Số hiệu
|
31/2006/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm số31/2006/ds-gđt ngày 03-10-2006 về vụ án “tranh chấp về thừa kế”
|
Ngày ban hành
|
03/10/2006
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ31/2006/DS-GĐT NGÀY 03-10-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP VỀ THỪA KẾ”
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 03 tháng 10 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
1. Ông Lại Văn Tửng sinh năm 1926; trú tại: 53/2 ấp 4, xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là 53/2 khu phố 3, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh);
2. Ông Châu Văn Lắm (Lại Văn Lắm) sinh năm 1929; trú tại: KC 35 ấp 4, xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là KC 35, khu phố 3, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh).
- Bị đơn: Ông Lại Văn Chín sinh năm 1935; ông Chín uỷ quyền cho anh Lại Tùng Phương sinh năm 1964; trú tại: 8/7 ấp 4A, xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là 8/7 khu phố 4, phường Tân Thuận Đông, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) đại diện tham gia tố tụng.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Châu Huệ Nga; trú tại: 117/6 đường 48, phường Bình Thới, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh (nay là 117/6 Nguyễn Chí Thanh, phường 16, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh);
2. Thái Tình, (hiện ở Mỹ);
3. Thái Muối, (không rõ địa chỉ);
4. Ông Trần Ngọc Ẩn sinh năm 1942; trú tại: KF 31, ấp 4 C, xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là KF 31, khu phố 3, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh);
5. Trần Ngọc Ánh, trú tại: 11/4 ấp 4C, xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là 11/4 khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh);
6. Ông Trần Ngọc Sáng, sinh năm 1954; trú tại: 1/69 ấp Nhị Tân, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh;
7. Bà Trần Thị Em, sinh năm 1947; trú tại: KB1, ấp 4, xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là KB1, khu phố 3, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh);
8. Bà Trần Thị Nhỏ, sinh năm 1952; trú tại: 30/6B, ấp 2, xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là 30/6B, khu phố 1, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh);
9. Ông Trần Văn Nguyên, sinh năm 1953; trú tại: 109/5, ấp 3, xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là 109/5, khu phố 3, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh);
10. Ông Trần Văn Thành, sinh năm 1957; trú tại: 28/17D, ấp 1, xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là 28/17D, khu phố 2, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh);
11. Bà Trần Thị Đông, sinh năm 1959; trú tại: 28/17A, ấp 1, xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là 28/17A, khu phố 2, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh);
12. Bà Trần Thị Tuyết, sinh năm 1960;
13. Bà Trần Thị Hồng Loan, sinh năm 1964;
14. Bà Trần Thị Chi, sinh năm 1945;
Đều trú tại: 11/6 ấp 4, xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là 11/6, khu phố 4, phường Tân Thuận Đông, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh);
15. Ông Trần Văn Sơn, sinh năm 1963; trú tại: 11/6 ấp 4A, xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là 11/6, khu phố 4, phường Tân Thuận Đông, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh);
16. Trần Văn Lập (hiện ở Úc).
NHẬN THẤY:
Tại đơn khởi kiện đề ngày 24-8-1993 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, ông Tửng và ông Lắm đề nghị Toà án chia di sản thừa kế của cha mẹ là cụ Châu Thu và cụ Lại Thị Liễu gồm 01 nhà lợp ngói tường gạch tại ấp 4A, xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (nay là phường Tân Thuận Đông, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh), 1 bộ ván gỗ đỏ 3 tấm, 1 tủ ly, 1 tủ đứng và 1 đồng hồ treo tường (riêng chiếc đồng hồ sau này ông Tửng, ông Lắm không yêu cầu). Khối di sản nêu trên là do cụ Thu và cụ Liễu tạo lập.
Theo lời khai của các nguyên đơn thì cụ Thu có 3 người vợ:
- Người vợ thứ nhất (không biết tên) sống ở Trung Quốc và sinh được hai người con (không biết tên) trong đó một người (có vợ và con) ở Việt Nam nhưng không rõ địa chỉ, một người còn lại không biết ở đâu.
- Người vợ thứ 2 là cụ Lại Thị Liễu sinh được 6 con chung là: bà Lại Thị Tư (chết năm 1994, có 3 người con), bà Lại Thị Mai (chết năm 1991, có 10 người con), ông Lại Văn Tửng, ông Lại Văn Lắm, ông Lại Văn Chín và ông Lại Văn Bé (ông Bé chết năm 1950, không có vợ con).
- Người vợ thứ 3 là cụ Thái Nghi sinh được 3 người con là: Thái Tình (sống ở Mỹ), Thái Muối (không rõ hiện ở đâu), bà Châu Huệ Nga.
Cụ Thu chết năm 1978, cụ Liễu chết năm 1984, cụ Nghi chết năm 1991 (nguyên đơn lúc khai cụ Nghi chết năm 1991, lúc khai không biết chết năm nào). Các cụ chết đi đều không để lại di chúc.
Về tài sản: cụ Thu và cụ Liễu có căn nhà lá 2 gian (trên thửa đất hiện nay đang có tranh chấp), sau khi cụ Thu đến sống với cụ Nghi ở chỗ khác thì các ông cùng bà Tư, bà Mai dỡ bỏ nhà lá cũ xây dựng căn nhà ngói như hiện nay. Sau khi cụ Thu, cụ Liễu chết, ông Chín quản lý sử dụng căn nhà và trong quá trình sử dụng, ông Chín có sửa chữa thêm.
Các nguyên đơn cho rằng nhà đất trên là tài sản chung của cụ Thu và cụ Liễu nên yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Thu và cụ Liễu theo pháp luật (không yêu cầu chia di sản của cụ Thu có với những người vợ khác), đồng thời nhất trí trích một phần giá trị trong khối di sản để trả chi phí sửa chữa nhà cho ông Chín trước khi chia thừa kế. Các nguyên đơn xin nhận bằng tiền, yêu cầu ông Chín phải trả trong thời gian 1 tháng.
Theo bị đơn ông Chín thì cụ Thu có 2 vợ là cụ Liễu và cụ Nghi, các con của 3 cụ, còn ông không biết cụ Thu có vợ cả và 2 người con. Ông cũng khai nhận khối di sản là của cụ Thu và cụ Liễu (riêng chiếc đồng hồ không phải là di sản), căn nhà ngói như hiện nay là do cụ Liễu xây dựng, đồng ý yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn, đồng thời yêu cầu thanh toán một phần công sức và chi phí ông bỏ ra sửa chữa nhà (sau này ông yêu cầu thêm cả chi phí ông đã nộp để hợp thức hoá căn nhà và công sức bảo quản di sản), ông xin được sở hữu nhà và thanh toán kỷ phần cho các thừa kế khác trong thời gian 3 năm.
Bà Nga (con cụ Nghi), các anh Ấn, Ánh (con bà Tư) khước từ hưởng
thừa kế.
Anh Sáng (con bà Tư) yêu cầu được hưởng phần di sản thừa kế của mẹ bằng tiền.
Chị Chi, anh Sơn (con bà Mai) xin nhận phần di sản thừa kế của mẹ
bằng tiền.
Các anh chị Em, Nhỏ, Nguyên, Thành, Đông, Tuyết, Loan (con bà Mai) đều xin nhường kỷ phần thừa kế mình được hưởng cho ông Chín.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 127/DSST ngày 14-12-1994, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Công nhận căn nhà 8/7 ấp 4A, xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè và các tài sản: 1 tủ đựng quần áo, 1 tủ đựng ly, 1 bộ ván gỗ đỏ 3 tấm thuộc sở hữu chung của ông Châu Thu và bà Lại Thị Liễu.
Công nhận chi phí trước bạ hợp thức hoá di sản thừa kế và lệ phí chiết tính sửa chữa nhà của ông Chín tương đương 02 chỉ 1 phân 7 ly vàng 4 số 9.
Công nhận lệ phí định giá nhà của ông Tửng tương đương 04 ly vàng 4 số 9.
Công nhận chi phí sửa chữa nhà của ông Chín tương đương 02 lượng
4 chỉ 1 phân vàng 4 số 9 và công sức bảo quản tài sản tương đương 02 lượng vàng 4 số 9.
Công nhận các thừa kế của ông Châu Thu gồm người vợ thứ nhất và 02 con của ông Thu vắng mặt, bà Lại Thị Liễu (chết), bà Thái Nghi (chết), ông Lại Văn Tửng, Lại Thị Tư (Đào) (chết), Lại Thị Mai (Bưu) (chết), Lại Văn Chín, Châu Văn Lắm (Lại Văn Lắm), Thái Tình, Thái Muối, Châu Huệ Nga.
Công nhận các thừa kế của bà Lại Thị Liễu gồm: Lại Văn Tửng, Châu Văn Lắm (Lại Văn Lắm), Lại Văn Chín, Lại Thị Mai (Bưu), Lại Thị Tư (Đào).
Công nhận thừa kế của bà Lại Thị Tư (Đào) gồm Trần Ngọc Ẩn, Trần Ngọc Ánh và Trần Ngọc Sáng.
Công nhận thừa kế của bà Lại Thị Mai (Bưu) gồm: Trần Thị Chi, Trần Văn Sơn, Trần Thị Nhỏ, Trần Thị Em, Trần Văn Nguyên, Trần Văn Thành, Trần Thị Đông, Trần Thị Tuyết, Trần Văn Hải (chết) có vợ Trần Thị Hồng Loan và 02 con và Trần Văn Lập.
Ghi nhận sự tự nguyện của chị Châu Huệ Nga khước từ chia thừa kế đối với di sản thừa kế của ông Thu tại nhà 8/7 ấp 4A xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè.
Ghi nhận sự tự nguyện của ông Trần Ngọc Ẩn và chị Trần Ngọc Ánh khước từ chia thừa kế đối với phần thừa kế của bà Lại Thị Tư (Đào) được chia tại nhà 8/7 ấp 4A xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè.
Ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự: Trần Thị Nhỏ, Trần Thị Em, Trần Văn Nguyên, Trần Văn Thành, Trần Thị Đông, Trần Thị Tuyết, Trần Thị Hồng Loan nhường quyền hưởng thừa kế của mẹ Trần Thị Mai được chia di sản của ông bà Thu Liễu cho ông Lại Văn Chín mỗi xuất là 05 chỉ 4 phân 8 ly 3 vàng 4 số 9.
Các thừa kế: Thái Nghi (chết), Thái Tình, Thái Muối, người vợ thứ nhất và 02 con ông Thu mỗi người được chia 01 lượng 3 chỉ 2 phân 6 ly vàng 4 số 9.
Các thừa kế Lại Văn Tửng, Châu Văn Lắm (Lại Văn Lắm), Lại Văn Chín, Lại Thị Tư (c) (Đào) có Trần Ngọc Sáng thừa kế, mỗi người được chia 05 lượng 4 chỉ 8 phân 4 ly vàng 4 số 9.
Trần Thị Chi, Trần Văn Sơn, Trần Văn Lập mỗi người được chia 05 chỉ 4 phân 8 ly 3 vàng 4 số 9.
Ông Lại Văn Tửng được nhận lại chi phí định giá nhà tương đương 4 ly vàng 24K (4 số 9).
Ông Lại Văn Chín được nhận lại lệ phí hợp thức hoá di sản thừa kế, lệ phí chiết tính sửa chữa nhà tương đương 02 chỉ 1 phân 7 ly vàng 4 số 9 và chi phí sửa chữa nhà tương đương 02 lượng 4 chỉ 1 phân vàng 4 số 9.
Giao căn nhà 8/7 ấp 4A xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè và các tài sản khác gồm 1 tủ đựng quần áo, 1 tủ đựng ly và bộ ván gỗ đỏ 3 tấm cho ông Lại Văn Chín sở hữu và ông Lại Văn Chín có trách nhiệm hoàn phần chênh lệch cho các thừa kế khác cụ thể hoàn cho:
Ông Lại Văn Tửng 05 lượng 4 chỉ 8 phân 8 ly vàng 4 số 9.
Ông Châu Văn Lắm (Lại Văn Lắm) 05 lượng 4 chỉ 8 phân 4 ly vàng 4
số 9.
Anh Trần Văn Sơn, Trần Thị Chi, Trần Văn Lập mỗi người 05 chỉ 4 phân 8 ly 3 vàng 4 số 9.
Bà Thái Nghi (chết), Thái Tình (ở Mỹ), Thái Muối (ở đâu không rõ), mỗi người 01 lượng 3 chỉ 2 phân 6 ly vàng 4 số 9 cho chị Châu Huệ Nga đại diện nhận và tạm quản lý.
Người vợ thứ nhất và 02 con ông Thu, mỗi người 01 lượng 3 chỉ 2 phân 6 ly vàng 4 số 9 do ông Chín tạm quản lý.
Giao phần thừa kế của anh Lập cho chị Chi tạm quản lý.
Thời gian để ông Chín thi hành giao vàng là 02 tháng kể từ khi án có hiệu lực pháp luật. Nếu quá hạn thi hành mà ông Chín không có khả năng thi hành án thì căn nhà 8/7 ấp 4A, xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè được phát mãi để chia. Thi hành tại Phòng thi hành án thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 19-12-1994, 20-3-1995, ông Tửng kháng cáo cho rằng Toà án không tính giá trị phần đất đã phạm lộ giới là không đúng, việc định giá nhà còn thấp so với giá thực tế, ông Chín đã sử dụng di sản vào mục đích sinh lợi nên không nhất trí trả công bảo quản 2 lượng vàng, kỷ phần của vợ cả và 2 người con của cụ Thu với vợ cả không nhất trí giao cho ông Chín.
Ngày 20-12-1994, ông Chín có đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại cách tính toán và phân chia của Toà sơ thẩm, thuế trước bạ ông phải nộp, Toà án cấp sơ thẩm không cho hưởng phần công sức và nuôi dưỡng chỉ tính 2 lượng
vàng 9999 là quá ít.
Tại bản án phúc thẩm số 42/DSPT ngày 29-4 và 3-5-1996, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
1) Áp dụng điều 1, 2, 3, 4, 5, 24, 25, 31, 34, 35, 36 Pháp lệnh thừa kế ngày 10-9-1990 xử:
Giao căn nhà số 8/7 ấp 4A, xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè và các tài sản khác gồm 1 tủ đựng quần áo, 1 tủ ly, 1 bộ ván gỗ đỏ 3 tấm cho ông Lại Văn Chín được quyền sở hữu và sử dụng.
Giao ông Lại Văn Chín quản lý 4 lượng 6 chỉ 8 phân vàng 24K vàng 9999 phần thừa kế của bà vợ thứ nhất và các con của ông Châu Thu. Ông Lại Văn Chín có trách nhiệm giao phần chênh lệch cho các thừa kế khác. Cụ thể:
Ông Lại Văn Tửng 3 chỉ 9 phân vàng 24K vàng 9999 chi phí định giá, vẽ sơ đồ nhà, 5 lượng 3 chỉ 9 phân vàng 24K vàng 9999 kỷ phần thừa kế được chia của ông Châu Thu và bà Lại Thị Liễu. Cộng 6 lượng 3 chỉ 2 phân vàng 24K vàng 9999.
Ông Châu Văn Lắm (Lại Văn Lắm) 5 lượng 9 chỉ 3 phân vàng 24K
vàng 9999.
Trần Ngọc Sáng 5 lượng 9 chỉ 3 phân vàng 24K vàng 9999.
Châu Huệ Nga 4 lượng 6 chỉ 8 phân vàng 24K vàng 9999.
Trần Thị Chi phần thừa kế của bà Lại Thị Mai 5 chỉ 9 phân 3 ly vàng 24K vàng 9999 và 5 chỉ 9 phân 3 ly vàng 9999 phần của Trần Văn Lập.
Trần Văn Sơn 5 chỉ 9 phân 3 ly vàng 24K vàng 9999.
2) Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị Toà phúc thẩm không xét, đã có hiệu lực pháp luật.
3) Ông Lại Văn Tửng, Lại Văn Chín được nhận lại 50.000 đồng án phí phúc thẩm dân sự.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Lại Văn Chín có đơn khiếu nại với nội dung phần diện tích đất ở đang có tranh chấp chưa được cấp quyền sử dụng đất, nay lại nằm trong khu vực giải toả nhưng Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm buộc ông phải thanh toán giá trị đất là thiệt hại quyền lợi của ông; căn nhà trên đất mặc dù do mẹ ông xây dựng lại thành nhà ngói nhưng đó là tài sản chung của cha mẹ ông, án sơ thẩm và phúc thẩm xác định căn nhà là tài sản riêng của mẹ ông là không đúng.
Tại Quyết định số74/KN-DS ngày 09-6-1997, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 42/DSPT ngày 29-4 và 3-5-1996 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh với nhận định:
Cụ Châu Thu có 3 vợ, vợ cả hiện sống ở Trung Quốc có 2 con (không rõ tên tuổi). Vợ thứ hai là cụ Lại Thị Liễu có 6 con, 1 con trai chết năm 1950, không có vợ con; còn 5 người là: bà Tư (chết năm 1994), bà Mai (chết năm 1991), ông Tửng, ông Lắm, ông Chín. Vợ thứ ba là cụ Thái Nghi có 3 người con là ông Thái Tình (hiện sống ở Mỹ), bà Thái Muối (hiện mất tích) và bà Châu Huệ Nga.
Cụ Thu chết năm 1978, cụ Liễu chết năm 1984, cụ Nghi chết năm 1991, đều không để lại di chúc. Khối tài sản của cụ Thu và cụ Liễu để lại gồm: 1 căn nhà lá số 8/7 trên diện tích đất ở là 173,45m2 (trong đó có 68,96m2 vi phạm lộ giới) toạ lạc tại ấp 4A, xã Tân Thuận Đông và các tài sản khác (1 bộ ván gỗ, 1 tủ đứng, 1 tủ ly). Toàn bộ khối tài sản trên do ông Chín quản lý, sử dụng từ năm 1984 đến nay. Nay ông Tửng, ông Lắm và các con, cháu hai cụ Thu và Liễu xin được thừa kế di sản của cha, mẹ, ông, bà để lại; tất cả đều nhất trí giao toàn bộ di sản cho ông Chín sở hữu, sử dụng và xin được nhận kỷ phần của mình bằng giá trị. Ông Chín cũng nhất trí chia thừa kế và yêu cầu được sở hữu căn nhà cũng như công sức bảo quản, sửa chữa.
Án sơ thẩm, phúc thẩm xác định khối di sản thừa kế, các hàng thừa kế và chia thừa kế theo pháp luật là phù hợp với các điều 3, 4, 5, 24, 25, 31, 34, 35 và 36 Pháp lệnh thừa kế.
Án sơ thẩm, phúc thẩm căn cứ nhu cầu, nguyện vọng các bên xử giao toàn bộ khối di sản cho ông Chín sở hữu, sử dụng; ông Chín có trách nhiệm thanh toán cho các thừa kế khác hưởng giá trị là hợp lý, hợp tình vì thực tế ông Chín và vợ, con ông Chín sinh sống tại nhà, đất nói trên cùng cụ Liễu nhiều năm. Từ năm 1984 đến nay vẫn tiếp tục ở đó và có nhiều công sức duy trì, phát triển khối di sản.
Xét nguồn gốc diện tích đất trên, tuy không phải là đất của các cụ tổ tiên để lại, không có bằng khoán điền thổ và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thực tế hai cụ đã sử dụng nhiều năm (gần 50 năm). Các năm sau ông Chín đã đóng lệ phí trước bạ hợp thức hoá và thuế đất theo quy định của pháp luật. Như vậy, các thừa kế đều được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất. Căn cứ Nghị định 87/CP ngày 17-8-1994 của Chính phủ, lẽ ra bản án phúc thẩm chỉ buộc ông Chín thanh toán giá trị sử dụng đất cho các thừa kế khác theo khung giá đất của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định tại Quyết định05/QĐ-UB-QLĐT ngày 4-1-1995 mới hợp lý, đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự. Nhưng bản án phúc thẩm lại buộc ông Chín thanh toán giá trị sử dụng đất theo giá thị trường là không đúng, gây thiệt hại quyền lợi của ông Chín.
Mặt khác căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá IX vụ tranh chấp thừa kế nhà ở này xảy ra trước ngày 1-7-1991 thì tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Do đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Tại Quyết định số44/UBTP-DS ngày 27-8-1997 của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã quyết định:
Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa ông Lại Văn Tửng, ông Lại Văn Lắm với ông Lại Văn Chín cho đến khi có quy định mới của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
XÉT THẤY:
Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã xác định đúng thời điểm mở thừa kế và những người thừa kế để chia di sản của cụ Châu Thu và cụ Lại Thị Liễu. Tuy nhiên, về di sản thừa kế: Sau khi cụ Thu chuyển đến ở với
cụ Nghi, cụ Liễu đã dỡ căn nhà lá để xây dựng lại thành căn nhà ngói vào
năm 1955. Như vậy, cụ Liễu xây dựng căn nhà trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của cụ Thu và cụ Liễu đang tồn tại. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 thì phải xác định căn nhà cụ Liễu xây dựng lại trên diện tích đất đang tranh chấp là tài sản chung của cụ Thu và cụ Liễu. Hai cụ chết không có di chúc thì phải xác định nhà đất là di sản thừa kế của hai cụ để chia theo pháp luật mới đúng. Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định giá trị quyền sử dụng đất là di sản của 2 cụ, còn giá trị căn nhà là tài sản riêng của cụ Liễu nên việc chia di sản thừa kế không đúng và không đảm bảo quyền lợi của các thừa kế. Mặt khác, Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã định giá khối di sản bằng tiền nhưng lại quy ra vàng và khi tuyên án chia giá trị cho các thừa kế bằng vàng là không đúng.
Theo lời khai của các đương sự thì người vợ thứ nhất của cụ Châu Thu sống ở Trung Quốc (không rõ tên), ngoài ra còn có Thái Tình (hiện ở Mỹ) và ông Trần Văn Lập (hiện ở Úc), vì vậy phải áp dụng quy định của Nghị quyết
số1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia để giải quyết vụ án đảm bảo quyền của các đương sự. Mặt khác, do vụ án đã bị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao tạm đình chỉ giải quyết từ năm 1997 và giá nhà đất đã có biến động lớn, do đó cần phải định giá lại theo giá thị trường mới bảo đảm quyền lợi của các đương sự và phù hợp với thực tế. Ngoài ra, cũng phải xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng của các đương sự hiện nay và yêu cầu của họ theo quy định của pháp luật để giải quyết vụ án.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và khoản 2 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
QUYẾT ĐỊNH:
Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 42/DSPT ngày 29-4 và 03-5-1996 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 127/DSST ngày 14-12-1994 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:
1. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định chưa chính xác khối di sản thừa kế;
2. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định giá trị di sản thừa kế bằng tiền nhưng lại quy đổi ra vàng để chia cho các thừa kế là không đúng;
3. Cần tiến hành định giá lại di sản thừa kế;
4. Cần xác định lại tư cách tố tụng và địa vị pháp lý của các đương sự trong vụ án và yêu cầu của họ.
- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:
1. Thiếu sót trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ;
2. Thiếu sót trong việc xác định giá trị di sản thừa kế và quyết định chia di sản thừa kế;
3. Do thời hạn giải quyết vụ án bị kéo dài.