Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất"

Chủ đề   RSS   
  • #265412 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất"

    Số hiệu

    01/2009/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất"

    Ngày ban hành

    10/02/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 10 tháng 02 năm 2009, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa:           

    Nguyên đơn:

    1. Chị Nguyễn Thị Mỵ, sinh năm 1965;

    2. Anh Bùi Văn Tý, sinh năm 1963;

    Đều trú tại thôn Là Đông, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

    Bị đơn:   

    1. Ông Nguyễn Phúc Vít, sinh năm 1946;

    2. Bà Trần Thị Loan, sinh năm 1954;

    Đều trú tại thôn Khuôn Ruộng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:         

    1. Ông Quách Ngọc Kích sinh năm 1943; trú tại: thôn Là Đông, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

    2. Ông Phan Trọng Thành sinh năm 1958; trú tại: xóm Mỏ Đinh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn kiện ngày 27-4-2002 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Mỵ trình bày: Năm 1992 vợ chồng chị vay của ông Nguyễn Phúc Vít 120 kg thịt lợn móc hàm (tính thành tiền là 1.200.000 đồng) và 500.000 đồng; năm 1993 vay thêm 3.000.000 đồng nữa (tính lãi theo quy định của ngân hàng), cộng là 4.700.000 đồng; vợ chồng chị hẹn cuối năm 1993 sẽ trả. Cuối năm 1993, ông Vít đòi nợ, do không có tiền trả nợ nên anh Bùi Văn Tý (chồng chị) đã thế chấp 6 thửa ruộng cho ông Vít để làm tin (nguồn gốc  ruộng này của vợ chồng ông Quách Ngọc Kích cho vợ chồng chị mượn canh tác). Năm 1995, chị lại vay thêm của bà  Trần Thị Loan (vợ ông Vít) 200.000 đồng. Như vậy, vợ chồng chị đã vay của vợ chồng ông Vít, bà Loan số tiền là 4.900.000 đồng.

    Về việc trả nợ: Anh Bùi Văn Tý làm công cho ông Vít với thời gian 2 tháng (tiền công là 2.400.000 đồng) để trừ nợ; anh Tý đã làm cho ông Vít  01 bộ sập gỗ, giá tiền công là 500.000 đồng; bán cho ông Vít một giường gỗ lát, giá 600.000 đồng. Như vậy, vợ chồng chị đã trả cho ông Vít 3.500.000 đồng, chỉ còn nợ 1.400.000 đồng.

    Việc anh Tý làm đơn xin chuyển quyền sử dụng đất (năm 1995) cho bà Loan và ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà Loan 6 thửa ruộng (diện tích 2130 m2) năm 2001 thì chị không biết; đến khi ông Vít mời những người thân quen trong xóm đến họp và công bố là chị nợ tiền, ông Vít lấy ruộng mà vợ chồng chị đã thế chấp thì chị mới biết anh Tý đã chuyển nhượng đất cho bà Loan.

     Vợ chồng chị không kê khai, đăng ký và không xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chỉ kê khai nộp thuế). Ông Vít đã lợi dụng là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tràng Xá để tự làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên đứng tên anh Tý.

    Chị yêu cầu ông Vít, bà Loan trả lại đất ruộng; vợ chồng chị trả ông Vít, bà Loan tiền nợ còn lại và lãi theo quy định của ngân hàng.

    Bị đơn là ông Nguyễn Phúc Vít và bà Trần Thị Loan trình bày: Năm 1992, ông bà cho anh Tý, chị Mỵ vay 121 kg thịt lợn (giá 1.210.000 đồng, không tính lãi); vay 500.000 đồng; “vay nóng” 1.000.000 đồng (lãi 8%/tháng).

    Ngày 12 tháng 01 (âm lịch) năm 1993, anh Tý chuyển nhượng cho vợ chồng ông bà 6 thửa ruộng nêu trên, với giá 3.000.000 đồng. Đầu năm 1993 ông, bà đã thế chấp tài sản (của ông bà) vay tiền ngân hàng, rồi cho vợ chồng anh Tý vay lại với số tiền 5.000.000 đồng, lãi 2,7%/tháng với thời hạn vay 10 tháng (đúng với mức lãi và thời hạn vay mà ông bà đã vay của ngân hàng); như vậy, vợ chồng anh Tý, chị Mỵ vay của ông bà là 7.710.000 đồng.

    Ngày 14-12-1993 vợ chồng anh Tý, chị Mỵ viết cam kết đến cuối năm 1994 sẽ trả nợ (khoản vay 5.000.000 đồng) cho ông bà, nếu không trả đủ nợ thì phải giao đất ruộng nêu trên và nhà cửa, bờ bãi quanh nhà cho ông bà; nhưng cuối năm 1994 vợ chồng chị Mỵ vẫn không trả được nợ, nên ông bà quyết định lấy ruộng để canh tác. Nguồn gốc các thửa ruộng này là của ông Kích cho anh Tý, sau đó anh Tý đưa vào hợp tác xã. Khi hợp tác xã giải thể thì anh Tý vẫn sử dụng. Anh Tý, chị Mỵ đã kê khai để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sau khi anh Tý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì anh Tý mới chuyển nhượng đất cho bà Loan (năm 1995), nhưng ông bà vẫn để cho vợ chồng anh Tý, chị Mỵ sử dụng đất (có lúc ông Vít, bà Loan khai là vợ chồng chị Mỵ xin canh tác để trả nợ dần).

    Về việc trả nợ: Năm 1994, anh Tý trả 500.000 đồng (tiền công  bào một cái phản); năm 1995 ông Vít xin cho anh Tý và em trai đi làm thuê (làm gù hương) cho anh Thứ để lấy tiền trả nợ cho ông bà, nhưng mới làm được 2 tháng thì cả hai anh em  bỏ về; anh Tý trả cho ông bà 1.200.000 đồng; năm 1999, ông bà mua một cái giường của anh Tý, giá 600.000 đồng. Như vậy, chị Mỵ, anh Tý đã trả cho ông bà 2.300.000 đồng, còn nợ 5.400.000 đồng.

    Do vợ chồng anh Tý, chị Mỵ không trả hết nợ gốc và lãi, nên ông bà làm thủ tục và năm 2001 bà Loan được sang tên 6 thửa đất nêu trên (từ tên anh Tý sang tên bà Trần Thị Loan trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Loan); nên ông bà không đồng ý trả lại đất cho chị Mỵ, anh Tý (có lúc ông Vít khai nếu anh Tý trả tiền nợ, lãi quá hạn và trả ngay một lần thì ông trả lại đất cho anh Tý).

    Ng­ười có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Quách Ngọc Kích trình bày:  Đất ruộng nêu trên có nguồn gốc của bà Chu Thị Chương (vợ ông) được thừa kế; vợ chồng ông cho vợ chồng chị Mỵ, anh Tý (cháu trong gia đình ông) mượn làm ăn (không lập giấy tờ). Năm 1983, hợp tác xã Đông Ba củng cố, điều hoà ruộng đất, nên đã điều số ruộng này cho anh Tý canh tác. Đến năm 1990-1991 hợp tác xã tan rã, chi bộ đã họp và nêu chủ trương là “đất của nhà ai thì giao cho nhà đó canh tác”, không có quyết định gì cả; do đó, vợ chồng ông lấy lại ruộng và cấy được vài năm; sau đó, cho vợ chồng anh Tý mượn làm ăn, không lập giấy tờ.

    Năm 1993, gia đình ông đã kê khai ruộng đất, trong đó có 6 thửa đất do vợ chồng anh Tý mượn; nhưng có tranh chấp với anh em bên vợ ông về đất này nên vợ chồng ông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông không biết anh Tý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 6 thửa ruộng năm 1994; do đó,  yêu cầu trả lại đất ruộng cho ông.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 16/DSST ngày 30-10-2002, Toà án nhân dân  huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên quyết định:

    1-Bác yêu cầu của chị Nguyễn Thị Mỵ đòi đất canh tác nông nghiệp do hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Nguyễn Phúc Vít.

     2- Công nhận quyền chuyển nhượng và quyền sử dụng hợp pháp diện tích 2.130m2 đất canh tác nông nghiệp cho ông Nguyễn Phúc Vít (vợ là Trần Thị Loan) theo GCNQSDĐ số C263547 vào sổ số 00069/QSDĐ mang  tên bà Trần Thị Loan  do UBND huyện Võ Nhai cấp ngày 28-02-1994.

    3- Bác yêu cầu của ông Kích đòi quyền sử dụng 2.130m2 đất mà chị Mỵ, anh Tý đã chuyển nhượng QSDĐ cho ông Vít.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí.

    Ngày 08-11-2002, anh Bùi Văn Tý có đơn khiếu nại với nội dung không đồng ý với bản án sơ thẩm và nêu rằng:

    1) Anh vay tiền ông Vít thì xin được trả bằng tiền (chỉ còn thiếu 1.400.000 đồng).

    2) Đất ruộng của vợ chồng ông Kích cho vợ chồng anh tạm thời canh tác, ông Vít không được lấy đất này.

    Tại đơn “kháng án” đề ngày ngày 19-12-2002, chị Mỵ nêu rằng: ngày 6 tháng 10 năm 2002 (âm lịch), chị đã làm đơn kháng cáo gửi Toà án nhân dân huyện Võ Nhai nhưng ngày 19-12-2002 chị đến Toà án nhân dân huyện Võ Nhai nộp tiền (tạm ứng án phí phúc thẩm) thì Toà án không tìm thấy đơn kháng cáo của chị. Chị yêu cầu Toà án xét xử phúc thẩm buộc vợ chồng ông Vít trả lại đất ruộng cho vợ chồng chị (chị Mỵ nộp tiền tạm ứng án phí ngày 19-12-2002).

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 41/DSPT ngày 21-4-2003, Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên quyết định: Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 16/DSST ngày 30-10-2002 của Toà án nhân dân huyện Võ Nhai.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 13-10-2003 bà Trần Thị Loan ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích 2.130mđất ruộng nêu trên cho ông Phan Trọng Thành với giá 16.000.000 đồng.

    Vợ chồng anh Bùi Văn Tý, chị Nguyễn Thị Mỵ có đơn khiếu nại bản án phúc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định số30/VKSTC-V5 ngày 24-5-2004, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và đề nghị Tòa dân sự Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ về  Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử sơ thẩm lại, với nhận định (trích kháng nghị):

    - Nguồn gốc 6 sào đất với tổng diện tích 2130m2 tại xứ đồng Cây Dâu, xóm Là Đông, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai là của ông Quách Ngọc Kích cho vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỵ và anh Bùi Văn Tý là cháu gọi ông Kích bằng cậu mượn để cày cấy từ năm 1983. Ngày 02-02-1992 vợ chồng anh Tý, chị Mỵ có vay lợn, tiền của ông Vít, bà Loan nhưng chưa trả hết nên ngày 12-01-1993 (âm lịch) đã viết giấy chuyển nhượng 6 sào đất với giá 500.000 đ 1 sào x 6 = 3 triệu đồng cho bà Loan và đề nghị chính quyền giao cho bà Loan sử dụng từ năm 1994 nhưng đến 26-12-1995 anh Tý lại có đơn xin chuyển quyền sử dụng đất 2130m2 cho bà Trần Thị Loan và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 21-9-2001 giữa anh Bùi Văn Tý và bà Trần Thị Loan. Nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai cấp cho bà Trần Thị Loan ngày 26-02-1994, 400m2 đất thổ cư và 4800m2 đất canh tác trong đó có 6 sào đất của anh Tý, chị Mỵ, những văn bản trên không thống nhất và lô gíc về thời gian.

    - Trong hồ sơ thể hiện anh Bùi Văn Tý là người viết đơn xin chuyển nhượng và có tên trong hợp đồng chuyển nhượng và trong giấy cam kết ngày 22-4-1993 anh Tý sẽ thanh toán từ ngày 12-01-1994 nếu không sẽ chuyển toàn bộ nhà, vườn, bờ bãi, ruộng cho bà Loan sử dụng, có anh Tý ký; nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa anh Bùi Văn Tý  tham gia tố tụng là thiếu sót.

    - Theo ông Quách Ngọc Kích thì số ruộng trên là của vợ chồng ông, vợ ông là bà Chương được thừa kế của bố mẹ, ông chỉ cho vợ chồng anh Tý, chị Mỵ mượn canh tác, chứ chưa chuyển quyền sử dụng đất cho chị Mỵ, anh Tý.

    Nhưng bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Võ Nhai và bản án phúc thẩm số 41/DSPT ngày 21-4-2003 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã công nhận việc chuyển quyền sử dụng đất này cho bà Loan mà chưa xem xét quan hệ mượn đất giữa ông Quách Ngọc Kích với vợ chồng anh Tý, chị Mỵ đã bác đơn kiện đòi đất của chị Mỵ, ông Kích theo hợp đồng chuyển nhượng đất với ông Nguyễn Phúc Vít là không đảm bảo quyền lợi của đương sự.

     Tại Quyết định giám đốc thẩm số78/GĐT-DS ngày 29-6-2004, Tòa dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định:

    Hủy bản án sơ thẩm số 16/DSST ngày 30-10-2002 của Tòa án nhân dân  huyện Võ Nhai và bản án phúc thẩm số 41/DSPT ngày 21-4-2003 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xử việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa chị Nguyễn Thị Mỵ với ông Nguyễn Phúc Vít.

    - Giao hồ sơ vụ án về cho Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử theo thủ tục sơ thẩm.

    Sau đó, anh Bùi Văn Tý trình bày thống nhất với lời khai của chị Mỵ về số tiền mà vợ chồng anh nợ ông Vít, bà Loan; số tiền vợ chồng anh đã trả cho ông Vít, bà Loan và nguồn gốc 6 thửa ruộng nêu trên. Anh Tý trình bày bổ sung: việc anh ký các giấy tờ chuyển nhượng đất cho ông Vít, bà Loan do bị ép buộc phải ký (vì vay tiền chưa trả được); anh không kê khai để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 6 thửa ruộng nêu trên. Yêu cầu vợ chồng ông Vít trả lại ruộng cho vợ chồng anh; vợ chồng anh trả cho vợ chồng ông Vít số tiền còn nợ (gốc và lãi).

    Ông Phan Trọng Thành trình bày: ngày 13-10-2003 ông nhận chuyển nhượng 2130m2 đất ruộng của bà Loan; ông đã hoàn tất việc nhận chuyển nhượng đất (được ghi nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà Loan tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông), nên đất này là của gia đình ông. Gia đình ông chưa được sử dụng đất vì anh Tý, chị Mỵ ngăn cản. Ông đồng ý để ông Vít chuộc lại đất nhưng phải trả cho ông diện tích đất tương đương ở vị trí khác lân cận hoặc ông Vít thanh toán cho ông giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường; ông Vít phải bồi thường thiệt hại về sản lượng cho gia đình ông trên diện tích ông nhận chuyển nhượng từ khi xảy ra tranh chấp đến khi giải quyết xong vụ án.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 27-12-2004, Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên quyết định:

    1) Chấp nhận một phần yêu cầu của chị Nguyễn Thị Mỵ và anh Bùi Văn Tý.

     Hủy một phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Bùi Văn Tý và bà Trần Thị Loan lập ngày 11-9-2001 và một phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Trần Thị Loan và ông Phan Trọng Thành lập ngày 13-10-2003.

    -  Buộc ông Phan Trọng Thành có trách nhiệm trả lại chị Nguyễn Thị Mỵ và anh Bùi Văn Tý các thửa ruộng sau thuộc tờ bản đồ số 1 xã Tràng Xá:

    + Thửa 248 diện tích 50m2.

    + Thửa 247 diện tích 880m2.

    + Thửa 255 diện tích 130m2.

    - Buộc anh Bùi Văn Tý phải thanh toán cho ông Nguyễn Phúc Vít và bà Trần Thị Loan số tiền là 14.840.000đ (Mười bốn triệu tám trăm bốn mươi ngàn đồng).

    - Buộc ông Nguyễn Phúc Vít và bà Trần Thị Loan phải liên đới thanh toán cho ông Phan Trọng Thành số tiền 14.840.000đ (Mười bốn triệu tám trăm bốn mươi ngàn đồng).

    - Ông Phan Trọng Thành được sở hữu số tiền 14.840.000đ do ông Vít, bà Loan thanh toán và tiếp tục sử dụng các thửa ruộng còn lại gồm:

    + Thửa 256 diện tích 120m2.

    + Thửa 257 diện tích 300m2.

    + Thửa 258 diện tích 650m2.

    2) Bác yêu cầu của ông Quách Ngọc Kích đòi quyền sử dụng 6 thửa ruộng nêu trên diện tích 2130m2.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí định giá; chịu lãi suất quá hạn nếu chậm thi hành án trả tiền và án phí.

    Ngày 02-01-2005 chị Mỵ kháng cáo và ngày 24-01-2005 (theo dấu công văn đến) chị Mỵ, anh Tý kháng cáo và yêu cầu vợ chồng ông Vít trả đất cho ông Kích, vợ chồng anh chị trả tiền vay (còn lại) cho vợ chồng ông Vít.

    Ngày 10-01-2005 ông Kích kháng cáo với nội dung yêu cầu ông Vít và anh Tý trả lại đất cho ông.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 248/2005/DSPT ngày 22-11-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:

    Căn cứ Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự,

     Sửa bản án dân sự  sơ thẩm.

    Áp dụng Điều 137; Điều 146; Điều 705 Bộ luật dân sự,

    Chấp nhận kháng cáo của chị Nguyễn Thị Mỵ và anh Bùi Văn Tý và một phần kháng cáo của ông Quách Ngọc Kích.

     Hủy toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Bùi Văn Tý và bà Trần Thị Loan lập ngày 11-9-2001 và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Trần Thị Loan và ông Phan Trọng Thành ngày 13-10-2003.

     Buộc ông Phan Trọng Thành có trách nhiệm trả lại cho chị Nguyễn Thị Mỵ và anh Bùi Văn Tý  toàn bộ 6 thửa ruộng thuộc tờ bản đồ số 1, xã Tràng Xá gồm các thửa 247, 248, 255, 256, 257, 258 tổng diện tích 2130m2.

    Buộc anh Bùi Văn Tý phải thanh toán cho ông Nguyễn Phúc Vít và bà Trần Thị Loan số tiền 29.820.000 đồng; buộc ông Nguyễn Phúc Vít và bà Trần Thị Loan phải thanh toán cho ông Phan Trọng Thành số tiền 29.820.000 đồng.

     Ông Vít, bà Loan và vợ chồng anh Tý, chị Mỵ thỏa thuận về việc vay nợ, nếu không thỏa thuận được sẽ kiện thành vụ kiện khác.

    - Ông Quách Ngọc Kích và vợ chồng anh Tý chị Mỵ thỏa thuận về 6 thửa  ruộng, nếu không thỏa thuận được sẽ kiện thành vụ kiện khác.

    - Kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất số 247, 248, 254, 256, 257, 258 thuộc tờ bản đồ số 01 xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai của bà Trần Thị Loan.

    - Anh Bùi Văn Tý và ông Quách Ngọc Kích làm việc với chính quyền địa phương về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

    Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành, nếu bên phải thi hành chưa thi hành thì còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng số tiền và thời gian chậm thi hành.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

     Sau đó, chị Nguyễn Thị Mỵ có đơn khiếu nại bản án phúc thẩm nêu trên và cho rằng ông Vít đã hợp thức hóa ruộng của vợ chồng chị; vợ chồng chị nghèo không có khả năng trả cho ông Vít số tiền 29.820.000 đồng theo quyết định của bản án phúc thẩm.

    Tại quyết định số313/2008/KN-DS ngày 12-11-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 248/2005/DSPT ngày 22-11-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 27-12-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử sơ thẩm lại, với nhận định (tóm tắt) như sau:

    Nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp là của vợ chồng ông Quách Ngọc Kích (cậu của anh Tý) cho vợ chồng chị Mỵ, anh Tý mượn để canh tác từ năm 1993. Ông Vít là Chủ tịch Hội đồng xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của xã Tràng Xá tại thời điểm năm 1993-1994 nên biết rất rõ nguồn gốc các thửa đất nêu trên; anh Tý không làm đơn đăng ký quyền sử dụng đất, không làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 28-02-1994 (trong đó có sáuthửa đất nông nghiệp nêu trên, diện tích là 2130m2); ngày 20-12-1995 bà Trần Thị Loan (vợ ông Vít) và anh Tý đã ký Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất” đối với sáu thửa đất nêu trên (2130m2); năm 2001anh Tý và bà Loan lại ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với diện tích 2130m2 đất. Như vậy, anh Tý dùng diện tích đất chưa thuộc quyền sử dụng của mình để chuyển nhượng cho vợ chồng ông Vít; chị Mỵ cũng không tham gia giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất; vợ chồng ông Vít biết số ruộng này không phải của vợ chồng anh Tý nhưng vẫn nhận chuyển nhượng; do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Tý và bà Loan vô hiệu.

    Tòa án cấp phúc thẩm nhận định rằng anh Tý và phía ông Vít có lỗi ngang nhau trong việc làm cho hợp đồng vô hiệu, nhưng khi xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì lại quyết định buộc anh Tý thanh toán cho ông Vít, bà Loan 29.820.000 đồng (giá trị toàn bộ 2130m2 đất đang tranh chấp) là không thống nhất giữa nhận định và quyết định của bản án phúc thẩm, làm thiệt hại quyền lợi hợp pháp của vợ chồng anh Tý, chị Mỵ và hiện nay chưa thi hành án được. Do đó, cần giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của các bên đương sự.

    Ngày 26-11-2008, Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên có công văn số1197/CV-THA gửi Tòa án nhân dân tối cao có nội dung: theo quyết định của bản án phúc thẩm thì ông Vít, bà Loan phải thanh toán cho ông Thành 29.820.000 đồng. Ngày 27-6-2007 ông Vít, bà Loan đã nộp 26.000.000 đồng thi hành án và cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên đã chi trả cho ông Thành và thu phí theo quy định; số tiền còn lại 3.820.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án, ông Thành cho ông Vít và không yêu cầu thi hành án. Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thi hành xong số tiền mà ông Vít, bà Loan phải thanh toán cho ông Thành.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án thì có cơ sở xác định 6 thửa ruộng (diện tích 2.130m2) đang tranh chấp có nguồn gốc của vợ chồng ông Quách Ngọc Kích và bà Chu Thị Chương cho anh Tý, chị Mỵ mượn, rồi số ruộng này được đưa vào hợp tác xã từ năm 1983; nhưng sau khi hợp tác xã tan rã thì ông Kích và bà Chương (chủ cũ) có được trả lại các thửa ruộng này và cho vợ chồng anh Tý tiếp tục mượn để canh tác? hay chính quyền địa phương điều hoà cho vợ chồng anh Tý canh tác, thì chưa được Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm làm rõ.

    Về quan hệ vay nợ và chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Tý với bà Loan, ông Vít: vào các năm 1992 và 1993, anh Tý, chị Mỵ có vay của vợ chồng ông Vít, bà Loan 120 kg “thịt lợn móc hàm” và vay tiền (nhiều lần) và đã trả được một phần nợ (trả bằng tiền, công lao động và bán giường để trừ nợ) cho ông Vít, bà Loan. Do không đủ khả năng trả phần nợ còn lại, nên ngày 12 tháng 01 (âm lịch) năm 1993,  anh Tý đã ký giấy chuyển nhượng 6 thửa ruộng nêu trên cho bà Loan, giá 3.000.000 đồng; đến ngày 14-12-1993 anh Tý, chị Mỵ ký biên bản giao 6 thửa ruộng nêu trên và nhà cửa, bờ bãi quanh nhà cho ông Vít, bà Loan. Thực tế anh Tý, chị Mỵ vẫn canh tác đất ruộng này; do đó, giao dịch này về thực chất là gán ruộng để trừ nợ.

     Ông Quách Ngọc Kích khai rằng ông có kê khai 6 thửa ruộng nêu trên. Tại công văn số73/CV-TN&MT ngày 30-9-2004, Phòng Tài nguyên và Môi trường Uỷ ban nhân dân huyện Võ Nhai nêu rằng “ông Kích chỉ có một đơn xin kê khai ruộng đất đang sử dụng ghi ngày 07-5-1982 chưa được xã xác nhận..”. Trong trường hợp này, nếu đơn này được lưu tại hồ sơ do cơ quan nhà nước quản lý thì phải xác định ông Kích có kê khai ruộng. Anh Tý, chị Mỵ đang canh tác ruộng, không kê khai, đăng ký và không làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 1993). Tại thời điểm này ông Vít là chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tràng Xá và là “Chủ tịch Hội đồng xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của Uỷ ban nhân dân xã Tràng Xá đã xét và đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện Võ Nhai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Bùi Văn Tý đối với 8 thửa đất (trong đó có 6 thửa hiện nay có tranh chấp). Ngày 28-02-1994 Uỷ ban nhân dân huyện Võ Nhai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Tý, nhưng ông Vít đã giữ lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này (năm 2001 ông Vít mới giao cho anh Tý).

     Ngày 20-12-1995, một mình anh Tý ký “Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất” cho bà Loan; ngày 11-9-2001 anh Tý lại ký “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” cho bà Loan. Sau đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ghi nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Loan. Như vậy, toàn bộ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không rõ ràng, không đúng pháp luật. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên vô hiệu, nên cần xem xét lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên theo quy định của pháp luật

    Về quan hệ chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Loan và ông Thành: ngày 13-10-2003 bà Loan ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Phan Trọng Thành 6 thửa ruộng (2.130m2), với giá 16.000.000 đồng  (sau khi có bản án dân sự phúc thẩm số 41/DSPT ngày 21-4-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên). Do hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Tý và bà Loan vô hiệu, nên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Loan và ông Thành cũng vô hiệu theo. Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức định giá (ngày 24-11-2004) và xác định giá đất ruộng đang tranh chấp là 29.820.000 đồng. Toà án cấp phúc thẩm buộc ông Vít, bà Loan thanh toán cho ông Thành 29.820.000 đồng. Ông Vít đã thi hành án trả tiền cho ông Thành 26.000.000 đồng; ông Thành tự nguyện cho ông Vít 3.820.000 đồng còn lại và không khiếu nại. Như vậy, ông Vít, bà Loan đã thi hành án xong khoản tiền trả cho ông Thành.

    Về việc xác định lỗi: trong vụ án này, anh Tý có lỗi vì chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp mà đã chuyển nhượng đất cho bà Loan; vợ chồng ông Vít, bà Loan biết rõ số ruộng này chưa thuộc quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng anh Tý, nhưng vẫn nhận chuyển nhượng, rồi chuyển nhượng lại cho ông Thành để hưởng tiền chênh lệch. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Tý với bà Loan vô hiệu; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Loan và ông Thành cũng vô hiệu theo. Anh Tý và vợ chồng ông Vít có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu, các bên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trên cơ sở phần lỗi của mình. Ông Thành nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi bản án dân sự phúc thẩm số 41/DSPT ngày 21-4-2003 có hiệu lực, nên không có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu.

    Toà án cấp sơ thẩm xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Tý với bà Loan và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Loan với ông Thành chỉ vô hiệu một phần, là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định rằng anh Tý và phía ông Vít có lỗi ngang nhau trong việc làm cho hợp đồng vô hiệu, nhưng lại quyết định buộc anh Tý thanh toán cho ông Vít, bà Loan 29.820.000 đồng (giá toàn bộ 2.130 m2 đất) là không thống nhất giữa nhận định và quyết định của bản án phúc thẩm, làm thiệt hại quyền lợi hợp pháp của vợ chồng anh Tý, chị Mỵ.

     Do đó, cần giải quyết lại vụ án để làm rõ người nào có quyền sử dụng đất (sau khi hợp tác xã tan rã); xem xét, giải quyết số tiền anh Tý, chị Mỵ nợ ông Vít, bà Loan nếu đương sự có yêu cầu; giải quyết hậu quả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu theo quy định của pháp luật.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 248/2005/DSPT ngày 22-11-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 27-12-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Mỵ, anh Bùi Văn Tý với bị đơn là ông Nguyễn Phúc Vít, bà Trần Thị Loan; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Quách Ngọc Kích, ông Phan Trọng Thành.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Cần làm rõ ai là người được quyền sử dụng đất hợp pháp; cần giải quyết hậu quả của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu.

     

     
    3631 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận