Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

Chủ đề   RSS   
  • #265393 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

    Số hiệu

    35/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

    Ngày ban hành

    27/11/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 27 tháng 11 năm 2008, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Bảy, sinh năm 1944; trú tại: ấp 7, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ủy quyền cho bà Bùi Thị Mười, sinh năm 1940; trú tại: nhà số 26, đường Võ Thị Sáu, ấp 5, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

    Bị đơn: Ông Phạm Thành (tức Hai Đức), sinh năm 1928; trú tại: ấp 7, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

    NHẬN THẤY:

    Bà Nguyễn Thị Bảy (bà Bảy ủy quyền cho bà Bùi Thị Mười) khởi kiện cho rằng diện tích 500m2 đất (10mx50m) tại ấp 7, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (hiện ông Phạm Thành được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là của bà, do bà nhận chuyển nhượng của cụ Phạm Phú Đồ ngày 20-6-1964; sau khi nhận chuyển nhượng, bà đã xây cất nhà và các công trình kiến trúc để ở; năm 1972 bà Mười cho bà Bảy quản lý sử dụng, nhưng do bà Bảy bị bệnh nên chị em bà đã chuyển đi nơi khác; sau đó, ông Thành và anh Phong (con ông Thành) lấn chiếm và kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bà yêu cầu ông Thành, anh Phong trả lại nhà đất cho bà.

    Bị đơn là ông Phạm Thành cho rằng diện tích nêu trên là của cha ông (cụ Phạm Hiền Quảng) được thừa kế; sau khi cụ Quảng chết, ông được hưởng thừa kế. Năm 1954, trước khi tập kết ra Miền Bắc, ông đã gửi lại nhà đất cho chú ông là cụ Phạm Văn Khéo quản lý; do chiến tranh nên một số hộ (trong đó có bà Bảy) đến làm nhà ở trên đất của ông để lánh nạn; sau ngày giải phóng Miền Nam (năm 1975) thì các hộ đã tự nguyện trả lại đất cho ông; riêng bà Bảy không trả; năm 1998 ông kê khai và ngày 23-01-1998 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ông không chấp nhận yêu cầu của bà Bảy và ông yêu cầu bà Bảy dỡ nhà trả đất cho ông.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 20-01-2003, Tòa án nhân dân tỉnh Cần Thơ (cũ) quyết định:

    Bác yêu cầu đòi 500m2 đất của bà Mười đối với ông Phạm Thành tại thửa 1511 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00314/QSDĐ ngày 23-01-1998. Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Phạm Thành. Buộc bà Mười, bà Bảy di dời toàn bộ vật liệu xây dựng trả lại cho ông Phạm Thành 500m2 tại thửa 1511 có diện tích 13.298m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00314/QSDĐ ngày 23-01-1998 do Ủy ban nhân dân huyện Long Mỹ cấp cho ông Phạm Thành. Ông Phạm Thành, ông Phạm Hồng Phong có trách nhiệm trả lại giá trị vật liệu xây dựng của bà Bảy: 4.149.648 đồng và giá trị cây dừa 250.000 đồng, tiền hỗ trợ di dời 3.000.000 đồng và 1.000.000 đồng bị đơn tự nguyện hỗ trợ tiền thuốc cho bà Bảy. Tổng cộng 8.399.468 đồng.

    Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Ngày 26-01-2003 bà Bảy kháng cáo.

    Ngày 27-01-2003 ông Thành kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 359/DSPT ngày 26-11-2003, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 20-01-2003 của Tòa án nhân dân tỉnh Cần Thơ; giao hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại theo thủ tục chung.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 22-3-2005, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang quyết định:

    Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Nguyễn Thị Bảy. Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Phạm Thành. Công nhận quyền sử dụng của bà Nguyễn Thị Bảy đối với diện tích đất 217m2 đất tọa lạc tại ấp 7, xã Long Trị, huyện Long Mỹ. Ngang 07m và dài 31m (có biên bản và lược đồ kèm theo).

    Kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Long Mỹ điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00314 ngày 23-01-1998 cấp cho ông Phạm Thành, phần thửa số 1511.

    Kiến nghị các cơ quan chức năng tiến hành đo đạc và cắm mốc để giao đất thực tế cho bà Nguyễn Thị Bảy.

    Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Ngày 31-3-2005 và Bảy có kháng cáo, yêu cầu ông Phạm Thành trả đủ diện tích đất mà bà đã nhận chuyển nhượng.

    Ngày 01-4-2005 ông Thành kháng cáo cho rằng việc Tòa án buộc ông giao cho bà Bảy 217m2 đất là không đúng.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 310/2005/DSPT ngày 30-8-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định giữ nguyên hiệu lực của bản án sơ thẩm như sau:

    Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Phạm Thành và bà Nguyễn Thị Bảy.

    Y án sơ thẩm.

    Áp dụng Điều 136 Luật đất đai. Xử:

    Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Nguyễn Thị Bảy và ông Phạm Văn Thành.

    Công nhận quyền sử dụngcủa bà Nguyễn Thị Bảy đối với diện tích 217m2, tọa lạc tại ấp 7, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, có chiều ngang 07m và chiều dài 31m (có biên bản và lược đồ kèm theo).

    Kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Long Mỹ điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00314 ngày 23-01-1998 cấp cho ông Pham Thành phần thửa số 1511.

    Kiến nghị các cơ quan có chức năng tiến hành đo đạc và cắm mốc để giao đất thực tế cho bà Nguyễn Thị Bảy.

    Tuyên bố các quyết định khác của bản án dân sự sơ thaame, sai khi xét xử xong, không bị kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực thi hành.

    Ngoài ra Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Ngày 01-10-2005 bà Bảy khiếu nại cho rằng: năm 1964 bà mua đất có kích thước 10m x50m chạy dài từ đường xuống sát sông, từ trước đến nay bà vẫn sử dụng phần đất này làm chỗ đi lại và ra sông tắm giặt, Tòa án chỉ công nhận cho bà có quyền sử dụng 217m2 đất là không đúng, hơn nữa phần đất của gia đình ông Thành đã bị bán truất hữu.

    Ngày 12-10-2005 ông Thành khiếu nại với nội dung: bà Bảy ở nhờ đất của bà Mười nên không có quyền khởi kiện. Việc bà Bảy ủy quyền cho bà Mười không tuân thủ đúng thủ tục hình thức quy định của pháp luật, Tòa án chấp nhận cho bà Mười tham gia tố tụng không đúng. Bà Bảy không có hộ khẩu tại địa phương, không đăng ký sử dụng đất và đã chuyển đi nơi khác không có nhu cầu sử dụng nhà đất, việc giao đất cho bà Bảy là không đúng. Biên bản xác nhận vị trí thổ cư ngày 24-11-2003 thì diện tích đất mà Tòa án công nhận cho bà Bảy có quyền sử dụng chỉ có 76m2 trong diện tích đất mà ông Thành được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng Tòa án lại buộc ông giao cho bà Bảy sử dụng 217m2 là không đúng thực tế.

    Ngày 12-10-2005 ông Huỳnh Thanh Lâm (người có đất liền kề với đất có tranh chấp) khiếu nại cho rằng: trong phần đất mà Tòa án cấp phúc thẩm quyết định công nhận cho bà Bảy sử dụng có khoảng 1/3 diện tích nằm trong thửa đất số 1512 mà ông đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 09-02-1995, nhưng Tòa án các cấp không đưa ông vào tham gia tố tụng là không đúng.

    Tại Công văn số 53/KN.THA ngày 14 tháng 4 năm 2008, Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang đề nghị kháng nghị bản án phúc thẩm trên vì:

    - Nhận định và quyết định của bản án phúc thẩm về ranh giới kích thước phần đất giao cho bà Bảy có mẫu thuẫn và không đúng thực tế.

    - Diện tích đất mà Tòa án công nhận cho bà Bảy sử dụng có 77,4m2 trong diện tích đất của ông Huỳnh Thanh Lâm trong khi ông Lâm không có nghĩa vụ giao đất.

    - Trên phần đất Tòa án buộc ông Thành giao lại cho bà Bảy có một số công trình kiến trúc do ông Thành xây cất, nhưng Tòa án không giải quyết về các công trình này.

    Tại Quyết định số189/2008/KN-DS ngày 11-7-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 310/2005/DSPT ngày 30-8-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 22-5-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:

    “… Bà Mười có đơn yêu cầu UBND xã buộc ông Thành và anh Phong trả lại nhà và đất cho bà, trong khi đó bà Bảy không có đơn khởi kiện, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định và Bảy là nguyên đơn trong vụ án, còn bà Mười là người được bà Bảy ủy quyền là không đúng.

    Mặt khác, bà Mười yêu cầu ông Thành và anh Phong trả lại nhà đất cho bà; trong thực tế thì anh Phong đang quản lý sử dụng một phần đất đang có tranh chấp; nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án các cấp phúc thẩm không đưa anh Phong vào tham gia tố tụng là sai.

    Hơn nữa, khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào “hồ sơ kỹ thuật đất” do Sở địa chính tỉnh Cần Thơ (cũ) đo đạc ngày 09-4-2002 để xác định bà Bảy có quyền sử dụng đất, trong đó có cả một phần thuộc thửa 1512 (liền kề) của ông Huỳnh Thanh Lâm; nhưng lại không đưa ông Lâm tham gia tố tụng là không đúng.

    Về diện tích đất có tranh chấp; bà Bảy cho rằng bà mua lại của cụ Phạm Phú Đồ 500m2. Trong khi đó, theo “hồ sơ kỹ thuật” do Sở địa chính lập ngày   09-4-2002 thì thửa đất do bà Bảy, bà Mười cất nhà có diện tích là 217m2 (7m x 31m); theo “Lược đồ giải thửa” do Phòng giao thông xây dựng địa chính huyện đo ngày 24-11-2003 (do yêu cầu của Tòa phúc thẩm) thì diện tích đất gắn liền với nhà của bà Bảy chỉ là 76m2 tại thửa 1511 tờ bản đồ số 6 do ông Thành đứng tên; còn theo “biên bản xác nhận” ranh giới đất đo địa chính xã lập ngày 17-5-2005 (có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân xã) thì khuôn viên đất do bà Bảy, bà Mười cất nhà ở nằm trên thửa đất số 1511 (của ông Thành) và thửa1512 (của ông Lâm). Như vậy, ba tài liệu nêu trên do ba cơ quan có thẩm quyền đo đạc thửa đất có tranh chấp có số liệu chênh lệch rất lớn về diện tích và vị trí, Trong trường hợp này, lẽ ra phải xác định chính xác diện tích đất do bà Mười, bà Bảy cất nhà thì mới có đủ cơ sở để giải quyết vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh về vấn đề nêu trên, nhưng lại căn cứ vào “hồ sơ kỹ thuật đất” do Sở địa chính lập ngày 09-4-2002 để xác định là bà Bảy có quyền sử dụng 217m2 đất (7m x31m) là không đủ căn cứ vững chắc.

    Ngoài ra trên diện tích đất có tranh chấp có nhà và các công trình kiến trúc của bà Bảy, bà Mười, nhưng ông Thành là người kê khai và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD). Do đó, cũng cần xác minh làm rõ khi ông Thành kê khai và được cấp GCNQSD đất thì bà Bảy, bà Mười có biết hay không? Căn cứ, thủ tục, trình tự cấp GCNQSD đất cho ông Thành có được thực hiện đúng hay không đúng quy định của pháp luật thì mới đủ cơ sở giải quyết vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm công nhận bà Bảy có quyền sử dụng 217m2  đất (trong đó có cả phần đất ông Thành được cấp GCNQSD đất) là chưa đủ căn cứ.

    Tại phiên tòa giám đôc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Về tố tụng:

    Căn cứ vào các tài liệu có tại hồ sơ vụ án thì bà Bùi Thị Mười có đơn cho rằng bà là người mua đất cất nhà và có cho bà Bảy ở nhờ nên yêu cầu UBND xã buộc ông Phạm Thành và anh Phạm Hồng Phong trả lại nhà và đất cho bà, sau đó Ủy ban nhân dân chuyển đơn của bà Mười cho Tòa án giải quyết và ngày 23-10-2000 bà Mười có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, còn tuy ngày 31-3-1999 bà Bảy có đơn yêu cầu gửi chính quyền địa phương nhưng đơn này không phải là đơn khởi kiện. Lẽ ra, phải xác định bà Mười là nguyên đơn trong vụ án mới đúng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định bà Bảy là nguyên đơn trong vụ án, còn bà Mười là người được bà Bảy ủy quyền là không đúng. Mặt khác, trong thực tế thì anh Phạm Hồng Phong (là con của ông Thành) đang quản lý sử dụng một phần đất đang có tranh chấp; nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa anh Phong tham gia tố tụng cũng là sai.

    Hơn nữa, theo xác nhận tại Công văn số 53/KN.THA ngày 14-4-2008 của Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang thì trong diện tích 217m2 đất mà Tòa án buộc ông Thành giao cho bà Bảy thì có 77,4m2 đất thuộc thửa đất số 1512 và thửa số 1509 của gia đình ông Huỳnh Thanh Lâm. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa ông Lâm vào tham gia tố tụng cũng là không đúng.

    Về nội dung:

    Quá trình giải quyết vụ án ông Thành cho rằng diện tích đất có tranh chấp là do ông được thừa kế; trong khi đó bà Mười cho rằng bà mua lại của cụ Phạm Phú Đồ, nhưng khi khiếu nại bà Bảy lại nêu diện tích đất có tranh chấp đã bị truất hữu. Lời khai của bà Mười có nhiều nhân chứng xác nhận, trong thực tế bà Mười đã cất nhà bảo sinh để ở và làm việc. Do đó, lẽ ra phải xác minh làm rõ có hay không việc chính quyền cũ truất hữu đất của gia đình ông Thành, đồng thời xác minh để xác định chính xác có việc bà Mười mua đất của cụ Phạm Phú Đồ hay không, vị trí, diện tích đất mua là bao nhiêu. Mặt khác, theo “ hồ sơ kỹ thuật” do Sở địa chính lập ngày 09-4-2002 thì thửa đất do bà Bảy, bà Mười cất nhà có diện tích là 217m2 (7m x 31m); theo “Lược đồ giải thửa” do Phòng giao thông xây dựng địa chính huyện đo ngày 24-11-2003 (do yêu cầu của Tòa phúc thẩm) thì diện tích đất gắn liền với nhà của bà Bảy chỉ là 76m2 tại thửa 1511 tờ bản đồ số 6 do ông Thành đứng tên; còn theo “biên bản xác nhận” ranh giới đất đo địa chính xã lập ngày 17-5-2005 (có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân xã) thì khuôn viên đất do bà Bảy, bà Mười cất nhà ở nằm trên thửa đất số 1511 (của ông Thành) và thửa1512 (của ông Lâm). Như vậy, ba tài liệu nêu trên do ba cơ quan có thẩm quyền đo đạc thửa đất có tranh chấp có số liệu chênh lệch rất lớn về diện tích và vị trí. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh về các vấn đề nêu trên, nhưng lại căn cứ vào “ hồ sơ kỹ thuật” do Sở địa chính lập ngày 09-4-2002 để xác định bà Bảy có quyền sử dụng 217m2 (7m x 31m) là không đủ căn cứ. Hơn nữa, trên thực tế diện tích đất có tranh chấp có nhà và các công trình kiến trúc của bà Bảy, bà Mười, nhưng ông Thành là người kê khai và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD). Do đó, cũng cần xác minh làm rõ về thủ tục, trình tự cấp GCNQSD đất cho ông Thành có được thực hiện đúng hay không đúng quy định của pháp luật và khi ông Thành kê khai bà Mười, bà Bảy có biết hay không, ý kiến của bà Mười, bà Bảy khi biết ông Thành kê khai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ các vấn đề trên nhưng đã giải quyết vụ án là chưa đủ căn cứ.

    Ngoài ra, theo báo cáo của Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang thì trên phần đất mà Tòa án công nhận bà Bảy có quyền sử dụng có một số công trình kiến trúc của gia đình ông Thành, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không giải quyết về các tài sản này cũng không đúng.

    Bởi các lẽ trên căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và các khoản 1, 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 310/2005/DSPT ngày 30-8-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 22-3-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã xét xử vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bảy (ủy quyền cho bà Bùi Thị Mười) và bị đơn là ông Phạm Thành.

    2. Giao hồ sơ vụ án về cho Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang giải quyết xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Tòa án xác định sai tư cách người tham gia tố tụng. Chưa làm rõ diện tích đất tranh chấp đã bị truất hữu hay chưa? chưa xác minh số liệu chênh lệch về diện tích và vị trí thửa đất tranh chấp. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đúng quy định của pháp luật hay không?

     

     
    3423 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận