườn còn lại diện tích 1.506,2 m2 (1.902,2-396); giếng nước, nhà tắm, cây lâu niên nằm trên phần đất này thì các nguyên đơn được hưởng. Các nguyên đơn phải trả cho bà Chín trị giá nhà tắm, tường rào tổng cộng 1.973.232đ trừ vào khoản tiền chênh lệch còn lại bà Chín và các con trả cho các nguyên đơn 61.168.648đ

    (63.168.648đ - 1.973.232đ) (mỗi người được hưởng 7.646.081đ).

    Các nguyên đơn được sở hữu ngôi nhà cấp 4.3C và phần móng chưa làm nhà trên diện tích 112 m2 của con bà Chín là Nguyễn Ngọc Tố Như, các nguyên đơn phải trả cho chị Như giá trị là 28.167.500đ và 10.757.000đ tiền móng nhà, tổng cộng 38.924.500đ (mỗi người trả 4.865.562).

    Bà Chín phải dỡ dọn chuồng heo, chuồng vịt, chị Nguyễn Thị Tố Như phải dỡ dọn chuồng bò để trả lại đất cho các nguyên đơn.

    Các tài sản dùng để thờ cúng gồm: 01 tủ thờ, 01 bàn thờ, 01 bộ lư, bộ liễn khảm xà cừ, 01 bức hoành phi Nguyễn từ đường giao cho các nguyên đơn để lo việc thờ cúng.

    Chi phí định giá tài sản là 2.000.000đ các đương sự phải chịu. Khoản tiền này ông Diêu đã tạm nộp nên các đương sự: bà Chín, bà Cường, và các nguyên đơn khác phải trả lại cho ông Diêu mỗi người 200.000đ”.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, điều kiện thi hành án và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 02-10-2005 bà Nguyễn Thị Cường kháng cáo xin được nhận nhà, đất theo kỷ phần của bà, không đồng ý nhận chung kỷ phần với mẹ con bà Thới Chín.

    Ngày 05-10-2005 bà Nguyễn Thị Thới Chín kháng cáo cho rằng toàn bộ nhà, đất cụ Ty đã cho vợ chồng ông bà và vợ chồng bà đã sử dụng ổn định từ 1972 đến nay nên không đồng ý chia theo yêu cầu của nguyên đơn.

    Ngày 09-10-2005 chị Nguyễn Ngọc Tố Như kháng cáo cho rằng chị làm nhà trên đất của cha, mẹ chị nên không đồng ý trả đất cho các nguyên đơn.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 38 ngày 29-6-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định:

    “Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị Thới Chín, không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị Cường, chị Nguyễn Ngọc Tố Như, sửa một phần bản án sơ thẩm.

    Áp dụng các điều 677, 678, 679 và 680, khoản 9 điều 686 Bộ luật dân sự.

    Xác định di sản của ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Phạm Thị Ty để lại gồm một ngôi nhà (nhà trên, nhà dưới, nhà bếp) nằm trên đất vườn có có diện tích 1.902,2 m2 thuộc  xóm 3 thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi có giá trị nhà, đất là 1.488.880.608đ và 13.137.000đ tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Tổng trị giá 1.502.017.608đ. Mười người con của ông Anh bà Ty được hưởng thừa kế giá trị ngang nhau, mỗi kỷ phần là 150.201.760đ.

    Giao cho bà Chín và các con của ông Thạch, bà Chín được sở hữu nhà dưới, nhà bếp có tổng diện tích 90,36 m2 và sử dụng diện tích đất đằng trước giáp quốc lộ 1A và đằng sau kéo thẳng giáp hàng rào xây tường hiện nay, tổng diện tích đất 396 m2, cụ thể như sau: từ điểm A đến điểm B có chiều ngang 8m; Từ điểm A đến điểm D có chiều dài 48,8m; từ điểm B đến điểm C có chiều dài 50,2m; từ điểm C đến điểm D có bề ngang 8,1m; nhà vệ sinh và những cây lâu năm nằm trên phần đất này thì bà Chín và các con được hưởng (có hồ sơ kèm theo tại bản án sơ thẩm).

    Tổng giá trị nhà và đất giao cho bàn Chín và các con là 363.545.400đ (được trừ 10.000.000đ công bảo quản, duy trì tài sản) bà Nguyễn Thị Thới Chín và các con bà Chín có trách nhiệm trả lại cho bà Nguyễn Thị Cường một kỷ phần thừa kế là 150.201.760đ, còn lại 53.141.880 đ bà Chín và các con trả lại cho 8 kỷ phần (các nguyên đơn).

    Giao toàn bộ nhà trên bề ngang 8m, bề dài 7,9m có gác lỡ bằng gỗ cho các nguyên đơn sở hữu có diện tích 63,2 m2 và quản lý sử dụng toàn bộ đất vườn còn lại có diện tích 1.506,2 m2 (1.902,2-396); giếng nước, nhà tắm, cây lâu niên nằm trên phần đất này thì các nguyên đơn được hưởng. Các nguyên đơn phải trả cho bà Chín trị giá nhà tắm, tường rào tổng cộng 1.973.232đ trừ vào khoản tiền chênh lệch còn lại bà Chín và các con trả cho các nguyên đơn 51.168.648đ (53.168.648đ - 1.973.232đ) (mỗi người được hưởng 6.396.081đ).

    Các nguyên đơn được sở hữu ngôi nhà cấp 4.3C và phần móng chưa làm nhà trên diện tích 112 m2 của con bà Chín là Nguyễn Ngọc Tố Như, các nguyên đơn phải trả cho chị Như giá trị là 28.167.500đ và 10.757.000đ tiền móng nhà, tổng cộng 38.924.500đ (mỗi người trả 4.865.562).

    Bà Chín phải dỡ dọn chuồng heo, chuồng vịt, chị Nguyễn Thị Tố Như phải dỡ dọn chuồng bò để trả lại cho các nguyên đơn.

    Các tài sản dùng để thờ cúng gồm: 01 tủ thờ, 01 bàn thờ, 01 bộ lư, bộ liễn khảm xà cừ, 01 bức hoành phi Nguyễn từ đường giao cho các nguyên đơn để lo việc thờ cúng”.

    Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về chi phí giám định, án phí và điều kiện thi hành án.

    Sau khi xét xử phúc thẩm bà Nguyễn Thị Thới Chín khiếu nại các nội dụng sau:

    - Năm 1979 cụ Ty đã giao nhà, đất cho vợ chồng bà và sau đó vợ chồng bà đã bỏ 11,5 lượng vàng để sửa chữa nhà, nhưng Toà án không xem xét vấn đề này.

    - Năm 1981 vợ chồng bà và cụ Ty đã đưa diện tích vườn vào HTX, năm 1993 Nhà nước giao lại cho vợ chồng bà 200m2 đất ở, phần còn lại 1.205m2 trừ vào đất nông nghiệp của vợ chồng bà, nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm lại xác định nhà 1.902,2m2 là của cha, mẹ chồng của bà để chia thừa kế là không đúng.

    Tại quyết định số61/2007/KN-DS ngày 25-4-2007, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 15/2005/DSST ngày 30-9-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:

    “Cụ Nguyễn Ngọc Anh (chết năm 1968) có vợ là cụ Phạm Thị Ty (chết ngày 04-9 âm lịch năm 1991), có mười người con là:

    1. Ông Nguyễn Ngọc Quý (chết năm 1954) có hai người con là các anh Nguyễn Ngọc Thắng và anh Nguyễn Ngọc Tôn (chết năm 1973), có một người con là anh Nguyễn Ngọc Hải);

    2. Bà Nguyễn Thị Thanh;

    3. Bà Nguyễn Thị Thơi;

    4. Bà Nguyễn Thị Thới;

    5. Bà Nguyễn Thị Thịnh;

    6. Bà Nguyễn Thị Cường;

    7. Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm;

    8. Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên

    9. Ông Nguyễn Ngọc Thạch (chết năm 1993) có vợ là bà Nguyễn Thị Thới Chín, có sáu người con chung là các anh, chị: Nguyễn Ngọc Khôi, Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, Nguyễn Ngọc Tố Như, Nguyễn Ngọc Thảo Như, Nguyễn Ngọc An, Nguyễn Ngọc Thuấn;

    10. Ông Nguyễn Ngọc Diêu.

    Tài sản chung của vợ chồng cụ Nguyễn Ngọc Anh và cụ Phạm Thị Ty gồm có nhà trên, nhà dưới, bếp làm trên 4 sào 4 thước đất (khoảng 2.120m2). Sau khi cụ Anh chết, cụ Ty quản lý sử dụng toàn bộ nhà, đất. Năm 1973, cụ Ty bán cho ông Lê Hoài một phần diện tích đất vườn để sửa nhà từ đường. Sau khi cụ Ty chết, nhà đất do vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Thạch và bà Nguyễn Thị Thới Chín quản lý sử dụng. Năm 2000, Nhà nước mở đường 1A nên thu hồi 65,1m2 đất của gia đình bà Chín và đền bù 13.137.000đ. Diện tích đất còn lại là 1.902,2m2.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Chín khai  là khi thành lập HTX cụ Ty và vợ chồng bà đã đưa diện tích đất trên vào HTX; sau đó HTX giao lại cho vợ chồng bà sử dụng; trong quá trình sử dụng, HTX có trừ một phần đất nông nghiệp (tiêu chuẩn của gia đình bà) vào diện tích đất vườn.

    Ngày 09-02-2006, UBND xã Đức Lân xác nhận trong đơn của ông Nguyễn Ngọc Diêu là: “... Khi thực hiện chủ trương việc giao ruộng đất cho hộ gia đình, cá nhân theo NĐ64/CP, thì địa phương có cân đối cho hộ bà Nguyễn Thị Thới Chín 500m2 đất màu sản xuất trong thửa vườn này, diện tích này không cấp quyền sử dụng đất lâu dài cho bà Chín...” Tại Công văn số03/CV-TNMT mày 20-02-2006, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mộ Đức lại cung cấp là: “... Tại thời điểm năm 1993, địa phương đã trừ cho hộ bà Chín 200m2 đất ở còn lại 1205m2 được địa phương cân đối vào đất sản xuất nông nghiệp cho hộ bà Nguyễn Thị Thới Chín (thay cho việc nhận đất ngoài đồng vì đất vườn rộng)...”.

    Như vậy, có căn cứ xác định chính quyền địa phương đã trừ tiêu chuẩn đất nông nghiệp của gia đình bà Chín vào diện tích đất vườn của vợ chồng cụ Anh, cụ Ty để lại do gia đình bà Chín sử dụng đất vườn này. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không căn cứ vào các tài liệu nêu trên và chưa thu thập thêm chứng cứ làm rõ diện tích đất nông nghiệp của gia đình bà Chín mà HTX đã trừ vào diện tích đất vườn của vợ chồng cụ Anh, cụ Ty là bao nhiêu mét vuông, để xác định chính xác diện tích đất vườn là di sản của vợ chồng cụ Anh, cụ Ty để lại, nhưng lại xác định toàn bộ diện tích 1.902,2m2 đất đang tranh chấp là di sản thừa kế của Anh, cụ Ty là chưa có căn cứ”.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Về tố tụng:

    Ông Nguyễn Ngọc Thạch (là một trong trong các thừa kế của cụ Nguyễn Ngọc Anh và cụ Phạm Thị Ty) đã chết và không để lại di chúc, cho nên vợ và các con của ông là bà Nguyễn Thị Thới Chín, anh Nguyễn Ngọc Khôi, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, chị Nguyễn Ngọc Tố Như, chị Nguyễn Ngọc Thảo Như, anh Nguyễn Ngọc An và anh Nguyễn Ngọc Thuấn được thừa kế kỷ phần của ông Thạch. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa anh Nguyễn Ngọc Khôi, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, chị Nguyễn Ngọc Thảo Như, Nguyễn Ngọc An và anh Nguyễn Ngọc Thuấn vào tham gia tố tụng nhưng lại công nhận họ cùng bà Chín được sở hữu chung một phần tài sản của cụ Anh, cụ Ty là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

    Về nội dung:

    Tài sản chung của vợ chồng cụ Nguyễn Ngọc Anh và cụ Phạm Thị Ty gồm có nhà trên, nhà dưới, bếp làm trên 4 sào 4 thước đất (khoảng 2.120m2). Sau khi cụ Anh chết, cụ Ty quản lý sử dụng toàn bộ nhà, đất. Năm 1973, cụ Ty bán cho ông Lê Hoài một phần diện tích đất vườn để sửa nhà từ đường. Sau khi cụ Ty chết, nhà đất do vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Thạch và bà Nguyễn Thị Thới Chín quản lý. Năm 2000, Nhà nước mở đường 1A nên thu hồi 65,1m2 đất của gia đình bà Chín và đền bù 13.137.000đ diện tích đất còn lại là 1.902,2m2 đất. Các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế nhà và 1.902,2m2 đất còn lại.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Thới Chín khai vào năm 1981 cụ Ty và vợ chồng bà đã đưa diện tích đất trên vào HTX; sau đó HTX giao lại cho vợ chồng bà sử dụng đồng thời HTX có trừ một phần đất nông nghiệp theo tiêu chuẩn của gia đình bà vào diện tích đất vườn nêu trên.

    Theo xác nhận ngày 09-02-2006, UBND xã Đức Lân thì địa phương cân đối cho hộ bà Nguyễn Thị Thới Chín 500m2 đất màu sản xuất trong thửa vườn này. Tại Công văn số03/CV-TNMT mày 20-02-2006, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mộ Đức xác nhận: “... Tại thời điểm năm 1993, địa phương đã trừ cho hộ bà Chín 200m2 đất ở còn lại 1205m2 được địa phương cân đối vào đất sản xuất nông nghiệp cho hộ bà Nguyễn Thị Thới Chín (thay cho việc nhận đất ngoài đồng vì đất vườn rộng)...”. Những vấn đề này phải được xác minh làm rõ để kết luận có hay không có việc cụ Ty và vợ chồng bà Thới Chín đưa diện tích đất vườn đang có tranh chấp vào HTX và quá trình quản lý, sử dụng của HTX, đồng thời phải xác minh có hay không việc HTX giao đất vườn trên cho gia đình bà Thới Chín để từ diện tích đất canh tác theo tiêu chuẩn hộ sản xuất nông nghiệp. Nếu toàn bộ diện tích đất trên đã đưa vào HTX, sau đó HTX giao lại cho gia đình bà Thới Chín, thì phải xác định diện tích đất trên là của gia đình bà Thới Chín; nếu HTX chỉ quản lý và giao bà Thới Chín một phần để trừ tiêu chuẩn đất canh tác của gia đình bà Thới Chín thì phần diện tích HTX giao cho gia đình bà Thới Chín, gia đình bà có quyền sử dụng hợp pháp theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.4 mục 2 phần II của Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “hướng dẫn thi áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình”.

    Trong trường hợp này phần giá trị diện tích đất còn lại là di sản của cụ Anh, cụ Ty để chia thừa kế và khi chia cũng phải xem xét hợp lý đến công sức bảo quản, tôn tạo nhà và đất của vợ chồng bà Thới Chín.

    Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ các vấn đề nêu trên, nhưng lại xác định toàn bộ nhà, đất là di sản thừa kế của cụ Anh, cụ Ty để chia tài sản là chưa đủ căn cứ.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 38 ngày 29-6-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án dân sự sơ thẩm số 15/2005/DSST ngày 30-9-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về vụ án “tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa các nguyên đơn là các ông, bà: Nguyễn Ngọc Diêu, Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Ngọc Hải, Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Nguyễn Thị Thới, Nguyễn Thị Thơi, Nguyễn Thị Thịnh, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thị Thanh với bị đơn là bà Nguyễn Thị Thới Chín.

    2. Giao hồ sơ cho Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Toà án cấp phúc thẩm và Toà án cấp sơ thẩm đã không đưa những người thừa kế thế vị tham gia tố tụng; chưa xác định chính xác diện tích đất là di sản thừa kế đã đưa hay chưa đưa vào Hợp tác xã.

     
    2976 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận