Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Bàn Văn Phú phạm tội "Hủy hoại rừng"

Chủ đề   RSS   
  • #265413 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Bàn Văn Phú phạm tội "Hủy hoại rừng"

    Số hiệu

    01/2009/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Bàn Văn Phú phạm tội "Hủy hoại rừng"

    Ngày ban hành

    10/02/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 10 tháng 02 năm 2009, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Bàn Văn Phú sinh năm 1979; trú tại thôn 2 Minh Tiến, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; nghề nghiệp: làm ruộng; dân tộc: Dao; con ông Bàn Khuẩy Và và bà Triệu Thị Muông; có vợ và 02 con.

    NHẬN THẤY:

    Do muốn mở rộng diện tích trồng sắn nên khoảng 12 giờ 30 phút ngày 03-02-2007, Bàn Văn Phú lên khu rừng thuộc khe Khuẩy Lăm, thôn 2 Minh Tiến, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang và châm lửa đốt các búi nứa gần nương trồng sắn của Phú. Do thời tiết hanh khô, ngọn lửa bốc cao, lan nhanh gây cháy rừng, đến 14 giờ 50 phút cùng ngày mới dập tắt được lửa.

    Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 01-3-2007, Hạt kiểm lâm huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang kết luận loại rừng bị cháy do Bàn Văn Phú đốt là rừng phòng hộ, diện tích rừng bị cháy là 9.000m2 (thiệt hại 706.500đồng).

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 76/2007/HSST ngày 14-8-2007, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; các điểm b và p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt Bàn Văn Phú 04 năm tù về tội “Huỷ hoại rừng”.

    Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; các điều 604, 605, 606 và 608 Bộ luật dân sự buộc bị cáo phải bồi thường tiếp cho Nhà nước số tiền là 406.500 đồng (đã bồi thường được 300.000 đồng).

    Ngày 25-8-2007, Bàn Văn Phú kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1068/2007/HSPT ngày 28-11-2007, Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm.

    Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số15/2008/HS-TK ngày 20-11-2008, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1068/2007/HSPT ngày 28-11-2007 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 76/2007/HSST ngày 14-8-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang; tuyên bố Bàn Văn Phú không phải chịu trách nhiệm hình sự và đình chỉ vụ án.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Ngày 03-02-2007, Bàn Văn Phú đốt rừng mục đích làm nương rẫy gây cháy 9.000m2 rừng phòng hộ. Theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định số139/2004/NĐ-CP ngày 25-6-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì hành vi đốt cháy 9.000m2 rừng phòng hộ của Phú phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự; do đó, Toà án cấp sơ thẩm xử phạt Bàn Văn Phú 04 năm tù về tội “Huỷ hoại rừng” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

    Tuy nhiên, ngày 30-10-2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số159/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (thay thế Nghị định số139/2004/NĐ-CP ngày 25-6-2004). Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo (ngày    09-11-2007), tức là có hiệu lực thi hành từ ngày 25-11-2007. Theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 và Điều 11 Nghị định số159/2007/NĐ-CP thì hành vi đốt cháy 9.000m2 rừng phòng hộ của Bàn Văn Phú chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

    Tại thời điểm xét xử phúc thẩm (ngày 28-11-2007), Nghị định số159/2007/NĐ-CP ngày 30-10-2007 của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành, nhưng Toà án cấp phúc thẩm vẫn giữ nguyên các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm nêu trên là không đúng với tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 7 của Bộ luật hình sự. Theo hướng dẫn tại điểm d mục 5 Thông tư liên tịch số01/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-CA ngày 12-6-2000 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an “Hướng dẫn thi hành Mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội và Nghị quyết số229/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 28-1-2000 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội” thì trong trường hợp này Toà án cấp phúc thẩm phải huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự và đình chỉ vụ án. Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì theo hướng dẫn tại điểm đ mục 5 Thông tư liên tịch số 01 nói trên, Toà án cấp phúc thẩm vẫn giải quyết theo thủ tục chung.

    Trường hợp này do có sự thay đổi về pháp luật mà không phải do Toà án xét xử oan sai, nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 279, Điều 286 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1068/2007/HSPT ngày 28-11-2007 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 76/2007/HSST ngày 14-8-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang; tuyên bố Bàn Văn Phú không phải chịu trách nhiệm hình sự và đình chỉ vụ án.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Tại thời điểm xét xử phúc thẩm, do có sự thay đổi về pháp luật nên hành vi của bị cáo chỉ bị coi là vi phạm hành chính, chưa bị coi là hành vi phạm tội.

     

     
    6527 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận