Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về nuôi con"

Chủ đề   RSS   
  • #265432 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về nuôi con"

    Số hiệu

    15/2009/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về nuôi con"

    Ngày ban hành

    16/07/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

    ……..

    Ngày 16 tháng 7 năm 2009, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp về nuôi con” giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Anh Đặng Thành Trung, sinh năm 1977; trú tại: ấp Bàu Sim, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơn:  Chị Lê Thị Thu Hà, sinh năm 1979; trú tại: tổ 11, ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện (không ghi ngày, tháng) năm 2002 và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn là anh Đặng Thành Trung trình bày: anh kết hôn với chị Lê Thị Thu Hà năm 1999 trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn, vợ chồng sống hạnh phúc được 2 năm thì phát sinh mâu thuẫn và sống ly thân, nên anh xin ly hôn. Về con chung, vợ chồng có 1 con chung là cháu Đặng Quang Trường sinh ngày 24-10-2000, hiện cháu đang ở với anh, nên khi ly hôn anh Trung xin nuôi con chung và không yêu cầu chị Hà cấp dưỡng nuôi con chung. Về tài sản chung, không có nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.

    Bị đơn là chị Hà đồng ý ly hôn, xin được nuôi con chung và không yêu cầu anh Trung cấp dưỡng nuôi con chung, nhưng chị Hà yêu cầu anh Trung cấp dưỡng một lần cho chị là 15.000.000 đồng; về tài sản chung không có nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/DSST ngày 25-9-2002, Tòa án nhân dân  huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Anh Đặng Thành Trung được ly hôn chị Lê Thị Thu Hà.

    Về con chung: Bác yêu cầu của chị Hà về việc yêu cầu được trực tiếp nuôi con chung; anh Trung được quyền tiếp tục nuôi trẻ Đặng Quang Trường, sinh ngày 14-10-2000, anh Trung không yêu cầu trợ cấp nuôi con; chị Hà được quyền đến thăm con. Vì lợi ích của con khi cần thiết hai bên có quyền xin thay đổi việc nuôi con và mức đóng góp nuôi dưỡng giáo dục con.

    Về tài sản chung không có.

    Bác yêu cầu của chị Hà về việc đòi anh Trung trợ cấp khó khăn là 15 triệu đồng.

    Án phí dân sự sơ thẩm buộc anh Trung phải chịu 25.000 đồng, buộc chị Hà phải chịu 775.000 đồng. Hoàn lại 50.000 đồng tiền tạm nộp án phí cho anh Đặng Thành Trung theo biên lai thu số 027864 của Đội thi hành án huyện Củ Chi thu ngày 26-6-2002.

    Ngòai ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Ngày 10-5-2003 chị Hà kháng cáo.

    Tại Quyết định bác kháng cáo số 1491/BKC ngày 09-9-2003, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    “Bác kháng cáo quá hạn của chị Lê Thị Thu Hà; Bản án sơ thẩm số 08/DSST ngày 25-9-2002 của Tòa án nhân dân huyện Củ Chi có hiệu lực thi hành”.

    Ngòai ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Chị Hà khiếu nại đối với bản án ly hôn sơ thẩm và Quyết định bác kháng cáo quá hạn nêu trên.

    Tại Quyết định số01/KN-HNGĐ-GĐT ngày 09-3-2004, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị phần quyết định về nuôi con chung của bản án số 08/DSST ngày 25-9-2002 của Tòa án nhân dân huyện Củ Chi; đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm hủy quyết định về nuôi con chung của bản án dân sự sơ thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại việc tranh chấp về nuôi con giữa anh Trung với chị Hà.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số07/HN-GĐT ngày 06-5-2004, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; hủy phần quyết định về nuôi con chung của bản án số 08/DSST ngày 25-9-2002 của Tòa án nhân dân huyện Củ Chi; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại.

    Ngày 16-7-2004 anh Trung, chị Hà tự nguyện thỏa thuận về việc nuôi con, nên Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã lập Biên bản hòa giải thành với nội dung: ghi nhận sự thỏa thuận của anh Trung và chị Hà về việc giao cháu Đặng Quang Trường cho chị Hà trực tiếp nuôi dưỡng, hàng tháng anh Trung phải đóng góp phí tổn nuôi con là 250.000 đồng, kể từ tháng 8/2004; vì quyền lợi của con chung, hai bên có quyền xin thay đổi việc nuôi con và mức đóng góp phí tổn nuôi con.

    Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hòa giải thành, anh Trung, chị Hà không thay đổi ý kiến. Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số1618/CN-HGT ngày 03-8-2004, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    ... Về con chung: công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau: Giao con tên Đặng Quang Trường sinh ngày 24-10-2000 cho chị Lê Thị Thu Hà trực tiếp nuôi dưỡng. Hàng tháng anh Trung đóng góp phí tổn nuôi con là 250.000 đồng. Anh Trung được quyền thăm nom chăm sóc con chung, không ai được ngăn cản anh Trung thăm và chăm sóc con chung. Hai bên thi hành án tại Đội Thi hành án huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Vì quyền lợi của con chung, khi cần thiết hai bên có thể xin thay đổi việc trực tiếp nuôi con, hoặc mức đóng góp phí tổn nuôi con chung...

    Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số1618/CN-HGT ngày 03-8-2004, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:...Về con chung: Chị Lê Thị Thu Hà được nuôi trẻ Đặng Quang Trường, sinh ngày 24-10-2000, anh Trung có trách nhiệm trợ cấp nuôi con mỗi tháng 250.000 đồng. Thi hành tại Đội Thi hành án huyện Củ Chi kể từ tháng 8/2004. Anh Trung được quyền lui tới thăm nuôi và chăm sóc con chung. Vì lợi ích của con chung khi cần thiết có thể thay đổi người nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con...

    Chị Hà khiếu nại về hai quyết định công nhận sự thỏa thuận cùng số, cùng ngày nêu trên của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tại Công văn số781/CV-TA ngày 05-4-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với hai Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự cùng số, cùng ngày nêu trên.

    Tại Quyết định số 105/KNDS ngày 12-9-2005, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị hai Quyết định công nhận sự thỏa thuận cùng số1618/CN-HGT, cùng ngày 03-8-2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy hai Quyết định nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại vụ án từ giai đoạn sơ thẩm.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số162/2005/DS-GĐT ngày 17-10-2005, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao quyết định hủy hai Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự cùng số1618/CN-HGT cùng ngày 03-8-2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số116/HN-ST ngày 14-02-2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Ghi nhận sự thỏa thuận giữa anh Đặng Thành Trung và chị Lê Thị Thu Hà, giao trẻ Đặng Quang Trường sinh ngày 24-10-2000 cho chị Hà trực tiếp nuôi dưỡng. Anh Trung cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 250.000 đồng từ tháng 2/2006 cho đến khi cháu Trường đủ 18 tuổi. Thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh.

    Anh Trung được quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục chung. Vì quyền lợi mọi mặt của con chung khi cần thiết có thể thay đổi người nuôi con hoặc mức cấp dưỡng nuôi con.

    Kể từ ngày chị Hà có đơn yêu cầu thi hành án, anh Trung không thực hiện đúng việc giao tiền cấp dưỡng nuôi con phải chịu thêm tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

    Đương sự được miễn nộp án phí. Các đương sự được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 28-02-2008 chị Hà có “Đơn kháng cáo giám đốc thẩm (sơ bộ)” kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm nêu trên. Ngày 02-3-2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lập biên bản giao trích sao bản án sơ thẩm cho chị Hà. Ngày 03-3-2006, chị Hà có “Đơn kháng cáo (Bổ sung lần 1)”. Ngày 06-3-2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lập biên bản về việc nhận đơn kháng cáo quá hạn của chị Hà.

    Tại Quyết định số02/2006/HSPT-QĐ ngày 30-3-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xác định chị Hà kháng cáo quá hạn, không có lý do chính đáng, từ đó quyết định:

    “Không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của bà Lê Thị Thu Hà đối với bản án hôn nhân sơ thẩm số116/HN-ST ngày 14-02-2006 của Tòa án  nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”.

    Sau khi có Quyết định phúc thẩm, chị Hà khiếu nại đối với bản án sơ thẩm số116/HN-ST ngày 14-02-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định phúc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định số113/2009/KN-DS ngày 30-3-2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định phúc thẩm số02/2006/HSPT-QĐ ngày 30-3-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy quyết định phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số116/HN-ST ngày 14-02-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại, với nhận định:

    “...Ngày 14-02-2006 Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án. Ngày 28-02-2006, bà Hà có “Đơn kháng cáo giám đốc thẩm (sơ bộ)” với nội dung “cần được xem xét lại và có quyết định thỏa đáng về việc đóng góp nuôi con cho đúng luật” (Đơn trên được lưu trong hồ sơ vụ án, nhưng không được đánh số bút lục). Ngày 02-3-2006 Tòa án cấp sơ thẩm giao cho bà Hà bản án số 116/HNST ngày 14-02-2006 nêu trên. Ngày 06-3-2006 Tòa án cấp sơ thẩm mới lập biên bản về việc nhận đơn kháng cáo quá hạn. Như vậy, có cơ sở xác định trong thời hạn quy định của pháp luật tuy chưa nhận được bản án sơ thẩm nhưng bà Hà đã có đơn kháng cáo. Lẽ ra, phải lập thủ tục kháng cáo và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bà Hà kháng cáo quá hạn, nên chỉ lập thủ tục kháng cáo quá hạn và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào thủ tục kháng cáo quá hạn do cấp sơ thẩm lập; từ đó, xác định bà Hà kháng cáo quá hạn, không có lý do chính đáng để không chấp nhận kháng cáo của bà Hà là không đúng pháp luật.

    Mặt khác, thực tế đến ngày 02-3-2006 Tòa án cấp sơ thẩm mới giao cho bà Hà bản án sơ thẩm là vi phạm quy định tại Điều 241 Bộ luật tố tụng dân sự. Hơn nữa, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14-02-2006 bà Hà, ông Trung thỏa thuận giao cho bà Hà nuôi con chung và ông Trung có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung. Bà Hà có yêu cầu cấp dưỡng 1 lần là 15.000.000 đồng, trong khi đó ông Trung chỉ đồng ý cấp dưỡng 10.000.000 đồng hoặc mỗi tháng 250.000 đồng. Trong trường hợp này lẽ ra phải xem xét điều kiện thực tế về việc nuôi dưỡng cháu Trường (gồm ăn ở, học hành và các nhu cầu thiết yếu khác...); mức sinh hoạt trung bình tại địa phương và khả năng điều kiện kinh tế của bà Hà, ông Trung để xác định mức cấp dưỡng nuôi con chung cho phù hợp với thực tế.

    Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào ý kiến của ông Trung để buộc ông Trung cấp dưỡng mỗi tháng 250.000 đồng là không đảm bảo quyền lợi của cháu Trường và không phù hợp với thực tế”.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Anh Đặng Thành Trung và chị Lê Thị Thu Hà kết hôn năm 1999 trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Năm 2002 anh Trung xin ly hôn, chị Hà đồng ý; anh Trung, chị Hà không có tài sản chung, nên không yêu cầu Tòa án giải quyết; về con chung, vợ chồng có một con chung là cháu Đặng Quang Trường sinh ngày 24-10-2000, khi ly hôn cả anh Trung và chị Hà đều xin được nuôi con chung và không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con chung, riêng chị Hà yêu cầu anh Trung cấp dưỡng cho chị một lần số tiền 15.000.000 đồng. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/DSST ngày 25-9-2002, Tòa án nhân dân huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết về quan hệ hôn nhân, tài sản chung và giao con chung cho anh Trung nuôi dưỡng. Chị Hà khiếu nại về việc nuôi và cấp dưỡng nuôi con chung.

    Tại Quyết định số01/KN-HNGĐ ngày 09-3-2004, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ kháng nghị về quyết định nuôi con chung và tại Quyết định giám đốc thẩm số07/HN-GĐT ngày 06-5-2004, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ hủy quyết định về nuôi con chung tại bản án sơ thẩm nêu trên, nên quyết định về quan hệ hôn nhân và chia tài sản khi ly hôn đã có hiệu lực pháp luật.

    Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14-02-2006 anh Trung, chị Hà thống nhất giao con chung là cháu Đặng Quang Trường cho chị Hà nuôi dưỡng, tuy nhiên hai bên không thống nhất được về điều kiện và mức cấp dưỡng nuôi con chung. Chị Hà cho rằng nếu Tòa buộc anh Trung cấp dưỡng nuôi con hàng tháng thì anh Trung sẽ không thi hành, nên yêu cầu anh Trung cấp dưỡng nuôi con một lần với số tiền 15.000.000 đồng, nhưng anh Trung chỉ đồng ý cấp dưỡng một lần là 10.000.000 đồng hoặc cấp dưỡng mỗi tháng 250.000 đồng. Trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm phải căn cứ vào chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của cháu Trường, mức sinh hoạt trung bình tại địa phương và điều kiện kinh tế của anh Trung để buộc anh Trung cấp dưỡng nuôi con chung thì mới hợp lý, hợp tình, đảm bảo quyền lợi của mẹ con chị Hà. Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh về các vấn đề nêu trên, mà chấp nhận đề nghị của anh Trung để buộc anh Trung cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng 250.000 đồng (bằng với mức cấp dưỡng hai bên đã thỏa thuận tại Biên bản hòa giải thành từ ngày 16-7-2004) là không phù hợp với thực tế, không đảm bảo quyền lợi của mẹ con chị Hà.

    Mặt khác, năm 2002 anh Trung, chị Hà ly hôn, Tòa án giao con chung cho anh Trung nuôi dưỡng, nhưng anh Trung chỉ nuôi dưỡng một thời gian ngắn rồi trả cháu Trường về để chị Hà nuôi, còn anh Trung đi kết hôn với người khác. Lẽ ra, khi giải quyết lại vụ án thì Tòa án phải buộc anh Trung cấp dưỡng nuôi con chung từ khi anh Trung giao cháu Trường cho chị Hà nuôi dưỡng hoặc từ tháng 8/2004 theo thỏa thuận tại Biên bản hòa giải thành ngày 16-7-2004 mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc anh Trung cấp dưỡng nuôi con chung từ tháng 02/2006 là không đúng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chị Hà và cháu Trường.

    Thực tế, năm 2002 anh Trung ly hôn chị Hà, chị Hà yêu cầu anh Trung cấp dưỡng cho chị số tiền 15.000.000 đồng. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/DSST ngày 25-9-2002, Tòa án nhân dân huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh không chấp nhận yêu cầu của chị Hà, nhưng buộc chị Hà phải nộp 750.000 đồng án phí là không đúng với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Tòa án. Hơn nữa, phần án phí trên có liên quan đến yêu cầu nuôi và cấp dưỡng nuôi con chung đã bị cấp giám đốc thẩm hủy để giải quyết lại; trong quá trình Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, chị Hà đã có yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết trả lại chị số tiền án phí 750.000 đồng mà chị đã nộp sau khi bản án dân sự sơ thẩm số 08/DSST ngày 25-9-2002 của Tòa án nhân dân huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực pháp luật. Lẽ ra, khi giải quyết lại về việc nuôi và cấp dưỡng nuôi con chung thì Tòa án cấp sơ thẩm phải xem xét cả quyết định về án phí có liên quan mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét lại quyết định về án phí theo quy định của pháp luật là không giải quyết triệt để vụ án.

    Theo quy định tại Điều 241 Bộ luật tố tụng dân sự thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày kết thúc phiên tòa và trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải cấp trích lục bản án, bản án cho những người tham gia tố tụng. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án vào ngày 14-02-2006, nhưng ngày 28-02-2006 mới cấp trích lục bản án và ngày 02-3-2006 mới cấp bản án cho chị Hà làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền kháng cáo của chị Hà và vi phạm thủ tục tố tụng.

    Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án ngày 14-02-2006, ngày 28-02-2006 chị Hà đã có “Đơn kháng cáo giám đốc thẩm (sơ bộ)” gửi Tòa án; ngày 02-3-2006 chị Hà nhận được trích lục bản án thì ngày 03-3-2006 chị gửi tiếp “Đơn kháng cáo (Bổ sung lần 1)” và ngày 17-5-2006 chị Hà có “Đơn kháng cáo phúc thẩm” đề nghị xét xử phúc thẩm về quyết định cấp dưỡng nuôi con chung và án phí. Các đơn trên có trong hồ sơ vụ án, nhưng không được đánh số bút lục theo quy định và không thể hiện ngày chị Hà gửi đơn, người nhận đơn và ngày nhận đơn. Lẽ ra, khi xác định (nếu đúng) chị Hà kháng cáo quá hạn thì cần yêu cầu chị Hà tường trình về việc kháng cáo quá hạn theo quy định tại Nghị quyết số02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án cấp sơ thẩm nhận và lưu vào hồ sơ vụ án các đơn kháng cáo của chị Hà, nhưng không kiểm tra, xem xét theo qui định mà đã xác định chị Hà kháng cáo quá hạn; từ đó, lập thủ tục kháng cáo quá hạn và không gửi hồ sơ vụ án để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét là không đúng quy định của pháp luật.

    Tòa án cấp phúc thẩm nhận hồ sơ kháng cáo quá hạn, trong đó có “Đơn kháng cáo (Bổ sung lần 1)” của chị Hà với nội dung “mãi đến ngày 02-3-2006 chị mới nhận được trích lục bản án dân sự...Vì sợ hết thời hiệu kháng cáo. Tôi đã viết đơn kháng cáo (sơ bộ gửi trực tiếp lên Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Trong trường hợp này, Tòa án cấp phúc thẩm cần yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ án để xem xét, phải xác minh làm rõ nội dung nêu trong đơn khiếu nại của chị Hà để xác định chị Hà kháng cáo trong hạn hay quá hạn luật định. Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét các vấn đề trên mà chỉ căn cứ vào hồ sơ kháng cáo quá hạn do Tòa án cấp sơ thẩm lập để xác định chị Hà kháng cáo quá hạn, không có lý do chính đáng; từ đó, không chấp nhận kháng cáo của chị Hà là không đúng, vi phạm thủ tục tố tụng.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn số02/2006/HSPT-QĐ ngày 30-3-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy bản án dân sự sơ thẩm số116/HN-ST ngày 14-02-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về vụ án: “Tranh chấp về nuôi con” giữa nguyên đơn là anh Đặng Thành Trung với bị đơn là chị Lê Thị Thu Hà.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do vụ án cần được xét xử sơ thẩm lại:

    Hai bên đương sự tranh chấp về mức đóng góp và phương thức đóng góp nuôi con chung. Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh mức sinh hoạt trung bình tại địa phương, điều kiện kinh tế của nguyên đơn mà đã chấp nhận đề nghị của nguyên đơn để quyết định mức đóng góp của nguyên đơn là chưa hợp lý, hợp tình. Ngoài ra, còn có những vi phạm về thủ tục tố tụng.

     

     
    6948 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận