Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265133 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Số hiệu

    03/2007/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Ngày ban hành

    11/01/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 11 tháng 01 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản giữa các đương sự:

    Nguyên đơn:

    1. Ông Nguyễn Văn Có, sinh năm 1954; trú tại: 3806 Polk Avenue, SandigoCA 92105USA;

    (Ông Có uỷ quyền cho ông Huỳnh Nam Tuấn, sinh năm 1952, trú tại: Nhà số 31A Tân Hòa Đông, phường 13, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh);

    2. Bà Nguyễn Thị Phỉ, sinh năm 1953; trú tại: Nhà số 19 đường Ưu Long, phường 11, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Phán, sinh năm 1956; trú tại: ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Nguyễn Thị Sương, sinh năm 1928; trú tại: 3422 Place Joseph N Drapeau MTL PQ HI x 9 Z7 CANADA;

    2. Bà Nguyễn Thị Phước, sinh năm 1931; trú tại: 4767 Rue Mackenzi MTL Quebec H3w 1B2 CANADA;

    3. Bà Nguyễn Thị Lộc, sinh năm 1936; trú tại: 7372 Chemin Canora MTLPQH3P 2J6CANADA;

    4. Bà Nguyễn Thị Nhỏ, sinh năm 1938; trú tại: 4520 Barclay 5 MTL PQ H351 K8 CANADA;

    5. Bà Nguyễn Thị Lạc, sinh năm 1935; trú tại: Ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện và các lời khai tại Tòa án, ông Huỳnh Nam Tuấn được ông Nguyễn Văn Có ủy quyền, trình bày:   

    Cha ông Có là cụ Nguyễn Văn Bảo có hai vợ: vợ cả là cụ Võ Thị Chính (chết năm 1946) có 05 người con chung gồm: bà Nguyễn Thị Sương, bà Nguyễn Thị Phước, bà Nguyễn Thị Lộc, bà Nguyễn Thị Nhỏ (các bà này đều đang sinh sống tại Canada) và bà Nguyễn Thị Lạc hiện sống tại tỉnh Long An.

    Sau khi cụ Chính chết, cụ Bảo kết hôn với cụ Nguyễn Thị Trinh, có 05 người con nhưng 02 người chết từ khi còn nhỏ, còn lại 03 người gồm: bà Nguyễn Thị Phỉ hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Phán hiện sống tại tỉnh Long An và ông Có hiện đang sống tại Mỹ.

    Ngày 18-12-1973, cụ Trinh chết. Ngày 13-12-1994, cụ Bảo chết.

    Tài sản cụ Bảo, cụ Trinh tạo lập được bao gồm nhà và đất thổ cư (không xác định rõ diện tích) tại số 70 ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và 38.889m2 đất nông nghiệp tại thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

    Trước khi chết, cụ Bảo có để lại di chúc lập ngày 18-12-1992 với nội dung:

    1. Biệt thự số 70 ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để làm nhà thờ cúng.

    2. Phần đất thổ cư tại nhà số 70 ấp Bình Tả phần phía bên trái mặt tiền đường rộng 15m x 23m cho bà Nguyễn Thị Lạc sử dụng.

    3. Phần đất thổ cư tại nhà số 70 ấp Bình Tả phần phía bên phải mặt tiền 15m x 30m cho bà Nguyễn Thị Phán sử dụng.

    Về phần đất nông nghiệp 38.889m2 cụ Bảo chưa định đoạt trong di chúc.

    Ông Có khởi kiện chỉ yêu cầu chia diện tích đất nông nghiệp 38.889m2 làm ba phần cho bà Phỉ, bà Phán và ông, còn phần nhà, đất thổ cư đã được định đoạt trong di chúc, ông không yêu cầu chia.

    Bà Nguyễn Thị Phỉ đồng ý với yêu cầu của ông Có và trình bày thêm: Trước đây cụ Bảo có cho bà 70 cao ruộng (khoảng 7.000m2), do bà ở thành phố Hồ Chí Minh nên bà để bà Phán đứng tên kê khai quyền sử dụng đất; năm 2001 bà nhờ bà Phán bán diện tích đất trên và bà Phán đã giao đủ tiền cho bà. Nay bà đồng ý gộp cả 70 cao đất nêu trên vào để chia thừa kế cho 03 chị em là bà Phán, ông Có và bà.

    Bị đơn, bà Nguyễn Thị Phán cho rằng: Cụ Bảo đã cho bà 38.889m2 đất nông nghiệp nêu trên. Bà đã sử dụng, canh tác, kê khai, đóng thuế và được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1992 và năm 1998, nên bà không đồng ý chia đất cho ông Có, bà Phỉ.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    - Bà Nguyễn Thị Lạc cho rằng diện tích đất ruộng 38.889m2 nêu trên có nguồn gốc là của cụ Bảo và cụ Chính. Lúc cụ Bảo còn sống thì cụ Bảo canh tác, khi cụ Bảo chết thì bà Phán canh tác. Bà không yêu cầu chia thừa kế diện tích đất trên vì bà đã được cụ Bảo cho đất.

    - Bà Nguyễn Thị Sương, bà Nguyễn Thị Phước, bà Nguyễn Thị Lộc có văn bản thể hiện không có ý kiến về việc chia thừa kế đối với diện tích đất ruộng nêu trên.

    Theo các đương sự cung cấp thì bà Nguyễn Thị Nhỏ đang sống tại Canada nhưng không có địa chỉ rõ ràng.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số02/2005/DS-ST ngày 27-5-2005, Toà án nhân dân tỉnh Long An quyết định:

    - Bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Có và bà Nguyễn Thị Phỉ về việc tranh chấp tài sản thừa kế quyền sử dụng đất đối với bà Nguyễn Thị Phán.

    - Toàn bộ 38.889m2 đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng số M599467 do Uỷ ban nhân dân huyện Đức Hòa cấp cho bà Nguyễn Thị Phán vào năm 1998 vẫn thuộc quyền sử dụng của bà Phán.

    Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Ngày 08-6-2005, bà Nguyễn Thị Phỉ có đơn kháng cáo yêu cầu được chia đất.

    Ngày 09-6-2005, ông Huỳnh Nam Tuấn (là người được ông Nguyễn Văn Có ủy quyền) có đơn kháng cáo yêu cầu được chia đất.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 399/2005/DSPT ngày 21-10-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    1. Công nhận di sản thừa kế của vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảo để lại phần di sản không được định đoạt trong di chúc gồm:

    - 38.889 m2 đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số M599467 hiện bà Nguyễn Thị Phán đang đứng tên và 7.000m2 (70 cao ruộng bà Phán đã chuyển nhượng) tổng cộng: 45.889m2.

    2. Kỷ phần thừa kế mỗi người được hưởng 45.889m2 : 3 = 15.296m2.

    2.1. Ông Nguyễn Văn Có được hưởng phần di sản thừa kế bằng trị giá quyền sử dụng đất 15.296m2  x  44.282 đồng = 677.337.000 đồng.

    2.2. Bà Nguyễn Thị Phỉ được hưởng phần di sản thừa kế bằng giá trị quyền sử dụng đất (phần còn thiếu) (15.296m2 - 7.000 m2) x 44.282 đồng = 367.363.000 đồng.

    3. Bà Nguyễn Thị Phán được quyền sử dụng, tiếp tục đứng tên thửa đất số: M.599467 có diện tích 38.889 m2.

    3.1. Bà Phán phải thối lại cho ông Nguyễn Văn Có do ông Huỳnh Nam Tuấn đại diện nhận trị giá quyền sử dụng đất = 677.337.000 đồng.

    3.2. Bà Nguyễn Thị Phán phải thối lại cho bà Nguyễn Thị Phỉ trị giá quyền sử dụng đất = 367.363.000 đồng.

    Ngoài ra Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Phán có đơn khiếu nại cho rằng vào năm 1976, cụ Nguyễn Văn Bảo đã cho bà diện tích đất nông nghiệp 38.889m2 nêu trên, bà đã sử dụng canh tác và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1992 và  năm 1998, nên bà không đồng ý với quyết định tại bản án phúc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định số192/2006/DS-KN ngày 01-11-2006, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 399/2005/DSPT ngày 21-10-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, giữ nguyên quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số02/2005/DS-ST ngày 27-5-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án dân sự phúc thẩm số 399/2005/DSPT ngày 21-10-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số02/2005/DS-ST ngày 27-5-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An.

    XÉT THẤY:

    Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án thì nguồn gốc 38.889m2 đất nông nghiệp (hiện bà Nguyễn Thị Phán quản lý, sử dụng) mà ông Nguyễn Văn Có, bà Nguyễn Thị Phỉ tranh chấp là của cụ Nguyễn Văn Bảo, cụ Nguyễn Thị Trinh và cụ Võ Thị Chính (là cha mẹ của các đương sự). Tuy nhiên, khi cụ Bảo còn sống thì bà Phán là người sống chung với cụ Bảo và quản lý, sử dụng, canh tác. Năm 1989, bà Phán đã đứng tên đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu tạm (bìa trắng) và được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 24-6-1992. Năm 1998, thực hiện chủ trương đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Phán tiếp tục kê khai, đăng ký và được Uỷ ban nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 25-9-1998 với diện tích đất 38.889m2 gồm các thửa 362, 363, 387, 388, 391 tờ bản đồ số 6 và các thửa 81, 82, 83 tờ bản đồ số 9, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Quá trình sử dụng, bà Phán kê khai, đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật và không có ai tranh chấp. Đồng thời, vào thời điểm năm 1992, khi bà Phán được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa trắng), cụ Bảo còn sống và ở cùng với bà Phán nhưng cụ Bảo cũng không có ý kiến khiếu nại gì. Mặt khác, khi cụ Bảo lập di chúc ngày   18-12-1992 chia nhà và đất cho các con, cụ Bảo cũng không đề cập đến phần đất nông nghiệp 38.889m2 do bà Phán đang sử dụng. Do đó, có căn cứ xác định cụ Bảo đã cho bà Phán diện tích đất nông nghiệp 38.889m2 nêu trên, bà Phán đã quản lý, sử dụng, kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất theo đúng theo quy định của pháp luật nên bà Phán có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất này.

    Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích đất nông nghiệp 38.889m2 không phải là di sản thừa kế của cụ Bảo, từ đó bác yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của ông Có, bà Phỉ và công nhận bà Phán có quyền sử dụng diện tích đất nông nghiệp nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

    Tòa án cấp phúc thẩm xác định diện tích đất nghiệp 38.889m2 là di sản của cụ Bảo, cụ Chính và cụ Trinh chưa được định đoạt trong di chúc của cụ Bảo để chia thừa kế theo pháp luật  cho ông Có, bà Phán và bà Phỉ là không đúng.

    Mặt khác, trong trường hợp nếu cho rằng diện tích đất nông nghiệp 38.889m2 là di sản thừa kế thì Tòa án cấp phúc thẩm chia thừa kế cho ông Có, bà Phán, bà Phỉ đối với toàn bộ diện tích đất 38.889m2 cũng không đúng, vì  thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với phần di sản của cụ Chính và cụ Trinh đã hết.

    Ngoài ra, theo lời khai của bà Phỉ, bà Phán thì khi còn sống cụ Bảo đã cho bà Phỉ 7.000m2 đất nông nghiệp (70 cao), do bà Phỉ sống ở thành phố Hồ Chí Minh nên nhờ bà Phán bán và bà Phỉ đã nhận tiền. Do đó, phần đất này cũng không còn là tài sản của vợ chồng cụ Bảo. Tòa án cấp phúc thẩm xác định giá trị 7.000m2 đất nông nghiệp mà bà Phán đã bán vẫn là di sản của vợ chồng cụ Bảo để chia thừa kế cho ông Có, bà Phán, bà Phỉ là không đúng.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 2 Điều 297, Điều 298 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 399/2005/DSPT ngày 21-10-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giữ nguyên quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số02/2005/DS-ST ngày 27-5-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An.

    Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

    Tòa án cấp phúc thẩm đã sai lầm trong việc xác định di sản thừa kế.

     

     
    3343 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận