Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265249 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu tài sản"

    Số hiệu

    03/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu tài sản"

    Ngày ban hành

    08/01/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     


    ……..

    Ngày 08 tháng 01 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm, xét xử vụ án dân sự tranh chấp quyền sở hữu tài sản giữa:

    Nguyên đơn: Họ Đạo Cao Đài Thánh Thất Tam, Thôn Hiệp, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh;

    Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (giấy ủy quyền ngày 28-6-2005):

    1. Ông Phạm Văn Xuân, sinh năm 1935; trú tại: ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

    2. Ông Nguyễn Văn Dừa, sinh năm 1935; trú tại: ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơn:

    1. Ông Trần Văn Bằng, sinh năm 1960;

    2. Bà Phạm Thị Tiền, sinh năm 1962 (là vợ ông Bằng);

    Ông Bằng và bà Tiền đều trú tại: ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Anh Phan Văn Vàng sinh năm 1972;

    2. Anh Phan Văn Trai sinh năm 1970;

    3. Chị Phan Thị Kim Cúc;

    4. Chị Phan Thị Y;

    5. Anh Phan Văn Sý;

    6. Anh Phan Văn Ý;

    7. Anh Phan Văn Tâm;

    8. Anh Phan Văn Hiệp;

    9. Anh Phan Văn Hùng;

    (Anh Vàng, anh Trai, chị Cúc, chị Y, anh Sý, anh Ý, anh Tâm, anh Hiệp và anh Hùng đều trú tại ấp An Hoà, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh; anh Vàng và anh Trai được tất cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn lại ủy quyền tham gia tố tụng theo giấy ủy quyền ngày 13-6-2005).

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 26-01-2005 của Họ Đạo Cao Đài Thánh Thất Tam Thôn Hiệp (sau đây gọi tắt là Họ Đạo) và lời trình bày của các đại diện Họ Đạo là các ông Nguyễn Văn Dừa, ông Phạm Văn Xuân thì:

     Năm 1991, ông Phan Văn Hưởng là trưởng họ Đạo, thay mặt cho Họ Đạo, đứng tên trong đơn xin đất và được UBND huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) ra quyết định cấp đất cho Họ Đạo để sản xuất, do ông Phan Văn Hưởng đại diện đứng tên. Tổng diện tích đất được cấp là 129.882m2 theo Quyết định số 389 ngày 21-10-1991, gồm 3 thửa (38,39,40) tọa lạc tại ấp An Lạc, xã Tam Thôn Hiệp. Cũng trong thời gian đó, ông Trần Văn Bằng và bà Phạm Thị Tiền cũng được UBND huyện Duyên Hải cấp đất Lâm nghiệp, với diện tích được cấp là 157.644m2, theo Quyết định số 393 ngày 21-10-1991 gồm 8 thửa (73, 74, 77, 78, 79, 80, 81 và 86) ở xã Tam Thôn Hiệp. Khi giao đất, ông Lê Xuân Quang thay mặt cho cơ quan địa chính huyện đã chỉ mốc giới đất của mỗi hộ, trong đó có đất của Họ Đạo. Năm 1992, Họ Đạo mua giống đước để trồng trên diện tích đất được giao 129.882m2, nhưng đất đã bị ông Bằng, bà Tiền lấn chiếm và trồng đước trên diện tích đất này. Họ Đạo đến gia đình ông Bằng, bà Tiền trình bày nhưng ông Bằng, bà Tiền không chấp nhận mà vẫn cố tình chiếm đất và trồng đước trên diện tích đất của Họ Đạo; do đó, Họ Đạo yêu cầu ông Bằng, bà Tiền phải giao trả lại đất (thực tế đất đã bị Nhà nước thu hồi và được bồi thường, trong đó Họ Đạo đã nhận 114.296.160 đồng). Trong đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 28-6-2005, ông Dừa và ông Xuân (thay mặt Họ Đạo) yêu cầu ông Bằng, bà Tiền trả lại đất và tiền ăn chia cây đước trồng trên đất. Tại biên bản hòa giải không thành ngày 06-6-2005, đại diện Họ Đạo yêu cầu ông Bằng, bà Tiền trả lại toàn bộ số tiền đền bù đất (571.480.000 đồng) và 50% tiền huê lợi cây trồng trên đất (428.617.000 đồng).

    Bị đơn là ông Bằng và bà Tiền trình bày:    Năm 1991 ông, bà được UBND huyện Duyên Hải cấp cho 157.644 m2 đất theo Quyết định số 393 ngày 21-10-1991. Sau khi nhận đất, ông bà đã khai hoang trồng đước, được UBND xã và Hạt kiểm lâm cho phép. Năm 2002 Nhà nước có chủ trương kê khai, thu hồi lại đất rừng ở khu rừng ngập nước để làm khu sinh thái, gia đình ông, bà đã trả lại 129.882m2 đất và được Nhà nước đền bù:

    - Tiền đất: 571.480.000 đồng;

    - Tiền cây đước: 857.220.000 đồng;

    Tổng cộng: 1.428.700.800 đồng.

    Nay họ Đạo Cao Đài kiện đòi ông, bà trả lại toàn bộ số tiền đất được Nhà nước đền bù và 50% số tiền cây đước, ông bà không đồng ý vì ông, bà đã trồng đước trên diện tích đất được giao từ năm 1991 đến nay.

    Anh Phan Văn Vàng và anh Phan Văn Trai (đại diện cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đều là các con của ông Phan Văn Hưởng) trình bày: Phần đất đang tranh chấp giữa Họ Đạo với vợ chồng ông Bằng, bà Tiền nguyên trước đây Nhà nước cấp cho cha các anh là ông Phan Văn Hưởng, theo Quyết định cấp đất số 389 ngày 21-10-1991, với tổng diện tích đất được cấp là 129.882m2. Trước đây, gia đình anh có tranh chấp đất và cây trồng với ông Bằng, bà Tiền, nhưng sau đó cả hai bên thương lượng thống nhất với nhau, các anh đã rút đơn kiện, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án; ông Xuân, ông Dừa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh cũng ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (Quyết định số 340/DSPT ngày 25-10-2004). Nay các anh không có tranh chấp kiện tụng gì, không có đơn kiện, không nộp tiền tạm ứng án phí nhưng cũng đề nghị cho được nhận số tiền đền bù đất của ông Phan Văn Hưởng.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số1498/2005/DS-ST ngày 19-7-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    - Chấp nhận yêu cầu của họ Đạo Cao Đài Thánh Thất Tam Thôn Hiệp.

    - Bác yêu cầu của ông Bằng, bà Tiền về việc không thanh toán tiền đền bù cây đước và tiền đền bù đất.

    - Không xem xét yêu cầu của anh Phan Văn Vàng và anh Phan Văn Trai vì không có đơn và không nộp tiền tạm ứng án phí.

    - Xác nhận diện tích đất được cấp 129.882m2 theo quyết định số389/QĐ-UB ngày 21-10-1991 của UBND huyện Duyên Hải nay là Cần Giờ cấp cho Họ Đạo Cao Đài, do ông Phan Văn Hưởng đại diện đứng tên.

    - Họ Đạo Cao Đài Thánh Thất Tam Thôn Hiệp được quyền sở hữu toàn bộ khoản tiền đền bù: 129.882 mđất , trị giá là: 571.480.800 đồng. Xác nhận Họ Đạo Cao Đài Thánh Thất Tam Thôn Hiệp đã nhận được 114.296.160 đồng, còn được nhận tiếp 457.184.640 đồng từ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ.

    - Giải tỏa quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 1314 ngày 18-5-2005 của TAND TP. Hồ Chí Minh đã kê biên số tiền 457.184.640 đồng

    - Buộc ông Bằng, bà Tiền phải thanh toán trả lại tiền đền bù cây đước cho Họ Đạo Cao Đài Thánh Thất Tam Thôn Hiệp là: 373.676.408 đồng.

    - Án phí dân sự sơ thẩm ông Bằng, bà Tiền phải nộp 26.903.144 đồng.

    Ngày 28-7-2005 ông Bằng, bà Tiền có đơn kháng cáo với nội dung là án sơ thẩm xác định vợ chồng ông trồng cây đước lấn qua đất Họ Đạo mà không có chứng cứ chứng minh; đồng thời, án sơ thẩm chỉ cho vợ chồng ông được hưởng 50% của tiền bồi thường 142.870 cây đước là sai pháp luật. Tại phiên Tòa phúc thẩm, ông Bằng, bà Tiền bổ sung yêu cầu xem xét phần án phí dân sự sơ thẩm về số tiền đền bù đất.

    Ngày 29-7-2005 anh Phan Văn Vàng, anh Phan Văn Trai kháng cáo với nội dung các anh là thừa kế của ông Phạm Văn Hưởng, nên phải được hưởng số tiền đền bù về đất trồng rừng là 571.480.800 đồng, nhưng án sơ thẩm lại giao tiền đền bù đất cho Họ Đạo là không có cơ sở.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số419/2005/DS-PT ngày 27-10-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định giữ nguyên về nội dung quyết định của án sơ thẩm, sửa án sơ thẩm về phần án phí; cụ thể:

    - Về án phí dân sự sơ thẩm ông Bằng, bà Tiền phải chịu 14.210.292 đồng.

    Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí dân sự phúc thẩm.

    Ngày 02-12-2005, ông Bằng, bà Tiền có đơn khiếu nại; ngày 28-03-2007 và 07-5-2007, ông Bằng có lời khai tại Toà án nhân dân tối cao, cho rằng: Việc Tòa án các cấp buộc gia đình ông phải trả cho Họ Đạo Cao Đài 1/2 số tiền đền bù cây đước mà Nhà nước đã thanh toán cho gia đình ông là không đúng.

    Tại Quyết định số209/2007/KN-DS ngày 22-10-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số419/2005/DS-PT ngày 27-10-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng việc Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số419/2005/DS-PT ngày 27-10-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết. Tuy nhiên, việc tranh chấp giữa các đương sự phát sinh trên quyết định hành chính mà cụ thể là quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ về việc đền bù giá trị 142.870 cây đước cho vợ chồng ông Bằng, bà Tiền nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các đương sự thuộc Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ.

    XÉT THẤY:

    Ngày 13-5-1991, ông Phan Văn Hưởng (Trưởng Họ Đạo Cao Đài Thánh Thất Tam Thôn Hiệp) đứng đơn xin cấp đất cho Họ Đạo. Ngày 21-10-1991, Uỷ ban nhân dân huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) ra Quyết định số389/QĐ-UBH cấp đất cho Họ Đạo để sản xuất, với diện tích đất là 129.882 m2 (gồm 3 thửa tọa lạc tại tờ bản đồ số 15, xã Tam Thôn Hiệp) nhưng do ông Hưởng (đại diện cho Họ Đạo) đứng tên trong Quyết định giao đất. Cũng trong thời gian đó, ông Trần Văn Bằng và bà Phạm Thị Tiền cũng được Uỷ ban nhân dân huyện Duyên Hải cấp đất Lâm nghiệp, với diện tích được cấp là 157.644 m2 đất, theo Quyết định số 393 ngày 21-10-1991 (gồm 8 thửa, tọa lạc tại tờ bản đồ số 15, xã Tam Thôn Hiệp). Sau khi có Quyết định giao đất, vợ chồng ông Bằng, bà Tiền đã trồng đước trên phần đất của Họ Đạo được giao.

    Ngày 11-9-2002, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số3712/QĐ-UB phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư đối với dự án mua lại rừng trồng tự  túc trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ do Hội đồng đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng của dự án lập (phương án số514/PAĐB-UB ngày 16-8-2002) và giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ chỉ đạo Hội đồng đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng của dự án tổ chức thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng theo phương án đã được duyệt.

     Do phần đất mà Họ Đạo được cấp nằm trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, nên Nhà nước có chủ trương thu hồi và đền bù. Ngày 24-8-2002, Hội đồng đền bù và Họ Đạo đã thoả thuận và ký biên bản thoả thuận bồi thường với nội dung Họ Đạo được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất (129.882 m2 đất) bằng 571.480.000 đồng; còn 142.870 cây đước trồng trên diện tích đất này thì  Hội đồng đền bù và gia đình bà Phạm Thị Tiền  đã thoả thuận và ký biên bản thoả thuận bồi thường ngày 05-5-2003 với nội dung gia đình bà Tiền được bồi thường trị giá của 142.870 cây đước bằng 857.220.000 đồng. Ông Bằng, bà Tiền đã nhận được toàn bộ số tiền đền bù đước (857.220.000 đồng); Họ Đạo mới nhận được một phần tiền đền bù đất là 114.296.160 đồng, số tiền đền bù đất còn lại (457.184.640 đồng) do có tranh chấp nên Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ đang giữ.

    Như vậy, Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng đã có thoả thuận với Họ Đạo và ông Bằng, bà Tiền về việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất và cây, nhưng do có tranh chấp giữa Họ Đạo với vợ chồng ông Bằng, bà Tiền về số tiền bồi thường này, nên cần xác minh làm rõ thoả thuận, phương án đền bù đất, cây. Nếu các bên đều biết thoả thuận này và phương án đền bù đất, cây được làm công khai, được niêm yết đầy đủ và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ  Chí Minh đã có Quyết định phê duyệt phương án đền bù, thì tiền bồi thường của người nào người đó được hưởng. Nếu các bên không biết thoả thuận này và Họ Đạo biết vợ chồng ông Bằng, bà Tiền trồng đước trên đất của Họ Đạo nhưng không khiếu nại, thì không không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của Họ Đạo đòi giá trị khai thác quyền sử dụng đất để trồng cây. Trong trường hợp Họ Đạo biết ông Bằng, bà Tiền trồng đước trên đất của Họ Đạo và có khiếu nại, tranh chấp từ khi mới trồng nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thì Họ Đạo cũng cũng chỉ được hưởng giá trị khai thác, sử dụng đất tương ứng với giá đất thuê (trong thời gian từ  năm 1992 đến lúc Nhà nước thu hồi đất) tại địa phương, nhưng không thể cho hưởng 50% số tiền bồi thường đước (sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý).

    Do Họ Đạo và vợ chồng ông Bằng, bà Tiền tranh chấp về số tiền đền bù đất và cây nên quan hệ pháp luật trong vụ án này là tranh chấp quyền sở hữu tài sản (tiền đền bù đất, cây); Toà án các cấp xác định quan hệ pháp luật của vụ án này là “Chiếm dụng quyền lợi đất và tài sản trên đất” là chưa đúng.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ  khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số419/2005/DS-PT ngày 27-10-2005 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số1498/2005/DS-ST ngày 19-7-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Chiếm dụng quyền lợi đất và tài sản trên đất” giữa nguyên đơn là Họ Đạo Cao Đài Thánh Thất Tam Thôn Hiệp với bị đơn là ông Trần Văn Bằng, bà Phạm Thị Tiền.

        2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Cần là rõ Họ Đạo có biết hay không thỏa thuận đền bù đất, cây; xác minh rõ Họ Đạo có biết hay không việc bị đơn trồng được trên đất của Họ Đạo; cần xác định vụ án là tranh chấp quyền sở hữu tài sản”.

     

     
    3436 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận