Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp di sản thừa kế"

Chủ đề   RSS   
  • #265395 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp di sản thừa kế"

    Số hiệu

    37/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp di sản thừa kế"

    Ngày ban hành

    28/11/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 28 tháng 11 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp về di sản thừa kế” giữa:   

    Nguyên đơn:

    1. Ông Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1945; trú tại tổ 22 Đá Hàng, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh;

    2. Bà Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1956; trú tại nhà số 23/5 ấp Mỹ Hòa 2, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơn: 

    1. Ông Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1948;

    2. Bà Nguyễn Thị Hiêm, sinh năm 1958;

    Đều trú tại: ô 2/1A ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Trương Thị Hiên sinh năm 1940;

    2. Anh Nguyễn Thế Trường sinh năm 1964;

    3. Anh Nguyễn Thế Tín sinh năm 1968;

    4. Anh Nguyễn Thế Tấn sinh năm 1970;

    5. Chị Nguyễn Thủy Tiên sinh năm 1971;

    6. Anh Nguyễn Thủy Triều sinh năm 1973;            

    7. Anh Nguyễn Thủy Triệu sinh năm 1976;            

    Đều trú tại: Ô 2/3 ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh;

    8. Anh Nguyễn Thế Thiện sinh năm 1966; trú tại tổ 9, ấp Cẩm Long, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

    9. Ông Trần Văn Hổ sinh năm 1930;

    10. Anh Trần Tấn Thọ sinh năm 1969;

    11. Chị Trần Thị Thùy Dung sinh 1971;    

    12. Anh Trần Văn Nhiễn sinh năm 1976;

    13. Chị Trần Thị Lài sinh năm 1981;

    Đều trú tại: tổ 36, ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

    NHẬN THẤY:

    Tại “Đơn xin thừa kế nhà đất” ngày 22-02-2002 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Đức, bà Nguyễn Thị Thu trình bày: Vợ chồng cụ Nguyễn Thị Sửu (chết năm 1992) và cụ Nguyễn Văn Tiếng (chết năm 1993), có 3 người con chung là các ông, bà Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Thị Thu. Trước khi kết hôn với cụ Sửu thì cụ Tiếng có 1 người con riêng là ông Nguyễn Văn Nhựt (chết năm 1995, có vợ là bà Trương Thị Hiên và các con là các anh, chị Nguyễn Thế Trường, Nguyễn Thế Tín, Nguyễn Thế Tấn, Nguyễn Thủy Tiên, Nguyễn Thủy Triều, Nguyễn Thủy Triệu, Nguyễn Thế Thiện); cụ Sửu cũng có 1 người con riêng là bà Nguyễn Thị Chức (chết năm 1993, có chồng là ông Trần Văn Hổ và các con là các anh, chị Trần Tấn Thọ, Trần Thị Thùy Dung, Trần Văn Nhiễn, Trần Thị Lài). 

    Sinh thời, cụ Tiếng, cụ Sửu có nhà, đất tại ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu; đất ruộng tại xã An Thạnh, huyện Bến Cầu; khoảng 1500m2 đất tại xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng và một số máy móc (máy tiện, máy cày...)

    1.  Khi còn sống, các cụ đã chia tài sản cho 5 người con như sau:

     - Bà Nguyễn Thị Chức được chia 3 ha đất ruộng và đất cất nhà tại ấp Voi, xã An Thạnh, một cái nhà lợp thiếc và một số động sản.

    - Ông Nguyễn Văn Nhựt được chia 4,5 ha đất ruộng (có lúc khai là 3 ha) tại ấp Voi, xã An Thạnh; một nhà tranh cột cây nằm trên lô đất có kích thước ngang 5m, dài 42m tại ô 2/3 ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu.

    - Ông Nguyễn Văn Đức được chia một số vật liệu để làm nhà và được cho 2,2 ha đất ruộng tại ấp Voi, xã An Thạnh.

    - Bà Nguyễn Thị Thu được chia 10.246m2 đất ruộng và được cho 10 chỉ vàng khi mua nhà (năm 1980) tại 27/5 Mỹ Hòa 2, xã Tân Xuân, thành phố Hồ Chí Minh.

    - Ông Sơn được chia 3 ha đất ruộng tại ấp Voi, xã An Thạnh và một số máy cày, máy tiện....

    Ngoài ra, hai cụ còn cho các con một số tài sản khác.

    2. Các cụ chết, không để lại di chúc, tài sản để lại chưa chia (do ông Sơn đang quản lý, sử dụng), bao gồm:

    - 5 căn nhà (gồm nhà thờ, nhà dưới, nhà tạm, nhà kho, nhà xưởng) trên diện tích đất khoảng 1.272m2 tại ô 2/1A ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh (năm 1990 cụ Tiếng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, với diện tích nhà là 315m2).

    - Khoảng 1.500m2 đất tại xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng (diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

     - Số tiền 75.000.000 đồng do Nhà nước bồi thường khi lấy một phần đất để mở đường Xuyên Á.

    - Ngoài ra, hai cụ còn có một số tài sản khác.

    Do cụ Tiếng và cụ Sửu chết, không để lại di chúc, nên ông và bà yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với nhà đất tại ô 2/1A ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu; tiền bồi thường do mở đường Xuyên Á và một số động sản (không yêu cầu chia diện tích đất ở huyện Trảng Bàng).

    Bị đơn là ông Nguyễn Văn Sơn trình bày: Tài sản của cụ Tiếng, cụ Sửu có nhà đất tại ô 2/1A ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh; khoảng 1.500m2 đất tại huyện Trảng Bàng; 75.000.000 đồng do Nhà nước bồi thường khi lấy một phần đất để mở đường Xuyên Á; khoảng 11 ha đất ruộng và tài sản, máy móc khác.

    Các anh, chị em trong gia đình đều đã có gia đình riêng từ lâu. Khi còn sống, cụ Tiếng, cụ Sửu đã chia đất ruộng cho các con; cụ thể như sau: Bà Chức được chia 3 ha đất ruộng tại xã An Thạnh và 01 căn nhà lợp thiếc; ông Nhựt được chia đất thổ cư rộng 5m, dài 50m để cất nhà và 01 ha ruộng; ông Đức được chia 2,2 ha đất ruộng tại xã An Thạnh, cùng với một số vật liệu làm nhà và một số máy móc để sản xuất nông nghiệp; bà Thu được cho 2,2 ha đất ruộng cùng một số vàng để mua đất làm nhà; ông được chia 3 ha đất ruộng tại ấp Voi, xã An Thạnh.Riêng phần nhà thờ, đất tại ô 2/1A ấp Thanh Bình, thị xã Gò Dầu thì cụ Tiếng, cụ Sửu đã cho vợ chồng ông để tạo lập cuộc sống, phụng dưỡng khi các cụ ốm đau, già yếu và tang lễ, thờ cúng khi các cụ chết. Các cụ phân chia tài sản tuy không lập giấy tờ, nhưng có nhiều người trong thân tộc biết.

    Các anh, chị em trong gia đình đã nhận phần tài sản được bố mẹ chia và ở ổn định tại nơi khác, nên ông không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn; chỉ đồng ý chia 1.500m2 đất tại xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (là vợ, con ông Nguyễn Văn Nhựt; chồng, con bà Nguyễn Thị Chức) trình bày như sau:

    - Bà Trương Thị Hiên và các con thống nhất với yêu cầu của nguyên đơn xin chia tài sản thừa kế của các cụ để lại. Bà Hiên trình bày bổ sung là: nếu được chia thừa kế, thì bà cho bà Thu phần thừa kế mà bà được hưởng; phần thừa kế của các con bà thì yêu cầu giải quyết theo pháp luật.

    Đối với phần đất có  chiều ngang 7m, dài 10m (phía sau nhà của bà và nhà ô 2/1A nêu trên) do vợ chồng bà mua của con ông Phủ Đẩu năm 1965; đến năm 1967 thì cụ Tiếng cất nhà làm lò rèn trên phần đất này để bố con dùng chung (lò rèn vẫn đang tồn tại do ông Sơn quản lý); nay nếu chia thừa kế thì phải trả lại diện tích đất này cho gia đình bà.

    Các con bà Hiên (do anh Trường đại diện) có yêu cầu bổ sung là chia thừa kế cả phần đất khoảng 1.500m2 tại xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng.

    - Ông Trần Văn Hổ (chồng bà Chức) thừa nhận là khi hai cụ còn sống đã chia đất ruộng cho các con, trong đó vợ ông (bà Chức) được chia 2,8 ha; nay các thừa kế tranh chấp tài sản, nếu ông được chia phần thừa kế thì ông để lại cho ông Sơn để lo cúng giỗ. Còn anh Thọ, chị Dung, anh Nhiễn, chị Lài (do anh Thọ đại diện) yêu cầu chia thừa kế.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 30/DSST ngày 30-9-2004, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định:

    1. Bác yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn Đức, bà Nguyễn Thị  Thu và những ng­ười có liên quan.

    2. Ông Nguyễn Văn Sơn đ­ược quyền sở hữu và sử dụng toàn bộ diện tích nhà đất và đồ dùng trong nhà ông đang quản lý gồm:

    - 1272m2 đất thổ c­ư, trên đất có cất nhà diện tích: 315m2(gồm nhà thờ, nhà dưới, nhà tạm, nhà kho, nhà số 3).

    - 3 tủ gỗ, 1 két sắt.

    - 2 bộ ván gỗ, 1 bộ ván nhôm, 2 bộ lư đồng.

    - 75.000.000 đồng tiền Nhà n­ước bồi th­ường do mở rộng đ­ường Xuyên Á.

    Tổng cộng trị giá 651.673.000 đồng.

    3. Tách phần đất có diện tích 1.500m2 tọa lạc tại ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng ra giải quyết ở vụ kiện khác khi có kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao về thẩm quyền và đương sự có yêu cầu.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí

    Ngày 06-10-2004, ông Nguyễn Văn Đức và bà Nguyễn Thị Thu có đơn kháng cáo cho rằng việc Toà án cấp sơ thẩm bác yêu cầu xin chia thừa kế của ông, bà đối với nhà đất tại ô 2/1A ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu, là không đúng.

    Ngày 11-10-2004, bà Trương Thị Hiên cùng 7 người con có đơn kháng cáo và cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu chia thừa kế của của mẹ con bà và nhập 100m2 đất của gia đình bà (trong tổng diện tích đất 375m2 được UBND huyện Gò Dầu cấp cho bà năm 1990) vào di sản của cụ Tiếng, cụ Sửu để giải quyết thừa kế, là không đúng.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 242/2005/DSPT ngày 08-7-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Trương Thị Hiên và các con khiếu nại cho rằng việc Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu chia di sản thừa kế của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là không đúng; mặt khác, trên phần đất đang có tranh chấp có căn nhà làm lò rèn do chồng bà và cha chồng tạo lập, nhưng Toà án không xác minh ai là là sở hữu căn nhà mà lại giao đất cho ông Sơn, cũng là không đúng.

    Tại Quyết định số168/2008/DS-KN ngày 02-7-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 242/2005/DSPT ngày 08-7-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 30/DSST ngày 30-9-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, với nhận định:

     “…Căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định nhà, đất đang tranh chấp thừa kế do ông Nguyễn Văn Sơn quản lý (tại ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) có nguồn gốc của cụ Nguyễn Văn Tiếng, cụ Nguyễn Thị Sửu để lại. Mặc dù các đương sự đã có lời khai là năm 1978 các cụ đã phân chia tài sản cho các con, nhưng có hay không có việc các cụ đã phân chia nhà, đất đang tranh chấp thừa kế thì hai bên đương sự trình bày không thống nhất; trong khi đó, không có tài liệu nào thể hiện có việc phân chia nhà, đất này, ông Sơn cũng không xuất trình được tài liệu nào chứng minh các cụ đã giao quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho ông Sơn. Trong thực tế thì ông Sơn sống cùng cụ Tiếng, cụ Sửu tại nhà, đất đang tranh chấp thừa kế, nhưng cụ Tiếng lại là người được Sở xây dựng tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở vào ngày 18-7-1990. 

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định bác yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn và của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quantrong khi chưa xác minh làm rõ toàn bộ khối tài sản của cụ Tiếng, cụ Sửu tạo lập gồm những tài sản gì? có hay không có việc các cụ phân chia toàn bộ tài sản (trong đó có cả nhà, đất đang tranh chấp thừa kế) cho các con? các cụ còn lại tài sản gì sau khi phân chia? tại sao đến năm 1990 cụ Tiếng vẫn được Sở xây dựng tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở? Như vậy, là chưa đủ căn cứ.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Tiếng, cụ Nguyễn Thị Sửu đã tạo lập được khối tài sản là nhà, đất thổ cư, đất ruộng và một số động sản; khi còn sống, các cụ đã phân chia một phần tài sản cho cả 5 người con (2 con riêng và 3 con chung); các người con của hai cụ không tranh chấp phần tài sản mà các cụ đã phân chia.

    Riêng phần đất khoảng 1.500m2 của các cụ tại xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng thì các con bà Hiên là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (do anh Trường đại diện theo ủy quyền) yêu cầu chia thừa kế phần đất này; nhưng tại thời điểm đương sự yêu cầu thì Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đang giải quyết vụ án “đòi lại tài sản” có phần đất này, giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Đức và bị đơn là ông Nguyễn Văn Sơn, nên Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều đã quyết định “tách phần đất có diện tích 1.500m2 tọa lạc tại ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng để giải quyết khi có kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao về thẩm quyền và đương sự có yêu cầu”, là đúng.

    Còn khối tài sản là nhà đất tại ô 2/1A ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh và số tiền 75.000.000 đồng do Nhà nước bồi thường khi lấy một phần đất mở đường Xuyên Á, tuy ông Sơn và một số người trong thân tộc khai rằng cụ Tiếng và cụ Sửu đã cho ông Sơn nhà đất này để tạo lập cuộc sống, phụng dưỡng cha mẹ và lo việc thờ cúng, nhưng không xuất trình được tài liệu chứng minh, trong khi đó các người con khác (những người còn sống) của hai cụ lại không thừa nhận việc các cụ tặng hoặc cho vợ chồng ông Sơn; hơn nữa năm 1990, cụ Tiếng vẫn đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất. Do chưa đủ căn cứ khẳng định hai cụ tặng, cho và hai cụ cũng không để lại di chúc về nhà đất tại ô 2/1A ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh; việc các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế vẫn trong thời hiệu quy định của pháp luật; nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại bác yêu cầu chia tài sản thừa kế của các nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là không đúng.

    Về diện tích nhà, đất đang tranh chấp: theo Biên bản đo đạc, định giá ngày 27-11-2003 thì trên thửa đất đang tranh chấp có 5 căn nhà (nhà thờ, nhà dưới, nhà số 3, nhà tạm phía sau, nhà kho) với tổng diện tích 289,4m2, nhưng theo Biên bản định vị nhà trên đất lập ngày 24-9-2004 thì chỉ có 4 căn nhà (gồm nhà thờ, nhà xưởng, nhà kho, nhà dưới) với tổng diện tích là 497,36m2. Còn theo trích lục bản đồ lập ngày 23-02-2004 thì đất đang tranh chấp thuộc thửa số 23 có diện tích 1.436,4m2, nhưng theo Biên bản đo đạc, định giá ngày 27-11-2003 thì diện tích đất chỉ còn 1.272m2. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ vì sao lại có sự không thống nhất về số liệu diện tích nhà, đất nêu trên khi giải quyết vụ án là thiếu sót.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Hiên trình bày là năm 1965 vợ chồng bà mua một phần đất của con ông Phủ Đẩu có kích thước 7m x 10m nằm phía sau nhà bà Hiên và nhà ô 2/1A ấp Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu đang tranh chấp; năm 1967 cụ Tiếng cất nhà làm lò rèn trên phần đất này để cha con dùng chung; ngày 10-7-1990 bà Hiên được Ủy ban nhân dân huyện Gò Dầu giao sử dụng phần đất 375m2, trong đó có phần đất nêu trên. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ phần đất (7m x 10m) trên có nhà lò rèn có phải là của vợ chồng bà Hiên hay không? bà Hiên có được Ủy ban nhân dân huyện Gò Dầu giao sử dụng đất này hay không? là chưa xem xét, giải quyết yêu cầu của đương sự.

    Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều đã quyết định bà Nguyễn Thị Hiêm (vợ ông Sơn) là bị đơn trong vụ án, nhưng chưa có ý kiến của bà Hiêm về những yêu cầu của nguyên đơn cũng là thiếu sót.

    Do đó, cần hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo hướng xác định chính xác diện tích nhà, đất do cụ Sửu, cụ Tiếng để lại; làm rõ phần đất (7m x 10m) trên có nhà lò rèn có phải của vợ chồng bà Hiên hay không để giải quyết vụ án cho đúng; giải quyết thỏa đáng công sức của vợ chồng ông Sơn, bà Hiêm trong việc phụng dưỡng cha mẹ, duy trì, bảo quản khối tài sản của hai cụ; xem xét yêu cầu của ông Trần Văn Hổ (chồng bà Chức) nhường phần thừa kế (của ông Hổ) cho ông Sơn và bà Hiên nhường phần thừa kế được hưởng cho bà Thu để giải quyết vụ án cho đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297, khoản 1 và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 242/2005/DSPT ngày 08-7-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 30/DSST ngày 30-9-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh về vụ án “Tranh chấp về di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Đức, bà Nguyễn Thị Thu với bị đơn là bị đơn là ông Nguyễn Văn Sơn, bà Nguyễn Thị Hiêm; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trương Thị Hiên, ông Trần Văn Hổ và các anh chị Nguyễn Thế Trường, Nguyễn Thế Tín, Nguyễn Thế Tấn, Nguyễn Thủy Tiên, Nguyễn Thủy Triều, Nguyễn Thủy Triệu, Nguyễn Thế Thiện, Trần Tấn Thọ, Trần Thị Thùy Dung, Trần Văn Nhiễn, Trần Thị Lài.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác định chính xác diện tích nhà, đất do cụ Sửu, cụ Tiếng để lại.

     

     
    3691 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận