Quyết định giám đốc thẩm số 29/2006/ds-gđt ngày 03-10-2006 về vụ án “tranh chấp về thừa kế”

Chủ đề   RSS   
  • #265116 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 29/2006/ds-gđt ngày 03-10-2006 về vụ án “tranh chấp về thừa kế”

    Số hiệu

    29/2006/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số29/2006/ds-gđt ngày 03-10-2006 về vụ án “tranh chấp về thừa kế”

    Ngày ban hành

    03/10/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ29/2006/DS-GĐT NGÀY 03-10-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP VỀ THỪA KẾ”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 03 tháng 10 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản giữa các đương sự:

    - Nguyên đơn: Anh Nguyễn Thế Tài, sinh năm 1964; trú tại: nhà số 66 quốc lộ 51, phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

    - Bị đơn: Anh Nguyễn Pháp, sinh năm 1958; trú tại: nhà số 66 quốc lộ 51, phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

    - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Anh Nguyễn Tấn Phương, sinh năm 1945; trú tại: 200Kenwood Are-Cherryville-NC.28021 North Carolina-America (Mỹ); (ông Phương uỷ quyền cho các con là: Nguyễn Minh Châu, trú tại 2509, khu phố I, phường Phước Nguyên, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Nguyễn Minh Thư,trú tại số 40 Lê Quí Đôn, khu phố I, phường Phước Trung, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Nguyễn Bá Dương (chết năm 2005, không có vợ con); Nguyễn Hoài Nam, trú tại số 70 Lê Quí Đôn khu phố I, phường Phước Trung, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

    2. Chị Nguyễn Hoàng Mai, sinh năm 1960; trú tại: 200Kenwood Are-Cherryville-NC.28021 North Carolina-America (Mỹ);

    3. Chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỹ, sinh năm 1951; trú tại: Vilsundvej 38,9220 Aalborg Æst Denmark (Đan mạch);

    (Chị Mai và chị Mỹ uỷ quyền cho anh Nguyễn Thế Tài).

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện đề ngày 20-3-1992 và các lời khai khác tại Toà án trong quá trình giải quyết vụ án, anh Nguyễn Thế Tài yêu cầu Toà án giải quyết buộc anh Nguyễn Pháp chia thừa kế đối với hai căn nhà mang số 66A và 66B quốc lộ 51, phường 10, thành phố Vũng Tàu (hai căn nhà này tách ra từ nhà số 66 cũ; căn nhà số 66A sử dụng làm nhà ở, diện tích nhà 76m2 trên diện tích đất 164,5m2, có giá là 383.336.000 đồng; căn nhà số 66B sử dụng làm phòng khám chữa răng, diện tích nhà 50,54m2 trên diện tích đất 224m2, có giá là 377.058.000 đồng; tổng cộng trị giá cả hai căn nhà là 740.394.000 đồng), và một số tài sản khác là đồ dùng sinh hoạt, lao động trong gia đình. Theo anh Tài thì nguồn gốc hai căn nhà nêu trên là nhà đất của vợ chồng ông Nguyễn Định, bà Nguyễn Thị Lê (là bố mẹ của anh Tài và anh Pháp). Ông Định và bà Lê có 7 người con chung là: Nguyễn Tấn Phương, Nguyễn Pháp, Nguyễn Thế Tài, Nguyễn Thị Thuỳ Mỹ, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Vi Anh (chết năm 1975 chưa có vợ con) và Nguyễn Tấn Khanh (chết năm 1970 chưa có vợ con). Bà Lê chết năm 1979 không để lại di chúc. Ông Định chết năm 1989. Trước khi chết, ông Định có để lại di chúc chia cho anh căn nhà số 66B và chia cho anh Pháp căn nhà số 66A, nhưng anh Pháp cất giữ bản di chúc này không chịu đưa ra. Vì vậy, anh Tài yêu cầu Toà án buộc anh Pháp đưa bản di chúc này ra để thực hiện, nếu không, anh Tài đề nghị giải quyết chia thừa kế nhà đất theo quy định của pháp luật.

    Anh Pháp thừa nhận hai căn nhà nêu trên có nguồn gốc là của bố mẹ, nhưng anh đã được bố anh làm giấy cho đứng tên chủ quyền từ năm 1987 và năm 1992 anh đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Vũng Tàu công nhận quyền sở hữu đối với căn nhà trên. Để chứng minh, anh Pháp xuất trình “Đơn xin cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhà” của ông Định viết ngày 24-9-1987 với nội dung ông Định uỷ quyền cho anh Pháp đứng tên làm thủ tục xin cấp chủ quyền đối với nhà đất và “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất” số 200 ngày 30-01-1992 của Uỷ ban nhân dân thành phố Vũng Tàu cấp cho anh Pháp. Vì vậy, anh Pháp chỉ đồng ý chia thừa kế theo pháp luật đối với nhà đất thuộc phần của mẹ anh 
    để lại.

    Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: anh Nguyễn Tấn Phương (đang định cư tại Mỹ, uỷ quyền các con là Nguyễn Minh Thư, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Bá Dương và Nguyễn Hoài Nam đại diện tham gia tố tụng), chị Nguyễn Hoàng Mai và chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỹ (đang định cư tại Mỹ và Đan Mạch, đều uỷ quyền cho anh Tài đại diện tham gia tố tụng) yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ hai căn nhà nêu trên. Anh Phương có giấy uỷ quyền cho 4 con nhận kỷ phần thừa kế được chia (giấy này được gửi theo thư cho Toà án, không có xác nhận của Chính quyền Mỹ hay chính quyền Việt Nam). Chị Mai có giấy nhượng lại kỷ phần thừa kế của mình cho anh Tài (giấy này được gửi theo thư cho Toà án, không có xác nhận của Chính quyền Mỹ hay chính quyền Việt Nam). Chị Mỹ có giấy nhượng quyền thừa kế cho anh Tài (giấy có xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch).

    Tại bản án dân sự số 28/DSST ngày 21-8-1993, Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định:

    - Áp dụng Điều 25, 35 Pháp lệnh thừa kế và Điều 14 khoản 2 Pháp lệnh nhà ở.

    Chấp nhận giấy uỷ quyền của ông Định để lại phần nửa là phần tài sản của ông cho ông Pháp sở hữu. Ông Pháp được tiếp tục sở hữu căn nhà số 66 quốc lộ 51-P.10 Vũng Tàu và số tài sản trong nhà ông đang sử dụng và phần đất phía sau nhà 66.

    Đối với phần nửa là phần tài sản của bà Lê để lại được chia ra làm năm phần. Trong đó:

    Ông Tài được sở hữu căn phòng răng 66 quốc lộ 51-P.10 Vũng Tàu và được phần đất sau nhà trị giá 357.058.000 đồng, ông Tài sở hữu 1 máy làm răng, 1 máy súc miệng, 1 cái bàn, một cái giường ngủ mà ông Tài đang quản lý và 1 tủ đựng quần áo do ông Pháp đưa lại.

    Ông Tài phải hoàn lại suất thừa kế của ông Phương uỷ quyền cho các con là: Nguyễn Minh Thư, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Hoài Nam được hưởng 74.039.400 đồng (bảy mươi bốn triệu không trăm ba chín ngàn bốn trăm đồng).

    Ông Tài hoàn lại cho ông Pháp 60 triệu đồng.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 27-8-1993, anh Nguyễn Thế Tài và các con của anh Phương kháng cáo, đề nghị xác định toàn bộ hai căn nhà là di sản thừa kế và chia theo pháp luật.

    Tại Quyết định kháng nghị số02/KN-DS ngày 30-8-1993, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kháng nghị đối với bản án dân sự sơ thẩm số 28/DSST ngày 21-8-1993 của Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với nhận định: Đơn xin cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhà của ông Định không phải là di chúc, không phải là văn bản cho, tặng quyền sở hữu. Mà chỉ có nội dung uỷ quyền cho anh Pháp được đứng tên, đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho 2 căn nhà nói trên. Vì vậy, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xác định toàn bộ hai căn nhà là di sản thừa kế và chia theo pháp luật, có tính đến công sức bảo quản, duy trì tài sản của anh Pháp.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 97/DSPT ngày 30-6-1994, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Sửa án sơ thẩm:

    Xác định khối di sản thừa kế của ông Nguyễn Định và bà Trần Thị Lê gồm: Nhà có 2 căn gắn liền với đất, mang số 66 Quốc lộ 51, phường 10, thành phố Vũng Tàu. Căn nhà số 66(A) diện tích 80m2 gắn liền với đất 154m2, trị giá 383.336.000 đồng. Căn nhà 66(B) diện tích 53m2, gắn liền với đất 206m2, trị giá 357.058.000 đồng. Tổng cộng hai căn nhà và đất là 740.394.000 đồng.

    + Trích phần di sản thừa kế 74.039.400 đồng để chia cho ông Nguyễn Pháp về công bảo quản di sản. Như vậy di sản thừa kế của ông Định và bà Lê chỉ còn lại là 666.354.600 đồng và các tủ, bàn, ghế, máy làm rung, máy xúc miệng, máy bơm nước và thùng đựng nước.

    + Xác định những người được hưởng thừa kế của ông Định và bà Lê gồm: ông Nguyễn Tấn Phương, ông Nguyễn Pháp, ông Thế Tài, bà Nguyễn Thị Thuỳ Mỹ và bà Nguyễn Thị Hoàng Mai.

    + Chấp nhận sự tự nguyện của bà Nguyễn Thị Hoàng Mai và Nguyễn Thị Thuỳ Mỹ cho phần di sản thừa kế của hai bà được hưởng, cho ông Nguyễn Thế Tài.

    + Ghi nhận ông Nguyễn Tấn Phương uỷ quyền cho các con của ông là Nguyễn Minh Thư, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Hoài Nam được hưởng phần di sản thừa kế của ông được chia.

    + Chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Định và bà Nguyễn Thị Lê cho các thừa kế, cụ thể như sau:

    - Ông Nguyễn Pháp được sở hữu căn nhà 66(A) quốc lộ 51, phường 10, thành phố Vũng Tàu diện tích 80m2 và 154m2 đất gắn liền nhà, và ông Nguyễn Pháp được sở hữu các đồ vật trong nhà do ông đang quản lý gồm: 1 tủ búp phê, 1 bộ bàn ghế uống trà, 2 tủ đựng chén ly, một tủ đứng lớn có gương, 1 tủ đựng quần áo lớn, 1 tủ đựng quần áo có kính, 1 tủ thờ, 1 két sắt nhỏ, 2 thùng sắt đựng máy bơm nước, 1 thùng đựng nước bằng inox, 2 bàn mica, 1 máy làm răng, 1 máy xúc miệng, một bàn sắt cũ, một giường đôi.

    Ông Nguyễn Pháp phải hoàn trả cho các con của ông Nguyễn Tấn Phương là Nguyễn Minh Thư, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Hoài Nam phần di sản thừa kế của ông Phương được hưởng là 133.270.920 đồng.

    Ông Nguyễn Pháp phải hoàn trả cho ông Nguyễn Thế Tài phần thừa kế của ông Tài được hưởng là 42.754.760 đồng.

    - Ông Nguyễn Thế Tài được sở hữu căn nhà số 66(B) quốc lộ 51, phường 10, thành phố Vũng Tàu diện tích 53m2 và 206m2 đất gắn liền nhà, và số tiền 42.754.760 đồng do ông Nguyễn Pháp hoàn trả như đã nêu trên.

    - Ông Nguyễn Tấn Phương được chia một phần di sản thừa kế là 133.270.920 đồng. Các con ông Phương là Nguyễn Minh Thư, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Hoài Nam được ông Phương uỷ quyền hưởng phần thừa kế của ông. Nên ông Pháp có trách nhiệm hoàn trả cho các con của ông Phương số tiền 133.270.920 đồng như đã nêu trên.

    + Huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất số 200/CNSH 
    ngày 30-1-1992 của Uỷ ban nhân dân thành phố Vũng Tàu chứng nhận ông Nguyễn Pháp sở hữu nhà 66 Quốc lộ 51, phường 10, thành phố Vũng Tàu.

    + Ông Nguyễn Pháp và ông Nguyễn Thế Tài được quyền đến cơ quan có thẩm quyền để xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đối với phần nhà đất được chia.

    Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí và điều kiện thi hành án.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, anh Nguyễn Pháp có đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định số 97/KN ngày 12-4-1995, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 97/DSPT ngày 30-6-1994 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh với 
    nhận định:

    Hai căn nhà số 66A và số 66B quốc lộ 51 thành phố Vũng Tàu thuộc sở hữu của vợ chồng ông Định và bà Lê. Năm 1979 bà Lê chết không để lại di chúc. Ngày 24-9-1987 ông Định viết giấy uỷ quyền cho anh Pháp “đứng tên, đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho hai căn nhà nói trên”. Xét giấy uỷ quyền trên do ông Định viết và tự nguyện cho anh Pháp tài sản, giấy có xác nhận của Chính quyền địa phương. Hơn nữa, thời điểm ông Định viết giấy uỷ quyền trên chỉ có một mình vợ chồng anh Pháp ở với ông Định và trực tiếp quản lý nhà đất trên. Mặt khác, anh Pháp còn có công sức chăm sóc nuôi dưỡng ông Định khi ông Định già yếu và lo tang lễ cho ông Định khi ông Định chết. Trong khi đó, những người con khác của ông Định thì ở nước ngoài, riêng anh Tài bỏ trốn đi nước ngoài không thành đã về sống ở Buôn Ma Thuột. Do đó, có căn cứ xác định ông Định đã cho anh Pháp phần tài sản của ông. Nhưng bản án phúc thẩm lại không chấp nhận giấy cho tài sản của ông Định và chia thừa kê theo pháp luật cả hai căn nhà cho 5 người con của ông Định, bà Lê là không đúng. Vì vậy, đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm với hướng công nhận giấy uỷ quyền của ông Định cho anh Pháp phần tài sản của ông; phần di sản của bà Lê sẽ chia thừa kế theo pháp luật.

    Tại bản án (quyết định) giám đốc thẩm số37/UBTP-DS ngày 03-7-1995, Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã quyết định:

    Giữ nguyên hiệu lực của bản án phúc thẩm số 97/DSPT ngày 30-6-1994 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa anh Nguyễn Thế Tài và anh Nguyễn Pháp.

    Quá trình thi hành án, tại Công văn số 116/CV.THA ngày 10-6-1996 
    (có gửi kèm biên bản đo đạc thực tế), Phòng thi hành án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phản ánh: diện tích nhà đất ghi trong phần quyết định của bản án dân sự phúc thẩm số 97/DSPT ngày 30-6-1994 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh không đúng với thực tế; mặt khác, Toà án cấp phúc thẩm chưa xem xét giải quyết một phần bức tường ngăn giữa hai nhà 66A và 66B phía trên lầu; vì vậy, kiến nghị Toà án nhân dân tối cao xem xét lại bản án (quyết định) giám đốc thẩm số37/UBTP-DS ngày 03-7-1995 của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

    Tại Kháng nghị số 40/DS ngày 26-11-1997, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án (quyết định) giám đốc thẩm số37/UBTP-DS  ngày 03-7-1995 của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, với nhận định:

    Khi tiến hành thi hành án, Phòng thi hành án tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thấy diện tích nhà đất (số 66A và số 66B, quốc lộ 51, phường 10, thành phố Vũng Tàu) mà Toà án cấp phúc thẩm đã quyết định chia cho anh Nguyễn Pháp và anh Nguyễn Thế Tài có sự chênh lệch giữa số đo thực tế với số đo ghi trong bản án phúc thẩm, cụ thể là: diện tích căn nhà số 66A là 76m2 trên diện tích đất 164,5m2; diện tích đất căn nhà 66B là 50,54m2 trên diện tích đất là 224m2; nhưng Toà án cấp phúc thẩm đã chia cho anh Nguyễn Pháp được sở hữu căn nhà số 66A có diện tích 80m2 trên 154m2 đất và chia cho anh Nguyễn Thế Tài căn nhà 66B với diện tích nhà là 53,2m2 trên diện tích đất 206m2. Như vậy, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm về chia hiện vật như trên là không chính xác. Mặt khác căn nhà 66A và 66B đều có một trệt và một lầu và hai căn nhà này có bức tường chung ngăn giữa hai căn, nhưng một phần bức tường trên lầu chưa được Toà án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết. Bản án (quyết định) giám đốc thẩm số 37 ngày 03-7-1995 của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giữ nguyên hiệu lực của bản án phúc thẩm là không đúng. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án (quyết định) giám đốc thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

    Tại bản kết luận số 68/KLDS ngày 30-3-1998, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án phúc thẩm và bản án (quyết định) giám đốc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại.

    Tại Quyết định số10/HĐTP-DS ngày 01-4-1998, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án cho đến khi có Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án (quyết định) giám đốc thẩm, bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

    XÉT THẤY:

    Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có căn cứ để xác định hai căn nhà số 66A và 66B quốc lộ 51, phường 10, thành phố Vũng Tàu là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng ông Nguyễn Định, bà Nguyễn Thị Lê (là bố mẹ của nguyên đơn và bị đơn). Năm 1979 bà Lê chết không để lại di chúc. Tại “Đơn xin cấp giấy chứng nhận chủ quyền” ngày 24-9-1987 đối với hai căn nhà, ông Định uỷ quyền cho anh Pháp được “đứng tên, đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận cho hai căn nhà trên”. Như vậy, anh Pháp chỉ là người được ông Định uỷ quyền đứng tên để đăng ký nhà đất. Do vậy, việc Toà án cấp phúc thẩm xác định toàn bộ hai căn nhà trên là di sản thừa kế của ông Định, bà Lê và chia theo pháp luật là có cơ sở.

    Tuy nhiên, theo nội dung Công văn số 116/CV.THA ngày 10-6-1996 (có gửi kèm biên bản đo đạc thực tế) của Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thì diện tích và kích thước nhà đất thể hiện trong “Biên bản định giá” ngày 11-8-1993 mà Toà án cấp phúc thẩm đã căn cứ để phân chia thừa kế cho các đương sự lại không phù hợp với diện tích, kích thước nhà đất trên thực tế. Cụ thể như sau: diện tích thực tế của căn nhà số 66A là 76m2, trong quyết định của bản án phúc thẩm ghi là 80m2, chênh lệch thừa 4m2; diện tích đất thực tế của nhà số 66A 
    là 164,5m2, trong quyết định của bản án phúc thẩm ghi là 154m2, chênh lệch thiếu 10,5m2; diện tích thực tế của căn nhà số 66B là 50,54m2, trong quyết định của bản án phúc thẩm ghi là 53,2m2, chênh lệch thừa 2,66m2; diện tích đất thực tế của nhà số 66B là 224m2, trong quyết định của bản án phúc thẩm ghi 
    là 206m2, chênh lệch thiếu 18m2. Do việc xác định diện tích nhà đất không chính xác nên Toà án cấp phúc thẩm phân chia tài sản và xác định nghĩa vụ thanh toán của các đương sự là không đúng. Mặt khác, cũng theo nội dung Công văn số 116/CV.THA ngày 10-6-1996 nêu trên của Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì: tầng trệt của hai căn nhà có chiều dài bằng nhau; tầng lầu của nhà số 66A được xây hết theo chiều dài của tầng trệt, tầng lầu của nhà số 66B chỉ được xây dài khoảng 3,3m còn lại là sân; giữa hai nhà có một bức tường ngăn từ dưới lên trên đến hết độ cao của tầng lầu, dài khoảng 10m; vì vậy, phía dưới tầng trệt hai nhà sử dụng chung toàn bộ chiều dài của bức tường, còn trên lầu hai, hai bên chỉ sử dụng chung phần tường có chiều dài khoảng 3,3m, phần còn lại của bức tường có chiều dài 6,7m thì chỉ có nhà số 66A sử dụng. Do không xem xét cụ thể, dẫn tới việc các đương sự không thống nhất được về việc sử dụng và phân chia đối với phần tường dài 6,7m còn lại này, như vậy việc giải quyết là chưa triệt để nên không đủ điều kiện thi hành án.

    Hơn nữa, vụ án đã được tạm đình chỉ từ năm 1998 nên để đảm bảo quyền lợi của các đương sự khi áp dụng Nghị quyết số1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia, cần xem xét lại tư cách tố tụng và địa vị pháp lý của các đương sự trong vụ án. Mặt khác, do việc định giá đã lâu và giá nhà đất đã có thể biến động, nếu đương sự có yêu cầu thì cần phải định giá lại mới bảo đảm quyền lợi của các đương sự và phù hợp với thực tế.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 2 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án (quyết định) giám đốc thẩm số37/UBTP-DS ngày 03-7-1995 của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 97/DSPT ngày 30-6-1994 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 28/DSST ngày 21-8-1993 của Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để giải quyết, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm và quyết định giám 
    đốc thẩm:

    1. Toà án cấp phúc thẩm xác định diện tích nhà đất là di sản thừa kế chưa chính xác;

    2. Quyết định của bản án phúc thẩm chưa giải quyết triệt để vụ án;

    3. Cần xác định lại tư cách tố tụng và địa vị pháp lý của các đương sự trong vụ án.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm, phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm:

    1. Thiếu sót trong việc xác minh, đánh giá chứng cứ;

    2. Thiếu sót trong việc xác định những vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án;

    3. Do thời hạn giải quyết vụ án bị kéo dài.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 02:27:11 CH
     
    3282 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận