Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265358 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

    Số hiệu

    08/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

    Ngày ban hành

    14/05/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

     ……..

    Ngày 14 tháng 5 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về “tranh chấp thừa kế tài sản” giữa các đương sự (theo bản án phúc thẩm số 87/2007/DSPT ngày 23-4-2007 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội).

    Nguyên đơn: Bà Lê Thu Khuê, sinh năm 1943; trú tại tầng 2 nhà số 6, phố Cát Dài, (nay là số 8 phố Hai Bà Trưng) thành phố Hải Phòng.

    Bị đơn: 

    1. Ông Hoàng Viết Phẩm, sinh năm 1944; trú tại tầng 1 nhà số 6, phố Cát Dài, (nay là số 8 phố  Hai Bà Trưng) thành phố Hải Phòng.

    2. Bà Hoàng Thuý Phương, sinh năm 1947; trú tại tầng 1 nhà số 6, phố Cát Dài, (nay là số 8 phố Hai Bà Trưng)  thành phố Hải Phòng.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Cụ Lê Thị Tý, sinh năm 1924; trú tại số 22/10 đường Nguyễn Văn Thành (tức Huỳnh Đình Hai), phường 9, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ 
    Chí Minh.

    2. Cụ Lê Quang Trí, sinh năm 1934, trú tại Cộng hoà Pháp.

    3. Cụ Lê Quang Minh, chết năm 2005, (khi còn sống trú tại 120/10 Ngô Tùng Châu, phường 7, Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh)

    4. Cụ Hoàng Viết Thủ, sinh năm 1918, chết năm 2006, (khi còn sống trú tại số nhà 63, phố Châu Long, Hà Nội).

    5. Bà Lê Thu Bích, sinh năm 1950;  trú tại 21, lô C21, khu tập thể nhà máy thủy tinh, ngõ 3B, đường Đà Nẵng, phường Cầu Tre, thành phố Hải Phòng.

    6. Bà Hoàng Thuý Ngọc, sinh năm 1954, công tác tại Uỷ ban nhân dân phường Ngô Quyền, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

    7. Bà Hoàng Thuý Nga, sinh năm 1940; trú tại 149/42 đường Lê Văn Sỹ, thành phố Hồ Chí Minh.

    NHẬN THẤY:   

     Tại đơn khởi kiện ngày 10-12-1993 và quá trình giải quyết vụ án, cụ Lê Quang Nhân (sau khi cụ Nhân chết thì con của cụ Nhân là bà Lê Thu Khuê) trình bày: Sinh thời cha mẹ cụ là cố Lê Quang Thứ và cố Tô Thị Khang có 6 người con chung gồm:

    1. Cụ Lê Thị Thìn (cụ Thìn chết năm 1991), có chồng là cụ Hoàng Viết Thủ (đã chết), có 4 người con chung là bà Hoàng Thuý Nga, ông Hoàng Viết Phẩm, bà Hoàng Thuý Phương và bà Hoàng Thuý Ngọc;

    2. Cụ Lê Quang Nhân (cụ Nhân chết năm 2005), có vợ là cụ Vũ Thị Hiến có 9 người con chung là bà Lê Thu Khuê, bà Lê Thu Bích, bà Lê Thu Hạnh, ông Lê Quang Hiệp, bà Lê Thu Hà, ông Lê Quang Huy, bà Lê Thu Hải, ông Lê Quang Dũng và ông Lê Quang Hùng;

    3. Cụ Lê Thị Tý (đi ở chùa);

    4. Cụ Lê Thị Vỵ (hiện đang định cư tại Cộng hoà Pháp);

    5. Cụ Lê Quang Trí (hiện đang định cư tại Cộng Hoà Pháp);

    6. Cụ Lê Quang Minh (đã chết).

    Cố Khang chết năm 1972, cố Thứ chết năm 1977 đều không để lại di chúc.

    Về tài sản: Trước khi Nhà nước cải tạo công thương nghiệp, cố Thứ và cố Khang có nhiều nhà cho thuê tại Hải Phòng. Thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp, cố Thứ đã giao toàn bộ các nhà, mà hai cố đang cho thuê cho Nhà nước quản lý. Tại “biên bản bàn giao nhà”  ngày 10-4-1961 thì đại diện của Nhà nước đã tiếp nhận, quản lý các nhà, đất tại số 4 và số 6A, số 6B đường Cát Dài, thành phố Hải Phòng; còn lại căn nhà số 6 đường Cát Dài, thành phố Hải Phòng (nay là số 8 phố Hai Bà Trưng), Nhà nước để lại cho cố Thứ và cố Khang quản lý, sử dụng không phải trả tiền thuê nhà. Sau đó, vợ chồng cố Thứ, cụ Nhân, cụ Thìn, các con của cụ Nhân và cụ Thìn cùng quản lý, sử dụng. Năm 1972, cố Tô Thị Khang chết; năm 1977, cố Lê Quang Thứ chết.

    Sau khi cố Thứ và cố Khang chết, các con cụ Nhân tiếp tục quản lý, sử dụng tầng 2 của căn nhà, cụ Thìn và các con cụ Thìn tiếp tục quản lý, sử dụng tầng 1 căn nhà nêu trên cho đến nay. Năm 1991, cụ Thìn chết, mâu thuẫn giữa hai gia đình căng thẳng, nên cụ Nhân khởi kiện (sau khi cụ Nhân chết, bà Khuê là con gái cụ Nhân kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của cụ Nhân) cho rằng căn nhà số 8 Hai Bà Trưng là tài sản của cố Thứ và cố Khang, nên yêu cầu chia thừa kế.

    - Phía bị đơn là các con cụ Thìn (do ông Phẩm và bà Phương đại diện) cho rằng chỉ có phần diện tích tầng 2 mới là di sản thừa kế của cố Thứ và cố Khang, còn diện tích tầng 1 là của Nhà nước và do Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng quản lý, không phải là di sản của cố Thứ và cố Kháng nên không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 23-7-1986 cụ Minh đã nhường kỷ phần thừa kế cho cụ Nhân và cụ Thìn. Ngày 27-6-1992, cụ Tý nhường kỷ phần thừa kế cho cụ Nhân (có xác nhận của chính quyền địa phương, phòng công chứng nơi cụ Minh và cụ Tý cư trú). Ngày 20-9-1996, cụ Vỵ nhường kỷ phần thừa kế cho các con của cụ Thìn (có chữ ký của cụ Vỵ và chứng thực của Bộ Ngoại giao cộng hoà Pháp, được phòng công chứng Nhà nước số 1 thành phố Hải Phòng chứng nhận). Ngày 21-10-1996, cụ Trí nhường kỷ phần thừa kế cho cụ Nhân và các con của cụ Nhân và cụ Thìn (có xác nhận của Toà thị chính Ecouflant nước Cộng hoà Pháp và chứng nhận của phòng công chứng Nhà nước số 1 thành phố Hải Phòng).

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 02/ DSST ngày 16-7-1996 Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng  quyết định:

    - Xác định căn nhà số 8 gồm 2 tầng đường Cát Dài, quận Lê Chân, Hải Phòng thuộc quyền sở hữu của cố Lê Quang Thứ và cố Tô Thị  Khang.

    - Cụ Lê Thị Thìn được sở hữu nhà số 8 tầng 1 đường Cát Dài, Lê Chân Hải Phòng  trị giá 316. 837.000đ; nhưng được hưởng di sản thừa kế trị giá 201.356.666 đ và phải trả chênh lệch giá trị tài sản là 115.030.333đ cho cụ Lê Quang Nhân. Phần di sản thừa kế của cụ Lê Thị Thìn được chia cho các thừa kế sau gồm:       

    1- Cụ Hoàng Viết Thủ được hưởng 40.271.333đ

    2- Bà Hoàng Thuý Nga được hưởng 40.271.333đ

    3- Ông Hoàng Viết Phẩm được hưởng 40.271.333đ

    4- Bà Hoàng Thuý Phương được hưởng 40.271.333đ

    5- Bà Hoàng Thuý Ngọc được hưởng 40.271.333đ

    Giao nhà số 8 tầng 1 đường Cát Dài, Lê Chân Hải Phòng  cho ông Hoàng Viết Phẩm và bà Hoàng Thuý Phương quản lý, sử dụng và ông Phẩm, bà Phương phải liên đới trả số tiền chênh lệch giá trị tài sản là 115.030.333đ cho cụ Lê Quang Nhân, chia phần cụ thể ông Phẩm, bà Phương mỗi người phải trả 57.515.166đ (năm bẩy triệu năm trăm mười lăm ngàn một trăm sáu mươi sáu đồng).

    - Cụ Lê Quang Nhân được sở hữu tầng 2 số 8 đường Cát Dài quận lê Chân Hải Phòng trị giá 166.869.000đ nhưng được hưởng di sản thừa kể trị giá là 281.899.334đ và được hưởng giá trị chênh lệch tài sản là 115.030.333đ do ông Phẩm, bà Phương trả.

    Phần di sản thừa kế  của cụ Nhân giao cho bà Lê Thu Khuê sở hữu, gồm: diện tích xây dựng tầng hai là 91,84m2, trong đó có 15,43m2 thuộc diện tích đất của tầng 1 khu vực cầu thang. Trừ lối đi chung cầu thang và mở cửa sổ của tầng 1 trị giá tài sản là 166.869.000đ (theo biên bản định giá của Sở xây dựng ngày 10-5-1995) và được nhận số tiền chênh lệch 115.030.333đ do ông Phẩm, bà Phương trả.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    - Ngày 25-7-1996, bà Khuê kháng cáo; ngày 14-8-1996 ông Phẩm, bà Phương kháng cáo; ngày 20-9-1996 cụ Vỵ kháng cáo yêu cầu nhường kỷ phần thừa kế cho bà Phương, bà Ngọc, ông Phẩm; ngày 21-10-1996 cụ Trí kháng cáo nhường kỷ phần thừa kế cho cụ Nhân và các con của cụ Nhân. Ngày 16-8-1996, cụ Minh kháng cáo đề nghị huỷ việc nhường kỷ phần thừa kế.

    Tại Quyết định số 87/TĐC ngày 09-8-1997, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại mục III Nghị quyết kỳ họp thứ 11 Quốc hội  khoá IX ngày 10-5-1997 và công văn số 62/KHXX ngày 12-6-1997 của Toà án nhân dân tối cao cho đến khi có quy định mới của UBTVQH.

    Tại Quyết định số 57/TĐC ngày 12-5-1999, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định tiếp tục tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án chờ chính sách mới của Nhà nước đối với giao dịch dân sự có nhân tố nước ngoài tham gia và thời điểm xác lập trước ngày 01-7-1991.

    - Tại Quyết định số 1060/2007/QĐ-PT ngày 06-4-2007 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo quy định tại Nghị quyết 1037/206/NQ UBTVQH ngày 27-7-2007 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. 

    - Tại bản án dân sự phúc thẩm số 87/2007/DSPT ngày 23-4-2007, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:

    Áp dụng Điều 8 Nghị quyết số755/2005/NQ-UBTVQH ngày 02-4-2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và khoản 1 Điều 8 Nghị định số127/2005/NĐ-CP ngày 10-10-2005 của Chính phủ sửa bản án sơ thẩm như sau:

    + Không chấp nhận đơn khởi kiện chia thừa kế của nguyên đơn cũng như yêu cầu xin chia thừa kế của các đương sự đối với toàn bộ diện tích tầng một nhà số 6 phố Cát Dài, nay là số 8 phố Hai Bà Trưng, thành phố Hải Phòng.

    + Cụ Lê Thị Thìn (đã chết) và các con cụ Thìn do ông Hoàng Viết Phẩm, bà Hoàng Thuý Phương đại diện được quyền tiếp tục quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích tầng một (trừ cầu thang từ ngoài mặt đường để đi lên tầng hai) nhà số 6 phố Cát Dài, nay là số 8 phố Hai Bà Trưng thành phố Hải Phòng và được quyền kê khai, làm thủ tục tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

    + Cụ Lê Quang Nhân (đã chết) và các con cụ Nhân do bà Lê Thu Khuê đại diện được quyền tiếp tục quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích tầng hai (gồm cả cầu thang từ ngoài mặt đường để đi lên diện tích tầng hai) nhà số 6 Cát Dài, nay là số 8 Hai Bà Trưng, thành phố Hải Phòng và được quyền chứng minh tính hợp lệ, kê khai làm thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

     Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

     Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 10-5-2007 bà Lê Thu Khuê có đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định số14/2008/KN-DS ngày 24-01-2008 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 02/DSST ngày 16-7-1996 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và bản án dân sự phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm lại.

    XÉT THẤY:

    Nguyên đơn khởi kiện cho rằng căn nhà số 6, Cát Dài (nay là số 8 Hai Bà Trưng) thành phố Hải Phòng là của cố Lê Quang Thứ và cố Tô Thị Khang được Nhà nước để lại sau khi thực hiện chính sách cải tạo cụng thương nghiệp nên là di sản của hai cố và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật. Các bị đơn cho rằng Nhà nước chỉ để lại cho cố Thứ, cố Khang tầng hai căn nhà trên, nên di sản của hai cố chỉ là tầng hai của căn nhà, còn tầng một của căn nhà trên vẫn là của Nhà nước và Nhà nước giao cho mẹ con cụ Lê Thị Thìn quản lý sử dụng nên tầng một của căn nhà trên không phải tài sản của cố Thứ và cố Khang, do đó không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

    Theo nội dung “bị đơn bản bàn giao nhà” ngày 10-4-1961 thì sau khi bàn giao cho Nhà nước quản lý, cố Thứ được Nhà nước cho hưởng quyền lợi là được ở không phải trả tiền thuê nhà tại nhà số 8 Hai Bà Trưng và được hưởng 35% số tiền thu được về cho thuê nhà. Mặc dù ở phần ghi hiện trạng nhà của “biên bản bàn giao nhà” ngày 10-4-1961 có ghi “tầng dưới nhà con gái ở có 5 người. Tầng trên gác vợ chồng ông Thứ ở có 2 người”, nhưng không phải là để lại và bàn giao nhà số 8 Hai Bà Trưng cho các con của cố Thứ mà là để lại và bàn giao nhà này cho cố Thứ.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Phẩm và bà Khuê xuất trình giấy “biên bản bàn giao nhà” ngày 10-4-1961 là bản in sẵn, phần viết tay do người sao viết lại nên chỉ có chữ “toàn” khác với chữ “tần” phần nội dung còn lại giống nhau. Theo “biên bản bàn giao nhà” này (phần B – Quyền lợi) thì nội dung chỉ là xác nhận thực tế diện tích nhà số 6 Cát Dài và xác nhận những người trong gia đình cố Thứ, cố Khang sử dụng tại thời điểm Nhà nước giao nhà. Trên thực tế, trước khi cải tạo công nghiệp, thương nghiệp thì cố Thứ, cố Khang có nhiều nhà cho thuê ở Hải Phòng nên khi thực hiện chính sách cải tạo của Nhà nước hai cố đã bàn giao các căn nhà số 6, 6A, 6B, 4 và 4A phố Cát Dài cho Nhà nước quản lý. Riêng căn nhà số 6 Cát Dài (nay là số 8 Hai Bà Trưng) thành phố Hải Phòng Nhà nước không quản lý mà giao lại cho chủ sở hữu là cố Thứ, cố Khang sử dụng không phải trả tiền thuê nhà.

    Theo quy định tại Nghị định số 19-CP ngày 23-6-1960 của Hội đồng Chính phủ thì “chủ nhà được giữ lại diện tích nhà đang dùng để ở”. Tại thông tư số 110/BTC ngày 26-5-1961, Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương đã hướng dẫn “diện tích để lại cho chủ sở hữu nhà sau cải tạo, cần xem là số diện tích hoàn toàn thuộc quyền sở hữu sử dụng của họ, không phải trả tiền thuê”. Mặt khác, theo Nghị định số 297/CP ngày 02-10-1991 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 383/BXD ngày 05-01-1991 của Bộ xây dựng thì “diện tích để lại cho chủ nhà sau cải tạo là diện tích thuộc quyền sở hữu của họ”. Tại Công văn số 147 ngày 30-3-1995, Sở xây dựng thành phố Hải Phòng đã khẳng định: “căn nhà số 8 Hai Bà Trưng thuộc quyền sở hữu của ông Lê Quang Thứ và vợ là bà Tô Thị Khang”.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện Công ty kinh doanh nhà Hải Phòng (là đơn vị trực tiếp quản lý, cho thuê nhà của Nhà nước tại Hải Phòng) cũng xác định căn nhà số 8 Hai Bà Trưng gồm tầng dưới và trên gác là phần đất giao cho đương sự ở nên Công ty không quản lý. Như vậy, theo các văn bản pháp luật trên, có cơ sở xác định Nhà nước không quản lý căn nhà số 8 Hai Bà Trưng, Hải Phòng khi thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa. Trong trường hợp này cần phải xác định cố Thứ, cố Khang là chủ sở hữu căn nhà, nên hai cố có quyền sở hữu toàn bộ căn nhà, còn nội dung được thể hiện tại “biên bản bàn giao nhà” ngày 10-4-1961 (phần B - Quyền lợi) chỉ là xác nhận thực tế diện tích nhà số 6 Cát Dài và xác nhận những người trong gia đình cố Thứ, cố Khang sử dụng tại thời điểm Nhà nước giao nhà. Việc xác nhận này không phải là căn cứ xác định người đang thực tế sử dụng nhà có quyền sở hữu và cũng không phải là căn cứ xác định một phần căn nhà trên là của Nhà nước cho cụ Nhân và các con của cụ thuê.

    Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định toàn bộ căn nhà trên là tài sản của cố Thứ, cố Khang, do hai cố chết không để lại di chúc nên chia thừa kế cho những người thừa kế của 2 cố, đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhường kỷ phần được hưởng và căn cứ vào thực tế, nhu cầu về nhà ở để chia hiện vật là có căn cứ, đúng pháp luật. Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng không đúng tinh thần của Điều 8 Nghị quyết số755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02-4-2005 của UBTVQH và không áp dụng các quy định đã viện dẫn trên của pháp luật, từ đó xác định di sản của cố Thứ, cố Khang chỉ là tầng 2 nhà số 8 Hai Bà Trưng, nhưng lại không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn để chia thừa kế và xác định tầng 1 căn nhà số 8 Hai Bà Trưng là của Nhà nước, từ đó xác định các con của cụ Thìn, các con của cụ Nhân có quyền kê khai, làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất là không có cơ sở và không đúng pháp luật. Hơn nữa, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, bị đơn không chấp nhận và không có yêu cầu phản tố nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định bị đơn có quyền quản lý, sử dụng và được làm thủ tục đăng ký, kê khai để được câp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất là không đúng và vượt quá yêu cầu của các đương sự.

    Về tố tụng:

    Khi giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào yêu cầu của nguyên đơn và hồ sơ vụ án để xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp thừa kế tài sản. Lẽ ra, khi xét xử phúc thẩm phát hiện Tòa án cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ pháp luật thì phải hủy bản án sơ thẩm để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này Tòa án cấp phúc thẩm xác định lại quan hệ pháp luật trong vụ án khác với quan hệ pháp luật mà Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết, nhưng không hủy bản án sơ thẩm mà giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm là vi phạm thủ tục tố tụng.

         Mặt khác, theo lời khai của nguyên đơn thù ông Lê Quang Hùng (là em của bà Khuê) là người trực tiếp quản lý, sử dụng gầm cầu thang của căn nhà từ trước khi có tranh chấp, còn bị đơn cho rằng bà Khuê đã tự ý đưa ông Hùng cào để chiếm diện tích gầm cầu thang này sau khi phát sinh tranh chấp. Ngoài ra, theo đơn khiếu nại của bà Khuê thì ông Hùng là bộ đội xuất ngũ bị bệnh tâm thần, trong khi đó, ông Phẩm cho rằng việc bà Khuê nêu ông Hùng có thời gian phục vụ quân đội và là thương binh là không đúng sự thật; trước khi về ở tại gầm cầu thang của căn nhà có tranh chấp này, ông Hùng đã có chỗ ở ổn định nơi khác.

    Vì vậy, để có đủ căn cứ giải quyết vụ án thì cần xác minh để làm rõ ông Hùng ở gầm cầu thang này từ khi nào? trước khi đến ở gầm cầu thang này, ông Hùng có nhà ở chỗ khác không? ông Hùng có phải là thương binh không? lý do ông Hùng bị bệnh (nếu có). Trong trường hợp sau khi xác minh nếu ông Hùng là người trực tiếp quản lý sử dụng gầm cầu thang thì phải đưa ông Hùng tham gia tố tụng. Nếu ông Hùng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì phải chỉ định người đại diện cho ông Hùng tham gia tố tụng.

    Trong vụ án này, theo quy định của pháp luật, Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án từ năm 1997. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã định giá tài sản từ năm 1995, cho đến nay giá nhà đất đã có nhiều biến động nên phải định giá lại cho phù hợp với thực tế. Hơn nữa, khi xét xử phúc thẩm đã có sự thay đổi về các đương sự và yêu cầu của họ nên cần giải quyết lại vụ án từ giai đoạn sơ thẩm thì mới giải quyết triệt để vụ án.Mặt khác, do có thay đổi về quy định của pháp luật, nên cần phải áp dụng các quy định tại Nghị quyết số1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia để giải quyết vụ án thì mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự. Do đó, cần thiết phải hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 02/DSST ngày 16-7-1996 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng để xét xử sơ thẩm lại cho đúng quy định của pháp luật.

    Bởi các lẽ trên,

    Căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự, Nghị quyết số1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 87/2007/DSST ngày 23-4-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 02/DSST ngày 16-7-1996 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng về vụ án dân sự “tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn là bà Lê Thu Khuê với bị đơn là ông Hoàng Viết Phẩm và bà Hoàng Thúy Phương; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Hoàng Thúy Ngọc, bà Lê Thu Bích, bà Hoàng Thúy Nga, cụ Lê Thị Tý, cụ Lê Quang Minh, cụ Lê Quang Trí và cụ Hoàng Viết Thủ.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử sơ  thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Do vụ án bị tạm đình chỉ từ năm 1997 và tới 2007 mới được đưa ra xét xử, trong khi đó việc định giá tài sản được tiến hành từ năm 1995, nên cần phải định giá lại. Hơn nữa khi xét xử phúc thẩm đã có sự thay đổi về các đương sự và các yêu cầu của họ, nên cần giải quyết lại vụ án từ giai đoạn sơ thẩm.

     

     
    4049 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận