Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265247 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản"

    Số hiệu

    02/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản"

    Ngày ban hành

    08/01/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    .…..

    Ngày 08 tháng 01 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản. Các đư­ơng sự trong vụ án đ­ược xác định theo bản án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gồm có:

    Nguyên đơn: Ông Phan Văn Tài sinh năm 1964; trú tại ấp Trung 1, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

    Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Vân sinh năm 1941; trú tại ấp Trung 1, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Dương Thị Dễ (là vợ của ông Vân) sinh năm 1943;

    2. Bà Phan Thị Điệp sinh năm 1952;

    3. Ông Phan Văn Lực sinh năm 1957;

    4. Bà Phan Thị Nga sinh năm 1959;

    5. Ông Phan Văn Phát sinh năm 1968;

    Tất cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều trú tại ấp Trung 1, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

    (Bà Điệp, ông Lực, bà Nga, ông Phát là anh, chị và em ruột của ông Phan Văn Tài, cùng uỷ quyền cho ông Tài đại diện theo văn bản uỷ quyền ngày 04-5-2006).

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện ngày 24-10-2003 và trong quá trình giải quyết vụ án, ông Phan Văn Tài trình bày:

    Năm 1991 cha của ông là cụ Phan Văn Tám chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Vân 1.906m2 đất nông nghiệp tại ấp Trung 1, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang; có làm giấy tờ được Uỷ ban nhân dân xã Phú Mỹ và Uỷ ban nhân dân huyện Phú Tân chấp thuận. Về phần diện tích còn lại (giáp với diện tích đã chuyển nhượng cho ông Vân và sát lộ 954) là đất ao, bờ ao cụ Tám trồng các loại cây bạch đàn, ô môi và trâm bầu. Trong quá trình sử dụng đất chuyển nhượng, ông Vân đã sử dụng cả phần đất còn lại của gia đình ông và năm 1994 ông Vân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 2.206m2. Năm 2001, gia đình ông  đến chặt cây do gia đình ông trồng trên phần đất còn lại thì ông Vân tranh chấp, vụ việc được Ban tư pháp thị trấn Phú Mỹ giải quyết và tạm giao cho ông Vân sử dụng toàn bộ số cây này chờ kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền; do đó, ông (đại diện cho các anh, chị và em của ông) khởi kiện yêu cầu ông Vân trả lại cho gia đình ông phần đất còn lại là 830m2 (bao gồm 300m2 đất ruộng ông Vân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và 530m2 đất ao, bờ ao trong phạm vi hành lang giao thông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng) và giá trị số cây trên đất ông Vân đã sử dụng (gồm 127 cây có tổng giá trị bằng 19.050.000 đồng).

    Bị đơn, ông Nguyễn Văn Vân trình bày: Năm 1991, ông nhận chuyển nhượng 1.906m2 đất ruộng của cụ Tám. Năm 1994 Uỷ ban nhân dân huyện Phú Tân đo đạc diện tích đất thực tế và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho ông diện tích 2.206m2, phần còn lại 530m2 đất ao, bờ ao do nằm trong hành lang giao thông nên ông không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Trong quá trình sử dụng đất, ông đã thuê người đào ao sát lộ 954 và trồng cây trên bờ ao (gồm ô môi, bạch đàn, trâm bầu, còng) nên ông không đồng ý trả cho ông Tài diện tích đất và giá trị số cây nêu trên.

    Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: Bà Dương Thị Dễ (là vợ của ông Vân) thống nhất theo trình bày của ông Vân.

    - Ông Phan Văn Phát, ông Phan Văn Lực, bà Phan Thị Điệp và bà Phan Thị Nga (là các anh, chị và em của ông Tài) thống nhất theo trình bày và yêu cầu của ông Tài.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số32/2006/DS-ST ngày 30-10-2006, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang quyết định:

    Áp dụng Điều 264 Bộ luật dân sự năm 1995 và khoản 7 Điều 25, khoản 2 Điều 34, Điều 131, Điều 243 và Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự.

    Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Phan Văn Tài.

    Buộc ông Nguyễn Văn Vân, bà Dương Thị Dễ phải trả cho ông Phan Văn Tài (đại diện cho các anh em) diện tích đất ao, đất bờ ao 538,3m2 và đất 2 lúa cặp đất bờ ao là 180m2. Tổng cộng 718,3m2 (theo bản đồ hiện trạng ngày 27-10-2006 gồm các điểm 1, 2, 3, 4, A, B, 5, 37 của Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang lập).

    Kiến nghị Uỷ ban nhân dân huyện Phú Tân điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00647.QSDĐ/bc ngày 11-5-1994 cấp cho ông Nguyễn Văn Vân diện tích 2.206m2 đất để chuyển sang cho ông Phan Văn Tài (đại diện anh em) diện tích 180m2 đất 2 lúa (theo bản đồ hiện trạng ngày 27-10-2006 gồm các điểm A, 4, 5, B. Phần đất 2 lúa ông Vân còn lại gồm các điểm A1, A, B, 9, 8, 7, 6 diện tích 1.906m2).

    Ông Tài (đại diện cho anh chị em) có quyền và nghĩa vụ tiến hành thủ tục đăng ký quyền sử dụng diện tích đất trên theo quy định của pháp luật đất đai.

    Ông Nguyễn Văn Vân, bà Dương Thị Dễ phải hoàn cho ông Phan Văn Tài (đại diện cho anh, chị em) số tiền 19.050.000đ (giá trị 127 cây còng, bạch đàn, ô môi... đã giữ).

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 06-11-2006 ông Nguyễn Văn Vân và bà Dương Thị Dễ có đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm buộc vợ chồng ông bà trả lại đất và giá trị cây trên đất cho gia đình ông Tài.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 37/2007/HSPT ngày 26-01-2007, Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: bác đơn kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn Vân và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Vân có đơn khiếu nại không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm.

    Tại Quyết định số132/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 25-10-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 37/2007/HSPT ngày 26-01-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số32/2006/DS-ST ngày 30-10-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Tại giấy chuyển nhượng đất ngày 06-12-1991 giữa cụ Phan Văn Tám và ông Nguyễn Văn Vân, các bên chỉ ghi diện tích đất chuyển nhượng là 1.906m2 mà không ghi số thửa đất, tứ cận, ranh giới cụ thể của diện tích đất chuyển nhượng. Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự xác định diện tích đất chuyển nhượng ở tại vị trí 3 thửa đất có các số 2216, 2217 và 1776. Các lời khai của ông Vân về việc chuyển nhượng đất không thống nhất; cụ thể: có lời khai việc chuyển nhượng được thực hiện một lần toàn bộ diện tích đất gồm 3 thửa có các số 2216, 2217, 1776 và phần đất ao, bờ ao thuộc hành lang giao thông; có lời khai ông Vân lại thừa nhận phần đất ao, bờ ao thuộc hành lang giao thông (có cây của cụ Tám trồng) ông không sang nhượng vì nếu sang nhượng thì phải trả thêm tiền; có lời khai việc chuyển nhượng đất của gia đình cụ Tám được thực hiện hai lần hết toàn bộ diện tích đất nêu trên, nhưng ông Vân không xuất trình được chứng cứ chứng minh. Ông Phan Văn Tài khai cha của ông (là cụ Tám) chỉ chuyển nhượng cho ông Vân 1.906m2, phần còn lại gồm 300m2 đất ruộng và 530m2 đất ao, bờ ao thuộc hành lang giao thông (đo đạc thực tế là 180m2 đất ruộng và 538,3m2 đất ao, bờ ao) cụ Tám không sang nhượng mà để trồng cây.

    Tại Quyết định số 547/QĐ.UB ngày 15-12-1993, Uỷ ban nhân dân huyện Phú Tân thu hồi đất của cụ Tám để giao đất cho ông Vân sử dụng cũng không ghi cụ thể số thửa đất thu hồi và phần ghi tứ cận diện tích đất giao cũng không chính xác theo thực tế (vì khi đó đã có đường 954 nhưng trong quyết định không thể hiện có đường 954, đồng thời xác định ranh giới ở phía đối diện với diện tích đất thu hồi bao gồm cả phần đường 954).

    Năm 1994, ông Vân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với diện tích 2.206m2 đất thuộc 3 thửa có các số 2216, 2217 và 1776 nhưng theo số liệu đo đạc thực tế ngày 27-10-2006 của Trung tâm kỹ thuật và tài nguyên môi trường tỉnh An Giang thì 3 thửa đất có các số 2216, 2217 và 1776 lại có diện tích bằng 2.086m2 (chênh lệch 180m2 so với diện tích đất 2 bên thỏa thuận chuyển nhượng); phần 538,3m2đất ao, bờ ao còn lại thuộc hành lang giao thông ông Vân không được cấp giấy.

    Đánh giá các chứng cứ trên thì chưa đủ căn cứ để xác định cụ Tám chỉ chuyển nhượng cho ông Vân diện tích 1.906m2 đất ruộng hay cụ Tám đã chuyển nhượng cho ông Vân toàn bộ diện tích đất thuộc 3 thửa có các số 2216, 2217, 1776 và diện tích đất ao, bờ ao thuộc hành lang đường bộ. Cần phải xác minh làm rõ có hay không việc ông Vân trả thêm tiền lần thứ 2 cho gia đình ông Tài để mua thêm diện tích đất còn lại, đồng thời xác minh làm rõ ranh giới đất mà các đương sự đã thực tế chuyển nhượng. Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh nhưng lại xác định cụ Tám chỉ chuyển nhượng cho ông Vân 1.906m2 đất ruộng, từ đó buộc ông Vân trả cho ông Tài (đại diện các anh, em) 180m2 đất ruộng là chưa đủ căn cứ.

    Mặt khác, diện tích 538,3m2 đất ao, bờ ao thuộc hành lang giao thông, các đương sự chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2, và 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003, trên đất này không có tài sản gắn liền với đất; do đó, theo quy định của pháp luật thì tranh chấp về quyền sử dụng đối với diện tích đất này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm giải quyết tranh chấp đối với phần đất này là không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    Tại Kháng nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng cụ Tám đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất mà ông Vân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng là cả 3 thửa có các số 2216, 2217 và 1776, còn các số đo về diện tích khác nhau là do phương pháp đo, kỹ thuật đo và phương tiện đo, từ đó xác định gia đình cụ Tám đã chuyển nhượng cho ông Vân toàn bộ diện tích đất tranh chấp là chưa có đủ căn cứ.

    Đối với số cây trồng trên đất, trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và bị đơn đều cho rằng mình trồng cây trên đất, tuy nhiên lời khai của cả nguyên đơn và bị đơn đều có mâu thuẫn. Ông Tài có lời khai ông và cụ Tám đã trồng cây trên đất tranh chấp từ trước khi cụ Tám chuyển nhượng đất cho ông Vân; có lời khai khác ông Tài xác định lúc bán đất cho ông Vân trên đất không có cây trồng, nhưng lại cho rằng 127 cây trên đất là do ông trồng vào năm 1992. Ông Vân, bà Dễ cũng khai thừa nhận khi nhận chuyển nhượng đất đã có cây do cụ Tám trồng từ trước, nhưng vợ chồng ông không nhận chuyển nhượng vì nếu nhận thì phải trả thêm tiền. Các nhân chứng có nhiều lời khai mâu thuẫn về người trồng cây (ông Trần Văn Bé Cao khai xác định ông Vân có trồng bạch đàn trên đất; ông Ngô Thành Bảy, ông Nguyễn Thành Lơ, ông Nguyễn Văn Huynh, ông Trần Văn Đỡ khai xác định khi ông Vân chuyển nhượng đất của cụ Tám thì trên đất đã trồng một số cây, nhưng các nhân chứng này cũng không nêu được cụ thể mỗi người trồng bao nhiêu cây và thời gian trồng cây).

    Như vậy, theo các lời khai của nguyên đơn, bị đơn và các nhân chứng như trên thì có căn cứ để xác định cả gia đình ông Vân và gia đình ông Tài đều có trồng cây trên đất, nhưng chưa xác định được cụ thể số lượng cây của từng người trồng; do đó, cần xác minh làm rõ số cây của từng người đã trồng thì mới đủ cơ sở giải quyết vụ án. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ nhưng lại xác định toàn bộ số cây trên đất là do gia đình ông Tài trồng, từ đó buộc ông Vân, bà Dễ trả cho gia đình ông Tài giá trị số cây là 19.050.000 đồng cũng là chưa có căn cứ.

    Ngoài ra, tại đơn kháng cáo ngày 06-11-2006, ông Vân và bà Dễ kháng cáo không đồng ý với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm giao cho ông Tài được sở hữu giá trị số cây trồng trên đất là 19.050.000 đồng, nhưng khi xét xử phúc thẩm Tòa án cấp phúc thẩm lại nhận định cho rằng các đương sự không kháng cáo về số cây trồng trên đất, từ đó không giải quyết yêu cầu của ông Vân, bà Dễ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại Điều 263 Bộ luật tố tụng dân sự.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 37/2007/HSPT ngày 26-01-2007 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số32/2006/DS-ST ngày 30-10-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang về vụ án “Tranh chấp về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản” giữa nguyên đơn là ông Phan Văn Tài với bị đơn là ông Nguyễn Văn Vân; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là các ông, bà Dương Thị Dễ, Phan Thị Điệp, Phan Văn Lực, Phan Thị Nga và Phan Văn Phát.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết tranh chấp đối với phần đất không có tài sản gắn liền với đất là không đúng thẩm quyền; đối với số cây trồng trên đất cần xác định rõ số lượng cây của từng đương sự mới đủ cơ sở giải quyết vụ án.

     
    4807 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận