Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

Chủ đề   RSS   
  • #265150 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

    Số hiệu

    08/2007/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

    Ngày ban hành

    07/02/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 07-02-1007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thầm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Ông Phạm Văn Son, sinh năm 1947; Trú quán: số 1A, ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

    Bị đơn: Bà Trần Thị Nguyệt, sinh năm 1956; ủy quyền cho ông Trần Quang Kiệt, sinh năm 1968; Đồng trú quán: Số 01, ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

    NHẬN THẤY:

    Bà Trần Thị Nguyệt có đơn đề ngày 04-01-1999 gửi Ủy ban nhân dân xã Tân Phú Đông yêu cầu giải quyết việc tranh chấp đất với ông Phạm Văn Son. Ngày 06-01-1999, Ủy ban nhân dân xã Tân Phú Đông tiến hành hòa giải nhưng không thành nên đơn được chuyển đến Tòa án giải quyết. Ngày 12-3-1999, ông Son có tờ tường trình gửi Tòa án nhân dân thị xã Sa Đéc. Ngày 16-6-1999 bà Nguyệt đã nộp tiền tạm ứng án phí nên Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý vụ án vào ngày 16-6-1999 và xác định bà Nguyệt là nguyên đơn, ông Son là bị đơn.

    Bà Trần Thị Nguyệt trình bày: Diện tích đất của bà đang sử dụng có nguồn gốc là của ông Trần Quang Kiệt (em trai bà Nguyệt) nhận chuyển nhượng từ bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, có diện tích là 1.830m2, có biên bản và sơ đồ xác định mốc giới ngày 26-7-1991, do cán bộ địa chính và cán bộ Ủy ban nhân dân xã Tân Phú Đông vẽ và xác định mốc giới. Uỷ ban nhân dân thị xã Sa Đéc đã có Quyết định1173/QĐ-UB ngày 29-8-1991 giao đất cho ông Kiệt. Ông Kiệt chuyển nhượng lại cho bà. Ủy ban nhân dân thị xã Sa Đéc có Quyết định số758/QĐ-UB ngày 22-9-1992 thu hồi diện tích 1.830m2, trừ lộ giới 680m2, diện tích sử dụng còn là 1.250m2 và giao cho bà sử dụng và bà đã được ủy ban nhân dân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 24-9-1992 với diện tích  1.250m2.

    Giáp ranh với đất của bà là đất của ông Son. Sát ranh đất đã có tường rào được xây dựng từ năm 1991 (tường do ông Kiệt xây) khi ông Son chưa về ở. Cuối năm 1998 đầu năm 1999 khi xây dựng lại bờ kè để bảo vệ kho xăng thì ông Son tranh chấp.

    Bà yêu cầu xác định ranh giới với đất của ông Son theo 2 mốc (6 và 5) đúng như sơ đồ ngày 26-7-1991 phải là:

    + Mốc 6: từ mí tường rào đã xây dựng, kéo sang đất ông Son là 0,5m;

    + Mốc 5: từ mí tường rào đã xây dựng, kéo sang đất của ông Son là 0,6m;

    Như vậy, ngoài tường rào đã xây, ông Son còn phải trả bà 27,9m2.

    Ông Phạm Văn Son trình bày: Năm 1992, bà Phạm Thị Năm (em gái ông Son) bị bệnh không cách tác được nên bà Năm và con trai là anh Phạm Thanh Tâm đã làm giấy ủy quyền cho ông sử dụng diện tích 2.100m2. Năm 1994, bà Nguyễn Thị Hiền thỏa thuận nhượng lại cho ông diện tích 2.400m2 đất (có quyết định công nhận giải quyết thành tranh chấp đất số 598 ngày 03-10-1994 của Ủy ban nhân dân thị xã Sa Đéc giữa ông Son với bà Hiền). Khi ông Son nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà Năm và bà Hiền giấy tờ chỉ ghi diện tích, không thể hiện mốc giới, không có sơ đồ ranh giới. Tổng diện tích đất của ông là 4.500m2. Ngày 22-7-1997 ông kê khai, đăng ký và được ủy ban nhân dân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích là 4.500m2.

    Năm 1993, khi gia đình ông về ở thì đã có bức tường được xây từ năm 1991. Mốc ranh đã có sẵn, cụ thể là con mương rộng khoảng 4,6m, còn chừa bờ mương phía bên bà Nguyệt là 0,5m. Khi về ở ông đã thấy bên bà Nguyệt xây tường lấn sang đất của ông, nhưng vì là hàng xóm nên ông không tranh chấp. Năm 1999 khi bà Nguyệt xây bờ kè bảo vệ bồn xăng mới xảy ra tranh chấp.

    Ông Son cho rằng bà Nguyệt đã lấn qua phần đất của ông, tình từ bức tường rào đã xây, lùi sang phần đất của bà Nguyệt là 1,8m để tính mốc 6, nối từ mốc 6 đến mốc 5 là hình tam giác có diện tích là 46m2. Như vậy, theo sơ đồ ngày 26-7-1991, yêu cầu bà Nguyệt phải trả lại ông diện tích đất mà bà Nguyệt lấn sang là 46 m2 mới đúng.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 22/STDS ngày 29-6-1999 của Tòa án nhân dân thị xã Sa Đéc và bản án dân sự phúc thẩm số 470/DSPT ngày 23-11-1999 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã xử: Bác yêu cầu của ông Trần Quang Kiện về việc xác định ranh giới đất giữa bà Trần Thị Nguyệt với ông Phạm Văn Son; xác định ranh giới đất của bà Nguyệt với đất của ông Son là đường thẳng (thể hiện trên sơ đồ đo đạc ngày 10-6-1999 bằng đường số 1) nối từ 2 điểm mốc (mốc 1 và mốc 2).

    Ngày 27-12-1999 ông Son có đơn khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm.

    Tại Quyết định kháng nghị số 40/KNDS ngày 10-10-2002, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 470/DSPT ngày 23-11-1999 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số285/GĐT-DS ngày 27-12-2002 Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã xử hủy bản án dân sự sơ thẩm nói trên của Tòa án nhân dân thị xã Sa Đéc và bản án dân sự phúc thẩm số 470 ngày 23-11-1999 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử vụ án dân sự tranh chấp ranh đất giữa nguyên đơn là Trần Thị Nguyệt với bị đơn là Phạm Văn Son và giao cho Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp giải quyết lại vụ án theo trình tự sơ thẩm.

    Sau đó do bà Trần Thị Nguyệt và ông Trần Quang Kiệt (do bà Nguyệt ủy quyền) có đơn xin rút đơn khởi kiện, còn ông Son có đơn yêu cầu giải quyết tiếp vụ án nên Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thụ lý vụ án và xác định lại tư cách đương sự trong vụ án ông Phạm Văn Son là nguyên đơn, bà Trần Thị Nguyệt là bị đơn.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/DSST ngày 30-9-2004 Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp quyết định:

    - Bác yêu cầu của ông Phạm Văn Son đòi bà Trần Thị Nguyệt phải trả từ mốc 1 đến mốc 6 là 1,8m, từ mốc 6 kéo dài đến mốc 5 là một hình tam giác có diện tích 46m2.

    - Bác yêu cầu của bà Nguyệt ủy quyền cho ông Trần Quang Kiệt đòi ranh giới từ mí tường rào qua phần đất của ông Son là 0,5m ở mốc 6 và 0,6m ở mốc 5.

    - Giữ nguyên hiện trạng ranh giới giữa ông Son và bà Nguyệt là bức tường rào bà Nguyệt đã xây dựng.

    (Có biên bản và sơ đồ đo đạc ngày 07-9-2004 và ngày 28-9-2004 kèm theo).

    Ngoài ra, án sơ thẩm còn quyết định về tiền chi phí đo đạc, án phí.

    Ngày 04-10-2004, ông Son có đơn kháng cáo.

    Ngày 11-10-2004, bà Nguyệt có đơn kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 112/DSPT ngày 13-4-2005 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Văn Son (sửa án sơ thẩm). Bác kháng cáo của bà Trần Thị Nguyệt.

    Áp dụng khoản 3 Điều 38 Luật đất đai, Điều 270 Bộ luật Dân sự,

    Xử: Buộc bà Trần Thị Nguyệt mà người trực tiếp quản lý là ông Trần Quang Kiệt phải có trách nhiệm trả lại cho ông Son 45,58m2 đất giáp ranh giữa ông Son và bà Nguyệt (cụ thể tại mốc 6 tính từ bức tường mà bà Nguyệt đã xây mí giáp với đất ông Son đo qua phía bên bà Nguyệt là 1,77m chạy dài qua mốc 5 đã định theo như án sơ thẩm đã xử có diện tích là 45,58m2) bà Nguyệt phải có trách nhiệm tháo dỡ bức tường để trả lại cho ông Son phần đất nêu trên.

    Ông Son có trách nhiệm đăng ký để Ủy ban nhân dân thị xã Sa Đéc điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất theo hướng nhận định trên.

    Bác yêu cầu của bà Nguyệt ủy quyền cho anh Kiệt đòi ông Son phải trả 27,9 m2  mà bà Nguyệt cho rằng ông Son lấn chiếm đất của bà.   

    Ngoài ra, án còn tuyên về án phí và chi phí giám định.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Nguyệt có đơn khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm.

    Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp có Công văn số74/BC-VKSĐT-DS ngày 04-5-2006 gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị kháng nghị bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm.

    Tại Quyết định số154/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 08-12-2006 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 112/DSPT ngày 13-4-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nêu trên, giữ nguyên hiệu lực của bản án dân sự sơ thẩm với nhận định:

    Theo bản án phúc thẩm nhận xét: “… Ông Son đăng ký kê khai và được Ủy ban nhân dân thị xã Sa Đéc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 4.500m… Nhưng theo biên bản đo đạc ngày 07-9-2004 do địa chính xã đo đạc thì thực tế ông đang sử dụng 3.861m (chưa kể 46,53m2  mà ông cho rằng bà Nguyệt lấn chiếm)”. Như vậy, so với diện tích đất được cấp thì phần đất thực tế sử dụng của ông Son bị thiếu 638m2 và của bà Nguyệt thừa 391m2   nếu trừ quy hoạch lộ giới 510m2 hoặc thừa 221m2 nếu trừ quy hoạch lộ giới 680m2. Xét thấy, tại “Biên bản về việc đo đạc phần đất tranh chấp” ngày 07-9-2004 các số liệu đo đạc chỉ thể hiện số đo chiều dài các cạnh hình đa giác của các thửa đất mà ông Son, bà Nguyệt đang sử dụng chưa được cán bộ hoặc cơ quan chuyên môn tính ra diện tích cụ thể của mỗi thửa đất. Cán bộ địa chính xã Tân Phú Đông xác nhận việc địa chính xã kết hợp với Tòa án tỉnh Đồng Tháp đo đạc phần đất của ông Son, bà Nguyệt “… nhưng không tính ra diện tích cụ thể của từng hộ. Do đo đạc không chính xác vì có cây cối chê khuất tầm nhìn”. Ngày 25-5-2005 Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 279/CV.TN-MT cung cấp bản đồ giải thửa và tổng diện tích đất của ông Son, bà Nguyệt căn cứ bản đồ địa chính theo hệ thống tọa độ quốc gia thì tại tờ bản đồ số 5 thửa đất số 9, diện tích 4.792,1m và thửa số 2 diện tích 1.939,5m2. Như vậy, phần đất thực tế sử dụng của ông Son thừa 292m2, của bà Nguyệt thừa 9,5m(nếu trừ quy hoạch lộ giới 680m2) so với diện tích đất được cấp cho mỗi hộ.

    Về việc xác định mốc giới theo biên bản xác định mốc giới ngày 26-7-1991 do cơ quan địa chính thị xã Sa Đéc lập: thì “Mốc 1” được xác định: “Từ trụ điện thoại đường đi công cộng phía tây của Bích Chi (xí nghiệp Bích Chi) kéo ngang qua đường đi đo là 5m cặp mé lộ 8 để tính mốc 1.

    Mốc 2: từ mốc 1 kéo cặp mé lộ 8 về phía đi Vàm Cống một đoạn là 34m để đóng mốc 2…

    Từ mốc 6 kéo cặp đường đi công cộng một đoạn là 30m…” Theo biên bản xác nhận địa giới đất nói trên thì “Mốc 1” được xác định từ trụ điện thoại… kéo ngang qua đường đi công cộng… đo là 05m cặp mé lộ 8 để tính mốc 1, chứ không kéo từ trụ điện thoại tới mé lộ 8 (kéo theo đường xéo) để xác định mốc 1. Ngày 25-4-2006 Ủy ban nhân dân xã Tân Phú Đông, Phòng Tài Nguyên và Môi trường thị xã Sa Đéc tiến hành xác định lại mốc giới và lập biên bản trên cơ sở biên bản xác định mốc giới đất lập ngày 26-7-1991. Kết quả kiểm tra cho thấy:

    Từ trụ điện thoại kéo ngang qua đường đi công cộng sang đất bà Nguyệt một đoạn 5m và cách mốc 1a (mí lộ 80) một đoạn là 2,3m cắm mốc 1, từ mốc 1 kéo đến mốc 2 (mí lộ 80) có số đo là 34m và từ mốc 1a kéo đến mốc 2 có số đo là 34m.

    Từ trụ điện thoại kéo đến mốc 1a đo được là 5,5m.

    Như vậy, nếu xác định mốc 1a là mốc giới theo biên bản ngày 26-7-1991 thì không phù hợp vì số đo từ trụ điện thoại đến mốc 1a là 5,5m thay vì chỉ là 5m.

    Còn từ trụ điện thoại kéo đến mốc 1b (mí lộ 80, bản án phúc thẩm xác định là mốc 1) cũng có số đo là 5m, nhưng từ mốc 1b kéo mốc 2 (mốc cố định) có số đo là 34,5m nhiều hơn số đo từ mốc 1 đến mốc 2 là 0,5m.

    Như vậy, nếu xác định mốc 1b (như án phúc thẩm xác định mốc 1) sẽ không phù hợp với biên bản xác định mốc giới ngày 26-7-1991. Theo biên bản lập ngày 25-4-2006 thì từ mốc 1 kéo về mốc 6 đo được là 30m (đúng với số đo theo biên bản ngày 26-7-1991). Nếu đo từ mốc 6 đến mốc 1a, mốc 1b thì chiều dài đo được đều dài hơn cạnh từ mốc 6 đến mốc 1 (theo biên bản ngày 26-7-1991) là 2,3m. Như vậy, mốc 1a hay mốc 1b (nằm ngay trên mí lộ 80) đều không phải là mốc 1 như biên bản xác định mốc giới ngày 26-7-1991.

    Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ số liệu tại “Biên bản về việc đo đạc phần đất tranh chấp” ngày 07-9-2004 do Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp cùng cán bộ địa chính xã Tân Phú Đông thực hiện mà không xem xét đầy đủ các tài liệu liên quan đã quyết định buộc bà Nguyệt tháo dỡ hàng rào đã xây dựng và giao trả cho ông Son diện tích 45,58mđất tranh chấp là không đúng.

    Về thủ tục tố tụng: Nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Son thì ngoài việc bà Nguyệt phải trả đất cho ông Son, bà Nguyệt còn phải phá dỡ phần tường xây làm ranh giới, di dời bồn xăng, dầu dưới lòng đất. Liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ này còn có ông Phan Văn Sắc (chồng của bà Nguyệt), Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không đưa ông Sắc tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là vi phạm thủ tục tố tụng.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án phúc thẩm và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại theo hướng nhận định trong kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Phạm Văn Son và bà Trần Thi Nguyệt đều thống nhất yêu cầu xác định ranh giới đất theo Biên bản xác định mốc giới lập ngày 26-7-1991. Theo sơ đồ tại biên bản này thì ranh giới hai bên đường thẳng mốc 5 và mốc 6.Mốc 5 hai bên đã thống nhất là trụ đã có sẵn. Mốc 6 cũng đã thống nhất cách mốc số 1 là 30m. Như vậy, tranh chấp giữa hai bên là việc xác định vị trị mốc 1.

    Theo Biên bản xác định mốc giới ngày 26-7-1991 thì mốc 1 được xác định: “Từ trụ điện thoại cặp bờ bao đường đi công cộng phía tây của Bích Chi kéo ngang qua đường đi đo là 5m cặp mé lộ 8 để tính mốc 1”. Bản án sơ thẩm xác định mốc 1 từ trụ điện thoại kéo ngang qua đường đi 5m. Xác định như án sơ thẩm là có cơ sở, phù hợp với lời khai của các nhân chứng. Theo lời khai của ông Sự là cán bộ địa chính tham gia đo đạc, cắm mốc giới ngày 26-7-1991 thì “… Không đo xéo ra mí lộ được mà kéo ngang qua một đoạn là 5m cắm mốc 1, từ mốc 1 kéo thẳng tới mí bờ cắm mốc 6 chiều dài là 30m, cắm mốc 6 là hết bờ. Lộ 8 ngày trước cong nên không đo theo chiều cong của lộ 8 mà đo ngang qua một đoạn 5m. Lúc đó tại chỗ đó có một cái chòi của người sửa xe nên không thể đo ra mí lộ mà đo ngang cho phù hợp…”. Ông Dũng (cán bộ nông nghiệp tham gia đo đạc, cắm mốc giới ngày 26-7-1991) cũng khai “Từ trụ điện thoại kéo ngang qua là 5m cắm mốc 1, từ mốc 1 mới kéo vào phía sau cắm mốc 6 độ dài là 30m”. Xác định mốc 1 như án sơ thẩm cũng phù hợp với số liệu ghi trên sơ đồ lập ngày 26-7-1991 là mốc 1 cách mốc 2 là 34m. Bản án phúc thẩm xác định mốc 1 sát mí lộ là không phù hợp với các số liệu của sơ đồ lập ngày 26-7-1991 và các chứng cứ khác như đã nêu trên.

    Mặt khác, bức tường ranh giới đã được xây trước khi ông Son nhận chuyển nhượng đất và không có tranh chấp. Bức tường này đã xây đúng ranh giới đất của bà Nguyệt với ông Son theo sơ đồ đo đạc ngày 26-7-1991; bản án sơ thẩm xác định ranh giới theo mí ngoài bức tường bà Nguyệt đã xây là có căn cứ. Do đó, cần phải hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại, nếu không có căn cứ gì mới thì phải xác định ranh giới đất thuộc quyền sử dụng của ông Son và bà Nguyệt là mặt ngoài của bức tường rào mà bà Nguyệt đã xây như Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 291, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 112/DSPT ngày 13-4-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Phạm Văn Son với bị đơn là bà Trần Thị Nguyệt.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

    Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng ranh giới đất tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn. Do đó, nếu không có căn cứ gì mới thì việc Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là không đúng.

     

     
    4382 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận