Quyết định giám đốc thẩm số 16/2005/Hs-gđt Ngày 02-8-2005 Về vụ án Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Chủ đề   RSS   
  • #264834 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 16/2005/Hs-gđt Ngày 02-8-2005 Về vụ án Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

    Số hiệu

    16/2005/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số16/2005/Hs-gđt Ngày 02-8-2005 Về vụ án Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

    Ngày ban hành

    02/08/2005

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    Quyết định giám đốc thẩm số16/2005/Hs-gđt

    Ngày 02-8-2005 Về vụ án Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng 
    phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả

    nghiêm trọng”

     

    Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

    ...

    Ngày 02 tháng 8 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    1. Lê Thị Roạn sinh năm 1947 tại tỉnh Quảng Bình; thường trú tại phường Đông Phú, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; trình độ văn hoá: lớp 10/10; khi phạm tội là Phó giám đốc Công ty vàng bạc, đá quý tỉnh Quảng Bình; con ông Lê Hữu Khai và bà Trần Thị Riến (đều đã chết); có chồng và 03 con; bị cáo tại ngoại.

    2. Lại Minh Hùng sinh năm 1959 tại tỉnh Quảng Bình; thường trú tại 97B Lý Thường Kiệt, phường Đông Mỹ, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; trình độ văn hoá: lớp 10/10; khi phạm tội là Thủ kho Công ty vàng bạc, đá quý tỉnh Quảng Bình; con ông Lại Minh Mạnh và bà Đỗ Thị Lục; chưa có vợ, con.

    Trong vụ án này còn có Nguyễn Hải Châu bị xử phạt 03 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Nguyễn Thanh Danh bị xử phạt 03 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa”.

    Nhận thấy:

    Công ty vàng bạc, đá quý tỉnh Quảng Bình trực thuộc Tổng công ty vàng bạc, đá quý Việt Nam được thành lập ngày 12-9-1991. Tổ chức và hoạt động của Công ty được thực hiện theo Quyết định số189/VBĐQ-VN ngày 15-5-1993 của Tổng công ty vàng bạc, đá quý Việt Nam; Quyết định số184/NH-QĐ ngày 10-10-1991 và Chỉ Thị số60/NH-CT ngày 22-5-1991 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo chế độ quản lý kho, quỹ trong ngành Ngân hàng.

    Ngày 30-10-1995, Công ty vàng bạc đá quý tỉnh Quảng Bình có bản Thông báo về việc phân công Ban lãnh đạo của Công ty, trong đó Nguyễn Hải Châu - Giám đốc phụ trách chung; Lê Thị Roạn - Phó giám đốc phụ trách cho vay cầm đồ, kiêm Trưởng ban quản lý kho, quỹ; Phan Thị Minh Châu - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh vàng, kiêm Trưởng Phòng kế hoạch kinh doanh; Nguyễn Mạnh Hải - Trưởng phòng kế toán chịu trách nhiệm công tác kế toán tài chính; Trịnh Văn Thanh phụ trách kỹ thuật, kiêm Xưởng trưởng xưởng sản xuất tinh luyện, chịu trách nhiệm trước Giám đốc về tổ chức, điều hành theo quy chế của Xưởng sản xuất. Cùng ngày 30-10-1995, Nguyễn Hải Châu có giấy uỷ quyền về việc mở và khoá kho của Công ty, đồng thời giao cho Lê Thị Roạn giữ chìa khoá kho để mở và khoá kho hàng ngày, có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc bảo đảm an toàn kho, quỹ và chịu trách nhiệm trước Giám đốc.

    Ban quản lý kho, quỹ gồm: Lê Thị Roạn, Nguyễn Mạnh Hải, Lại Minh Hùng; trong đó Lê Thị Roạn, Nguyễn Mạnh Hải mỗi người giữ 01 chìa khoá, 01 mã khoá kho của cùng một cánh cửa ra vào kho. Trong kho có một quyển sổ để ghi việc nhận và xuất vàng hàng ngày; việc nhận thùng vàng gửi vào kho cũng như việc xuất thùng vàng ra khỏi kho, hai bên đều phải ký nhận vào sổ.

    Để phục vụ nhu cầu mua vàng của khách hàng trong dịp tết Nguyên Đán và bảo đảm cho việc kinh doanh, Ban giám đốc có chủ trương làm thêm vào các ngày chủ nhật, bắt đầu từ chủ nhật ngày 07-01-1996. Sau ngày làm thêm chủ nhật đầu tiên, Phòng kinh doanh thấy, nếu để lượng vàng đang sản xuất ngày thường chuyển sang làm ngày chủ nhật thì năng suất không cao, không bảo đảm định mức sản xuất theo quy định, khó tính công làm thêm ngày chủ nhật và không an toàn, nên trong cuộc họp giao ban, Phòng kinh doanh đề nghị Ban giám đốc xuất riêng vàng làm ngày chủ nhật theo định mức sản xuất của thợ và nghiệm thu luôn trong ngày, đề nghị này được Ban giám đốc chấp nhận và thống nhất chủ trương là xuất vàng làm ngày chủ nhật riêng, vàng làm ngày thường không đưa ra làm ngày chủ nhật. Chiều ngày 13-01-1996, Ban quản lý kho xuất vàng làm ngày chủ nhật ngày 14-01-1996 do anh Trịnh Văn Thanh trực tiếp nhận; khi hết ngày làm việc 13-01-1996 các thợ làm vàng tự niêm phong vàng làm ngày thường, còn số vàng làm chủ nhật ngày 14-01-1996 anh Thanh niêm phong riêng thành một gói và bỏ chung vào một cái thùng, anh Thanh niêm phong thùng có sự chứng kiến của các thợ làm vàng và gửi vào kho, ký sổ kho theo quy định. Sáng chủ nhật ngày 14-01-1996 Lê Thị Roạn, Nguyễn Mạnh Hải và Lại Minh Hùng mở kho để anh Thanh lấy thùng vàng ra xưởng sản xuất, anh Hải là thành viên Ban quản lý kho đã yêu cầu anh Thanh mở thùng vàng kiểm tra và chỉ cho lấy số vàng làm ngày chủ nhật ra xưởng sản xuất, số vàng làm ngày thường được niêm phong lại gửi vào kho, ký sổ kho.

    Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 19-01-1996 Giám đốc công ty cử các anh Nguyễn Mạnh Hải, Trịnh Văn Thanh đi công tác vào ngày 20-01-1996, nhưng không chỉ định ai thay anh Thanh quản lý thùng vàng và quản lý các thợ làm vàng, không chỉ định ai nhận chìa khoá, mã khoá kho thay anh Hải; đến hơn 16 giờ cùng ngày anh Thanh yêu cầu các thợ làm vàng tự niêm phong vàng làm ngày thường rồi bỏ vào một thùng, anh Thanh niêm phong thùng có sự chứng kiến của các thợ làm vàng, đem thùng gửi vào kho, ký sổ kho; Nguyễn Mạnh Hải giao mã khoá cửa mở kho vàng do mình quản lý cho Lê Thị Roạn, giao chìa khoá mở cửa kho vàng cho Nguyễn Thị Phương Hồng - kế toán.

    Sáng ngày 20-01-1996, Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng và chị Nguyễn Thị Phương Hồng đã cho anh Đặng Chương là thợ làm vàng nhận thùng vàng do anh Thanh gửi chiều ngày 19-01-1996 ra xưởng sản xuất; không yêu cầu anh Chương ký nhận thùng vàng vào sổ kho, quá trình điều tra anh Chương không thừa nhận là đã nhận thùng vàng vào sáng ngày 20-01-1996 nhưng Roạn, 
    Hùng và chị Hồng đều khẳng định anh Chương đã nhận thùng vàng vào sáng ngày 20-01-1996 và các thợ làm vàng cũng thừa nhận số vàng anh Thanh gửi vào kho chiều ngày 19-01-1996 đã niêm phong vẫn còn nguyên vẹn.

    Khoảng 15 giờ ngày 20-01-1996, anh Trần Quốc Huy nhận 2,5 lượng vàng làm chủ nhật ngày 21-01-1996 về xưởng giao cho Nguyễn Thanh Danh; đến 16 giờ ngày 20-01-1996, sau khi trao đổi với Giám đốc, Phan Thị Minh Châu đến xưởng sản xuất thông báo cho Nguyễn Thanh Danh và các thợ làm vàng biết, chủ nhật ngày 21-01-1996 Danh sẽ thay anh Thanh phụ trách các thợ làm vàng; đến hơn 16 giờ ngày 20-01-1996 các thợ làm vàng tự gom vàng làm ngày thường niêm phong thành từng gói như thường lệ, Nguyễn Thanh Danh cũng tự niêm phong vàng làm ngày thường và niêm phong 2,5 lượng vàng làm chủ nhật 
    ngày 21-01-1996 thành một gói riêng rồi bỏ chung vào một thùng, Danh niêm phong thùng có sự chứng kiến của các thợ làm vàng, đem thùng gửi vào kho, ký sổ kho theo quy định.

    Sáng chủ nhật ngày 21-01-1996 Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng và chị Nguyễn Thị Phương Hồng mở kho để Nguyễn Thanh Danh lấy thùng vàng ra khỏi kho nhưng không yêu cầu Danh ký nhận vào sổ kho theo quy định, không yêu cầu Danh mở thùng vàng để kiểm tra, không yêu cầu Danh gửi lại số vàng làm ngày thường vào kho. Sau khi đưa thùng vàng ra xưởng, Danh lấy 2,5 lượng vàng làm ngày chủ nhật ra chia cho các thợ làm vàng; còn thùng vàng Danh để trên bàn tại xưởng sản xuất (trong thùng có số vàng làm ngày thường). Buổi trưa Danh và các thợ làm vàng cho số vàng đang làm ngày chủ nhật vào hộc bàn của từng người, khoá lại về nghỉ; đến 12 giờ 45 phút, Danh trở lại xưởng làm việc thì phát hiện mất thùng vàng, theo báo cáo của Công ty vàng bạc đá quý tỉnh Quảng Bình thì trong thùng có 53,675 lượng vàng là số vàng làm ngày thường.

    Cơ quan điều tra chưa xác định được ai là người chiếm đoạt thùng vàng trên.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 73/HSST ngày 20-01-1997, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình áp dụng khoản 2 Điều 139; khoản 2 Điều 38; Điều 44 Bộ luật hình sự, xử phạt Lê Thị Roạn 03 năm tù, nhưng cho hưởng án treo; Lại Minh Hùng 02 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Thanh Danh 03 năm tù, nhưng cho hưởng án treo đều về tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa”; áp dụng khoản 2 Điều 220, khoản 2 Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Hải Châu 03 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” buộc bị cáo liên đới bồi thường cho Công ty vàng bạc, đá quý tỉnh Quảng Bình 274.554.100 đồng, trong đó Lê Thị Roạn phải bồi thường 54.910.020 đồng, Lại Minh Hùng phải bồi thường 54.910.020 đồng.

    Trong các ngày 21,23,24, và 27-11-1997 Lại Minh Hùng, Lê Thị Roạn, Nguyễn Hải Châu, Nguyễn Thanh Danh đều kháng cáo kêu oan.

    Tại Quyết định kháng nghị số32/QĐ-HS ngày 18-12-1997, Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đề nghị Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử lại vụ án theo hướng tăng hình phạt đối với Lê Thị Roạn, Nguyễn Thanh Danh; cho Nguyễn Hải Châu được hưởng án treo.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 145/HSPT ngày 15-3-1999, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm; áp dụng khoản 2 Điều 139; khoản 2 Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Lê Thị Roạn 03 năm tù, Nguyễn Thanh Danh 03 năm tù đều về tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa”; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với Lại Minh Hùng và Nguyễn Hải Châu.

    Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Lê Thị Roạn có nhiều đơn kêu oan gửi đến nhiều cơ quan, tổ chức.

    Tại Quyết định kháng nghị số07/2005/HS-TK ngày 13-4-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm xem xét lại tội danh đối với Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng mà Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã kết án đối với các bị cáo.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giữ nguyên quyết định về tội danh và hình phạt của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên đối với Lê Thị Roạn và Lại Minh Hùng.

    xét thấy:

    Căn cứ vào lời khai và bản xác nhận của Nguyễn Hải Châu, Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng, Nguyễn Mạnh Hải, Phan Thị Minh Châu, Trịnh Văn Thanh cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ khẳng định: Ban giám đốc Công ty vàng bạc, đá quý tỉnh Quảng Bình có chủ trương sản xuất vàng làm ngày chủ nhật riêng, vàng làm ngày thường không được đưa ra xưởng sản xuất vào ngày chủ nhật là có thật; chủ trương này đã được Roạn, Hùng và anh Hải trong Ban quản lý kho thực hiện từ chủ nhật ngày 14-01-1996. Trong các đơn kêu oan, Lê Thị Roạn cho rằng đó là sáng kiến của Nguyễn Mạnh Hải chứ không phải là chủ trương của Ban giám đốc, là không đúng.

    Lê Thị Roạn là Phó giám đốc, kiêm Trưởng ban quản lý kho, quỹ và Lại Minh Hùng là Thủ kho, hiểu rõ về nguyên tắc, chế độ xuất, nhập vàng, quản lý kho, quỹ nhưng sáng ngày 20-01-1996 đã cho anh Đặng Chương là thợ làm vàng nhận thùng vàng do anh Thanh gửi chiều ngày 19-01-1996 và không yêu cầu anh Chương ký nhận vào sổ kho là không đúng. Tiếp theo ngày 21-01-1996 Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng còn có vi phạm nghiêm trọng hơn và gây hậu quả rất nghiêm trọng; cụ thể là Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng biết rõ chủ trương của Ban giám đốc là chỉ đưa vàng làm ngày chủ nhật ra xưởng sản xuất còn vàng làm ngày thường thì gửi lại trong kho, nhưng sáng chủ nhật ngày 21-01-1996 Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng đã để Nguyễn Thanh Danh đưa thùng vàng trong đó có số vàng làm ngày thường ra xưởng sản xuất; không yêu cầu Danh mở thùng vàng để kiểm tra; không yêu cầu Danh để lại số vàng làm ngày thường trong thùng gửi vào kho và cũng không yêu cầu Danh ký nhận thùng vàng vào sổ kho; nếu Lê Thị Roạn và Lại Minh Hùng thực hiện đúng trách nhiệm, chỉ cho đưa số vàng làm ngày chủ nhật ra xưởng, số vàng còn lại được gửi vào kho như ngày 14-01-1996 thì không dẫn đến hậu quả mất số vàng ngày thường còn lại trong thùng. Tuy nhiên, hành vi không thực hiện đúng chủ trương của Ban giám đốc và các quy định về nguyên tắc, chế độ quản lý kho, quỹ chỉ là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc mất thùng vàng, còn trách nhiệm trực tiếp để mất thùng đựng vàng trong đó có 53,675 lượng vàng là của Nguyễn Thanh Danh, khi nhận thùng vàng ra xưởng sản xuất đã không có biện pháp bảo vệ mà để ngay trên bàn khi không còn ai trong xưởng dẫn đến bị người khác chiếm đoạt. Do đó, hành vi không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao của Lê Thị Roạn, Lại Minh Hùng là hành vi phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự năm 1985 (nay là Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999); Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Lê Thị Roạn và Lại Minh Hùng về tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa” quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1985 (nay là Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999) là không đúng pháp luật.

    Về hình phạt: Do Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Lê Thị Roạn và Lại Minh Hùng phạm tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa” nên đã phạt Lê Thị Roạn 03 năm tù, Lại Minh Hùng 02 năm tù, nay có căn cứ xác định các bị cáo chỉ phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là tội nhẹ hơn, cho nên cần phải xem xét lại mức hình phạt cho các bị cáo. Ngoài ra, khi áp dụng hình phạt tù Toà án cấp sơ thẩm đã nhận định tính chất hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ và nhân thân bị cáo và cho Lê Thị Roạn và Lại Minh Hùng được hưởng án treo là có căn cứ; Toà án cấp phúc thẩm lại áp dụng hình phạt tù giam, buộc Lê Thị Roạn phải cải tạo cách ly xã hội là chưa đúng, cần phải sửa lại cho chính xác.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    Quyết định:

    1. Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 145/HSPT ngày 13-3-1999 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng về phần quyết định tội danh và hình phạt đối với Lê Thị Roạn và Lại Minh Hùng; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

    2. Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

    1. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Lê Thị Roạn và Lại Minh Hùng về tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa” quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1985 (Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999) là không đúng pháp luật;

    2. Quyết định về hình phạt của bản án phúc thẩm chưa phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

    1. Sai sót trong việc áp dụng pháp luật;

    2. Đánh giá không đúng tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 28/05/2013 04:49:56 CH
     
    3849 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận