Quyết định giám đốc thẩm số 15/2008/KDTM-GĐT ngày 25-12-2008 vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản

Chủ đề   RSS   
  • #264113 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 15/2008/KDTM-GĐT ngày 25-12-2008 vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản

    Số hiệu

    15/2008/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số15/2008/KDTM-GĐT ngày 25-12-2008 vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản

    Ngày ban hành

    25/12/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Quyết định giám đốc thẩm số15/2008/KDTM-GĐT ngày 25-12-2008 vụ án tranh chấp hợp đồng  bảo hiểm tài sản 


    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    …….

    Ngày 25 tháng 12 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, đa mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á – Chi nhánh An Giang; trụ sở tại 378 Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang; do bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao – Phó trưởng phòng tín dụng đại diện theo Giấy ủy quyền số 241/QĐEB ngày 14-4-2007 của Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á;

    Bị đơn: Bà Đoàn Thị Kim Kham, sinh năm 1960 và ông La Quốc Sự, sinh năm 1957, cùng trú tại số nhà 6G Nguyễn Trãi, phường Long Mỹ, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1.Bà Huỳnh Ngọc Nga, sinh năm 1979; trú tại số nhà 14/7 Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Qưới, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang;

    2. Bà Võ Thị Muôn, sinh năm 1940 và ông Trần Văn Bảnh, sinh năm 1930; cùng trú tại số nhà 6B Nguyễn Huệ B, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện đề ngày 23-10-2006 và ngày 11-12-2006 của Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á – Chi nhánh An Giang và các tài liệu, chứng cứ do các đương sự xuất trình thì thấy:

    Ngày 10-9-2004, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á – Chi nhánh An Giang (sau đây viết tắt là Ngân hàng Đông Á) và bà Đoàn Thị Kim Kham (vợ), ông La Quốc Sự (chồng) đã ký Hợp đồng vay ngắn hạn số K0972/1 với những nội dung chính (tóm tắt) sau đây:

    - Ngân hàng Đông Á cho bà Kham và ông Sự vay 02 tỷ đồng, lãi suất vay 1%/tháng; thời hạn vay 12 tháng (kể từ ngày 10-9-2004 đến ngày 10-9-2005) với mục đích vay là mua bán thực phẩm, kinh doanh xăng dầu; khi hết thời hạn cho vay, bên vay phải thanh toán toàn bộ nợ vay (Điều 6 Hợp đồng);

    - Nếu bên vay không thanh toán nợ vay đúng hạn thì Ngân hàng Đông Á được quyền xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh (Điều 12 Hợp đồng);

    - Hợp đồng vay ngắn hạn này có giá trị từ ngày ký cho đến khi thanh toán xong nợ vay. Hợp đồng vay ngắn hạn này, Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh là không tách rời nhau, các bên có nghĩa vụ thi hành (Điều 13 Hợp đồng)…

    Ngày 10-9-2004, Ngân hàng Đông Á và bà Đoàn Thị Kim Kham, ông La Quốc Sự đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn … số 0250/TSTC với nội dung (tóm tắt): để vay 630 triệu đồng trong tổng số tiền vay 2 tỷ đồng theo Hợp đồng vay…số K0972/1 ngày 10-9-2004, bà Kham và ông Sự đồng ý thế chấp nhà và đất tại 02-03A3 đường Dự Định, phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (kèm theo là các giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở), tổng giá trị là 812.050.000 đồng; nếu bên vay không trả được nợ (tiền gốc, lãi, lãi phạt) thì bên cho vay được xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ; hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản là từ ngày ký và hết hiệu lực khi bên vay hoàn tất nghĩa vụ trả nợ cho bên vay (vốn gốc, lãi, lãi phạt). Hợp đồng này được Phòng công chứng Nhà nước số 1 tỉnh An Giang chứng nhận ngày 10-9-2004.

    Ngày 10-9-2004, các bên gồm: Ngân hàng Đông Á (bên bảo lãnh), bà Kham, ông Sự (bên được bảo lãnh) và bà Võ Thị Muôn, ông Trần Văn Bảnh (bên bảo lãnh) đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản để bảo lãnh vay vốn… số 0249/TSTC theo đó: để bảo lãnh cho bà Kham, ông Sự vay 550 triệu đồng trong tổng số tiền 2 tỷ đồng theo Hợp đồng vay … số K0972/1 ngày 10-9-2004, ông Bảnh và bà Muôn tự nguyện thế chấp cho Ngân hàng Đông Á nhà, đất tại số 6B Nguyễn Huệ B, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (kèm theo là giấy tờ về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở), tổng trị giá là 762.290.000 đồng. Ông Bảnh, bà Muôn cam kết sẽ trả nợ thay cho bà Kham, ông Sự, nếu đến hạn (kể cả thời gian được gia hạn) bên vay không trả được nợ gốc (gốc, lãi, lãi phạt) bằng việc Ngân hàng Đông Á được quyền xử lý tài sản bảo lãnh. Hợp đồng thế chấp tài sản để bảo lãnh vay vốn được Phòng công chứng Nhà nước số 1 tỉnh An Giang chứng nhận vào ngày 10-9-2004.

    Theo hợp đồng vay vốn ngắn hạn số K0972/1 và các hợp đồng thế chấp, bảo lãnh đã nêu ở trên, bà Kham, ông Sự đã được Ngân hàng Đông Á giải ngân 2 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, bà Kham, ông Sự đã trả lãi vay đến ngày 09-8-2005. Ngày 09-9-2005, bà Kham có giấy đề nghị gia hạn nợ vay với lý do chưa thu được vốn từ kinh doanh bách hóa và xăng dầu, xin gia hạn thanh toán nợ đến ngày 31-12-2005. Ngày 09-9-2005, Ngân hàng Đông Á có thông báo cho phép gia hạn nợ đến ngày 09-12-2005. Sau thời hạn này, bà Kham, ông Sự không thanh toán vốn vay và lãi suất như đã cam kết và Ngân hàng Đông Á đã chuyển lãi suất quá hạn từ ngày 10-12-2005. Sau khi yêu cầu bà Kham, ông Sự thanh toán nợ gốc và lãi phát sinh không đạt kết quả, ngày 2310-2006, Ngân hàng Đông Á làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh An Giang với yêu cầu buộc bà Kham, ông Sự phải thanh toán 2 tỷ đồng tiền vốn vay và 370.666.667 đồng tiền lãi (tính đến ngày 22-10-2006), trong đó lãi trong hạn là 74.666.667 đồng và lãi quá hạn là 296.000.000 đồng. Ngày 11-12-2006, Ngân hàng Đông Á có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu buộc bà Kham, ông Sự thanh toán 2 tỷ đồng tiền gốc và 419.666.667 đồng tiền lãi.

    Tại biên bảo hòa giải ngày 10-8-2007, Đại diện Ngân hàng Đông Á yêu cầu bà Kham, ông Sự phải trả 2 tỷ đồng tiền vay và lãi suất phát sinh là 661.666.667 đồng. Bà Kham đề nghị được gia hạn trả nợ đến ngày 10-11-2007 sẽ trả đứt nợ, nếu không trả được thì sẽ phát mại tài sản thế chấp, bảo lãnh, sau đó bà sẽ trả cho người bảo lãnh phần của họ đã bảo lãnh nhưng trước tiên đề nghị phát mại tài sản mà bà và ông Sự thế chấp. Tại phiên hòa giải này, đại diện được ủy quyền của bà Nga, ông Bảnh và bà Muôn cũng đồng ý với ý kiến của bà Kham nhưng đề nghị nếu những người bảo lãnh nộp đủ số tiền đã bảo lãnh để từ đó bà Kham vay Ngân hàng Đông Á thì được nhận lại giấy tờ nhà, đất. Sau đó, vào ngày 138-2007, bà Nga, ông Bảnh, bà Muôn cũng đồng ý với ý kiến của đại diện được ủy quyền; nhưng cùng ngày 13-8-2007, Ngân hàng Đông Á có văn bản số20/2007/CV-DA8-AG thông báo không đồng ý gia hạn 3 tháng, cho nên việc hòa giải ngày 10-8-2007 không thành.

    Trong quá trình tham gia tố tụng, ngoài ý kiến của người vay (bà Kham, ông Sự) như trên, thì bà Nga (người bảo lãnh) cho rằng: Bà có đưa giấy tờ nhà, đất cho bà Kham để vay 500 triệu đồng. Vì tin bà Kham nên khi ra công chứng, bà không xem và ký; sau này bà mới biết bà Kham vay 800 triệu đồng, bà không nhận tiền vay từ bà Kham nên đề nghị trả lại giấy tờ nhà, đất cho bà. Còn bà Muôn, ông Bảnh thì trình bày: ông, bà có ký vào hợp đồng bảo lãnh; khi đó bà Kham nói vay 400 triệu đồng. Sau khi vay, bà Kham có đưa cho ông, bà 300 triệu đồng, còn 100 triệu đồng bà Kham giữ lại để đóng lãi vay cho ông, bà. Khi Tòa án giải quyết, ông bà mới biết đã bảo lãnh khoản vay 550 triệu đồng của bà Kham.

    Tại bản án kinh doan thương mại sơ thẩm số48/2007/KDTM-ST ngày 7-9-2007, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã áp dụng điểm m khoản 1 Điều 27, điểm a khoản 1 Điều 34, điểm a khoản 1 điều 35, Điều 192, Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 điều 33 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và quyết định: “Đình chỉ việc xét xử vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số26/2007/TLST-KDTM ngày 28-6-2007 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các đương sự: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á và ông La Quốc Sự, bà Đoàn Thị Kim Kham, bà Huỳnh Ngọc Nga, bà Võ Thị Muôn, ông Trần Văn Bảnh. Trả lại đơn kiện cho Ngân hàng Đông Á”.

    Ngày 27-9-2007, Ngân hàng Đông Á có đơn kháng cáo toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm nêu trên của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang với nội dung yêu cầu buộc bà Kham, ông Sự phải trả 2 tỷ đồng tiền vay vốn cùng lãi trong hạn và lãi quá hạn phát sinh, đồng thời yêu cầu bà Nga, bà Muôn, và ông Bảnh phải chịu trách nhiệm liên đới nếu bà Kham, ông Sự không trả hết nợ.

    Ngày 10-10-2007, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang có Quyết định số 2175/QĐ/KNPT-P12 kháng nghị bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm nêu trên.

    Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số60/2008/KDTM-PT ngày 25-4-2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng khoản 3 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự quyết định: “Hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số48/2007/KDTM-ST ngày 17-9-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang.

    Ghi nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự: buộc bà Đoàn Thị Kim Kham, ông La Quốc Sự có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á số tiền 2.928.666.670 đồng (Hai tỷ chín trăm hai tám triệu sáu mươi sáu nghìn bảy trăm đồng). Nếu bị đơn không trả đủ nợ, phía Ngân hàng có quyền phát mãi số tài khoảng đã thế chấp để thu hồi nợ. Việc tính lãi tiếp tục theo khế ước vay nợ do hai bên thỏa thuận ký kết cho toái khi thu hết nợ.”.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 29-5-2008 bà Huỳnh Ngọc Nga có đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Tại Quyết định số15/KN-VKSTC-V12 ngày 10-10-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số60/2008/KDTM-PT ngày 25-4-2008 của Tòa án phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số48/2007/KDTM-ST ngày 17-9-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang và bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số60/2008/KDTM-PT ngày 25-4-2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm lại theo quy định chung của pháp luật, với nhận định: “…Việc Tòa phúc thẩm áp dụng khoản 3 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự để ra quyết định hủy án sơ thẩm và đồng thời xét xử nội dung  tranh chấp của 2 bên đương sự chưa được giải quyết ở cấp sơ thầm là không đúng theo quy định của điều luật trên. Tòa phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không đảm bảo được quyền lợi của các đương sự mà pháp luật quy định.”

    XÉT THẤY

    Việc Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 192, Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 1 Điều 33 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quyết định (bằng bản án) đình chỉ việc xét xử vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Đông Á và bị đơn là ông La Quốc Sự, bà Đoàn Thị Kim Kham; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Huỳnh Ngọc Nga, bà Võ Thị Muôn, ông Trần Văn Bảnh; trả lại đơn khởi kiện cho Ngân hàng Đông Á với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết là không đúng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi lẽ, quan hệ tranh chấp ở đây là Hợp đồng (tín dụng) vay ngắn hạn; Hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn; các hợp đồng thế chấp tài sản để bảo lãnh vay vốn của Ngân hàng. Các hợp đồng này đều có hiệu lực từ ngày ký cho đến khi người vay thanh toán các khoản nợ cho Ngân hàng. Tính đến ngày Ngân hàng Đông Á khởi kiện ra Tòa án, ông Sự và bà Kham vẫn còn nợ 2 tỷ đồng tiền gốc và tiền lãi phát sinh còn lại. Vì vậy, thời hiệu khởi kiện của vụ án này chưa hết.

    Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào hai văn bản pháp luật về tố tụng là Bộ luật tố tụng dân sự và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (đã hết hiệu lực thi hành) để giải quyết vụ án là không đúng luật; hơn nữa, Tòa án sơ thẩm căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nhưng lại xử lý sung vào công quỹ Nhà nước tiền tạm ứng án phí sơ thẩm của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á theo biên lai thu số 043776 ngày 26-3-2007 là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

    Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ khoản 3 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm là có căn cứ, nhưng không chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án sơ thẩm giải quyết lại vụ án mà “Ghi nhận sự thỏa thuận các đương sự: Buộc bà Đoàn Thị Kim Kham, ông La Quốc Sự có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á số tiền 2.928.666.700 đồng (Hai tỷ chín trăn hai tám triệu sáu trăm sáu mươi sáu ngàn bảy trăm đồng). Nếu bị đơn không trả đủ nợ, phí Ngân hàng có quyền phát mãi số tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ. Việc tính lãi tiếp tục tính theo khế ước vay nợ do 2 bên thỏa thuận ký kết cho tới khi hết nợ” là không đúng pháp luật ; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi lẽ, nội dung tranh chấp chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét giải quyết; theo quy định tại khoản 3 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự thì đối với trường hợp này Tòa án cấp phúc thẩm phải “hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án”.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297; các khoản 2 và 3 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số60/2008/KDTM-PT ngày 25-4-2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản ánh kinh doanh thương mại sơ thẩm số48/2007/KDTM-ST ngày 17-9-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật

    Lý do bản án phúc thẩm và sơ thẩm bị hủy:

    Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ xét xử vụ án là không đúng vì thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm nhưng giải quyết ngày nội dung vụ án không đúng vì cấp sơ thẩm chưa xem xét.

     

     
    3907 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận