Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về quyền sử dụng đất"

Chủ đề   RSS   
  • #265194 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về quyền sử dụng đất"

    Số hiệu

    19/2007/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về quyền sử dụng đất"

    Ngày ban hành

    09/07/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 09 tháng 7 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa:

    Nguyên đơn: 

    1. Bà Ngô Thị Nhịnh sinh năm 1935; trú tại nhà số 141, Lê Quý Đôn, khu phố 8, phường An Bình, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    2. Bà Ngô Thị Nhẫn sinh năm 1933; trú tại nhà số 151, ấp Bình Lợi, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

    3. Bà Ngô Thị Đa sinh năm 1943; trú tại nhà số B18 Lý Thái Tổ, phường Vinh Quang, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    4. Bà Ngô Thị Thiểu sinh năm 1940; trú tại 1505 ELM OREEK LANE NORCROSS, GA 30093 – 2705 – USA.

     (Các bà Ngô Thị Đa, Ngô Thị Nhẫn uỷ quyền cho bà Ngô Thị Nhịnh đại diện tham gia tố tụng theo các giấy uỷ quyền ngày 03-6-2004 và ngày 14-10-2004).

    Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Hơn sinh năm 1960; trú tại nhà số 736/2 Lâm Quang Ky, khu phố 5, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. (Ủy quyền cho con gái là chị Nguyễn Thị Phụng, sinh năm 1980; trú tại nhà số 736/2 Lâm Quang Ky, khu phố 5, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đại diện tham gia tố tụng theo giấy uỷ quyền ngày 18-10-2004).

    NHẬN THẤY:

    Theo các nguyên đơn trình bày: Nguồn gốc 19.382,30m² trong đó có 300m² đất thổ cư, 8.157m² đất vườn và 10.925,1m² đất trồng lúa tại 736/2 Lâm Quang Ky, khu phố 5, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là của vợ chồng cụ Ngô Kim Phước và cụ Lê Thị Được. Năm 1947, cụ Được (cụ Phước đã chết) lập di chúc chia cho bốn cháu, gồm các bà: Ngô Thị Nhẫn, Ngô Thị Thiểu, Ngô Thị Nhịnh, Ngô Thị Đa. Bốn chị em thống nhất giao cho bà Ngô Thị Nhịnh quản lý, sử dụng. Khoảng năm 1978, bà Nhịnh đào mương lập vườn trồng dừa. Năm 1985, bà Nhịnh giao đất và tách hộ khẩu cho vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Thuận và chị Nguyễn Thị Hơn và những người con khác là các anh, chị: Nguyễn Ngọc Nguyên, Nguyễn Ngọc Duyên và Nguyễn Ngọc Hoa về đất này ở. Trong các năm 2002-2004 bà Nhịnh phân chia đất đang tranh chấp thành từng lô để chuyển nhượng cho anh Trương Minh Dũng, vợ chồng chị Hồ Thu Vân, anh Ngô Thanh Long và vợ chồng anh Hồng Văn Độ, chị Lê Thị Mê và một số người khác. Sau khi anh Thuận chết (năm 2002), chị Hơn có ý định hợp thức hóa quyền sử dụng đất, nhưng các nguyên đơn không đồng ý và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc chị Hơn trả toàn bộ diện tích đất thừa kế nêu trên và đồng ý cho chị Hơn 2000m² đất thổ cư và đất vườn.

    Chị Nguyễn Thị Hơn là bị đơn trình bày: Năm 1978, chị kết hôn với anh Nguyễn Ngọc Thuận, vợ chồng chị đã được bà Nhịnh tặng cho toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp (trước đó diện tích này bỏ hoang không ai sử dụng). Năm 1984 chị đưa 9.000m2 đất trồng lúa vào Tập đoàn sản xuất, đến năm 1989, Tập đoàn sản xuất giải thể đã giao trả lại chị 9.000mđất này. Đối với phần 10.000m2 đất vườn, vợ chồng chị canh tác trên cơ sở là thành viên Hội làm vườn phường An Hoà thành lập năm 1995 và được vay vốn, cải tạo sản xuất (có lời khai khác chị Hơn lại xác định đã đưa 10.000m2 đất vườn tạp và 9.000mđất trồng lúa vào Tập đoàn sản xuất, sau khi Tập đoàn sản xuất giải thể đã giao trả lại cho chị toàn bộ phần đất này). Ngày 12-5-1999, gia tộc đã lập “Biên bản họp gia tộc” có nội dung tặng cho vợ chồng chị toàn bộ diện tích đất tranh chấp. Vợ chồng chị đã canh tác sử dụng ổn định, đóng thuế đầy đủ từ năm 1978 đến nay; do đó, chị không chấp nhận yêu cầu đòi đất của các nguyên đơn.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số14/2005/DS-ST ngày 19-10-2005, Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định:

    “1- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi quyền sử dụng đất của các nguyên đơn do bà Ngô Thị Nhịnh đại diện theo ủy quyền. Bác yêu cầu của bà Nguyễn Thị Hơn đòi công nhận quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất 19.382,30m2 tại 736/2 Lâm Quang Ky, khu phố 5, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh   Kiên Giang.

    2- Ghi nhận sự tự nguyện của bà Ngô Thị Nhịnh đại diện cho các     nguyên đơn tặng cho quyền sử dụng đất thổ vườn diện tích 2000m² cho bà Nguyễn Thị Hơn.

    3- Buộc các nguyên đơn do bà Ngô Thị Nhịnh đại diện, phải có trách nhiệm thêm công sức giữ gìn và cải tạo đất cho bà Nguyễn Thị Hơn là 2000m² đất.

    Tổng diện tích đất bà Hơn được sử dụng là 4000m² tại địa chỉ nêu trên, đất có vị trí tứ cận:

    - Giáp lộ bê tông hướng biển, trước cửa nhà bà Hơn rộng 52,2m.

    - Giáp lộ bê tông đá thềm hướng ra đường Lâm Quang Ky dài 85,82m.

     - Giáp đất còn lại của các chị em bà Ngô Thị Nhịnh có chiều rộng 52,2m hướng nhà bà Nguyễn Ngọc Nguyên, Hồ Thu Vân và Hồng Văn Độ; chiều dài 85,82m giáp phía đất ruộng.

    Trong khuôn viên đất này có phần đất 480m2 thuộc quyền sử dụng của ông Trương Minh Dũng, đã có mốc giới riêng.

    4- Buộc bà Nguyễn Thị Hơn phải có trách nhiệm giao trả lại diện tích đất 14.902,30m2 tại địa chỉ nêu trên, cho các chị em bà Ngô Thị Nhịnh sử dụng, đất có mốc giới và vị trí tứ cận:

    - Giáp lộ bê tông đá thềm hướng từ đường Lâm Quang Ky vào là 25,58m

    - Giáp đất ông Trương Minh Hoàng và Nguyễn Minh Hùng là 156,8m.

    - Giáp đất của Trần Cẩm Chán là 130,60m.

    - Giáp lộ bê tông hướng biển trừ đi phần đất bà Hơn sử dụng, còn lại 87m và phần đất cánh buồm liền kề đất ruộng và thổ vườn, giáp đê quốc phòng diện tích 879,6 m² có các số đo (6m - 18,7m - 71,40m - 72,60m).

    Cây trái trên đất của các chị em bà Nhịnh và bà Hơn sử dụng, thì thuộc quyền sử hữu của người đó.”

    Ngoài ra bản án dân sự sơ thẩm còn quyết định về phần án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 01-11-2005, chị Nguyễn Thị Hơn có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án dân sự sơ thẩm với nội dung: nguồn gốc đất là do bên gia đình nhà chồng bỏ hoang, đến năm 1978 sau khi kết hôn với anh Thuận thì vợ chồng chị khai phá đất này. Phần 9.000m2 đất ruộng vào năm 1984 vợ chồng chị đã đưa vào Tập đoàn và khi Tập đoàn sản xuất giải thể đã giao lại cho gia đình chị, phần 10.000m² đất vườn vào năm 1995 vợ chồng chị canh tác sử dụng đất trên cơ sở là thành viên Hội làm vườn phường An Hòa; gia đình chị hàng năm nộp thuế và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác cho Nhà nước nên chị kháng cáo yêu cầu xử bác đơn khởi kiện của bà Nhịnh và giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất cho chị.

    Ngày 24-10-2005, bà Ngô Thị Nhịnh có đơn kháng cáo với nội dung: tại phiên tòa sơ thẩm bà chỉ đồng ý cho chị Hơn 2000m² đất, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại thừa nhận cho chị Hơn được quyền sử dụng 4000m² đất tranh chấp là không có cơ sở pháp luật và gây thiệt hại cho quyền lợi của bà.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 91/2006/DSPT ngày 22-3-2006, Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:   

    “Bác yêu cầu khởi kiện tranh chấp thừa kế quyền sử dụng 19.382,30m² đất của bà Ngô Thị Nhịnh và Ngô Thị Nhẫn, Ngô Thị Đa, Ngô Thị Thiểu do bà Nhịnh đại diện.

    Bà Nguyễn Thị Hơn được quyền sử dụng 19.382,30m² đất có cây ăn trái và hoa màu tọa lạc tại số 736/2 Lâm Quang Ky, khu phố 5, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Hiện trạng đất và ranh giới đất theo biên bản phân ranh ngày 26-5-2005 và biên bản thẩm định tài sản ngày 20-4-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang”

    Ngoài ra bản án dân sự phúc thẩm còn có quyết định về phần án phí dân  sự phúc thẩm.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, các bà Nhịnh, Nhẫn, Đa và Oanh có đơn khiếu nại với nội dung: nguồn gốc đất là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của các bà. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định năm 1984 vợ chồng chị Hơn đưa toàn bộ diện tích đất tranh chấp vào Tập đoàn sản xuất là nhận định chủ quan không có các chứng cứ chứng minh. Bản án cũng cho rằng phần đất tranh chấp này chị Hơn sử dụng đã có tên trong Sổ địa chính, nhưng các bà khẳng định trong Sổ địa chính không có tên chị Hơn. Các chị em bà không thừa nhận việc tặng cho theo “Biên bản họp gia tộc” ngày 12-5-1999. Tòa án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa những người con của bà Nhịnh sử dụng đất này từ năm 1980 cũng như những người mà bà Nhịnh đã đứng ra chuyển nhượng một phần đất tranh chấp cho họ là không đúng pháp luật.

    Các anh, chị Hồ Thu Vân, Lê Thị Mê, Hồng Văn Độ, Nguyễn Ngọc Duyên và Nguyễn Ngọc Hoa khiếu nại với nội dung: các anh, chị là những người sử dụng đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tặng cho quyền sử dụng đất của bà Nhịnh. Hiện nay các anh, chị đã xây dựng nhà cửa kiên cố ổn định từ đó đến nay không ai tranh chấp, ngăn cản. Khi giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Nhịnh và chị Hơn, Toà án không đưa các anh, chị vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết quyền lợi hợp pháp của các anh, chị là không đúng. Sau khi có bản án phúc thẩm, chị Hơn đã yêu cầu các anh, chị phải di dời nhà trả lại các phần đất nói trên cho chị Hơn. Các anh, chị yêu cầu xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm để các anh, chị được tiếp tục ở và ổn định cuộc sống.

    Tại Quyết định số49/2007/KN-DS ngày 13-4-2007, Chánh án Tòa án  nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 91/2006/DSPT ngày 22-3-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số14/2005/DS-ST ngày 19-10-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:

    “Nguồn gốc 19.382,30m2 đất đang tranh chấp (trong đó có 300m2 đất thổ cư, 8.157,20m2 đất vườn và 10.925,1m2 đất trồng lúa) tại số 736/2 Lâm Quang Ky, khu phố 5, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là của vợ chồng cụ Ngô Kim Phước và cụ Lê Thị Được. Năm 1947, cụ Được (cụ Phước đã chết) lập di chúc chia thừa kế phần đất này cho bốn người cháu là các bà Ngô Thị Nhẫn, Ngô Thị Thiểu, Ngô Thị Nhịnh, Ngô Thị Đa. Sau đó, các bà Nhẫn, Thiểu, Đa, Nhịnh đều thống nhất giao toàn bộ diện tích đất nêu trên cho bà Nhịnh quản lý, sử dụng. Sau khi anh Nguyễn Ngọc Thuận (là con của bà Nhịnh) kết hôn với chị Nguyễn Thị Hơn thì vợ chồng anh Thuận, chị Hơn về ở trên đất này và đến khoảng năm 1983-1984 các anh, chị Nguyễn Ngọc Nguyên, Nguyễn Ngọc  Uyên, Nguyễn Ngọc Hoa (là những người con khác của bà Nhịnh) cũng về ở trên đất này.

    Chị Hơn cho rằng từ khi chị lấy anh Thuận (năm 1978) thì vợ chồng chị đã được bà Nhịnh cho toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp (trước đó diện tích đất này bỏ hoang không ai sử dụng), năm 1984 chị đã đưa 9.000m2 đất trồng lúa vào Tập đoàn sản xuất, đến năm 1989 Tập đoàn sản xuất giải thể và trả lại chị 9.000m2 đất này (có lời khai khác chị Hơn lại xác định đã đưa 10.000mđất vườn tạp và 9.000m2đất ruộng vào Tập đoàn sản xuất, sau khi Tập đoàn sản xuất giải thể đã giao trả lại cho chị toàn bộ phần đất này); ngày 12-5-1999, gia tộc đã lập “Biên bản họp gia tộc” có nội dung cho vợ chồng chị toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp. Tuy nhiên, bà Nhịnh không thừa nhận việc bà đã cho vợ chồng chị Hơn diện tích đất đang tranh chấp; trong khi đó, “Biên bản họp gia tộc” ngày 12-5-1999 không có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cũng chỉ thể hiện bà Nhịnh và hai người con của bà Nhịnh ký tên mà không có sự đồng ý của các đồng thừa kế khác là các bà Nhẫn, Thiểu, Đa; còn chị Hơn không xuất trình được chứng cứ khác chứng minh là đã được cả bốn bà Nhẫn, Thiểu, Nhịnh, Đa cho toàn bộ diện tích đất nêu trên. Trong khi đó, tại hồ sơ vụ án chỉ có các lời khai của các nhân chứng về việc 9.000m2đất trồng lúa được đưa vào Tập đoàn sản xuất; các “Phiếu giao nhận thanh toán khoán”, “Phiếu giao khoán” (đều là các bản photocopy) chỉ thể hiện tại mục diện tích khoán là 0,6ha và cũng không có xác nhận của chính quyền địa phương về việc này.

    Như vậy, việc Tòa án cấp phúc thẩm xác định là năm 1984 vợ chồng chị Hơn đã đưa toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp vào Tập đoàn sản xuất, đến năm 1989 Tập đoàn sản xuất giải thể và giao lại cho vợ chồng chị Hơn trực tiếp canh tác; từ đó đã quyết định bác yêu cầu đòi quyền sử dụng 19.382,30m2 đất của các bà Nhịnh, Nhẫn, Đa, Thiểu là chưa đủ căn cứ; Tòa án cấp sơ thẩm xác định việc tặng cho thể hiện tại “Biên bản họp gia tộc” ngày 12-5-1999 là vô hiệu là có cơ sở, nhưng lại chấp nhận yêu cầu của các bà Nhịnh, Nhẫn, Đa, Thiểu đòi quyền sử dụng cả 19.382,30m2 đất là chưa đủ căn cứ, vì chưa xác minh làm rõ có hay không có việc đưa một phần hay toàn bộ diện tích đất này vào Tập đoàn sản xuất rồi sau đó Tập đoàn sản xuất giải thể và giao lại cho chị Hơn sử dụng.

    Ngoài ra, theo “Biên bản thẩm định hiện trạng tài sản” ngày 20-4-2005 thì trên 19.382,30m2 đất tranh chấp có nhà của anh Trương Minh Dũng trên khuôn viên đất có chiều rộng 20m, chiều dài 24m; có nhà của ông Ngô Thanh Long trên khuôn viên đất có chiều rộng 5m, chiều dài 20m; có nhà của bà Lê Thị Mê trên khuôn viên đất có chiều rộng 5m, chiều dài 20m; có nhà của anh Nguyễn Ngọc Nguyên trên khuôn viên đất có chiều rộng 8m, chiều dài 20m (việc xây dựng nhà và sử dụng đất của những người này là trên cơ sở các hợp đồng tặng cho và chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà Nhịnh hoặc bà Hơn); nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa những người này vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết quyền, nghĩa vụ của họ, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.”

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với quyết định kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    1. Nguồn gốc 19.382,30m² đất tranh chấp (trong đó có 300m² đất thổ cư, 8.157,20m² đất vườn và 10.925,1m² đất trồng lúa) tại số 736/2 Lâm Quang Ky, khu phố 5, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là của vợ chồng cụ Ngô Kim Phước và cụ Lê Thị Được. Cụ Phước đã chết từ lâu không rõ năm. Năm 1947 cụ Được lập di chúc cho bốn người cháu là các bà Ngô Thị Nhẫn, Ngô Thị Thiểu, Ngô Thị Nhịnh, Ngô Thị Đa diện tích đất này. Sau đó, các bà thống nhất giao cho bà Ngô Thị Nhịnh quản lý, sử dụng. Năm 1985, bà Ngô Thị Nhịnh cho vợ chồng chị Nguyễn Thị Hơn, anh Nguyễn Ngọc Thuận và những người con khác là các anh, chị: Nguyễn Ngọc Nguyên, Nguyễn Ngọc Duyên và Nguyễn Ngọc Hoa về đất này ở. Ngày 12-5-1999, bà Nhịnh và hai con bà Nhịnh là chị Nguyễn Ngọc Hoa, anh Nguyễn Ngọc Tiến lập “Biên bản họp gia tộc” có nội dung tặng cho anh Nguyễn Ngọc Thuận toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp. Như vậy, nguồn gốc diện tích đất là của cụ Phước và cụ Được khi tranh chấp bà Nhịnh đã xuất trình tờ “Trích lục địa bộ” của Ty Điền địa Kiên Giang trong đó một phần bằng tiếng Việt Nam, một phần bằng tiếng Pháp và tờ “Hoạ đồ” thửa đất đứng tên cụ Lê Thị Được. Những giấy tờ này chỉ là các bản photocopy không có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, cần phải xác minh tính xác thực của những văn bản trên, từ đó mới có cơ sở xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất là của Toà án hay của Uỷ ban nhân dân theo quy định của pháp luật.

    2. Về việc bà Nhịnh và hai con bà Nhịnh là chị Nguyễn Ngọc Hoa và anh Nguyễn Ngọc Tiến lập “Biên bản họp gia tộc” tặng cho chồng chị Hơn là anh Nguyễn Ngọc Thuận diện tích đất đang tranh chấp thì bà Nhịnh không thừa nhận là đã cho và theo di chúc của cụ Được thì diện tích đất này là của chung bốn người là các bà: Nhẫn, Thiểu, Nhịnh và Đa. Vì vậy, dù bà Nhịnh có cho anh Thuận diện tích đất này cũng là trái pháp luật. Mặt khác việc tặng cho không có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời bà Nhịnh vẫn thực hiện quyền quản lý sử dụng của mình, điều đó thể hiện năm 2002, năm 2004 còn phân chia diện tích đất này ra làm nhiều thửa để rồi chuyển nhượng cho một số người khác. Do đó, chưa có cơ sở để cho rằng bà Nhịnh đã cho vợ chồng anh Thuận, chị Hơn toàn bộ diện tích đất này.

    3. Quá trình ở tại diện tích đất này, theo chị Hơn khai đã đưa 9.000m2 đất vào Tập đoàn sản xuất nhưng phía bà Nhịnh không thừa nhận và cho rằng diện tích đất là đất lấn biển nên không có việc đưa vào Tập đoàn sản xuất, mặt khác các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chỉ có các “Phiếu giao nhận thanh toán khoán”, “Phiếu giao khoán” (đều là các bản photocopy) cũng chỉ thể hiện tại mục diện tích khoán là 0,6ha trong khi đó tổng diện tích đất tranh chấp lại là 19.382,30m² và có ba loại đất: đất thổ cư, đất vườn và đất nông nghiệp. Vì vậy, cần phải xác minh thu thập những vấn đề này để xác định diện tích đất đã được đưa vào Tập đoàn sản xuất hay chưa, và nếu có thì cụ thể là diện tích đất nào.

    4. Theo “Biên bản thẩm định hiện trạng tài sản” ngày 20-4-2005 thì trên 19.382,30m² đất tranh chấp có căn nhà của anh Trương Minh Dũng trên khuôn viên đất có chiều rộng 20, chiều dài 24m; có căn nhà của anh Ngô Thanh Long trên khuôn viên đất có chiều rộng 5m, chiều dài 20m; có căn nhà của chị Lê Thị Mê trên khuôn viên đất có chiều rộng 5m, chiều dài 20m; có căn nhà của anh Nguyễn Ngọc Nguyên trên khuôn viên đất có chiều rộng 8m, chiều dài 20m. Các anh, chị nêu trên sử dụng đất trên cơ sở các hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà Nhịnh hoặc bà Hơn. Thế nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa các anh, chị này vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xác minh thu thập các chứng cứ về nguồn gốc, các căn cứ sử dụng đất và thực tế việc sử dụng đất của các anh, chị như thế nào để giải quyết quyền và nghĩa vụ của các anh, chị theo quy định của pháp luật là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

        Bởi các lẽ trên, căn cứ  khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

        1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 91/2006/DSPT ngày 22-3-2006 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số14/2005/DS-ST ngày 19-10-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn  là các bà: Ngô Thị Nhịnh, Ngô Thị Nhẫn, Ngô Thị Đa và Ngô Thị Thiểu với bị đơn là chị Nguyễn Thị Hơn.

        2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Bản trích lục địa bộ chỉ là bản copy không có công chứng, chứng thực; việc cho tài sản của một số đương sự là trái pháp luật; chưa xác định được có hay không việc đưa một số diện tích đất vào tập đoàn sản xuất; Tòa án các cấp cũng đã không đưa những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

     
    3159 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận