Số hiệu
|
31/2007/HS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Thị Thúy phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân"
|
Ngày ban hành
|
10/12/2007
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
……..
Ngày 10 tháng 12 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
Nguyễn Thị Thủy sinh năm 1964; trú tại khối Phan Đình Phùng, phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; khi phạm tội là công nhân nghỉ việc; con ông Nguyễn Thế Đồng (chết) và bà Bùi Thị Quy; có chồng và 03 con; bị bắt giam ngày 04-4-1996 và đã chấp hành xong hình phạt tù.
Trong vụ án này còn có Lê Văn Lợi được Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”.
Người bị hại:
Theo xác định của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm thì trong vụ án có 35 người bị hại, gồm có:
1. Anh Phạm Văn Thái trú tại xóm 16, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An;
2. Chị Đậu Thị Luân trú tại khối Phan Đình Phùng, phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, còn có 33 người bị hại khác không liên quan đến kháng nghị, gồm có: chị Phan Thị Sâm, chị Cao Thị Tý, anh Nguyễn Hải Lục, chị Nguyễn Thị Ngọc, chị Nguyễn Thị Liệu, chị Nguyễn Thị Bồng, chị Nguyễn Thị Hương, anh Đỗ Bích, chị Hoàng Thị Vân, anh Hồ Hữu Thục, chị Nguyễn Thị Hà, chị Trần Thị Liên, chị Nguyễn Thị Hương, chị Nghiêm Thị Liên, chị Phan Thị Lựu, chị Lê Thị Tứ, chị Phùng Thị Cúc, chị Đặng Thị Chương, anh Nguyễn Văn Lành, chị Đinh Thị Lài, anh Đinh Văn Lĩnh, chị Đinh Thị Lâm, chị Nguyễn Thị Thúy, chị Nguyễn Thị Vinh, anh Nguyễn Gia Trung, anh Nguyễn Hải, chị Nguyễn Thị Hoa, anh Nguyễn Văn Nam, chị Phạm Thị Cúc, chị Nguyễn Thị Trâm, chị Lê Thị Yên, chị Phạm Thị Huyên, anh Đặng Đình Cấn.
Nguyên đơn dân sự:
Ngân hàng Ngoại thương tỉnh Nghệ An có bà Nguyễn Thị Hoa (Phó Giám đốc) làm đại diện.
NHẬN THẤY:
1. Cuối năm 1994, Nguyễn Thị Thủy vay tiền của người này với lãi suất thấp rồi cho người khác vay với lãi suất cao hơn để hưởng tiền chênh lệch. Khi vay, Thủy nói là để sử dụng vào mục đích kinh doanh và khi nào cần lấy tiền thì người cho vay báo trước cho Thủy từ 01 đến 02 ngày. Cuối năm 1995 những người cho Thủy vay tiền đòi nợ nhưng Thủy không trả, mà còn có thái độ thách thức.
Tính đến ngày bị bắt (04-4-1996), Thủy còn nợ của 35 người với tổng số tiền 2.566.635.000 đồng; trong đó có 16 người đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết với số tiền là 1.779.135.000 đồng. Trong số 16 người này, vợ chồng Thủy có thế chấp cho anh Phạm Văn Thái và chị Đậu Thị Luân một ngôi nhà 02 tầng ở khối Phan Đình Phùng, phường Quang Trung, thành phố Vinh (được xây dựng trên mảnh đất Thủy mua của anh Nguyễn Văn Sơn và chị Cao Thị Hằng).
Nguyễn Thị Thủy khai trong thời gian trên có 21 người vay tiền của Thủy với số tiền 3.155.900.000 đồng, nhưng họ chưa trả. Theo kết quả điều tra chỉ có cơ sở chấp nhận có 12 người nợ Thủy là 2.479.000.000 đồng (trong đó 11 người thừa nhận nợ Thủy 302.000.000 đồng, nhưng chưa có khả năng trả nợ và một người tên là Phạm Thị Thanh ở khối 9, phường Cửa Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vay Thủy 2.177.000.000 đồng, nhưng hiện đang bỏ trốn).
Tại Cáo trạng số138/KSĐT-KT, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An kết luận và truy tố Nguyễn Thị Thủy về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” với hành vi: tính đến ngày bị bắt Nguyễn Thị Thủy còn nợ 35 người với số tiền là 2.566.635.000 đồng. Thủy cho người khác vay có căn cứ chấp nhận là 2.479.000.000 đồng, còn lại 87.635.000 đồng không có cơ sở chứng minh những ai còn nợ Thủy.
Sau khi bị bắt, Nguyễn Thị Thủy đã trả được 50.000.000 đồng, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc Thủy chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chiếm đoạt 37.635.000 đồng.
2. Ngoài ra, cuối năm 1995 Nguyễn Thị Thủy còn thế chấp một ngôi nhà 02 tầng cũng ở khối Phan Đình Phùng (ngôi nhà này Thủy mua của vợ chồng bà Ngũ Thị Năm) để vay Ngân hàng Ngoại thương tỉnh Nghệ An 500.000.000 đồng, với mục đích vay ghi là để kinh doanh vật liệu xây dựng, thời hạn vay là từ 23-12-1995 đến 23-6-1996, nhưng Thủy đã dùng số tiền này để trả nợ. Sau khi cho vay, Ngân hàng phát hiện Thủy sử dụng tiền vay không đúng mục đích nên đã đề nghị các cơ quan chức năng giúp đỡ thu hồi nợ. Ngày 04-02-1996 (trước thời hạn trả nợ), vợ chồng Thủy đã viết giấy bàn giao ngôi nhà này cho Ngân hàng.
Về hành vi vay tiền của Ngân hàng Ngoại thương tỉnh Nghệ An, Nguyễn Thị Thủy bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 11/HSST ngày 21-01-1998, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An áp dụng điểm a khoản 2 Điều 158; các điểm a và h khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985; xử phạt Nguyễn Thị Thủy 02 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”.
Tuyên bố Nguyễn Thị Thủy không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Về trách nhiệm dân sự:
- Buộc Nguyễn Thị Thủy phải bồi thường 2.718.925.000 đồng (tiền gốc và tiền lãi) cho 16 người bị hại, gồm có: chị Phan Thị Sâm, chị Cao Thị Tý, anh Nguyễn Hải Lục, chị Nguyễn Thị Ngọc, chị Nguyễn Thị Liệu, chị Nguyễn Thị Bồng, chị Nguyễn Thị Hương, ông Đỗ Bích, chị Hoàng Thị Vân, ông Hồ Hữu Thục, chị Nguyễn Thị Hà, chị Trần Thị Liên, anh Phạm Văn Thái, chị Đậu Thị Luân, chị Nguyễn Thị Hương, chị Nghiêm Thị Liên;
- “Tạm giữ ngôi nhà 02 tầng có diện tích đất 220 m2 của vợ chồng Thủy, giao cho Ngân hàng ngoại thương Nghệ An để phát mại”;
- “Giao ngôi nhà nằm trên đất của Nguyễn Văn Sơn và Cao Thị Hằng là của Thị Thủy cho anh Phạm Văn Thái và chị Đậu Thị Luân; Thị Thủy cùng với anh Thái, chị Luân thống nhất giá cả và làm thủ tục để chuyển quyền sử dụng cho nhau”.
Ngày 02-02-1998, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 11.HSST ngày 21-01-1998 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đối với Nguyễn Thị Thủy về quyết định tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Thủy không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Ngày 03-02-1998, Nguyễn Thị Thủy kháng cáo kêu oan.
Có 11 người bị hại kháng cáo đề nghị xét xử bị cáo Thủy đúng người, đúng tội.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1391 ngày 22-7-1998, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, kháng cáo của Nguyễn Thị Thủy và của những người bị hại; giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về tội danh và hình phạt đối với Nguyễn Thị Thủy.
Tại Kháng nghị số17/HS-TK ngày 10-7-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
1. Về thủ tục tố tụng.
Trong 35 người cho Nguyễn Thị Thủy vay tiền (tổng số là 2.566.635.000 đồng) thì Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều kết luận chỉ có 16 người đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết, xử lý Nguyễn Thị Thủy. Khi quyết định về việc bồi thường dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm cũng chỉ buộc Nguyễn Thị Thủy bồi thường cho 16 người bị hại. Vì thế, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định cả 35 người cho Thủy vay tiền đều là người bị hại trong vụ án là chưa xác định đúng người tham gia tố tụng.
2. Về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong tổng số tiền 2.566.635.000 đồng nêu trên có khoản tiền 766.000.000 đồng Thủy vay của anh Phạm Văn Thái và chị Đậu Thị Luân. Để bảo đảm khoản vay này Thủy đã thế chấp ngôi nhà 02 tầng tại khối Phan Đình Phùng, phường Quang Trung. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì việc thế chấp này là tự nguyện và chị Luân, anh Thái đã chấp nhận. Như vậy, cần làm rõ và nếu có đủ cơ sở xác định việc thế chấp là hợp pháp thì đây là quan hệ vay, mượn có thế chấp, được điều chỉnh bằng pháp luật dân sự, không nằm trong số tiền 2.566.635.000 đồng thuộc phạm vi đối trừ (giữa số tiền Thủy vay không trả được và số tiền người khác vay Thủy nhưng chưa trả) để xác định trách nhiệm của Nguyễn Thị Thủy. Mặt khác, trong suốt quá trình giải quyết vụ án, Nguyễn Thị Thủy đều khai số tiền 338.000.000 đồng Thủy vay của chị Phạm Thị Linh, không vay của anh Phạm Văn Thái. Các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận Thủy vay số tiền trên của anh Thái mà không lấy lời khai của chị Linh để xác định chính xác quan hệ vay mượn này và trên cơ sở đó xác định tư cách tham gia tố tụng của chị Linh là không đúng.
Sau khi đối trừ số tiền Thủy vay và số tiền Thủy cho vay được công nhận, thì Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố Thủy về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” với số tiền là 87.635.000 đồng; Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Thủy về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” với số tiền 37.635.000 đồng (trừ 50.000.000 đồng Thủy đã trả nợ). Như vậy, nếu số tiền vay của anh Thái (hoặc chị Linh) và chị Luân có thế chấp và được đối trừ, thì cần xem lại khoản tiền mà Thủy bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Về việc 500.000.000 đồng vay của ngân hàng.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố Nguyễn Thị Thủy không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” vì đây là quan hệ vay tiền có thế chấp tài sản là có căn cứ.
Bởi các lẽ trên, căn cứ vào Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;
QUYẾT ĐỊNH:
1) Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 1391 ngày 22-7-1998 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội về phần quyết định về tội danh, hình phạt, án phí hình sự phúc thẩm đối với Nguyễn Thị Thủy về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”.
2) Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 11.HSST ngày 21-01-1998 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An phần quyết định về tội danh, hình phạt, bồi thường dân sự đối với Nguyễn Thị Thủy về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” và phần quyết định “Giao ngôi nhà nằm trên đất của Nguyễn Văn Sơn và Cao Thị Hằng là của Thị Thủy cho anh Phạm Văn Thái và chị Đậu Thị Luân; Thị Thủy cùng với anh Thái, chị Luân thống nhất giá cả và làm thủ tục để chuyển quyền sử dụng cho nhau” và phần quyết định về án phí hình sự sơ thẩm, dân sự sơ thẩm.
Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại vụ án theo thủ tục chung.
3) Các quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và các quyết định khác của Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục có hiệu lực pháp luật.
Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy một phần:
Một số vấn đề chưa được xác minh làm rõ nên cần phải điều tra lại.