Số hiệu
|
10/2006/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm số10/2006/ds-gđt ngày 11-5-2006 về vụ án “tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà và đòi nhà cho thuê”
|
Ngày ban hành
|
11/05/2006
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ10/2006/DS-GĐT NGÀY 11-5-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG
MUA BÁN NHÀ VÀ ĐÒI NHÀ CHO THUÊ”
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 11 tháng 5 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà và đòi nhà cho thuê giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1. Bà Dương Thị Sắc sinh năm 1931; trú tại nhà số 81C phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội;
2. Bà Dương Thị Hợi sinh năm 1935; trú tại nhà số 90 phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;
3. Ông Dương Văn Kiên sinh năm 1939; trú tại nhà số 15, tổ 31B Ngọc Hà, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;
4. Các anh chị Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Xuân Phương, Nguyễn Thị Hoà, Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Thị Thu Huyền, Nguyễn Xuân Vượng (là các đồng thừa kế của bà Dương Thị Chính); đều uỷ quyền cho anh Nguyễn Xuân Vượng trú tại nhà số 106 tổ 16, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đại diện tham gia tố tụng.
Bị đơn:
Bà Nguyễn Thị Đức (84 tuổi), uỷ quyền cho anh Đỗ An Sơn và chị Vũ Thị Lan trú tại nhà số 83 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đại diện tham gia tố tụng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Anh Nguyễn Minh Châu sinh năm 1949,
2. Chị Nguyễn Thị Ánh sinh năm 1950,
Đều trú tại số 7 ngõ 123 Khương Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;
Anh Châu và chị Ánh đều uỷ quyền cho bà Dương Thị Sắc đại diện tham gia tố tụng.
3. Anh Đỗ An Sơn sinh năm 1954,
4. Chị Vũ Thị Lan sinh năm 1955,
Đều trú tại nhà số 83 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
5. Anh Đỗ Mạnh Hà sinh năm 1959,
6. Anh Đỗ An Hải sinh năm 1957,
Anh Hà và anh Hải có hộ khẩu tại nhà số 83 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội và đều uỷ quyền cho anh Đỗ An Sơn đại diện tham gia tố tụng.
NHẬN THẤY:
Tại đơn khởi kiện đề ngày 9-1-1994 và các lời khai ban đầu trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là các ông, bà Dương Văn Kiên, Dương Thị Sắc, Dương Thị Chính, Dương Thị Hợi yêu cầu Toà án giải quyết buộc gia đình bà Nguyễn Thị Đức trả lại căn nhà cho thuê tại số 83 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Theo các nguyên đơn thì: căn nhà số 83 phố Đội Cấn trước đây là căn nhà gạch một tầng nằm trên thửa đất có diện tích 65m2, có nguồn gốc là nhà đất của ông bà nội của các nguyên đơn bỏ tiền ra mua khoảng năm 1943 nhằm để cho con dâu (là cụ Kiềm) cùng các cháu nội (là các nguyên đơn) sử dụng. Do bố của các nguyên đơn là cụ Dương Văn Cách đã chết từ
năm 1938 và cụ Kiềm khi đó còn trẻ có khả năng lấy chồng khác, để bảo vệ quyền lợi cho các cháu của mình, ông bà nội của các nguyên đơn đã để cho các nguyên đơn cùng cụ Kiềm đứng tên sở hữu chung đối với nhà đất trên. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên các nguyên đơn đã làm thất lạc và hiện không còn giấy tờ gì về nhà đất nói trên. Năm 1959 gia đình nguyên đơn cho Tổ hợp tác tự cứu thuê, năm 1963 thì Tổ hợp tác tự cứu trả lại, cụ Kiềm tiếp tục cho gia đình bà Đức thuê ở từ năm 1963 đến nay. Tuy nhà đất thuộc sở hữu chung của cụ Kiềm và các nguyên đơn, nhưng do cụ Kiềm hoàn cảnh khó khăn nên các nguyên đơn để cho cụ Kiềm thu tiền thuê nhà sử dụng chi tiêu hàng tháng. Cuối năm 1992 cụ Kiềm chết, các nguyên đơn đã gặp gia đình bà Đức yêu cầu lấy lại nhà trên, nhưng gia đình bà Đức cho rằng đã mua nhà trên của cụ Kiềm từ
năm 1969 nên không đồng ý trả lại. Các nguyên đơn cho rằng giấy mua bán nhà mà gia đình bà Đức đưa ra là giả mạo, vì cụ Kiềm là người không biết chữ, không thể ký trong giấy tờ mua bán. Gia đình bà Đức đã yêu cầu tiến hành giám định chữ ký của cụ Kiềm, sau khi có kết quả giám định thì các nguyên đơn cho rằng: nếu có việc mua bán thì việc mua bán này cũng không hợp pháp, vì cụ Kiềm tự ý bán khi không có ý kiến của các đồng sở hữu, yêu cầu Toà án giải quyết huỷ một phần hợp đồng mua bán trên. Các nguyên đơn chỉ đồng ý cho
gia đình bà Đức tiếp tục được sử dụng 2/5 nhà đất (trong đó 1/5 nhà đất thuộc kỷ phần tài sản của cụ Kiềm và 1/5 nhà đất là các nguyên đơn tự nguyện cho thêm),
còn 3/5 nhà đất thì phải trả lại bằng hiện vật.
Bên bị đơn là bà Nguyễn Thị Đức và anh Đỗ An Sơn, chị Vũ Thị Lan đại diện khai thì:
Năm 1963 gia đình bà thuê nhà đất trên của cụ Kiềm. Năm 1969 cụ Kiềm đã bán lại cho vợ chồng bà toàn bộ nhà đất trên. Bà Đức xuất trình một “Văn tự bán cả nhà” ghi ngày 04-01-1969 có chữ ký của cụ Kiềm. Sau khi mua, năm 1979 và năm 1983 gia đình bà đã sửa chữa, cải tạo xây dựng lại từ nhà gạch cấp 4 một tầng thành nhà hai tầng kiên cố. Các nguyên đơn sống trong làng Ngọc Hà gần đó biết rõ việc mua bán này và hàng ngày qua lại nhưng cũng không có ý kiến khiếu nại gì. Sau khi cụ Kiềm chết, ông Kiên mới lấy cớ việc mua bán không có ý kiến của các con nên yêu cầu gia đình bà trả thêm 16 cây vàng thì sẽ ký vào hợp đồng để gia đình bà hoàn tất thủ tục pháp lý về nhà đất. Gia đình bà không đồng ý nên ông Kiên mới tranh chấp và cho rằng không biết việc mua bán trên. Việc các nguyên đơn cho rằng nhà đất trên là của ông bà nội các nguyên đơn mua và cho cụ Kiềm cùng các nguyên đơn đứng tên sở hữu là không đúng. Vì cụ Dương Văn Cách (chồng của cụ Kiềm) chết năm 1938. Năm 1943 cụ Kiềm mua nhà đất trên của cụ Trần Nguyên Ứng, chứ không phải ông bà nội của các nguyên đơn (bố mẹ cụ Cách) mua như các nguyên đơn trình bày, việc này đã được các cụ Trần Thị Đối, Trần Thị Tâm là con của cụ Trần Nguyên Ứng xác nhận. Do nhà đất trên là tài sản thuộc sở hữu riêng của cụ Kiềm và cụ Kiềm bán cho gia đình bà Đức là hợp pháp, việc mua bán này các nguyên đơn biết nhưng không phản đối. Vì vậy, bà Đức không đồng ý trả lại nhà cho các nguyên đơn.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 01-01-2002, Toà án nhân dân quận Ba Đình xác định nhà đất trên thuộc sở hữu chung của cụ Kiềm cùng các nguyên đơn. Xử huỷ hợp đồng mua bán nhà giữa cụ Kiềm và vợ chồng bà Đức do vô hiệu; chấp nhận sự tự nguyện của các nguyên đơn cho gia đình bà Đức được sử dụng 2/5 căn nhà, còn 3/5 phải trả lại; buộc các nguyên đơn thanh toán cho bị đơn 43.610.499 đồng, tiền giá trị phần tài sản mà bị đơn đã xây dựng cải tạo sửa chữa nhà (Chia bằng hiện vật theo chiều ngang mặt tiền, một nhà chiều ngang 1,7m, một nhà chiều ngang 1,53m kéo dài vào phía trong).
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 87/DSPT ngày 23-5-2002, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xác định nhà đất trên thuộc sở hữu chung của cụ Kiềm cùng các nguyên đơn. Xử huỷ hợp đồng mua bán nhà giữa cụ Kiềm và vợ chồng bà Đức do vô hiệu; chấp nhận sự tự nguyện của các nguyên đơn cho gia đình bà Đức được sử dụng 2/5 căn nhà, còn 3/5 phải trả lại. Tuy nhiên, theo quan điểm của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thì do các nguyên đơn đã tự nguyện cho bị đơn được sử dụng thêm 1/5 nhà đất, nên không buộc các nguyên đơn thanh toán cho bị đơn số tiền 43.610.499 đồng giá trị phần tài sản mà bị đơn đã xây dựng cải tạo sửa chữa nhà nữa. Vì vậy, đã quyết định sửa lại nội dung này của án sơ thẩm, còn các phần nội dung khác giữ nguyên.
Gia đình bà Đức khiếu nại.
Tại Quyết định kháng nghị số 173/KNDS ngày 11-11-2002, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, đề nghị cấp giám đốc thẩm xử lại theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn với lý do không đủ căn cứ pháp lý để xác định căn nhà thuộc sở hữu chung của các nguyên đơn với cụ Kiềm.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số49/GĐT-DS ngày 24-3-2003, Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định: sửa bản án phúc thẩm số 87/PTDS
ngày 23-5-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn xin huỷ hợp đồng mua bán nhà và đòi nhà cho thuê đối với gia đình bà Nguyễn Thị Đức; xác định nhà đất số 83 Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội có diện tích 65,09m2 thuộc quyền sở hữu của cụ Trần Thị Kiềm; công nhận hợp đồng mua bán nhà số 83 Đội Cấn lập
ngày 04-01-1969 giữa cụ Trần Thị Kiềm và vợ chồng ông Đỗ Văn Chức, bà Nguyễn Thị Đức có hiệu lực; bà Nguyễn Thị Đức được hoàn tất thủ tục theo quy định để được công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
Tại Quyết định kháng nghị số106/KN-VKSTC-V5 ngày 6-10-2003, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số49/GĐT-DS ngày 24-3-2003 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao sửa Quyết định giám đốc thẩm nêu trên và xử giữ nguyên bản án phúc thẩm số 87/DSPT ngày 23-5-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số38/HĐTP-DS ngày 25-12-2003, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quyết định: huỷ Quyết định giám đốc thẩm số49/GĐT-DS ngày 24-3-2003 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao; huỷ bản án phúc thẩm số 87/PTDS ngày 23-5-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội; huỷ bản án sơ thẩm số 03/DSST ngày 11-01-2002 của Toà án nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội điều tra, thu thập, xác minh chứng cứ để xét xử sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/DSST ngày 20-01-2005, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:
1. Xác nhận ngôi nhà 83 Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội nằm trên thửa đất số 100, tờ bản đồ số 01 khu vực Ngọc Hà có diện tích 65,09m2 trị giá 3.584.971.002 đồng (đã trừ phần xây dựng, sửa chữa của gia đình bà Đức) là thuộc đồng sở hữu của 05 người gồm cụ Trần Thị Kiềm, ông Dương Văn Kiên, bà Dương Thị Sắc, bà Dương Thị Hợi và bà Dương Thị Chính.
2. Xác nhận cụ Kiềm được sở hữu 1/5 nhà đất tại 83 Đội Cấn diện tích 13,018m2, có giá trị là 716.994.200 đồng, 04 đồng sở hữu khác là bà Sắc, bà Hợi, ông Kiên, bà Chính được sở hữu 4/5 nhà đất tại 83 phố Đội Cấn, có diện tích 52,072m2, có giá trị 2.867.976.800 đồng.
Bà Dương Thị Chính chết năm 1998 nên phần sở hữu của bà Chính do các thừa kế của bà Chính là chị Loan, anh Mai, anh Phượng, chị Hoà, chị Hợp, chị Huyền, anh Vượng được hưởng.
3. Xác định hợp đồng mua bán nhà 83 Đội Cấn lập ngày 04-01-1969 giữa cụ Trần Thị Kiềm và vợ chồng ông Đỗ Văn Chúc, bà Nguyễn Thị Đức vô hiệu.
4. Xác nhận cụ Trần Thị Kiềm chết 1992, tài sản thuộc quyền sở hữu của cụ Kiềm ngoài 1/5 nhà đất tại 83 Đội Cấn có diện tích 13,018m2 trị giá là 716.994.200 đồng không còn tài sản nào khác.
- Xác định 1/5 nhà đất tại 83 Đội Cấn thuộc sở hữu của cụ Kiềm được thanh toán cho gia đình bà Nguyễn Thị Đức do hợp đồng vô hiệu.
5. Ghi nhận sự tự nguyện của các nguyên đơn là ông Kiên, bà Sắc, bà Hợi và các thừa kế của bà Chính do anh Vượng đại diện đồng ý cho gia đình bà Đức sở hữu thêm 1/5 nhà 83 Đội Cấn có diện tích 13,018m2, trị giá 716.994.200 đồng.
- Gia đình bà Nguyễn Thị Đức được thanh toán hợp đồng vô hiệu và được phía nguyên đơn cho sở hữu thêm tổng cộng là 2/5 nhà 83 Đội Cấn có diện tích 26,036m2 trị giá 1.433.988.400 đồng.
6. Ghi nhận sự tự nguyện của các nguyên đơn không yêu cầu gia đình bà Đức thanh toán giá trị phần nhà đất được sở hữu thêm có diện tích 13,018m2 trị giá 716.994.200 đồng, sau khi đã trừ đi phần nguyên đơn phải thanh toán giá trị giá trị xây dựng, sửa chữa cho gia đình bà Đức là 22.644.829 đồng tại 3/5 diện tích nhà các nguyên đơn được sở hữu.
7. Phần chia bằng hiện vật:
Các diện tích được phân chia tính cả tường, diện tích được chia tầng một được dóng thẳng lên tầng hai và khoảng không phía trên, cụ thể như sau:
a) Các nguyên đơn được sở hữu và sử dụng phần diện tích 3/5 ngôi nhà số 83 Đội Cấn phía bên tay trái đứng từ đường nhìn vào giáp với nhà 85 Đội Cấn, có các diện tích sau:
- Diện tích phòng 1 mặt phố (hai tầng) có chiều rộng giáp hè phố kéo từ tường ngăn với nhà 85 Đội Cấn về phía tay phải là 1,7m, chiều rộng phía trong giáp với diện tích sân là 1,5m, chiều dài căn phòng là 10,4m. Diện tích 16,64m2 trị giá 931.503.839 đồng.
- Diện tích sân giáp với phòng 1 mặt phố có chiều rộng tính từ tường ngăn với nhà 85 Đội Cấn kéo về phía bên tay phải là 1,43m, chiều dài 04m. Diện tích 5,72m2 trị giá 314.917.800 đồng.
- Diện tích tiếp theo (hai tầng) giáp với sân có chiều rộng tính từ tường ngăn với nhà 85 Đội Cấn kéo về phía bên tay phải là 1,44m, chiều dài 3,48m. Diện tích 5,01m2 trị giá 281.329.826 đồng.
- Toàn bộ diện tích bếp còn lại phía trong tầng một lợp tôn có chiều rộng 2,75m, chiều dài 4,22m, diện tích 11,6m2 trị giá 640.990.000 đồng.
- Diện tích ban công tầng hai có chiều rộng 1,7m ´ 0,85m = 1,445m2 có giá trị xây dựng là 427.500 đồng.
- Các nguyên đơn được sở hữu phần giá trị xây dựng nhà nguyên thuỷ là 3.228.936 đồng.
Tổng diện tích các nguyên đơn được sở hữu là 38,97m2 có trị giá 2.172.397.901 đồng (trong đó có 22.644.829 đồng là phần giá trị xây dựng, sửa chữa làm thêm của gia đình bà Đức và 3.228.936 đồng là giá trị xây dựng nguyên thuỷ).
b) Gia đình bà Nguyễn Thị Đức được sở hữu và sử dụng 2/5 diện tích ngôi nhà 83 Đội Cấn phía bên tay phải đứng từ đường nhìn vào giáp nhà 81 Đội Cấn gồm các diện tích sau:
- Diện tích 1 mặt phố (hai tầng) có chiều rộng giáp hè phố kéo từ tường ngăn với nhà 81 phố Đội Cấn về phía bên tay trái là 1,53m, chiều rộng phía trong giáp với diện tích sân là 1,48m, chiều dài căn phòng 10,4m, diện tích 15,652m2 trị giá 876.085.798 đồng.
- Diện tích sân giáp với phòng 1 mặt phố có chiều rộng tính từ tường ngăn với nhà 81 Đội Cấn kéo về bên tay trái là 1,4m, chiều dài 04m, diện tích 5,6m2 và sở hữu khu phụ, vệ sinh, cầu thang do gia đình bà Đức làm. Tổng trị giá là 312.114.790 đồng.
- Diện tích tiếp theo hai tầng giáp với sân có chiều rộng tính từ tường ngăn với nhà 81 Đội Cấn kéo về phía bên tay trái là 1,4m, chiều dài 3,48m, diện tích 4,872m2 trị giá 273.578.314 đồng.
- Phần ban công còn lại tầng hai có giá trị xây dựng 427.500 đồng.
- Gia đình bà Đức được sở hữu các thiết bị tại khu công trình phụ do gia đình bà làm trị giá 6.073.749 đồng.
- Gia đình bà Đức được sở hữu phần giá trị xây dựng nhà nguyên thuỷ là 1.792.130 đồng.
Tổng diện tích nhà đất gia đình bà Đức được sở hữu là 26,036m2 có trị giá 1.470.072.281 đồng (trong đó có 34.797.263 đồng là phần giá trị xây dựng, sửa chữa làm thêm của gia đình bà Đức và 1.792.130 đồng là phần giá trị xây dựng nguyên thuỷ).
8. Các nguyên đơn phải tự làm cầu thang lên tầng hai trong phần diện tích nhà đất được chia sở hữu và sử dụng.
- Gia đình bà Đức phải tự mở lối đi ra sân và cầu thang tại tầng một trong phần diện tích được sở hữu và sử dụng.
- Bức tường xây ngăn nhà đất của mỗi bên nằm trên phần diện tích nhà đất được chia sử dụng.
9. Chấp nhận yêu cầu đòi nhà của các đồng nguyên đơn đối với gia đình bà Nguyễn Thị Đức.
- Buộc gia đình bà Nguyễn Thị Đức gồm những người có tên trong hộ khẩu và ăn ở thường xuyên tại nhà 83 Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội phải trả lại toàn bộ 3/5 diện tích nhà 83 phố Đội Cấn thuộc sở hữu của các nguyên đơn là bà Sắc, bà Hợi, ông Kiên và các thừa kế của bà Chính do anh Vượng đại diện và dọn về 2/5 diện tích nhà 83 Đội Cấn mà gia đình bà Đức được sở hữu và sử dụng.
10. Kiến nghị với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cấp cho vợ chồng anh Sơn, chị Lan ngày 28-4-2000 theo phần diện tích nhà mà các đương sự được sở hữu theo quyết định của Toà án.
11. Bác các yêu cầu khác của các đương sự.
12. Án phí:
- Bà Nguyễn Thị Đức phải chịu 14.608.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Xác nhận bà Đức đã nộp 50.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lai số 1419
ngày 14-01-2002 tại Đội thi hành án quận Ba Đình.
- Hoàn trả các nguyên đơn 50.000 đồng tiền tạm ứng án phí sơ thẩm do ông Kiên nộp tại phiếu thu số 03 quyển 18 ngày 26-4-1994 của Đội thi hành án quận Ba Đình.
- Hoàn trả bà Sắc, bà Hợi, ông Kiên, anh Vượng mỗi người 50.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo các biên lai số 1436, 1437, 1438, 1439 cùng ngày 24-01-2002 tại Đội thi hành án quận Ba Đình.
Án xử công khai sơ thẩm có mặt các đương sự. Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Ngày 21-10-2005 bà Đức có đơn kháng cáo.
Tại Quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm số 165/2005/DSPT
ngày 16-8-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự, ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị Đức; Bản án dân sự sơ thẩm số 06/DSST ngày 20-1-2005 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 16-8-2005 với lý do bà Đức đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm.
Ngày 08-9-2005, bà Nguyễn Thị Đức có đơn khiếu nại.
Tại Quyết định kháng nghị số12/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 13-3-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm số 165/2005/DSPT ngày 16-8-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử huỷ quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, với lý do:
Ngày 20-7-2005 bà Nguyễn Thị Đức có đơn xin hoãn phiên toà phúc thẩm, vì ngày xét xử phúc thẩm trùng với ngày hy sinh của con trai bà, Toà án đã chấp nhận đề nghị của bà và đã ra quyết định hoãn phiên toà. Khi Toà án triệu tập phiên toà phúc thẩm lần thứ 2 vào ngày 16-8-2005 thì ngày 14-8-2005, bà Đức đã có đơn xin hoãn phiên toà với lý do bị ốm nên không thể tham dự phiên toà, cũng không uỷ quyền cho ai được và đề nghị cho hoãn phiên toà để xét xử vào thời gian khác. Kiểm sát viên đã xác minh những nội dung mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Xinh nêu và các chứng cứ khác liên quan đến lý do bà Đức không đến được phiên toà lần thứ hai, thì thấy vào thời gian xét xử phúc thẩm, bà Đức có đủ tài liệu là đã bị ốm nên không thể đến được phiên toà và cũng không uỷ quyền cho người khác, vì bà muốn được trực tiếp trình bày các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án. Nhưng Toà án cấp phúc thẩm đã chỉ căn cứ vào khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, mà không tính đến quyền được trình bày chứng cứ của bị đơn trong một vụ án rất phức tạp về việc xem xét, đánh giá chứng cứ và hơn nữa, quá trình giải quyết đã có ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Lẽ ra trong trường hợp này Toà án cấp phúc thẩm cần hoãn phiên toà phúc thẩm, tạo điều kiện cho bị đơn có cơ hội trực tiếp bảo vệ quyền lợi của mình, mới đảm bảo giải quyết triệt để yêu cầu khiếu nại của đương sự.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Xinh cũng đã chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về một số chứng cứ mà Toà án các cấp đã sử dụng khi xét xử liên quan đến việc quản lý, sở hữu nhà số 83 Đội Cấn do cơ quan quản lý nhà đất thành phố Hà Nội cung cấp cho Toà chưa rõ ràng, đặc biệt là nguồn gốc của bản tài liệu tiếng Pháp. Trên cơ sở chất vấn của Đại biểu Quốc hội và xác minh của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thấy cần phải có phiên toà xét xử phúc thẩm để các bên đương sự trình bày rõ thêm về nguồn gốc, quá trình mua bán và quản lý, sử dụng nhà 83 Đội Cấn.
Tại phiên toà giám đốc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm như kháng nghị nêu trên.
XÉT THẤY:
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 21-01-2005 bà Nguyễn Thị Đức có đơn kháng cáo hợp lệ và nộp dự phí kháng cáo cùng ngày. Ngày 26-4-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm theo thẩm quyền. Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã hai lần mở phiên toà phúc thẩm vào các ngày 21-7-2005 và 16-8-2005, nhưng cả hai lần bà Nguyễn Thị Đức đều vắng mặt. Qua các biên bản bàn giao giấy triệu tập tham gia phiên toà phúc thẩm và nội dung thể hiện trong các đơn xin hoãn phiên toà của bà Nguyễn Thị Đức gửi Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội vào các ngày 20-7-2005 và ngày 14-8-2005, có căn cứ để xác định Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã giao cho bà Nguyễn Thị Đức các giấy triệu tập tham gia phiên toà phúc thẩm là hợp lệ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 258 Bộ luật tố tụng dân sự, thì đối với vụ án này, trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án Toà án cấp phúc thẩm phải ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và gửi Quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Thực tế Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội không ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo quy định nêu trên, nhưng vẫn mở phiên toà phúc thẩm, đồng thời ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị Đức là không thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng.
Mặt khác, vụ án này đã qua nhiều lần xét xử nhưng còn có quan điểm không thống nhất trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ; sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn có khiếu nại, trong đó đưa ra nhiều căn cứ chứng minh án sơ thẩm giải quyết chưa đúng pháp luật. Để giải quyết vụ án đúng pháp luật cả về nội dung và thủ tục tố tụng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, cần thiết phải được xem xét, đánh giá chứng cứ lại một cách thận trọng, khách quan, toàn diện. Toà án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào khoản 2 Điều 266 mà bỏ qua quy định tại Điều 258 Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ việc xét xử phúc thẩm và tuyên bố bản án dân sự sơ thẩm có hiệu lực là chưa xem xét toàn diện các yêu cầu, thực tế khách quan để giải quyết vụ án này theo đúng quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và khoản 3 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự;
QUYẾT ĐỊNH:
1. Huỷ Quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm số 165/2005/DSPT ngày 16-8-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đối với vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà và đòi nhà cho thuê giữa nguyên đơn là các ông bà Dương Thị Sắc, Dương Thị Hợi, Dương Văn Kiên, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Xuân Phương, Nguyễn Thị Hoà, Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Thị Thu Huyền và Nguyễn Xuân Vượng với bị đơn là bà Nguyễn Thị Đức.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ quyết định phúc thẩm:
1. Toà án cấp phúc thẩm quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm trong khi không thực hiện đúng quy định tại Điều 258 của Bộ luật tố tụng dân sự về việc ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm;
2. Cần xem xét, đánh giá lại các tài liệu, chứng cứ của vụ án.
- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ quyết định phúc thẩm:
1. Thiếu sót trong việc vận dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về việc ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và đình chỉ xét xử phúc thẩm;
2. Thiếu sót trong việc đánh giá chứng cứ.