Số hiệu
|
09/2005/HĐTP-HS
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm số09/2005/HĐTP-HS Ngày 25-4-2005 Về vụ án Nguyễn Duy Dziễm phạm tội “Đánh bạc”
|
Ngày ban hành
|
25/04/2005
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
Quyết định giám đốc thẩm số09/2005/HĐTP-HS
Ngày 25-4-2005 Về vụ án Nguyễn Duy Dziễm
phạm tội “Đánh bạc”
Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
...
Ngày 25 tháng 4 năm 2005 tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
Nguyễn Duy Dziễm (tức Tèo) sinh năm 1973; trú tại: B416/55 Đoàn Văn Bơ, phường 18, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: thợ sơn; con ông Nguyễn Duy Hiển và bà Nguyễn Thị Bé (đều đã chết); có 01 vợ và 01 con (sinh năm 2003).
(Trong vụ án này còn có Đỗ Văn Quang, Phan Minh Hải đều bị kết án về tội “Tổ chức đánh bạc”; riêng Đỗ Văn Quang còn bị kết án về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”; Nguyễn Thị Sang, Đặng Quốc Dũng, Lê Thanh Hải đều bị kết án về tội “Đánh bạc”).
Nhận thấy:
Đỗ Văn Quang tổ chức thầu đề từ tháng 5-2002 đến tháng 7-2002 thì ngừng vì liên tục bị thua lỗ. Trong thời gian này, Đặng Quốc Dũng và Nguyễn Duy Dziễm đi ghi đề sau đó giao lại cho Quang tiền phơi từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/1 ngày và hưởng hoa hồng là 3% tiền phơi. Sau khi Quang ngừng ghi đề, do có sự nhắc nhở của Công an phường nên Dũng và Dziễm cũng không tiếp tục ghi đề nữa. Được Công an phường cảm hoá nên Dziễm đồng ý hợp tác theo dõi về thời gian, địa điểm nhận phơi đề của Quang để cung cấp cho cơ quan chức năng.
Từ tháng 11-2002, Quang thầu đề trở lại và bắt đầu nhận phơi đề của Nguyễn Thị Sang và Lê Minh Hải. Hàng ngày, Sang ghi đề sau đó giao cho Quang tiền phơi mỗi ngày từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng; Lê Minh Hải ghi đề và giao phơi cho Quang từ 400.000 đồng đến 1.500.000 đồng tiền phơi mỗi ngày.
Trong suốt quá trình thầu đề, Quang còn thuê Phan Minh Hải đi nhận phơi đề, giao nhận tiền đề với các đối tượng ghi đề. Hàng tháng Quang trả cho Trần Minh Hải 500.000 đồng tiền công và cho thẻ điện thoại di động để liên lạc phục vụ việc thầu đề.
Ngày 05-12-2002, được Dziễm cung cấp thông tin, cơ quan Công an đã tổ chức bắt quả tang Sang giao phơi đề cho Quang tại nhà Quang.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 228/HSST ngày 19-02-2004, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh áp dụng điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 248; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự xử phạt Nguyễn Duy Dziễm 02 (hai) năm tù về tội “Đánh bạc” và phạt tiền 3.000.000 đồng.
Ngày 20-02-2004, Dziễm kháng cáo xin được hưởng án treo hoặc xin được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1013/HSPT ngày 28-4-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số05/2005/HS-TK ngày 15-3-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ phần quyết định về hình phạt đối với Nguyễn Duy Dziễm tại bản án hình sự phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo hướng cho Nguyễn Duy Dziễm được hưởng án treo.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
xét thấy:
Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Nguyễn Duy Dziễm về tội “Đánh bạc” là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chỉ xác định bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, hoàn cảnh gia đình khó khăn là chưa đầy đủ. Bản thân bị cáo đã tự nguyện chấm dứt việc ghi đề khi được nhắc nhở và đã giúp cơ quan điều tra phát hiện, bắt giữ đường dây “thầu đề” do Đỗ Văn Quang cầm đầu. Mặc dù Nguyễn Duy Dziễm đã làm đơn kháng cáo và có xác nhận của cơ quan Công an về việc Dziễm lập thành tích tố giác tội phạm để gửi đến Toà án cấp phúc thẩm, nhưng khi xét xử phúc thẩm Toà án cấp phúc thẩm bỏ qua tình tiết giảm nhẹ này đối với bị cáo là thiếu sót. Căn cứ vào nhân thân của bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần phải bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù mà có thể cho bị cáo hưởng án treo cũng có tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;
Quyết định:
Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1013/HSPT ngày 28-4-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về phần quyết định hình phạt đối với Nguyễn Duy Dziễm; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án hình sự phúc thẩm:
Khi quyết định hình phạt Toà án các cấp xác định các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo chưa đầy đủ, từ đó bỏ qua tình tiết giảm nhẹ của bị cáo là thiếu sót.
- Nguyên nhân huỷ bản án hình sự phúc thẩm:
Thiếu sót trong việc vận dụng các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 28/05/2013 04:17:59 CH