Số hiệu
|
12/2007/HS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Đặng Văn Tế phạm tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"
|
Ngày ban hành
|
08/05/2007
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
……..
Ngày 08 tháng 5 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
Đặng Văn Tế sinh ngày 15-9-1977; trú tại thôn 8, xã Hoà Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; con ông Đặng Văn Mai và bà Tô Thị Quy; bị tạm giam từ ngày 30-9-2004.
Những người bị hại và người đại diện hợp pháp của người bị hại:
1. Anh Đặng Thanh Phú (chết); người đại diện hợp pháp là chị Nguyễn Thị Thuỷ (là vợ của người bị hại), trú tại khu tập thể Công ty xi măng Hoàng Mai, xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
2. Anh Phạm Trung Dũng (chết); người đại diện hợp pháp là ông Phạm Xuân Tiến (là bố của người bị hại), trú tại đội 7, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
3. Anh Đinh Công Phú (bị thương) uỷ quyền cho ông Đinh Xuân Vẽ (là bố của người bị hại), trú tại K4, phường Đội Cung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Những người tham gia tố tụng khác:
- Bị đơn dân sự: bà Lê Thị Hới trú tại xóm Khí Tượng, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (là chủ xe).
- Người có nghĩa vụ liên quan: Công ty xi măng Hoàng Mai (nơi những người bị hại làm việc), do ông Nguyễn Xuân Uý làm đại diện.
NHẬN THẤY:
Đặng Văn Tế lái xe thuê cho bà Lê Thị Hới, hưởng lương theo tháng. Ngày 29-9-2004, Tế điều khiển xe ôtô khách mang biển kiểm soát 38H-5130 từ Hà Tĩnh đi Hà Nội. Khoảng 22 giờ 50 phút, khi xe của Tế đi với tốc độ từ 50-55km/h đến km 387+600 quốc lộ 1A thì phía trước có hai xe môtô đi ngược chiều, trong đó có xe của anh Đặng Thanh Phú điều khiển đi lấn sang phần đường bên trái. Lúc này, Tế không giảm tốc độ, không phát hiệu còi, không nháy đèn cảnh báo. Khi xe của Tế cách xe của anh Phú khoảng 8-10 mét thì Tế mới lái xe sang bên trái để tránh và anh Phú cũng lái xe về bên phải phần đường của mình nên xe ô tô do Tế điều khiển đã đâm vào xe máy của anh Đặng Thanh Phú làm xe của anh Phú văng ngược về phía sau; xe của Tế tiếp tục lao sang bên trái phần đường đâm tiếp vào xe môtô do anh Đinh Công Phú điều khiển đang lưu hành cùng chiều với xe của anh Đặng Thanh Phú, phía sau chở anh Phạm Trung Dũng. Hậu quả anh Đặng Thanh Phú và anh Phạm Trung Dũng bị chết, anh Đinh Công Phú bị thương nặng với tỷ lệ thương tật 86%.
Công ty xi măng Hoàng Mai (nơi anh Đặng Thanh Phú, Đinh Công Phú và Phạm Trung Dũng làm việc) đã chi phí cho việc cấp cứu và mai táng cho các nạn nhân hết 6.245.000 đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 163/2005/HSST ngày 23-6-2005, Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An áp dụng khoản 3 Điều 202; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự; xử phạt Đặng Văn Tế 05 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
“Áp dụng các điều 627, 612, 613, 614 Bộ luật dân sự buộc bà Lê Thị Hới (địa chỉ ở đầu án) là chủ xe ôtô gây tai nạn phải bồi thường cho những người sau:
1. Bà Nguyễn Thị Thuỷ (đại diện bị hại Đặng Thanh Phú-có địa chỉ như ở đầu án) tổng cộng các khoản 36 triệu đồng (ba mươi sáu triệu đồng), đã bồi thường 20 triệu đồng-còn phải tiếp tục bồi thường 16 triệu đồng (mười sáu triệu đồng).
- Cấp dưỡng nuôi 1 con: 150.000 đồng/tháng (Một trăm năm mươi ngàn đồng) từ khi bị hại mất (29-9-2004) đến khi đủ 18 tuổi
- Cấp dưỡng nuôi bà nội 40.000 đ/tháng (bốn mươi ngàn đồng) kể từ ngày bị hại mất đến khi bà mất.
2. Ông Phạm Xuân Tiến (đại diện bị hại Phạm Trung Dũng- có địa chỉ đầu án) tổng cộng các khoản 36 triệu đồng (ba mươi sáu triệu), đã bồi thường được 20 triệu đồng-còn phải tiếp tục bồi thường 16 triệu đồng (Mười sáu triệu đồng).
3. Ông Đinh Xuân Vẽ (đại diện bị hại Đinh Công Phú-có địa chỉ đầu án) tổng cộng các khoản (như đã nhận định) là 146.186.000 đồng (Một trăm bốn sáu triệu, một trăm tám sáu nghìn đồng), đã bồi thường 20.300.000 đồng. còn phải tiếp tục bồi thường 125.886.000 (Một trăm hai năm triệu tám trăm tám sáu nghìn đồng).
- Cấp dưỡng nuôi 01 con: 150.000đ/tháng từ khi bị hại bị tai nạn (29-9-2004) đến khi đủ 18 tuổi hoặc đến khi bị hại hồi phục sức khoẻ dưới 81%.
- Trợ cấp hàng tháng cho bị hại Phú 350.000 đ/tháng cho đến khi bị hại hồi phục sức khoẻ dưới 81%.
- Trợ cấp 1 người nuôi bị hại 300.000 đ/tháng cho đến khi bị hại hồi phục sức khoẻ dưới 81%.
4. Bồi thường cho Công ty xi măng Hoàng Mai (địa chỉ ở đầu án) chi phí cấp cứu ban đầu, mai táng các bị hại là 6.245.000 đ (sáu triệu hai trăm bốn mươi lăm ngàn đồng).”
Ngày 04-7-2005, người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án là bà Lê Thị Hới kháng cáo không đồng ý quyết định của bản án sơ thẩm về phần bồi thường dân sự.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1036/HSPT ngày 30-9-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số02/2007/HS-TK ngày 08-01-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1036/HSPT ngày 30-9-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 163/2005/HSST ngày 23-6-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An về phần quyết định buộc bà Lê Thị Hới phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thủy, ông Đinh Xuân Vẽ và Công ty xi măng Hoàng Mai để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều có các sai lầm, thiếu sót nghiêm trọng cả về thủ tục tố tụng và các quyết định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể:
* Về thủ tục tố tụng:
Bà Lê Thị Hới là chủ sở hữu xe ôtô mang biển kiểm soát 38H-5130 thuê Đặng Văn Tế lái xe, hưởng lương theo tháng. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì bà Hới là bị đơn dân sự trong vụ án này. Việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định bà Lê Thị Hới là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án là không đúng.
Những người bị hại trong vụ án này đều là công nhân của Công ty xi măng Hoàng Mai. Khi tai nạn xảy ra, Công ty đã chi phí cấp cứu và mai táng cho các nạn nhân số tiền là 6.245.000 đồng và có yêu cầu bồi thường. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định Công ty xi măng Hoàng Mai là nguyên đơn dân sự là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong trường hợp này thì Công ty xi măng Hoàng Mai là người có quyền lợi liên quan đến vụ án.
* Về quyết định trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì tai nạn sảy ra do một phần lỗi của anh Đặng Thanh Phú, nhưng khi quyết định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã không tính đến lỗi của anh Đặng Thanh Phú, ảnh hưởng đến việc xác định mức độ bồi thường.
Khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, người đại diện hợp pháp của Đặng Thanh Phú không xuất trình đầy đủ các hóa đơn, chứng từ chứng minh và không nêu rõ chi phí cụ thể, thực tế, mà chỉ nêu: chi phí mai táng khoảng 9 triệu đồng; sửa chữa xe máy: khoảng 10 triệu đồng... Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận các yêu cầu trên là chưa có căn cứ.
Về chi phí về việc cấp cứu, điều trị, chăm sóc anh Đinh Công Phú: người đại diện hợp pháp của anh Phú yêu cầu bồi thường 162.564.504 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc bà Lê Thị Hới phải bồi thường cho anh Đinh Công Phú 108.000.000 đồng, nhưng không nêu rõ lý do, không xác định là chấp nhận hoặc không chấp nhận khoản nào trong phần yêu cầu này của gia đình người bị hại.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào xác nhận của Công ty xi măng Hoàng Mai về thu thập trong tháng 10 năm 2004 của anh Đinh Công Phú (tại BL145) là 3.354.000 đồng/tháng để xác định thu nhập hàng tháng của anh Phú là không có căn cứ vì anh Phú là công nhân hợp đồng của Công ty nên ngoài xác nhận thu nhập của một tháng thì cần có các tài liệu kèm theo để xác định thu nhập hàng tháng hoặc thu nhập thường xuyên của anh Phú.
Đối với số tiền 6.245.000 đồng mà Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc bà Lê Thị Hới hoàn trả cho Công ty xi măng Hoàng Mai: về nguyên tắc, số tiền này được trừ vào số tiền mà bà Hới phải bồi thường cho gia đình những người bị hại. Nhưng căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì không có cơ sở xác định khi quyết định về trách nhiệm bồi thường, Tòa án các cấp đã trừ số tiền này cho bà Hới hay chưa.
Ngoài ra, khi quyết định buộc bà Lê Thị Hới cấp dưỡng đối với bà nội và con anh Đặng Thanh Phú, con của anh Đinh Công Phú, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm còn có nhiều thiếu sót nghiêm trọng là trong các bản án không ghi họ, tên cũng như ngày, tháng, năm sinh của những người này.
Bởi các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 279; khoản 3 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự;
QUYẾT ĐỊNH:
1. Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1036/HSPT ngày 30-9-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 163/2005/HSST ngày 23-6-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An về phần quyết định buộc bà Lê Thị Hới phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thủy, ông Đinh Xuân Vẽ và Công ty xi măng Hoàng Mai để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
2. Các quyết định khác của bản án phúc thẩm nêu trên không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.
Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy một phần:
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định sai tư cách bị đơn, tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án; có những thiếu sót trong việc quyết định mức bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ cấp dưỡng