Quyết định giám đốc thẩm số 11/hđtp-ds ngày 25-02-2005 về vụ án “đòi nợ”

Chủ đề   RSS   
  • #264819 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 11/hđtp-ds ngày 25-02-2005 về vụ án “đòi nợ”

    Số hiệu

    11/2005/HĐTP-DS

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số11/hđtp-ds ngày 25-02-2005 về vụ án “đòi nợ”

    Ngày ban hành

    25/02/2005

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYếT ĐịNH GIÁM ĐốC THẩM Số11/HĐTP-DS

    NGÀY 25-02-2005 Về Vụ ÁN “ĐÒI Nợ”

     

    Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

    ...

    Ngày 25 tháng 2 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên Toà giám đốc thẩm xét xử vụ án đòi nợ giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh, có trụ sở tại số 8 Lê Duẩn, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, do bà Lê Thị Phương Mai là kế toán trưởng công ty đại diện theo ủy quyền của Giám đốc công ty.

    Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam, có trụ sở tại P103-K1 khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, do ông Nguyễn Quốc Hoài là Giám đốc Công ty đại diện.

    Nhận thấy:

    Trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 1996, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam ký 11 hợp đồng mua bán 292 xe ô tô các loại đã qua sử dụng. Quá trình thực hiện thì xảy ra tranh chấp hợp đồng số 96/MB và hợp đồng số 97/MB ngày 15-5-1996 mua bán 50 xe KRAZ, còn 9 hợp đồng khác thì chủ yếu là chưa thanh toán hết nợ. Từ ngày 19-3-2001 đến ngày 21-3-2001, tại cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã lập biên bản đối chếu công nợ, xác định đến ngày 21-3-2001, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam còn nợ Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh tổng số tiền gốc của 11 hợp đồng là 2.179.087.387 đồng. Riêng phần lãi suất của các hợp đồng hai công ty thỏa thuận sẽ tính toán sau. Cụ thể như sau: Tính cả số nợ cũ trước đó và số nợ gốc của 9 hợp đồng là 1.655.607.504 đồng, còn nợ gốc của các hợp đồng 96/MB 
    và 97/MB ngày 15-5-1996 là 523.524.883 đồng.

    Nay Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam trả Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh số tiền nợ gốc là 2.179.087.378 đồng và tính lãi theo biên bản đối chiếu công nợ từ ngày 19-3-2001 đến ngày 21-3-2001 cho Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh.

    Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam xác nhận số tiền gốc theo biên bản đối chiếu công nợ là chính xác, nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam yêu cầu Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh phải trả Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam số tiền Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã chi phí cho việc lấy xe, tiền nộp phạt hành chính, tiền mua thiết bị lắp vào xe tổng cộng khoảng 800.000.000 đồng và số tiền 93.765 USD do Công ty Nguyên Worldwide Trading đồng ý giảm giá lô hàng 50 xe KRAZ của hai hợp đồng số 96/MB và 97/MB cho Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh. Đối với 11 hợp đồng thì những hợp đồng nào quy định phải trả lãi chậm trả thì Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam sẽ trả theo lãi suất Ngân hàng, những hợp đồng nào không quy định lãi thì thôi. Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam còn đề nghị Toà án buộc Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn lại tiền thuế nhập khẩu cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam. Với lý do: Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng số 96/MB, 97/MB ngày 15-5-1996 bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam 50 xe KRAZ với điều kiện là hàng đã qua sử dụng, chất lượng từ 90% trở lên, năm sản xuất 1991; chi phí vận chuyển, tiếp nhận Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam tự lo; Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh ủy quyền cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đóng thuế nhập khẩu; ngay sau khi ký hợp đồng Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam chuyển cho Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh 20% tổng giá trị hợp đồng, số tiền còn lại thanh toán hết sau khi nhận hàng. Tổng giá trị của 2 hợp đồng này là 6.765.500.000 đồng. Ngày 30-7-1996, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 125/TBPT gửi Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam có nêu do năm sản xuất không đúng như trong hợp đồng, còn chất lượng thì tốt, nếu Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam thấy có khả năng kinh doanh được thì nhận xe để hỗ trợ Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh trong việc tiêu thụ nhằm thu hồi vốn. Tiền bị phạt hành chính trước mắt Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh xin gánh chịu và sẽ thưa kiện phía nước ngoài, nếu không đòi được thì Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh đành chịu tổn thất. Ngày 1-8-1996, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam có công văn gửi cho Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh với nội dung chỉ quan tâm đến chất lượng, nếu đạt trên 80% thì vẫn chấp nhận lấy hàng, không coi trọng năm sản xuất. Do lô xe KRAZ này không đúng chất lượng, năm sản xuất ghi trong hợp đồng, nên đã bị cơ quan An ninh Đà Nẵng giữ. Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã làm các thủ tục thay Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh để lấy xe ra, đồng thời mua một số thiết bị để lắp vào xe. Ngày 12-10-1996, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 189/TBPT gửi Công ty Nguyên Worldwide Trading đề nghị được giảm giá lô xe KRAZ. Vì vậy, ngày 19-11-1996, tại trụ sở của Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc họp giữa các bên gồm có ông Paul Hoffmann - Giám đốc Công ty Mueller + đối tác Gmbh, ông Trần Hảo Thưởng - Giám đốc Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quốc Trung - Giám đốc Công ty Nguyên Worldwide Trading cùng ký biên bản đồng ý giảm 15% theo LC tương đương 93.765 USD cho lô xe KRAZ. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã nhận đủ xe và thanh toán được 6.241.975.117 đồng, còn nợ Công ty thiết bị phụ tùng 523.524.883 đồng.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 20/DSST ngày 30, 31-5-2002, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã xử:

    Chấp nhận yêu cầu đòi tiền nợ mua hàng còn thiếu của Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam.

    Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam trả Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh số tiền 4.778.312.092 đồng (bao gồm nợ gốc và lãi sau khi đã trừ các khoản chi phí đã được chấp nhận).

    Bác yêu cầu phản tố của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đòi được trừ 93.765 USD mà Công ty Nguyễn World Wide Trading hứa trả Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh vào khoản nợ Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam nợ Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh cũng như yêu cầu đòi Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh chịu khoản chi phí phát sinh khi nhận lô 50 xe KRAZ là 1.359.096.000 đồng.

    Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty thiết bị phụ tùng xin rút yêu cầu đòi 601.400.000 đồng mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã ký nhận trả nợ thay Công ty Nam Long trong biên bản thanh lý ngày 27-2-1997 để giải quyết sau bằng một vụ kiện khác nếu các bên không thể thoả thuận hay thương lượng được.

    Bác tất cả các yêu cầu khác của các bên đương sự.

    Bản án dân sự sơ thẩm còn quyết định về án phí...

    Ngày 04-6-2002, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh kháng cáo đề nghị được áp dụng biện pháp kê biên tài sản của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam để bảo đảm việc thanh toán nợ; Toà sơ thẩm tính lãi chưa thoả đáng, phải là 3.023.000.000 đồng chứ không phải là 2.758.000.000 đồng. Tại phiên toà phúc thẩm, bà Mai rút kháng cáo đối với phần tính lãi.

    Ngày 10-6-2002 Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 218/DSPT ngày 3, 4-12-2002, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã sửa một phần bản án sơ thẩm, xử:

    Chấp nhận yêu cầu đòi tiền nợ mua hàng còn thiếu của Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam.

    Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam trả cho Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh 1.308.095.129 đồng (một tỷ ba trăm lẻ tám triệu không trăm chín nhăm nghìn một trăm hai chín đồng) (bao gồm cả gốc và lãi sau khi đã trừ các khoản được chấp nhận).

    Bác yêu cầu khác của các đương sự.

    Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh phải giao trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam bộ giấy tờ hải quan của một xe KRAZ, một xe Mercedes và giấy tờ thế chấp nhận hàng.

    Bản án phúc thẩm còn quyết định về án phí...

    Ngày 17-2-2003, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh có đơn khiếu nại đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Ngày 19-5-2003 (ngày theo dấu bưu điện), Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam có đơn khiếu nại đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Tại kháng nghị số 95/KNDS ngày 4-11-2004, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã nhận định: Trong số 11 hợp đồng mua bán xe ô tô nêu trên thì có hai hợp đồng số 96/MB và 97/MB ngày 15-5-1996 mua bán 50 xe KRAZ, hai bên tranh chấp khoản tiền bồi thường chất lượng xe tương đương 93.765 USD do Công ty Nguyên Worldwide Trading là nơi bán xe cho Công ty và hứa bồi thường cho Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh. Theo công văn ngày 24-4-2002 và 15-5-2002 của ông Nguyễn Quốc Trung giám đốc Công ty Nguyên Worldwide Trading gửi Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thì Công ty Nguyên Worldwide Trading chưa thanh toán và sẽ không thanh toán cho Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh, vì theo chứng từ của Hải quan Đà Nẵng và Trung tâm II về đo lường chất lượng thì lô xe KRAZ có chất lượng 80% và năm sản xuất 1991 tức là đúng điều kiện về chất lượng theo hợp đồng đã ký với Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, tại công văn 
    số 0396 MPT/TCKT ngày 28-5-2002 của Tổng Công ty máy phụ tùng (cơ quan cấp trên của Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh) gửi Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cũng nêu không thấy khoản thu 93.765 USD từ Công ty Nguyên Worldwide Trading vào báo cáo quyết toán. Do đó, chưa có căn cứ kết luận là Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được khoản tiền 93.765 USD. Vì vậy, Toà án cấp phúc thẩm cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam được hưởng khoản tiền này là chưa chính xác.

    Theo hợp đồng mua bán số 96/MB, 97/MB ngày 15-5-1996 giữa Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam thì chất lượng của lô xe KRAZ phải trên 90%, nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam cũng đồng ý nhận nếu chất lượng trên 80% và không yêu cầu giảm giá ngay lúc đó. Tuy nhiên, đây là chất lượng thấp hơn so với hợp đồng quy định, nên Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh phải bồi thường cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam. Do đó, nếu Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Namxuất trình được các chứng cứ chứng minh có mua thiết bị lắp vào xe thì Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh phải trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam số tiền này.

    Tại trang 9 bản án phúc thẩm có nhận định là “Theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 19-3-2001, hai bên thoả thuận không tính lãi chậm trả của khoản tiền còn thiếu chưa trả của các hợp đồng số 90, 91, 96, 97”. Tuy nhiên, qua kiểm tra biên bản đối chiếu công nợ nêu trên thì không thấy có câu chữ nào thể hiện hai bên thoả thuận không tính lãi của các hợp đồng này. Mặt khác, tại trang 5 biên bản đối chiếu công nợ còn ghi “Riêng phần lãi suất của các hợp đồng, hai công ty sẽ tính toán sau”. Do đó, không có cơ sở cho rằng Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam thoả thuận không tính lãi của các hợp đồng số 90/MB ngày 16-6-1995, hợp đồng 
    số 91/MB ngày 21-7-1995, hợp đồng số 96/MB và 97/MB ngày 15-5-1996 như bản án phúc thẩm nhận định.

    Ngoài ra, khi tính lãi chậm trả của 7 hợp đồng (hợp đồng không số 
    ngày 7-6-1995; hợp đồng số 19/MB ngày 17-8-1995; hợp đồng số 107/MB, 108/MB ngày 25-10-1995; hợp đồng số 93/MB, 94/MB, 95/MB ngày 3-1-1996), Toà án cấp phúc thẩm tính lãi không đúng so với biên bản đối chiếu công nợ 
    nêu trên. Cụ thể là: theo biên bản đối chiếu công nợ thì ở hợp đồng không số ngày 7-6-1995, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã trả thừa cho Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh 160.372.500 đồng chứ không phải trả thiếu như bản án phúc thẩm xác định. Sau đó, hai bên cộng trừ số tiền Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam trả thừa cũng như trả thiếu của các hợp đồng nên đến ngày 19-10-1996, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam còn nợ Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh 230.502.504 đồng (BL 96). Trong trường hợp này là nợ cộng dồn chứ không phải là nợ của từng hợp đồng. Vì vậy, Toà án cấp phúc thẩm tính lãi trên số nợ gốc của 7 hợp đồng này bằng 749.161.504 đồng là không chính xác. Do đó, cần phải tính lãi chậm trả của 
    11 hợp đồng thì mới đảm bảo quyền lợi cho Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh cũng như Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam.

    Do đó, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 218/DSPT ngày 3, 4-12-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại.

    Tại kết luận số105/KL-VKSTC-V5 ngày 9-12-2004, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng phát biểu nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao là cần huỷ bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Xét thấy:

    Trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 1996, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã ký 11 hợp đồng mua bán 292 xe ô tô các loại đã qua sử dụng. Quá trình thực hiện thì xảy ra tranh chấp hai hợp đồng số 96/MB, 97/MB ngày 15-5-1996 mua bán 50 xe KRAZ, còn 9 hợp đồng khác thì chủ yếu là chưa thanh toán hết nợ. Từ ngày 19-3-2001 đến ngày 21-3-2001, tại cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã lập biên bản đối chiếu công nợ xác định đến ngày 21-3-2001, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam còn nợ Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh số tiền nợ gốc là 2.179.087.387 đồng. Tuy nhiên, trong biên bản đối chiếu công nợ này Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam còn chưa thống nhất về số tiền Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã chi phí cho việc lấy xe, tiền nộp phạt hành chính thay Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh, tiền mua thiết bị lắp vào xe, tổng số khoảng 800.000.000 đồng và khoản tiền 93.765 USD do Công ty Nguyên Worldwide Trading đồng ý giảm giá cho lô hàng 50 xe KRAZ của hai hợp đồng số 96/MB và 97/MB cho Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, về phần lãi của các hợp đồng hai bên thống nhất sẽ tính toán sau.

    Xét thấy, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh giao xe KRAZ không đúng chất lượng và năm sản xuất như trong hợp đồng quy định, nên Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh là người có lỗi. Do đó, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty trách nhiệm hữu hạn HoàiNam. Lẽ ra, số tiền 93.765 USD do Công ty Nguyên Worldwide Trading đồng ý giảm giá cho lô hàng không đúng chất lượng thì người được hưởng phải là Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam. Nhưng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam tuy biết chất lượng, năm sản xuất xe không đúng như trong hợp đồng quy định mà vẫn đồng ý nhận hàng, nên Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Vì vậy, Toà án cấp phúc thẩm đã chấp nhận cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam được hưởng toàn bộ số tiền 93.765 USD là chưa hợp lý. Tuy nhiên, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh giao lô xe KRAZ cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam không đảm bảo chất lượng, nên Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã phải bỏ ra một số chi phí như: số tiền nộp phạt hành chính, tiền lưu kho ở cơ quan công an, tiền chi phí đi lại để giải quyết việc xe bị thu giữ và tiền mua thiết bị lắp vào xe để đảm bảo chất lượng xe theo hợp đồng, cho nên Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh phải thanh toán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam số tiền này. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên thì cần phải lấy số tiền 93.765 USD quy đổi ra tiền Việt Nam trừ đi các chi phí mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam được hưởng nói trên, phần tiền còn lại mỗi bên sẽ được hưởng 1/2 (nếu các bên không có thoả thuận khác). Đồng thời, để bảo vệ tài sản Nhà nước, Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh có quyền và trách nhiệm đòi Công ty Nguyên Worldwide Trading số tiền 93.765 USD theo biên bản thoả thuận ngày 19-11-1996 nếu Công ty Nguyên Worldwide Trading 
    chưa trả.

    Đối với việc tính lãi của các hợp đồng thì theo biên bản đối chiếu công nợ từ ngày 19 đến 21-3-2001, hai bên thống nhất sẽ tính toán sau, nhưng Toà án cấp phúc thẩm lại cho rằng hai bên thoả thuận không tính lãi của các hợp đồng số 90/MB ngày 16-6-1995, hợp đồng số 91/MB ngày 21-7-1995, hợp đồng số 96/MB và 97/MB ngày 15-5-1996, nên không tính lãi là chưa chính xác. Mặt khác, khi tính lãi của 7 hợp đồng (hợp đồng không số ngày 7-6-1995, hợp đồng số 19/MB ngày 17-8-1995; hợp đồng số 107/MB, 108/MB ngày 25-10-1995; hợp đồng số 93/MB, 94/MB, 95/MB ngày 3-1-1996), Toà án cấp phúc thẩm tính lãi không đúng so với biên bản đối chiếu công nợ, nên phải tính lại theo quy định của pháp luật. Do hai bên còn tranh chấp về lãi, nên phải căn cứ vào khoản 2 Điều 473 Bộ luật dân sự để tính lại lãi. Số tiền gốc để tính lãi sẽ là khoản tiền gốc được xác định trong biên bản đối chiếu công nợ nêu trên trừ đi số tiền mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã chi phí để nhận xe, mua thiết bị lắp vào xe và 1/2 số tiền còn lại của khoản 93.765 USD (đã trừ đi các chi phí thực tế). Vì là vụ án đòi nợ nên thời hạn tính lãi cần xác định từ ngày đối chiếu công nợ (21-3-2001) cho đến khi xét xử sơ thẩm.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    Quyết định:

    Huỷ bản án dân sự phúc thẩm só 218/DSPT ngày 3, 4-12-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xét xử vụ án đòi nợ giữa nguyên đơn là Công ty thiết bị phụ tùng thành phố Hồ Chí Minh với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam.

    Giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

    Toà án cấp phúc thẩm đã xác định không đúng số tiền lãi mà phía bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn; do vậy, số tiền lãi cần phải được tính lại theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 473 của Bộ luật dân sự.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

    Thiếu sót trong việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 28/05/2013 04:21:16 CH
     
    2591 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận