Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp thừa kế tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265437 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp thừa kế tài sản"

    Số hiệu

    19/2009/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp thừa kế tài sản"

    Ngày ban hành

    30/07/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự


    ……..

    Ngày 30 tháng 7 năm 2009, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp thừa kế tài sản” giữa:

    Nguyên đơn:

    1. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, sinh năm 1953; trú tại nhà số 150 Huỳnh Thúc Kháng, phường Thị Nại, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

    2. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, sinh năm 1954; trú tại nhà số 49 đường Biên Cương, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

    3. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, sinh năm 1961; trú tại nhà số 49 đường Biên Cương, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

    4. Bà Nguyễn Thị Kim Yến, sinh năm 1964; hiện cư trú tại Thụy Điển, bà Yến ủy quyền cho bà Thu đại diện.

    Bị đơn:

    1. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, sinh năm 1945.

    2. Ông Huỳnh Văn Thẩm, sinh năm 1947.

    Bà Hoa, ông Thẩm cùng trú tại nhà số 20 Kiến Ốc, Nguyễn Thị Minh Khai, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

                                                                                                NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản đề ngày 16-3-2007 và quá trình tố tụng, các bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Xuân Thu và Nguyễn Thị Kim Yến (do bà Thu làm đại diện) trình bày:

    Ngôi nhà 49 đường Biên Cương, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là do bà Nguyễn Thị Thanh Xuân và cụ Nguyễn Thị Vạn (mẹ của các bà) mua của cụ Đặng Ngọc Khánh, cụ Phạm Thị Thu vào năm 1976 và được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho bà Xuân và cụ Vạn vào năm 1993. Năm 1993 vợ chồng bà Hoa (chị gái của các bà) tranh chấp căn nhà này với cụ Nguyễn Xuân Long (cha của các bà) và khởi kiện ra toà, Toà án các cấp đã xét xử. Quyết định giám đốc thẩm số12/UBTP-DS ngày 02-5-1998 của Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định công nhận ngôi nhà 49 đường Biên Cương thuộc sở hữu chung của cụ Nguyễn Xuân Long, cụ Nguyễn Thị Vạn và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân; buộc cụ Long phải trả cho vợ chồng bà Hoa 57.645.600 đồng.

    Sau khi cụ Vạn chết (năm 1999), cụ Long chết (năm 2001), bà Yến định cư nước ngoài, vợ chồng bà Hoa vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, thì các bà quản lý căn nhà trên và thờ cúng tổ tiên. Do căn nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, các bà có ý định xây dựng lại, nhưng vợ chồng bà Hoa ngăn cản với lý do cụ Long chưa trả tiền theo quyết định của các bản án trước đây, vì vậy, các bà đã góp tiền trả cho bà Hoa 57.645.600 đồng nhưng bà Hoa không nhận mà tiếp tục khiếu nại.

     Bà Xuân yêu cầu công nhận quyền phần sở hữu của bà là 1/2 căn nhà 49 đường Biên Cương; phần của cụ Vạn, cụ Long là 1/2 căn nhà, yêu cầu chia thừa kế theo quy định của pháp luật, đồng thời bà Xuân xin nhận toàn bộ ngôi  nhà 49 đường Biên Cương để làm nơi thờ cúng và đồng ý thanh toán cho những người thừa kế khác kỷ phần mà họ được hưởng.

    Bà Thu, bà Vân cho rằng ngày 25-02-1994 cụ Vạn lập di chúc có nội dung để lại toàn bộ tài sản của cụ cho bà Vân và bà Yến, di chúc có chứng thực của Công chứng nhà nước vào năm 1994, nên đề nghị thực hiện theo di chúc đối với phần di sản của cụ Vạn; còn phần di sản của cụ Long (nếu có) đề nghị chia theo pháp luật. Bà Thu, bà Vân đồng ý để bà Xuân được sở hữu căn nhà 49 đường Biên Cương và thanh toán kỷ phần mà các bà được hưởng.

    Bà Yến (hiện định cư tại Thuỵ Điển) nhường kỷ phần thừa kế mà bà được hưởng cho bà Thu.

    Bị đơn là bà Nguyễn Thị Thanh Hoa và ông Huỳnh Văn Thẩm trình bày: Nguồn gốc ngôi nhà 49 đường Biên Cương là do cụ Long, cụ Vạn mua của cụ Khánh, cụ Thu vào tháng 2-1976 với giá 1000 đồng; tháng 6-1978 gia đình đã trích bán cho ông, bà 3 phòng trước mặt đường với giá 4000 đồng; do có tranh chấp trong việc mua bán nhà nên Toà án các cấp đã xét xử và tại Quyết định số12/UBTP-DS ngày 02-5-1998 Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã huỷ quyền sở hữu của cụ Vạn và bà Xuân, buộc cụ Long trả cho vợ chồng bà số tiền 57.645.600 đồng là giá trị 3 phòng trước; nhưng cụ Long chưa thi hành quyết định này của Tòa án và hai cụ đã chết nên bà Hoa, ông Thẩm yêu cầu nhận 3 phòng trước vì đã mua và xin được chia thừa kế tài sản còn lại của cụ Long, cụ Vạn tại ngôi nhà trên. Bà Hoa đề nghị được quyền sở hữu toàn bộ ngôi nhà 49 đường Biên Cương và bà sẽ thanh toán lại bằng tiền cho các thừa kế khác theo kỷ phần mà họ được hưởng.

    Về di chúc đề tên cụ Vạn do các nguyên đơn xuất trình là di chúc không hợp pháp vì tại thời điểm lập di chúc cụ Vạn bị liệt nên không thể viết và ký được, đồng thời bà Hoa yêu cầu giám định di chúc trên.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 14/2007/DSST ngày 20-11-2007 Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định quyết định:

    1. Công nhận ngôi nhà 49 Biên Cương, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn thuộc quyền sở hữu chung của bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, cụ Nguyễn Thị Vạn và cụ Nguyễn Xuân Long trong đó bà Nguyễn Thị Thanh Xuân được quyền sở hữu 1/2 ngôi nhà, cụ Nguyễn Thị Vạn được sở hữu 1/4 ngôi nhà, cụ Nguyễn Xuân Long được quyền sở hữu 1/4 ngôi nhà.

    2. Giao cho bà Nguyễn Thị Thanh Xuân được trọn quyền sở hữu căn nhà 49 Biên Cương, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn có diện tích 186m2 trị giá 954.696.000 đồng. Sau khi có nghĩa vụ thối lại quyền về tài sản của cụ Nguyễn Thị Vạn là 212.154.667 đồng và quyền về tài sản của cụ Nguyễn Xuân Long là 265.193.333 đồng.

    3. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, bà Nguyễn Thị Kim Yến được nhận di sản thừa kế theo di chúc của cụ Nguyễn Thị Vạn trị giá 212.154.667 đồng; trong đó, bà Vân được nhận 106.077.333 đồng, bà Yến được nhận 106.077.333 đồng.

    Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân có nghĩa vụ giao số tiền 212.154.667 đồng của cụ Nguyễn Thị Vạn cho bà Nguyễn Thị Thanh Vân 106.077.333 đồng, bà Nguyễn Thị Kim Yến 106.077.333 đồng.

    4. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa và ông Huỳnh Văn Thẩm được nhận số tiền 57.645.600 đồng (theo bản án số 56 ngày 30-10-1996 của Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng) và tiền lãi chậm thi hành của số tiền trên tính cho đến nay là 68.819.839 đồng. Tổng cộng là 126.465.439 đồng của cụ Nguyễn Xuân Long.

    - Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân có nghĩa vụ giao số tiền 126.465.439 đồng của cụ Nguyễn Xuân Long cho bà Nguyễn Thị Thanh Hoa và ông Huỳnh Văn Thẩm.

    5. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, bà Nguyễn Thị Kim Yến mỗi người được nhận di sản thừa kế theo pháp luật của cụ Nguyễn Xuân Long là 27.159.122 đồng.

    - Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân có nghĩa vụ giao số tiền của cụ Nguyễn Xuân Long cho bà Nguyễn Thị Thanh Hoa 27.159.122 đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Vân 27.159.122 đồng, bà Nguyễn Thị Xuân Thu 27.159.122 đồng, Nguyễn Thị Kim Yến 27.159.122 đồng.

    6. Công nhận sự tự nguyện thoả thuận của bà Nguyễn Thị Kim Yến cho kỷ phần được nhận di sản thừa kế 106.077.333 đồng của cụ Nguyễn Thị Vạn và 27.159.122 đồng của cụ Nguyễn Xuân Long cho bà Nguyễn Thị Xuân Thu trọn quyền sở hữu.

    7. Bà Xuân đã nộp thay cho cụ Nguyễn Xuân Long 2.932.280 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm và dân sự phúc thẩm (theo bản án số 56 ngày 30-10-1996 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng) vào ngày 30-6-2006 đã được trừ vào tài sản của cụ Nguyễn Xuân Long(đã thi hành xong).

    8. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân được nhận lại số tiền 57.645.600 đồng mà bà đã nộp cho Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định vào ngày 30-6-2006 và tiền lãi của số tiền này tại Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí giám định, định giá; tuyên quyền kháng cáo của các đương sự và nghĩa vụ do chậm thi hành án.

    Ngày 30-11-2007 các bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Xuân Thu có đơn kháng cáo với nội dung:

    Tòa án cấp sơ thẩm dùng di sản của cụ Long chia thừa kế cho bà Hoa một kỷ phần là không đúng vì cụ Long đã có giấy từ bỏ bà Hoa.

    Tòa án cấp sơ thẩm tính lãi quá hạn của 57.000.000 đồng để buộc cụ Long trả và khấu trừ vào di sản thừa kế của cụ Long rồi mới chia cho các thừa kế là không đúng vì phần này đã được giải quyết ở một bản án đã có hiệu lực pháp luật.

    Ngày 30-11-2007 bà Hoa và ông Thẩm có đơn kháng cáo với nội dung:

    Bà Xuân chỉ là người đứng tên giùm trong việc mua bán nhà năm 1976 nhưng Tòa án lại xác định quyền sở hữu của bà Xuân đối với 1/2 ngôi nhà 49 Biên Cương là không đúng.

    Đề nghị công nhận vợ chồng bà có quyền sở hữu 3 phòng trước của nhà 49 Biên Cương như điều 4 của bản án phúc thẩm số 56/DSPT ngày 30-10-1996 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và điều 2 của Quyết định số12/UBTP-DS ngày 02-5-1998 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và đề nghị định giá lại giá trị 3 phòng vào thời điểm thi hành án.

    Đề nghị xem xét lại tờ di chúc do các nguyên đơn xuất trình.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 80/2008/DSPT ngày 26-6-2008, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã quyết định sửa án sơ thẩm:

    1- Giao ngôi nhà số 49 đường Biên Cương, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có diện tích 186m2 cho bà Nguyễn Thị Thanh Xuân được  trọn quyền sở hữu.

    2- Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân có nghĩa vụ thối lại cho bà Nguyễn Thị Thanh Vân và bà Nguyễn Thị Kim Yến mỗi người là 147.000.423 đồng là giá trị của kỷ phần được thừa kế của cụ Vạn và cụ Long.

    3- Bà Xuân có nghĩa vụ thanh toán lại cho bà Nguyễn Thị Thanh Hoa và bà Nguyễn Thị Xuân Thu mỗi người với số tiền là 40.923.090 đồng là giá trị của kỷ phần được thừa kế của cụ Long.

    4- Công nhận sự tự nguyện của bà Nguyễn Thị Kim Yến cho bà Nguyễn Thị Xuân Thu được sở hữu toàn bộ giá trị kỷ phần của bà Nguyễn Thị Kim Yến được thừa kế của cụ Vạn và  cụ Long.

    5- Huỷ bỏ bản án sơ thẩm dân sự số 14 ngày 20-11-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đối với phần tuyên xử bà Nguyễn Thị Thanh Hoa và ông Huỳnh Văn Thẩm được nhận số tiền 57.645.600 đồng (theo bản án số 56 ngày 30-10-1996 của Tòa  án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng) và tiền lãi chậm thi hành của số tiền trên tính cho đến nay là 68.819.839 đồng. Tổng cộng là 126.465.439 đồng của cụ Long.

    Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí, chi phí giám định, định giá và nghĩa vụ do chậm thi hành án.

    Ngày 12-8-2008 bà Nguyễn Thị Thanh Hoa có đơn khiếu nại đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm.

    Tại Công văn số33/CV-ĐĐBQH ngày 09-4-2009, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét bản án phúc thẩm nêu trên theo trình tự giám đốc thẩm.

    Tại Quyết định số119/2009/KN-DS ngày 01-4-2009, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên;đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 14/2007/DSST ngày 20-11-2007 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, với nhận định:

    Căn nhà 49 Biên Cương, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tuy Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đứng tên cụ Nguyễn Thị Vạn và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân từ ngày 25-02-1993, nhưng tại Quyết định giám đốc thẩm số12/UBTP-DS ngày 02-5-1998 Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xác định tuy cụ Long không đứng tên trong giấy tờ mua bán nhà với ông Khánh nhưng theo xác nhận của ông Khánh thì cụ Long trực tiếp giao dịch mua bán và giao tiền mua bán cho ông Khánh, còn việc đứng tên trong giấy tờ mua bán là do cụ Long yêu cầu để cho vợ cụ Long là cụ Vạn và con gái của cụ Long là bà Xuân đứng tên để dễ dàng làm giấy tờ. Do đó, có cơ sở xác định ngôi nhà 49 Biên Cương là tài sản của cụ Long, cụ Vạn và bà Xuân.

    Trong trường hợp này lẽ ra phải xem xét xác định công sức cụ thể của cụ Long, cụ Vạn và bà Xuân trong việc tạo lập căn nhà từ đó xác định kỷ phần sở hữu của từng người và di sản của cụ Long, cụ Vạn. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bà Xuân có quyền sở hữu 1/2 căn nhà, còn cụ Long, cụ Vạn mỗi người có quyền sở hữu 1/4 căn nhà là chưa có căn cứ vững chắc.

    Cụ Vạn và cụ Long có 5 người con chung là bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Thanh Hoa, Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Xuân Thu, Nguyễn Thị Kim Yến. Cụ Vạn chết năm 1999, nhưng trước khi chết, năm 1994 cụ Vạn lập di chúc để lại tài sản cho bà Vân và bà Yến, di chúc trên được Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bình Định chứng nhận vào ngày 25-02-1994; theo kết quả giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Định thì chữ ký dạng chữ viết Vạn” là của cụ Nguyễn Thị Vạn nên di chúc của cụ Vạn là hợp pháp. Cụ Long chết năm 2001, không để lại di chúc. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chia thừa kế tài sản của cụ Vạn theo di chúc của cụ Vạn và chia tài sản của cụ Long theo quy định của pháp luật là có cơ sở.

    Tuy nhiên, thực tế vợ chồng bà Hoa sống cùng cụ Vạn, cụ Long tại căn nhà 49 đường Biên Cương, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn từ năm 1978; hiện vợ chồng bà Hoa vẫn quản lý 03 phòng phía trước của căn nhà 49 đường Biên Cương và có nhu cầu được sử dụng một phần căn nhà trên. Trong thực tế căn nhà có tranh chấp có diện tích là 117,6m2 trên 186m2 đất có điều kiện để chia bằng hiện vật cho các đương sự mà vẫn đảm bảo giá trị sử dụng nhà đất. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại chia cho các đương sự được hưởng bằng giá trị và giao toàn bộ căn nhà trên cho bà Xuân sở hữu là không hợp lý, hợp tình, không đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 14/2007/DSST ngày 20-11-2007 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

                                                                                   XÉT THẤY:

    Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì tuy mẹ con cụ Nguyễn Thị Vạn và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân đứng tên trong giấy mua bán căn nhà số 49 đường Biên Cương, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định của vợ chồng cụ Đặng Ngọc Khánh vào tháng 2-1976 và ngày 25-02-1993 cụ Vạn, bà Xuân được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn nhà trên. Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp quyền sở hữu căn nhà, tại bản án dân sự phúc thẩm số 56 ngày 30-10-1996, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xác định “căn nhà 49 Biên Cương, Ngô Mây, Quy Nhơn là của ông Khánh, bà Thu bán cho ông Long, bà Vạn năm 1976 với giá (theo giấy bán đoạn nhà và nhượng đất công) là 1.000 đồng. Ông Long là người trực tiếp giao dịch mua nhà và trả tiền cho ông Khánh, nhưng để cho vợ là bà Nguyễn Thị Vạn và con gái là chị Nguyễn Thị Thanh Xuân đứng tên người mua trong giấy tờ mua bán. Thực tế theo xác nhận của ông Khánh, ông Lai (em ruột của ông Long) và ông Hiệp Thanh thì người mua nhà chính là ông Long, bà Vạn; tiền mua nhà ông Long vay ông Thanh 1 lạng vàng lá Kim Thành (vay ngày 12-02-1976 mua nhà ngày 20-2-1976)”.

    Sau khi xét xử phúc thẩm thì cụ Vạn, cụ Long bà Xuân và những người con khác của hai cụ không khiếu nại bản án phúc thẩm trên mà chỉ có bà Hoa, ông Thẩm khiếu nại.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số12/UBTP-DS ngày 02-5-1998, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xác định “tuy cụ Long không đứng tên trong giấy tờ mua bán nhà với ông Khánh nhưng theo xác nhận của ông Khánh thì cụ Long trực tiếp giao dịch mua bán và giao tiền mua bán cho ông Khánh, còn việc đứng tên trong giấy tờ mua bán là do cụ Long yêu cầu để cho vợ cụ Long là cụ Vạn và con gái của cụ Long là bà Xuân đứng tên để dễ dàng làm giấy tờ. Do đó, có cơ sở xác định ngôi nhà 49 Biên Cương là tài sản của cụ Long, cụ Vạn và bà Xuân.”

    Như vậy, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã khẳng định căn nhà có tranh chấp là của cụ Long, cụ Vạn và bà Xuân.

    Với các chứng cứ như Tòa án cấp phúc thẩm và Ủy ban Thẩm phán đã xác định và viện dẫn thì có cơ sở xác định cụ Long, cụ Vạn là người bỏ 1 lượng vàng để mua căn nhà của vợ chồng cụ Khánh để cụ Vạn, bà Xuân đứng tên. Trong trường hợp này lẽ ra phải xác minh làm rõ khi mua căn nhà trên thì bà Xuân có đóng góp tiền để mua nhà hay không vì bà Xuân khi đó mới 23 tuổi và đang ở cùng cụ Long, cụ Vạn, đồng thời xác minh làm rõ ai là người nộp tiền xin hợp thức căn nhà và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu năm 1993, đồng thời xác minh làm rõ 1 lượng vàng mà cụ Long vay của ông Thanh có đủ để mua căn nhà hay không? Nếu thiếu thì ai là người đóng góp thêm và đóng góp bao nhiêu. Trong trường hợp không có tài liệu gì khác xác định bà Xuân có bỏ tiền cùng với cha mẹ mua căn nhà trên thì phải xác định tiền mua nhà là của cụ Long, cụ Vạn, còn bà Xuân có một phần công sức trong việc đứng tên và kê khai hợp thức hóa căn nhà để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Trên cơ sở đó mới xác định giá trị kỷ phần của cụ Long, cụ Vạn và bà Xuân để giải quyết vụ án thì mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh các vấn đề nêu trên, nhưng lại xác định bà Xuân có quyền sở hữu 1/2 căn nhà là không đúng. Hơn nữa, trong thực tế cụ Vạn chết trước cụ Long và cụ Vạn có di chúc cho bà Vân, bà Yến được thừa kế tài sản của cụ. Do cụ Long được thừa kế tài sản của cụ Vạn không phụ thuộc vào di chúc theo quy định tại Điều 672 Bộ luật dân sự năm 1995 nên giá trị kỷ phần của cụ lớn hơn kỷ phần cụ Vạn, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định cụ Long, cụ Vạn mỗi người có quyền sở hữu 1/4 căn nhà để chia thừa kế là không đúng. Hơn nữa theo quyết định của bản án dân sự phúc thẩm số 56/DSPT ngày 30-10-1996 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng thì cụ Long phải thanh toán lại cho bà Hoa, ông Thẩm số tiền 57.645.600 đồng giá trị 3 phòng trước của căn nhà 49 Biên Cương, nhưng cụ Long chưa thi hành quyết định này nên phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản của cụ Long trước, phần tài sản của cụ Long nếu còn mới chia cho các đồng thừa kế theo pháp luật.

    Mặt khác, thực tế bà Hoa, ông Thẩm sống cùng cụ Vạn, cụ Long tại căn nhà 49 đường Biên Cương, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn từ sau khi mua nhà, hiện vợ chồng bà Hoa vẫn quản lý 03 phòng phía trước của căn nhà 49 đường Biên Cương, có nhu cầu được sử dụng và yêu cầu chia một phần căn nhà trên để ở. Trong khi đó bà Vân, bà Thu đều yêu cầu nhận kỷ phần thừa kế bằng giá trị, còn bà Yến đã định cư ở nước ngoài, chỉ có bà Xuân và bà Hoa xin được chia thừa kế bằng hiện vật, trong khi đó căn nhà 49 đường Biên Cương có diện tích là 117,6m2 trên 186m2 đất có điều kiện để chia bằng hiện vật cho các đương sự mà vẫn đảm bảo giá trị sử dụng nhà đất. Lẽ ra, phải chia hiện vật cho bà Hoa và bà Xuân mới đúng nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại nhận định cho rằng vợ chồng bà Hoa trú tại thành phố Hồ Chí Minh (thực tế chỉ là tạm trú) không có nhu cầu về nhà đất ở Qui Nhơn từ đó giao toàn bộ căn nhà trên cho bà Xuân sở hữu và chỉ chia cho bà Hoa bằng giá trị là không hợp lý, hợp tình, không đảm bảo quyền lợi của bà Hoa.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

                                                                                   QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 80/2008/DSPT ngày 26-6-2008 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 14/2007/DSST ngày 20-11-2007 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định về vụ án “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn là các bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Xuân Thu, Nguyễn Thị Kim Yến với bị đơn là bà Nguyễn Thị Thanh Hoa và ông Huỳnh Văn Thẩm.

     2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

     

     
    4775 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận