Quyết định giám đốc thẩm số 14/2006/hs-gđt ngày 03-7-2006 về vụ án phạm thế văn và đồng phạm phạm tội “mua bán phụ nữ” và “xuất cảnh trái phép”

Chủ đề   RSS   
  • #265075 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 14/2006/hs-gđt ngày 03-7-2006 về vụ án phạm thế văn và đồng phạm phạm tội “mua bán phụ nữ” và “xuất cảnh trái phép”

    Số hiệu

    14/2006/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số14/2006/hs-gđt ngày 03-7-2006 về vụ án phạm thế văn và đồng phạm phạm tội “mua bán phụ nữ” và “xuất cảnh trái phép”

    Ngày ban hành

    03/07/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     


    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ14/2006/HS-GĐT NGÀY 03-7-2006 VỀ VỤ ÁN PHẠM THẾ VĂN VÀ ĐỒNG PHẠM PHẠM TỘI “MUA BÁN PHỤ NỮ” VÀ “XUẤT CẢNH TRÁI PHÉP”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 03 tháng 7 năm 2006 tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    1. Phạm Thế Văn sinh năm 1961; trú tại xóm Đồng, thôn Cầu Đơ, phường Hà Cầu, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây; về nhân thân: năm 1979-1982 tập trung cải tạo; từ năm 1984-1990 thực hiện 3 lần đánh bạc đã bị công an thị xã Hà Đông cảnh cáo; năm 1990 cưỡng đoạt tài sản bị tỉnh đội Hà Sơn Bình cảnh cáo; trình độ văn hoá: 7/12; không nghề nghiệp; con ông Phạm Văn Hải (chết) và bà An Thị The; có vợ và 2 con (lớn 13 tuổi, nhỏ 9 tuổi); bị bắt tạm giam 
    ngày 16-9-1998.

    2. Nguyễn Đình Công sinh năm 1970; quê quán xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; trú tại xã Hải Hoà, huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hoá: 7/12; nghề nghiệp: làm ruộng; con ông Nguyễn 
    Đình Cuông và bà Nguyễn Thị Dưỡng, có vợ và 1 con; bị bắt tạm giam 
    ngày 19-8-1999.

    3. Bùi Thị Hương (tức Hoàng) sinh năm 1974; trú tại phường Quang Trung, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hoá: 7/12; không nghề nghiệp; con ông Bùi Văn Du và bà Quách Thị Đăng; có chồng và 1 con; tiền án: ngày 22-01-1999 bị Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xử phạt 11 năm tù về tội “mua bán trái phép chất ma tuý”; bị bắt tạm giam ngày 30-9-1998.

    4. Trần Thị Tĩnh sinh năm 1956; trú tại số 24 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Trãi, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây; trình độ văn hoá: 7/10; nghề nghiệp: công nhân Công ty du lịch Hà Tây; con ông Trần Văn Thâu và bà Trần Thị Bình; có chồng và 3 con; bị bắt tạm giam ngày 16-9-1998.

    NHẬN THẤY:

    Từ năm 1996, Trần Thị Tĩnh và Phạm Thế Văn cùng nhau chung vốn sản xuất rượu tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Do việc sản xuất bị thua lỗ, Tĩnh và Văn nảy sinh ý định kiếm tiền bằng cách câu kết với một số đối tượng khác như Phạm Thị Thuỷ (em gái Văn), Bùi Thị Hương (tức Hoàng) và Nguyễn Đình Công... thành một đường dây đưa phụ nữ xuất cảnh trái phép qua biên giới sang Trung Quốc. Văn và Tĩnh lợi dụng cơ sở sản xuất rượu để đi nhiều địa bàn thông qua các mối quan hệ từ trước với danh nghĩa tuyển người lao động rửa chai lọ, sản xuất rượu, bánh kẹo... trả lương cao để lừa các phụ nữ rồi cùng Phạm Thị Thuỷ, Bùi Thị Hương bán cho Nguyễn Đình Công ở thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và một số đối tượng khác ở Trung Quốc.

    Từ tháng 3-1998 đến tháng 9-1998, bọn chúng đã bảy lần đưa phụ nữ và trẻ em bán sang Trung Quốc (tổng số 11 phụ nữ và một trẻ em). Trong đó, Phạm Thế Văn, Trần Thị Tĩnh đã tham gia cả 7 lần; Nguyễn Đình Công tham gia 3 lần; Bùi Thị Hương tham gia 2 lần.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 300 ngày 22-12-1999, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây áp dụng các điểm b và c khoản 2 Điều 115; điểm b khoản 2 Điều 149; khoản 1 Điều 89; điểm h khoản 1 Điều 38; Điều 41 Bộ luật hình sự; xử phạt Phạm Thế Văn 14 năm tù về tội “mua bán phụ nữ”, 5 năm tù về tội “mua bán trẻ em”, 01 năm tù về tội “xuất nhập cảnh trái phép”; tổng hợp hình phạt buộc Phạm Thế Văn phải chấp hành hình phạt chung cho cả 3 tội là 20 năm tù; xử phạt Trần Thị Tĩnh 13 năm tù về tội “mua bán phụ nữ”, 3 năm tù về tội “mua bán trẻ em”, 01 năm tù về tội “xuất nhập cảnh trái phép”; tổng hợp hình phạt buộc Trần Thị Tĩnh phải chấp hành hình phạt chung cho cả 3 tội là 17 năm tù.

    - Áp dụng các điểm b và c khoản 2 Điều 115; khoản 1 Điều 89; điểm h khoản 1 Điều 38; Điều 41 Bộ luật hình sự và áp dụng thêm Điều 42 Bộ luật hình sự đối với Bùi Thị Hương; xử phạt: Nguyễn Đình Công 8 năm tù về tội “mua bán phụ nữ”, 01 năm tù về tội “xuất nhập cảnh trái phép”; tổng hợp hình phạt buộc Nguyễn Đình Công phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là 9 năm tù; xử phạt Bùi Thị Hương (tức Hoàng) 8 năm tù về tội “mua bán phụ nữ”, 01 năm tù về tội “xuất nhập cảnh trái phép”; tổng hợp hình phạt buộc Bùi Thị Hương chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là 9 năm tù, đồng thời tổng hợp với hình phạt 11 năm tù về tội “mua bán trái phép ma tuý” của bản án hình sự sơ thẩm số 32 ngày 22-1-1999 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, buộc Bùi Thị Hương phải chấp hành chung cho cả hai bản án là 20 năm tù.

    Sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo Phạm Thế Văn, Nguyễn Đình Công, Bùi Thị Hương, Trần Thị Tĩnh đều kháng cáo xin giảm hình phạt.

    Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Trần Thị Tĩnh đã rút kháng cáo.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 965 ngày 29-5-2000, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội căn cứ khoản 1 Điều 220 Bộ luật tố tụng hình sự, bác đơn kháng cáo của các bị cáo Phạm Thế Văn, Nguyễn Đình Công và Bùi Thị Hương và giữ nguyên các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm đối với các bị cáo.

    - Áp dụng khoản 2 Điều 212 Bộ luật tố tụng hình sự đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với Trần Thị Tĩnh, quyết định của bản án sơ thẩm số 300 
    ngày 12-12-1999 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây đối với Trần Thị Tĩnh có hiệu lực pháp luật.

    Tại Quyết định kháng nghị số09/QĐ-VKSTC-V3 ngày 26-4-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị một phần bản án hình sự phúc thẩm số 965 ngày 29-5-2000 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội về tội “xuất nhập cảnh trái phép” đối với các bị cáo Phạm Thế Văn, Nguyễn Đình Công, Bùi Thị Hương. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ một phần bản án hình sự phúc thẩm số 965 
    ngày 29-5-2000 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và một phần bản án hình sự sơ thẩm số 300 ngày 22-12-1999 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây về tội “xuất cảnh trái phép” và hình phạt về tội này đối với các bị cáo Phạm Thế Văn, Nguyễn Đình Công, Bùi Thị Hương; đình chỉ vụ án đối với các bị cáo Phạm Thế Văn, Nguyễn Đình Công, Bùi Thị Hương về tội này; huỷ phần quyết định tổng hợp hình phạt đối với Phạm Thế Văn, Nguyễn Đình Công, Bùi Thị Hương tại bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm nêu trên.

    Tại công văn số1830/CV-TH ngày 26-6-2006, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Trần Thị Tĩnh với lý do Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây chưa ra quyết định miễn chấp hành hình phạt cho Trần Thị Tĩnh về tội “xuất nhập cảnh trái phép”.

    Tại phiên toà đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 965 
    ngày 19-5-2000 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Trần Thị Tĩnh để xét xử phúc thẩm lại theo quy định pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Theo quy định tại Điều 89 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hành vi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc của các bị cáo Phạm Thế Văn, Trần Thị Tĩnh, Nguyễn Đình Công và Bùi Thị Hương bị truy tố và xét xử về tội “xuất cảnh trái phép” là đúng pháp luật.

    Tuy nhiên khi xét xử phúc thẩm vụ án (ngày 29-5-2000), thì trước đó ngày 04-1-2000 Bộ luật hình sự năm 1999 đã công bố. Theo quy định tại điểm c mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự, thì kể từ ngày Bộ luật hình sự được công bố không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự trước đây quy định là tội phạm, nhưng Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định là tội phạm; nếu vụ án đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ. Theo quy định tại Điều 274 Bộ luật hình sự thì Phạm Thế Văn, Nguyễn Đình Công và Bùi Thị Hương không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “xuất cảnh trái phép” vì lúc đó các bị cáo chưa bị xử phạt hành chính về tội này nên hành vi của các bị cáo không cấu thành tội phạm. Đối với Trần Thị Tĩnh, sau khi xét xử sơ thẩm, Trần Thị Tĩnh kháng cáo xin giảm hình phạt nhưng tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Tĩnh đã rút đơn kháng cáo, nên việc xét xử phúc thẩm đối với bị cáo đã được đình chỉ và bản án hình sự sơ thẩm số 300 ngày 22-12-1999 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây đối với bị cáo Tĩnh đã có hiệu lực pháp luật. Trần Thị Tĩnh bị kết án về tội “xuất cảnh trái phép” trước ngày Bộ luật hình sự được công bố (04-01-2000), do vậy theo quy định tại điểm a Mục 4 Nghị quyết229/2000/NQ-UBTVQH10  ngày 28-01-2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 10 thì trong trường hợp này sẽ xem xét miễn hình phạt đối với Trần Thị Tĩnh nhưng do Trần Thị Tĩnh chưa được xem xét miễn hình phạt. Vì vậy, mặc dù Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều 279 Bộ luật tố tụng hình sự Hội đồng Thẩm phán có thẩm quyền xem xét toàn bộ vụ án.

    Trong vụ án này, các bị cáo Phạm Thế Văn, Trần Thị Tĩnh phạm nhiều tội liên quan đến việc tổng hợp hình phạt của nhiều tội; Bùi Thị Hương phải tổng hợp hình phạt của nhiều bản án; do đó, cần thiết phải huỷ bản án hình sự phúc thẩm đối với các bị cáo Phạm Thế Văn, Nguyễn Đình Công, Bùi Thị Hương và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Trần Thị Tĩnh để xét xử phúc thẩm lại đối với tất cả các bị cáo theo đúng quy định pháp luật.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285; Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 965 ngày 19-5-2000 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Trần Thị Tĩnh; giao hồ sơ cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

    Cần áp dụng Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật hình sự 
    năm 1999 khi xem xét trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

    Do Điều 274 của Bộ luật hình sự năm 1999 có sự bổ sung về cấu thành cơ bản của tội “Xuất cảnh trái phép”.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 01:42:02 CH
     
    4023 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận