Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Minh Việt phạm tội "Giết người"

Chủ đề   RSS   
  • #265414 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Minh Việt phạm tội "Giết người"

    Số hiệu

    02/2009/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Minh Việt phạm tội "Giết người"

    Ngày ban hành

    09/03/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 09 tháng 3 năm 2009, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Nguyễn Minh Việt sinh năm 1978; quê quán: xã Quảng Tân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: xã Ia Krai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai; khi phạm tội là nhân viên bảo vệ của Công ty 715 thuộc Binh đoàn 15; con ông Nguyễn Minh Đức và bà Nguyễn Thị Liên; có vợ và 01 con; không có tiền án, tiền sự; bị bắt giam ngày 25-7-2007.

    - Người bị hại: Cháu Rơ Chăm Uých sinh năm 1995 (không rõ ngày sinh và tháng sinh).

    Người đại diện hợp pháp của người bị hại: ông KsorUeh sinh năm 1965, trú tại làng Tung Chúc, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai (là bố của Rơ Chăm Uých).

    NHẬN THẤY:

    Nguyễn Minh Việt là nhân viên bảo vệ (theo hợp đồng) của Đội 1 Công ty 715 thuộc Binh đoàn 15, được giao nhiệm vụ bảo vệ các lô cao su và sản phẩm    cao su của đơn vị.

    Khoảng 23 giờ ngày 24-7-2007, Nguyễn Minh Việt cùng Trương Quang Tiệp (là một người dân đang xin vào làm việc tại Đội 1) đi tuần tra tại các lô cao su số 4, 5, 6, 7,  8, 9 và 10. Khi đi Việt cầm theo một con dao, Tiệp cầm một chiếc chăn và một đèn pin. Đến khoảng 01 giờ ngày 25-7-2007, phát hiện tại lô số 6 và lô số 8 có nhiều người đang cạo trộm mủ cao su, nên Việt gọi điện về đơn vị xin tăng cường lực lượng. Lúc này, tại lô số 8 có Rơ Chăm Uých (sinh năm 1995), Rơ Chăm Hùng (sinh năm 1994) và Rơ Lan Yíu (sinh năm 1994) đều là người làng Tung Chúc, xã IaKhai đang cạo trộm mủ cao su. Uých và Yíu mỗi người đội một đèn pin (bật sáng) và cầm một con dao cạo mủ; còn Hùng đi tay không.

    Gọi điện xong, Việt và Tiệp đi đến lô số 8 để tiếp cận đối tượng. Khi đến gần nơi có ánh đèn pin của Uých và Yíu, thì Việt và Tiệp giẫm phải cành cây khô gây ra tiếng động. Thấy có ánh đèn pin chiếu về phía mình, Việt chạy đến chém 02 nhát vào người Uých. Uých kêu lên, Việt và Tiệp bỏ chạy về chòi gác số 96 của đơn vị. Việt giấu con dao vào đống củi rồi về nhà.

    Nghe Uých kêu, Hùng và Yíu ở gần đó chạy đến thì thấy Uých nằm dưới đất. Yíu bảo Hùng chạy về gọi dân làng, còn Yíu ở lại. Khoảng 30 phút sau thì Uých chết.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 05/2007/HSST ngày 05-11-2007, Toà án quân sự Quân khu 5 quyết định: áp dụng điểm c khoản 1 Điều 93; các điểm b và p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Minh Việt 18 năm tù về tội “Giết người”. Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí…

    Ngày 19-11-2007, Nguyễn Minh Việt kháng cáo xin giảm hình phạt.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 03/2008/HSPT2 ngày 05-3-2008, Toà án quân sự Trung ương sửa bản án sơ thẩm, áp dụng khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự; các điểm b và p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Minh Việt 10 năm tù về tội “Giết người”.

    Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 01/VKSNDTC ngày 10-6-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 03/2008/HSPT2 ngày 05-3-2008 của Toà án quân sự Trung ương về việc áp dụng khung hình phạt đối với Nguyễn Minh Việt; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại với lý do:

    “Do trẻ em là đối tượng được đặc biệt bảo vệ nên điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS quy định giết trẻ em thuộc trường hợp định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Điểm c khoản 1 chỉ ghi “giết trẻ em” tức là chỉ mô tả về mặt khách quan, người bị giết là trẻ em, không mô tả mặt chủ quan của tội phạm nên việc bị cáo có biết đó là trẻ em hay không, không phải là căn cứ bắt buộc để áp dụng tình tiết này. Bản án sơ thẩm áp dụng điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS để xử phạt Nguyễn Minh Việt là có căn cứ. Song mức án 18 năm tù là nặng, bản án phúc thẩm giảm án xuống còn 10 năm tù là phù hợp với tính chất mức độ hành vi phạm tội của Nguyễn Minh Việt.

    ề áp dụng khung hình phạt, bản án phúc thẩm cho rằng, khi thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Minh Việt không thể nhận thức được đối tượng đang cạo trộm mủ cao su là trẻ em nên không áp dụng tình tiết định khung “giết trẻ em” theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS, cho rằng chỉ cần áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với trẻ em” theo điểm h khoản 1 Điều 48 BLHS là được, nhưng khi quyết định bản án cũng không áp dụng tình tiết này. Đó là những sai lầm nghiêm trọng của bản án trong việc áp dụng Bộ luật hình sự”. 

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Người bị hại Rơ Chăm Uých sinh năm 1995, đến ngày 27-7-2007 (ngày bị giết) chưa đủ 16 tuổi. Theo quy định của pháp luật thì Rơ Chăm Uých là trẻ em. Do vậy, bị cáo Nguyễn Minh Việt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết định khung hình phạt là “Giết trẻ em” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, không phụ thuộc vào việc khi thực hiện tội phạm bị cáo có biết người bị hại là trẻ em hay không. Toà án cấp sơ thẩm áp dụng điểm c khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự đối với Nguyễn Minh Việt là đúng. Toà án cấp phúc thẩm cho rằng khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo không biết người bị hại là trẻ em nên kết án bị cáo theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự đối với Nguyễn Minh Việt là áp dụng không đúng Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, Toà án cấp phúc thẩm giảm hình phạt cho Nguyễn Minh Việt xuống còn 10 năm tù là phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo và các tình tiết khác của vụ án. Vì thế, chỉ cần rút kinh nghiệm với Toà án cấp phúc thẩm mà không cần thiết phải huỷ bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại.

    Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 279, khoản 1 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Không chấp nhận Kháng nghị số 01/VKSNDTC ngày 10-6-2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 03/2008/HSPT2 ngày 05-3-2008 của Toà án quân sự Trung ương.

    Lý do không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC:

    Mặc dù Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng không đúng Bộ luật hình sự trong việc kết án bị cáo, tuy nhiên, mức hình phạt mà Tòa án cấp phúc thẩm quyết định là phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo, nên không cần phải hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại.

     

     
    4445 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận