Quyết định giám đốc thẩm số 16/2006/ds-gđt ngày 05-7-2006 về vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”

Chủ đề   RSS   
  • #265080 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 16/2006/ds-gđt ngày 05-7-2006 về vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”

    Số hiệu

    16/2006/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số16/2006/ds-gđt ngày 05-7-2006 về vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”

    Ngày ban hành

    05/07/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ16/2006/DS-GĐT NGÀY 05-7-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 5 tháng 7 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa các đương sự:

    Nguyên đơn:

    1. Bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh, sinh năm 1940, trú tại: 144 Yên Thái, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

    2. Bà Nguyễn Thị Tuyết Khuê;

    3. Bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọ;

    4. Bà Nguyễn Thị Tuyết Sơn;

    Bà Ngọ, bà Khuê, bà Sơn đều trú tại số nhà 6 Yên Thái, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội

    5. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, trú tại 75 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    Bà Ngọ, bà Sơn, bà Nga, đều Uỷ quyền cho bà Oanh và bà Khuê.

    Bị đơn:

    1. Bà Nguyễn Thị Sen, 84 tuổi. Uỷ quyền cho các con (là các đồng bị đơn).

    2. Chị Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1949, trú tại: 573 Hoàng Hoa Thám, tổ 5, Vĩnh Phúc, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

    3. Anh Nguyễn Tiến Thăng, sinh năm 1951;

    4. Chị Nguyễn Thị Loan, sinh năm 1954;

    5. Chị Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1956;

    6. Chị Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1958;

    7. Anh Nguyễn Gia Lê, sinh năm 1960;

    8. Chị Nguyễn Thị Lăng;

    9. Anh Nguyễn Gia Long, sinh năm 1962;

    10. Anh Nguyễn Gia Vỹ, sinh năm 1965;

    Anh Thăng, chị Loan, chị Phượng, chị Lý, anh Lê, anh Vỹ, anh Long đều trú tại ngách 3, ngõ 191, tổ 9, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; Chị Lăng đang ở Hàn Quốc.

    NHẬN THẤY:

                Theo đơn khởi kiện đề ngày 26-6-1994 và trình bày của nguyên đơn thì:

                Cụ Nguyễn Công (tức Thảo) có 3 người vợ:

    - Vợ thứ nhất là cụ Hàn Thị My có 3 con là: bà Nguyễn Thị Yến, bà Nguyễn Thị Chi và ông Nguyễn Văn Nhung, (bà Yến đã chết từ lâu).

    - Vợ thứ hai đã chết từ lâu, không rõ họ tên, có một con là bà Nguyễn Thị Tuyết Nga.

    - Vợ thứ ba là cụ Lý Thị Mùi, có 4 con là: bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh, bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọ, bà Nguyễn Thị Tuyết Khuê và Nguyễn Thị Tuyết Sơn.

    Trước đây, cụ Nguyễn Công có xây dựng một khu nghĩa địa tại thôn Bái Ân, xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội (nay là ngách 3 ngõ 191, tổ 9, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội). Khu nghĩa địa rộng 2185 m2 có cổng trước, cổng sau, tường rào bao quanh. Trong khu nghĩa địa có: 1 nhà để thờ cúng diện tích khoảng 27m2, 1 nhà văn bia khoảng 8m2 và 22 ngôi mộ.

    Cụ Nguyễn Công chết năm 1947 không để lại di chúc.

    Năm 1955, cụ Lý Thị Mùi (vợ thứ 3 của cụ Công) có thuê bà Nguyễn Thị Hội trông coi khu nhà thờ và nghĩa địa (không có hợp đồng bằng văn bản).

    Ngày 17-3-1958, bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh và ông Nguyễn Văn Liễu có lập “Giấy hợp đồng cho ở nhờ trong nghĩa địa” trong đó có nội dung: “Tôi đồng ý cho ông Nguyễn Văn Liễu ở nhờ trong nghĩa địa..”. Hợp đồng này có xác nhận của Uỷ ban hành chính xã Thái Đô, quận V, thành phố Hà Nội. Thời gian hợp đồng 5 năm (từ 17-3-1958 đến 17-3-1963).

    Gia đình ông Liễu đã không thực hiện đúng sự thoả thuận đã ghi trong hợp đồng mà đã phá bỏ cổng nghĩa địa, làm nhiều căn nhà trong khu nghĩa địa và sử dụng toàn bộ diện tích đất trong nghĩa địa.

    Các nguyên đơn yêu cầu buộc ông Liễu và gia đình trả lại toàn bộ khu nghĩa địa và nhà bia thờ cúng nêu trên.

    Trong quá trình các cấp Toà án đang giải quyết vụ án thì ông Liễu đã chết, các con ông Liễu tiếp tục làm thêm nhiều nhà ở, nhà để xe lấn sát vào các khu mộ. Nay các nguyên đơn tiếp tục yêu cầu vợ và các con của ông Liễu phải trả lại tài sản gồm: Nhà thờ, nhà văn bia và phải dỡ bỏ nhà cửa để trả lại toàn bộ khu mộ và đất trống.

    Bị đơn trình bày:

    Năm 1958, gia đình ông Liễu có ký hợp đồng ở nhờ và trông coi nghĩa địa cho bà Oanh, thời hạn là 5 năm. Sau khi gia đình ông Liễu đến ở thì bà Hội báo cho gia đình ông Liễu biết là khu nhà đất nghĩa địa bà Hội đã được Cải cách ruộng đất chia cho bà Hội, nên ông Liễu đã thoả thuận đổi cho bà Hội phần đất ông Liễu được chia ở ngoài đồng. Việc đổi đất hai bên có làm giấy. Ông Liễu đã làm nhà để ông Liễu và các con ở, đã nộp thuế cho nhà nước, đã kê khai đứng tên trong sổ địa chính, nên không đồng ý trả lại nguyên đơn.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 42/DSST ngày 21-8-1995, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    Bác yêu cầu đòi nhà đất, nghĩa địa của bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh, Nguyễn Thị Tuyết Ngọ, Nguyễn Thị Tuyết Nga, Nguyễn Thị Tuyết Khuê, Nguyễn Thị Tuyết Sơn (do bà Oanh, bà Khuê đại diện).

    Gia đình ông Nguyễn Văn Liễu được sở hữu nhà và sử dụng toàn bộ diện tích đất 1.469m2 tại xóm Mới, nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội.

    Giữ nguyên tình trạng các ngôi mộ như hiện nay.

    Gia đình ông Liễu không được xâm phạm vào mồ mả, không được gây trở ngại đến việc thăm viếng mồ mả của gia đình bà Oanh.

    Ngày 26-8-1995, bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh (đại diện cho các nguyên đơn) có đơn kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 50 ngày 10-5-1996, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định:

    Bác yêu cầu đòi đất nghĩa địa; chấp nhận yêu cầu đòi nhà thờ, nhà văn bia của bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh (đại diện cho các đồng nguyên đơn).

    Buộc gia đình ông Nguyễn Văn Liễu (do bà Nguyễn Thị Hằng đại diện được uỷ quyền) phải trả lại nhà thờ 27,03m2, một nhà văn bia diện tích 8,5m2.

    Gia đình ông Nguyễn Văn Liễu phải thu dọn nhà văn bia và tháo dỡ những phần làm thêm của ngôi nhà thờ để trả lại gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh như tình trạng cũ.

    Gia đình ông Nguyễn Văn Liễu không được gây trở ngại đến việc thăm viếng mồ mả và quyền sở hữu, sử dụng ngôi nhà thờ và nhà văn bia của gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh.

    Sau khi xử phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh có đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định số05/DS-TK ngày 8-5-1999, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giải quyết lại vụ án theo hướng buộc các bị đơn phải trả lại cho các nguyên đơn những công trình kiến trúc và một phần đất trong khu nghĩa địa.

    Tại Kết luận số128/KL-DS ngày 9-8-1999, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    Tại Quyết định số47/UBTP-DS ngày 11-9-1999, Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã quyết định:

    Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 50 ngày 10-5-1996 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 42/DSST 
    ngày 21-8-1995 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

    Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử sơ thẩm lại theo hướng buộc gia đình ông Liễu phải trả lại cho các đồng nguyên đơn do bà Oanh đại diện nhà thờ, nhà văn bia, các ngôi mộ và một phần đất hợp lý trong khu nghĩa địa nêu trên.

    Tại Quyết định số11/TĐC-DSST ngày 04-5-2000, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án (theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số58/1998-NQ-UBTVQH10).

    Ngày 15-6-2000, bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh có đơn kháng cáo.

    Tại Quyết định số161/QĐ-PT ngày 14-11-2000, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã huỷ quyết định tạm đình chỉ số11/TĐC-DSST ngày 04-5-2000 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết theo thủ tục chung.

    Tại Quyết định số03/TĐC-STDS ngày 30-01-2001, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án đòi nhà đất nghĩa địa nêu trên với lý do: vụ án thuộc giao dịch dân sự về nhà đất thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 1-7-1991 và hiện có nhiều đương sự đang định cư ở nước ngoài (theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 58/1998/QH10 của Quốc hội và Thông tư liên ngành số 02 ngày 25-01-1999 giữa Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

    Ngày 20-02-2001, bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh có đơn kháng cáo.

    Tại Quyết định số 205/PTDS ngày 11-12-2001, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định huỷ toàn bộ quyết định số 03/TĐC ngày 30-01-2001 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về việc tạm đình chỉ vụ án đòi đất nghĩa địa tại ngõ 3 tổ 9 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân thành phố Hà Nội để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 34/DSST ngày 30-7-2002, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    - Chấp nhận yêu cầu đòi nhà thờ, nhà văn bia và một phần đất xung quanh các ngôi mộ của bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh đại diện cho các đồng nguyên đơn.

    - Buộc bà Nguyễn Thị Sen, chị Nguyễn Thị Hằng, anh Nguyễn Tiến Thăng, chị Nguyễn Thị Loan, chị Nguyễn Thị Phượng, chị Nguyễn Thị Lý, anh Nguyễn Gia Lê, chị Nguyễn Thị Lăng, anh Nguyễn Gia Vỹ, anh Nguyễn Gia Long - phải trả lại cho các nguyên đơn do bà Oanh đại diện nhà thờ 27,03m2, nhà văn bia 8,5m2 và các ngôi mộ nằm trong khuôn viên 5 khu đất (có mô tả từng khu đất)

    - Buộc anh Lê dỡ bỏ toàn bộ nhà để xe, bà Sen dỡ bỏ toàn bộ nhà cấp 4 trả lại nguyên trạng đất cho bà Oanh.

    - Buộc anh Long dỡ bỏ toàn bộ nhà để xe, chị Lý dỡ bỏ toàn bộ bếp, chuồng lợn và tường rào, trả lại nguyên trạng đất cho bà Oanh.

    - Buộc chị Loan dỡ bỏ một phần nhà bằng chiều rộng của khu đất trống có 4 ngôi mộ, trả lại nguyên trạng đất cho bà Oanh tự mở lối đi thông ra ngách 3.

    - Buộc anh Thăng và con anh Thăng dỡ bỏ bếp liền kề văn bia, trả lại nguyên trạng đất cho bà Oanh.

    - Buộc bà Sen và các bị đơn dỡ bỏ cổng sắt ngõ 191 để các bên sử dụng chung ngõ đi.

    - Lối đi còn lại từ cổng ngõ 191 vào các khu đất bà Oanh được trả lại (có mồ mả, nhà văn bia, nhà thờ) các bên sử dụng chung.

    - Bác các yêu cầu khác.

    - Bà Sen và các con (các bị đơn) phải chịu 50.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

    - Bà Oanh đại diện cho các nguyên đơn được hoàn lại dự phí 50.000đ đã nộp.

    Ngày 08-8-2002 chị Nguyễn Thị Hằng, anh Nguyễn Tiến Thăng, chị Nguyễn Thị Loan, chị Nguyễn Thị Phượng, chị Nguyễn Thị Lý, anh Nguyễn Gia Lê, anh Nguyễn Gia Long, anh Nguyễn Gia Vỹ - có chung 1 đơn kháng cáo, đề nghị không chấp nhận yêu cầu của bà Oanh.

    Ngày 13-8-2002 bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh có đơn kháng cáo, đề nghị Toà phúc thẩm xem xét lại quyết định của án sơ thẩm về diện tích cụ thể mà phía bị đơn phải trả lại, về lối đi chung và buộc bị đơn phải bồi thường những tài sản mà phía bị đơn đã phá huỷ, như cổng trước, cổng sau, đục văn bia.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 69 ngày 08-5-2003, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định: Giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm. Tuyên cụ thể như sau:

    * Chấp nhận yêu cầu đòi nhà thờ, nhà văn bia và một phần đất xung quanh các ngôi mộ của bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh đại diện cho các đồng nguyên đơn.

    * Buộc bà Nguyễn Thị Sen, chị Nguyễn Thị Hằng, anh Nguyễn Tiến Thăng, chị Nguyễn Thị Loan, chị Nguyễn Thị Phượng, chị Nguyễn Thị Lý, anh Nguyễn Gia Lê, chị Nguyễn Thị Lăng, anh Nguyễn Gia Vỹ, anh Nguyễn Gia Long - phải trả lại cho các nguyên đơn (do bà Oanh đại diện): nhà thờ 27,03m2; nhà văn bia 8,5m2; 15 ngôi mộ và khuôn viên 5 khu đất trên đó có nhà thờ, nhà văn bia và 15 ngôi mộ như sau:

    1. Khu đất bên tay phải đứng từ cổng nhìn vào có 1 chiều từ nhà thờ qua ngôi mộ đá đến sát chân tường nhà anh Long; 1 chiều từ nhà thờ đến sát tường cổng nhà anh Vỹ. Hai chiều còn lại giáp mặt ngõ đi chung. Trong đó có nhà thờ 27,03m2, nhà để xe của anh Lê, nhà ở của bà Sen và một ngôi mộ bằng đá. Buộc anh Lê dỡ bỏ toàn bộ nhà để xe, bà Sen dỡ bỏ toàn bộ nhà cấp 4, trả lại nguyên trạng đất cho bà Oanh.

    2. Khu đất nhìn thẳng từ cổng đi vào, có 1 chiều từ bức tường Công ty rượu vang Thăng Long đến sát tường nhà chị Lý, 1 chiều giáp toàn bộ tường nhà ở chị Lý (từ bức tường Công ty rượu vang Thăng Long kéo thẳng sát tường nhà ở chị Lý đến ngõ đi chung). Một chiều là mặt ngõ đi chung, chiều còn lại là bức tường rượu vang Thăng Long. Trong đó có nhà để xe của anh Long, có bếp, chuồng lợn của chị Lý và có 7 ngôi mộ. Buộc anh Long dỡ bỏ toàn bộ nhà để xe; chị Lý dỡ bỏ toàn bộ bếp, chuồng lợn và tường rào, trả lại nguyên trạng đất cho bà Oanh.

    3. Khu đất nằm giữa nhà anh Lê và nhà chị Loan, có một chiều trông ra ngách 3 và chiều sau cùng sát tường nhà chị Phượng, trong đó có 4 ngôi mộ. Buộc chị Loan dỡ bỏ một phần nhà bằng chiều rộng của khu đất trống có 4 ngôi mộ, trả lại nguyên trạng đất cho bà Oanh. Bà Oanh tự mở lối đi thông ra ngách 3 để vào thăm viếng mồ mả.

    4. Khu đất từ sát tường nhà chị Phượng đến sát tường tập thể nilông, đến sát tường nhà con chị Hằng và tường nhà chị Lăng, trong đó có 3 ngôi mộ.

    5. Khu đất sau nhà con anh Thăng, từ tường nhà con anh Thăng đến sát tường nhà chị Lăng, trong đó có nhà văn bia 8,5m2 và nhà bếp của con anh Thăng. Buộc anh Thăng và con anh Thăng dỡ bỏ bếp liền kề nhà văn bia, trả lại nguyên trạng đất cho bà Oanh.

    * Buộc bà Sen và các bị đơn dỡ bỏ cổng sắt ngõ 191 để các bên sử dụng chung ngõ đi.

    * Lối đi còn lại từ cổng ngõ 191 vào các khu đất bà Oanh được trả lại (có mồ mả, nhà văn bia, nhà thờ) các bên sử dụng chung.

    * Bác các yêu cầu khác.

    Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí dân sự phúc thẩm.

    Sau khi xử phúc thẩm các bà Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Lý, ông Nguyễn Tiến Thăng, ông Nguyễn Gia Long, ông Nguyễn Gia Vỹ khiếu nại, đề nghị Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại vụ án.

    Tại công văn số 40/QĐTHA ngày 3-10-2005, Cơ quan thi hành án thành phố Hà Nội đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho giải thích về quyết định của bản án dân sự phúc thẩm số 69 ngày 08-5-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội vì cơ quan thi hành án cho rằng quyết định của bản án trên tuyên không cụ thể nên không thi hành án được.

    Tại Quyết định số67/2006/DS-KN ngày 28-4-2006 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm trên với nhận định:

    Trong quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm do phía bị đơn ngăn cản việc xác minh hiện trạng nhà, đất nên Toà án các cấp chưa xác định được mốc giới, kích thước theo số đo cụ thể các khu đất cũng như những công trình kiến trúc khi quyết định buộc các bị đơn phải tháo dỡ và trả lại đất cho nguyên đơn (trong khi đó, sau khi xét xử sơ thẩm, phía bị đơn đã tiến hành sửa chữa, xây dựng lại một số công trình kiến trúc làm thay đổi hiện trạng nhà, đất) nên cơ quan thi hành án không thể thi hành án được. Do đó cần huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn sơ thẩm trên cơ sở phải xác định mốc giới, đo vẽ chính xác diện tích từng khu đất mà Toà án buộc bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 69 ngày 08-5-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 34/DSST ngày 30-7-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử lại từ sơ thẩm.

    XÉT THẤY:

    Bản án dân sự sơ thẩm số 34/DSST ngày 30-7-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, bản án dân sự phúc thẩm số 69 ngày 08-5-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc các bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn một phần đất có nhà thờ, nhà văn bia và các ngôi mộ là đúng. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm không quyết định cụ thể về kích thước, vị trí mốc giới của khu đất cũng như các công trình mà bị đơn phải tháo dỡ để trả nguyên đơn. Việc xác định vị trí mốc giới dựa vào chính các công trình do bị đơn xây dựng đã không còn giá trị định vị khi bị đơn thay đổi các công trình kiến trúc đó. Thực tế sau khi xét xử sơ thẩm, phía bị đơn đã tiến hành sửa chữa, xây dựng lại một số công trình kiến trúc làm thay đổi hiện trạng nhà, đất mà bản án dân sự sơ thẩm số 34/DSST ngày 30-7-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và bản án dân sự phúc thẩm số 69 
    ngày 08-5-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã mô tả nên cơ quan thi hành án thành phố Hà Nội không thể thi hành án được.

    Lẽ ra, trong trường hợp phía bị đơn không hợp tác, gây khó khăn cản trở cho các cấp Toà án trong việc xác minh, đo vẽ cụ thể các diện tích nhà, đất, công trình kiến trúc, thì Toà án cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có biện pháp “Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện một số hành vi nhất định” để Toà án thực hiện được việc xác minh, đo vẽ theo số đo cụ thể các diện tích nhà, đất, công trình kiến trúc mà Toà án buộc bị đơn phải trả nguyên đơn, buộc giữ nguyên hiện trạng; có như vậy mới đảm bảo việc giải quyết chính xác và đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự.

    Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp quyền sử dụng đất nghĩa địa” là chưa chính xác. Tuy khu vực đất tranh chấp có nhà thờ, nhà văn bia và một số ngôi mộ của gia đình nguyên đơn nhưng không có tài liệu nào chứng minh trước đây cũng như hiện nay khu đất này là khu đất chuyên làm nghĩa địa hoặc quy hoạch làm nghĩa địa. Thực tế gia đình bị đơn đã làm nhà ở trên phần lớn khu đất này. Xung quanh khu đất tranh chấp là khu dân cư sinh sống. Nguyên đơn khởi kiện bị đơn là đòi lại khu đất có nhà thờ, nhà văn bia và trên đó có một số ngôi mộ của gia đình nguyên đơn chứ không tranh chấp khu đất này để làm nghĩa địa. Do đó khi xét xử lại cần phải xác định quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ án là “Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 69 ngày 08-5-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 34/DSST ngày 30-7-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa nguyên đơn là các bà: Nguyễn Thị Tuyết Oanh, Nguyễn Thị Tuyết Khuê, Nguyễn Thị Tuyết Ngọ, Nguyễn Thị Tuyết Sơn, Nguyễn Thị Tuyết Nga với bị đơn là bà Nguyễn Thị Sen, các chị Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thị Lăng, các anh Nguyễn Tiến Thăng, Nguyễn Gia Lê, Nguyễn Gia Long, Nguyễn Gia Vỹ.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:

    1. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm không quyết định cụ thể về kích thước, vị trí mốc giới của khu đất và các công trình mà bị đơn phải tháo dỡ để trả cho nguyên đơn;

    2. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định chưa chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    Thiếu sót trong việc đánh giá chứng cứ và nội dung quyết định giải quyết vụ án.

     

     
    3285 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận