Số hiệu
|
06/2007/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu tài sản"
|
Ngày ban hành
|
06/02/2007
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
……..
Ngày 06 tháng 02 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Các đương sự trong vụ án được xác định theo bản án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gồm có:
Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Bình; trú tại xóm Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. (Bà Bình uỷ quyền cho anh Nguyễn Ngọc Hải sinh năm 1962 theo giấy uỷ quyền ngày 14-12-2005).
Bị đơn: Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây do ông Phan Lạc San - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng là người đại diện theo pháp luật.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Nguyễn Lê Bửu Chí sinh năm 1955 (là người thừa kế hợp pháp của ông Nguyễn Văn Châu); trú tại nhà số 428 Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. (Ông Chí uỷ quyền cho chị Phan Thị Thuyết sinh năm 1965; trú tại xóm Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây theo giấy uỷ quyền ngày 19-4-2006).
2. Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây do ông Nguyễn Đình Lợi - Chủ nhiệm Hợp tác xã là người đại diện theo pháp luật.
NHẬN THẤY:
Tại đơn khởi kiện ngày 20-3-2002 và các lời khai tại Toà án, bà Nguyễn Thị Bình trình bày:
Sinh thời cụ Nguyễn Văn Bân (chết năm 1946) có 04 người vợ:
- Vợ cả là cụ Nguyễn Thị Phương (chết năm 1930), có 03 người con chung gồm: ông Nguyễn Văn Đào (chết năm 1947, vợ là bà Đặng Thị Thái, con trai là ông Nguyễn Văn Sơn là chồng của bà Bình); ông Nguyễn Văn Đồng (chết năm 1970, có con là ông Nguyễn Văn Châu); ông Nguyễn Văn Đống (chết năm 1980);
- Vợ thứ 2 (không rõ họ tên) đã chết, không có con chung;
- Vợ thứ 3 là cụ Kiều Thị Dụ (chết năm 1965) có một con chung là bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyên;
- Vợ thứ 4 là cụ Nguyễn Thị Quang (chết năm 1944), có 05 con chung gồm: ông Nguyễn Văn Doanh, ông Nguyễn Văn Đàn, ông Nguyễn Văn Bàn, ông Nguyễn Văn Biền và bà Nguyễn Thị Ngọc Chuyên.
Cụ Bân và 04 người vợ có nhiều khối tài sản ở các nơi, trong đó khối tài sản cụ Bân và vợ cả là cụ Phương tạo lập (hiện đang có tranh chấp) bao gồm: một nhà thờ (03 gian), một nhà ở (05 gian) cùng bếp và công trình phụ trên thửa đất số 1884 (theo bản đồ năm 1924) tọa lạc tại xóm Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (sau đây gọi tắt là nhà, đất ở xã Hữu Bằng).
Sau khi cụ Bân và cụ Phương chết thì nhà, đất ở xã Hữu Bằng do bà Đặng Thị Thái (là vợ ông Đào) quản lý. Năm 1956, bà Bình kết hôn với ông Sơn và về sống chung với bà Thái tại nhà, đất này.
Vào khoảng thời gian 1956-1957, bà Thái cho Công ty Bông vải sợi cấp II Sơn Tây mượn ngôi nhà ở 05 gian làm kho chứa hàng. Năm 1966, Công ty Bông vải sợi chuyển đi, trả lại nhà cho gia đình bà. Sau đó, bà Thái cho Cửa hàng lương thực huyện Thạch Thất mượn và đến cuối năm 1967 Cửa hàng lương thực huyện Thạch Thất trả lại nhà cho gia đình bà sử dụng.
Năm 1975, bà Thái và bà Bình cho Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng mượn phần nhà, đất trên để Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng làm trụ sở và kho chứa thuốc sâu, phân đạm. Bà Thái, bà Bình đồng ý cho Hợp tác xã xây tường ngăn, cổng đi riêng, làm thêm 03 gian nhà bếp. Sau khi bà Thái chết, bà Bình tiếp tục quản lý nhà, đất.
Năm 1981, ông Nguyễn Văn Doanh (là con chung của cụ Bân và vợ thứ 4) có đơn yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng trả lại nhà, đất cho gia đình.
Tại công văn số 319 CV/UB ngày 14-9-1982, Uỷ ban nhân dân huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây đã trả lời với nội dung: nhà, đất đăng ký địa bạ 417 diện tích 1 sào 5 thước là tài sản trưng thu trong cải cách ruộng đất, là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nay giao cho Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng quản lý đúng chính sách nhà nước.
Năm 1988, ông Nguyễn Văn Châu (là con của ông Đồng) được gia tộc uỷ quyền đứng đơn kiện đòi nhà, đất. Uỷ ban nhân dân huyện Thạch Thất có công văn số 89 CV/UB ngày 05-4-1992 gửi Vụ trưởng Vụ quản lý nhà đất đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng, đề nghị hướng dẫn giải quyết yêu cầu đòi nhà, đất của ông Châu. Tại công văn số 31/XD ngày 15-6-1992, Bộ xây dựng trả lời Uỷ ban nhân dân huyện Thạch Thất cho rằng việc giải quyết yêu cầu đòi nhà, đất nêu trên thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây. Tuy nhiên, Uỷ ban nhân dân huyện Thạch Thất không chuyển hồ sơ cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây giải quyết.
Bà Bình yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng trả lại cho gia đình bà nhà, đất nêu trên; bà khẳng định gia đình bà không bị qui là địa chủ và nhà, đất của gia đình bà không bị Nhà nước tịch thu, trưng thu, trưng mua trong thời kỳ cải cách ruộng đất.
Bị đơn - Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng (đại diện là ông Phan Lạc San - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng (đại diện là ông Nguyễn Đình Lợi - Chủ nhiệm Hợp tác xã) trình bày: nguồn gốc nhà, đất hiện đang tranh chấp là của cụ Bân. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất cụ Bân bị qui là địa chủ nên đã bị Nhà nước trưng thu nhà, đất. Sau đó, Nhà nước có trả lại 1/2 nhà, đất cho gia đình cụ Bân là phần nhà, đất hiện bà Bình đang ở. Phần nhà, đất còn lại Đội cải cách giao cho Công ty Bông vải sợi cấp II Sơn Tây sử dụng, sau đó giao cho Cửa hàng lương thực huyện Thạch Thất mượn. Đến năm 1975, Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng giao nhà, đất trên cho Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng làm trụ sở. Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng không đồng ý trả lại nhà, đất cho gia đình bà Bình.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: ông Nguyễn Lê Bửu Chí - là người thừa kế của ông Nguyễn Văn Châu đồng ý như trình bày của bà Bình, yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng trả lại cho gia đình ông nhà, đất.
Tại Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 01/QĐTT ngày 27-01-2003, Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây quyết định:
1. Công nhận sự thoả thuận của các đương sự như sau:
Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng trả lại cho gia đình bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyễn Văn Châu khu nhà đất gồm 3 ngôi nhà cấp 4 trong đó có 1 ngôi nhà trên 5 gian, 2 ngôi nhà ngang mỗi ngôi nhà có 4 gian, 2 gian nhà phụ, sân gạch trên diện tích 341m2 đất ở xóm Đình xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Phía Đông giáp đất nhà ông Chiêu, phía Tây giáp đất nhà ông Tư Lẩm, phía Bắc giáp đất nhà ông Kế Bảy, phía Nam giáp đất nhà bà Bình đang sử dụng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Bình giao cho Uỷ ban nhân xã Hữu Bằng 50.000.000 đ (Năm mươi triệu đồng).
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm thi hành án và án phí theo quy định của pháp luật.
Ngày 12-6-2003 và 14-6-2003, Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng có công văn gửi Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây đề nghị xem xét lại Quyết định số 01/QĐTT ngày 27-01-2003 của Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tại Quyết định số447/QĐKN-GĐT ngày 07-7-2003, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây đã kháng nghị Quyết định số 01/QĐTT nêu trên.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số04/GĐT-DS ngày 07-8-2003, Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây quyết định:
- Huỷ Quyết định số 01/QĐTT ngày 27-01-2003 của Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất.
- Giữ lại hồ sơ để Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây điều tra, xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2005/DSST ngày 10-8-2005, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây quyết định:
- Xác nhận 5 gian nhà xây, 3 gian nhà ngang, công trình phụ trên 381,8 m2 đất thửa số 328 tờ bản đồ số 6 lập năm 2001 xóm Đình-Hữu Bằng là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Bân và cụ Nguyễn Thị Phương trị giá 621.957.000đ. Các thừa kế của cụ Bân, cụ Phương được hưởng.
- Chấp nhận yêu cầu đòi nhà đất cho ở nhờ của bà Bình và ông Châu (đại diện các thừa kế của cụ Bân, cụ Phương) đối với UBND xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng.
- UBND xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng phải giao trả toàn bộ tài sản gồm: 5 gian nhà chính, 3 gian nhà ngang, 3 gian bếp, công trình phụ trên thửa đất số 328 diện tích 381,8m2 tờ bản đồ số 6 lập năm 2001 xã Hữu Bằng có tổng trị giá 623.332.000đ cho các thừa kế của cụ Bân và cụ Phương do bà Bình và ông Châu (đại diện các thừa kế) nhận quản lý.
- Bà Bình, ông Châu phải thanh toán cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Bằng giá trị tài sản phát triển là: 1.375.000 đ.
- Việc giao tiền và giao nhà đất thực hiện đồng thời.
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí định giá, án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 20-8-2005 và ngày 23-8-2005, Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Bằng đều có đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của Toà án cấp sơ thẩm, vì thời kỳ cải cách ruộng đất, cụ Bân bị qui là địa chủ nên nhà, đất tranh chấp đã bị trưng thu và Chính quyền đã quản lý từ năm 1955 đến nay.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 89/2006/DSPT ngày 21-4-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:
Không chấp nhận kháng cáo của Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng; giữ nguyên quyết định của bản án dân sự sơ thẩm.
Áp dụng Điều 13 Nghị quyết số58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 và Nghị định số25/NĐ-CP ngày 19-4-1999 của Chính phủ.
1. Xác nhận 5 gian nhà xây, 3 gian nhà ngang công trình phụ trên 381,8m2 đất thửa số 328 tờ bản đồ số 6 lập năm 2001 tại xóm Đình, xã Hữu Bằng là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Bân và cụ Nguyễn Thị Phương trị giá 621.957.000 đồng. Các thừa kế của cụ Bân, cụ Phương được hưởng.
2. Chấp nhận yêu cầu đòi nhà đất cho ở nhờ của bà Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Lê Bửu Chí - là người thừa kế hợp pháp của ông Nguyễn Văn Châu (đại diện cho các thừa kế của cụ Bân, cụ Phương) đối với Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng.
3. Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng phải giao trả toàn bộ tài sản gồm 5 gian nhà chính, 3 gian nhà ngang, 3 gian bếp, công trình phụ trên thửa đất số 328 diện tích 381,8m2 tờ bản đồ số 6 lập năm 2001 xã Hữu Bằng có tổng giá trị 623.332.000 đồng cho các thừa kế của cụ Bân và cụ Phương do bà Bình và người thừa kế của ông Châu là ông Nguyễn Lê Bửu Chí đại diện quản lý.
Bà Bình, ông Chí phải thanh toán cho Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng giá trị tài sản phát triển là 1.375.000 đồng. Việc giao tiền và giao nhà thực hiện đồng thời. Chi phí định giá 1.000.000 đồng gia đình bà Bình đã nộp.
Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí theo quy định của pháp luật.
Ngày 10-6-2006, ông Hoàng Văn Xim - Đại biểu Quốc hội Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tây có văn bản chuyển đơn khiếu nại của 16 đảng viên xã Hữu Bằng đối với quyết định của bản án dân sự phúc thẩm nêu trên đến Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Ngày 30-6-2006, Ủy ban pháp luật của Quốc hội có công văn số 1727/UBPL11 chuyển đơn khiếu nại của Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và đơn khiếu nại của 16 đảng viên xã Hữu Bằng đối với quyết định của bản án dân sự phúc thẩm nêu trên đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Tại Quyết định số190/2006/KN-DS ngày 01-11-2006, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị đối với bản án phúc thẩm nêu trên của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội với nhận định:
Nguồn gốc nhà trên 381,8m2 đất đang tranh chấp (hiện nay là trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Bằng, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây) là của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Bân và cụ Nguyễn Thị Phương.
Gia đình bà Nguyễn Thị Bình cho rằng trước khi cho UBND xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (sau đây gọi tắt là UBND xã) mượn nhà, đất hiện đang tranh chấp (vào năm 1970) thì đã cho Công ty bông vải sợi cấp II tỉnh Sơn Tây và sau đó là Cửa hàng lương thực huyện Thạch Thất mượn làm địa điểm giao dịch công tác (nhưng có lời khai, bà Bình lại xác định là cho các cơ quan trên thuê và có thu 05 đồng/tháng) và không thừa nhận trong cải cách ruộng đất cụ Bân bị qui là địa chủ. UBND xã thì cho rằng trong thời kỳ cải cách ruộng đất cụ Bân bị qui là địa chủ và tài sản đã bị tịch thu, trưng thu; còn việc Công ty bông vải sợi cấp II tỉnh Sơn Tây và Cửa hàng lương thực huyện Thạch Thất mượn nhà, đất hiện đang tranh chấp làm địa điểm giao dịch công tác là do xã bố trí. Tuy nhiên, cả bà Bình và UBND xã đều không xuất trình được chứng cứ chứng minh cho lời khai của mình.
Lời khai của một số nhân chứng (nguyên là các cán bộ huyện Thạch Thất, cán bộ xã Hữu Bằng có tham gia công tác trong và sau thời kỳ cải cách ruộng đất) lại mâu thuẫn với nhau (có người khai cụ Bân không bị qui là địa chủ và như vậy tài sản của cụ Bân không bị tịch thu, có người khai cụ Bân là địa chủ và tài sản của cụ Bân đã bị tịch thu, trong đó có nhà, đất nêu trên). Nhưng trong thực tế, nhà, đất nêu trên từ những năm 1960 đến nay đều do các cơ quan, tổ chức xã hội ở địa phương quản lý sử dụng, theo Sổ mục kê của tờ bản đồ năm 1965 thì nhà, đất hiện đang tranh chấp do “Công xã quản lý” và từ năm 1975 đến nay là trụ sở của HTX; trong khi đó, cụ Bân, ông Đào và ông Nguyễn Văn Đồng đều là quan lại dưới chế độ phong kiến. Mặt khác, năm 1981, ông Nguyễn Văn Doanh (là con của cụ Bân và cụ Nguyễn Thị Quang) đã có đơn yêu cầu UBND xã và HTX trả lại nhà, đất cho gia đình và tại công văn số 319 CV/UB ngày 14-9-1982, UBND huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây đã trả lời là nhà, đất đăng ký địa bạ 417 diện tích 1 sào 5 thước là tài sản trưng thu trong cải cách ruộng đất, là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nay giao cho HTX quản lý đúng chính sách nhà nước; nhưng tại Công văn số130/UBND-TTr ngày 20-3-2006 (phúc đáp Công văn số403/CV-PT ngày 23-02-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội về yêu cầu xác minh việc trong thời kỳ cải cách ruộng đất cụ Bân có bị qui là địa chủ hay không? tài sản của cụ Bân ở xóm Đình là nhà, đất đang tranh chấp có bị tịch thu, trưng thu hay trưng mua hay không?), UBND huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây lại xác định là do thời gian đã quá lâu, các loại hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan không còn được lưu trữ, nên không có cơ sở kết luận những nội dung mà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội yêu cầu xác minh.
Như vậy, chưa đủ cơ sở để khẳng định trong thời kỳ cải cách ruộng đất cụ Bân có bị qui là địa chủ hay không và nhà, đất của cụ Bân ở xóm Đình, xã Hữu Bằng (trong đó có nhà, đất đang tranh chấp) có bị tịch thu, trưng thu, trưng mua hay không; cũng chưa đủ cơ sở để xác định nhà, đất hiện đang tranh chấp là do gia đình bà Bình cho UBND xã mượn từ năm 1970.
Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm cho rằng không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định cụ Bân bị qui là địa chủ trong thời kỳ cải cách ruộng đất và không có quyết định tịch thu, trưng thu hoặc trưng mua nhà, đất đang tranh chấp, nên xác định nhà, đất đang tranh chấp là do gia đình bà Bình cho UBND xã mượn và quyết định buộc UBND xã và HTX phải trả lại nhà, đất này cho gia đình bà Bình là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Với nhận định trên, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 89/2006/DSPT ngày 21-4-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 03/2005/DSST ngày 10-8-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý với nhận định và đề nghị trong kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Về thủ tục tố tụng:
Nguồn gốc căn nhà trên 381,8m2 đất tọa lạc tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây hiện đang tranh chấp là của cụ Nguyễn Văn Bân và cụ Nguyễn Thị Phương tạo lập. Cụ Bân chết năm 1946, cụ Phương chết năm 1930.
Cụ Bân và cụ Phương có 3 người con chung là ông Nguyễn Văn Đào (chết năm 1947), ông Nguyễn Văn Đồng (chết năm 1970) và ông Nguyễn Văn Đống (chết năm 1980). Ông Đào có vợ là bà Đặng Thị Thái và con trai là ông Nguyễn Văn Sơn (là chồng của bà Bình).
Ngoài ra cụ Bân còn có 3 người vợ (đều đã chết) và có những người con khác.
Bà Bình khởi kiện yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng trả lại nhà, đất nêu trên cho gia đình bà, nhưng bà Bình không xuất trình được văn bản ủy quyền hợp pháp của các thừa kế của cụ Bân và cụ Phương; do đó, bà Bình không có quyền khởi kiện vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý, giải quyết vụ án là không đúng quy định của pháp luật.
Về nội dung vụ án:
Bà Bình cho rằng trong thời kỳ cải cách ruộng đất, cụ Bân không bị quy là địa chủ, nhà, đất của gia đình bà không bị tịch thu, trưng thu mà gia đình bà cho Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng mượn. Ngược lại Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng lại cho rằng trong thời kỳ cải cách ruộng đất, cụ Bân bị quy là địa chủ và tài sản đã bị tịch thu, trưng thu. Nhưng cả bà Bình và Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng đều không xuất trình được chứng cứ chứng minh.
Theo sổ mục kê của tờ bản đồ năm 1965 thì nhà, đất hiện đang tranh chấp do chủ hộ là “Công xã quản lý” (chữ mờ so với phần ghi các hộ khác). Trong phần ghi chú ghi “thửa đất Đỗ Thị Thái và Nguyễn Văn Châu” (chữ khác và nhỏ, không phải chữ người lập sổ). Theo sổ mục kê năm 1986 phần chủ hộ không ghi tên, phần ghi chú ghi “Trụ sở Hợp tác xã nông nghiệp”. Tại sổ mục kê năm 2001 ghi phần chủ sử dụng là Uỷ ban nhân dân xã.
Tại công văn số 319 CV/UB ngày 14-9-1982, Uỷ ban nhân dân huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây đã trả lời khiếu nại đòi đất của ông Nguyễn Văn Doanh (con của cụ Bân và là con cụ Nguyễn Thị Quang vợ thứ tư của cụ Bân) là nhà, đất đăng ký địa bạ 417 diện tích 1 sào 5 thước là tài sản trưng thu trong cải cách ruộng đất, là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nay giao cho Hợp tác xã quản lý đúng chính sách nhà nước. Tuy nhiên, tại công văn số130/UBND-TTr ngày 20-3-2006 phúc đáp Công văn số403/CV-PT ngày 23-02-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội về yêu cầu xác minh việc trong thời kỳ cải cách ruộng đất cụ Bân có bị qui là địa chủ hay không? tài sản của cụ Bân ở xóm Đình là nhà, đất đang tranh chấp có bị tịch thu, trưng thu hay trưng mua hay không?), thì UBND huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây lại xác định là do thời gian đã quá lâu, các loại hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan không còn được lưu trữ, nên không có cơ sở kết luận những nội dung mà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội yêu cầu xác minh.
Như vậy, việc cụ Bân có bị quy địa chủ và nhà, đất có bị Nhà nước quản lý hay không phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây là cơ quan có thẩm quyền xác định cụ thể.
Mặt khác, bà Bình cho rằng vào năm 1967 Cửa hàng lương thực huyện Thạch Thất đã trả lại nhà cho gia đình bà sử dụng và đến năm 1975, bà và bà Thái mới cho Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng mượn phần nhà, đất trên để Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Bằng làm trụ sở. Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng lại cho rằng sau khi tịch thu tài sản của của cụ Bân thì Uỷ ban nhân dân xã đã quản lý nhà, đất từ đó đến nay, còn việc Công ty bông vải sợi cấp II tỉnh Sơn Tây và Cửa hàng lương thực huyện Thạch Thất mượn nhà, đất hiện đang tranh chấp làm địa điểm giao dịch công tác là do xã bố trí. Như vậy, chưa có cơ sở kết luận nhà đất nêu trên từ năm 1967 đến năm 1975 do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức nào quản lý sử dụng. Vấn đề này các bên đương sự cần phải chứng minh làm rõ.
Với sự phân tích trên thì chưa đủ căn cứ kết luận cụ Bân có bị quy địa chủ hay không và nhà, đất đang tranh chấp tọa lạc tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây đã bị nhà nước quản lý hay chưa? Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định nhà, đất đang tranh chấp là do gia đình bà Bình cho Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng mượn và quyết định buộc Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng và Hợp tác xã nông nghiệp Hữu Bằng phải trả lại nhà, đất nêu trên cho gia đình bà Bình là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 89/2006/DSPT ngày 21-4-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 03/2005/DSST ngày 10-8-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây đã giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình và bị đơn là Ủy ban nhân dân xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:
Nguyên đơn không có quyền khởi kiện vụ án nhưng các tòa án vẫn thụ lý giải quyết. Chưa xác định được nhà, đất đang tranh chấp đã bị Nhà nước quản lý hay chưa.