Quyết định giám đốc thẩm số 07/2008/KDTM-GĐT ngày 20-6-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng

Chủ đề   RSS   
  • #264096 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 07/2008/KDTM-GĐT ngày 20-6-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng

    Số hiệu

    07/2008/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số07/2008/KDTM-GĐT ngày 20-6-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng

    Ngày ban hành

    20/06/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

     

    Quyết định giám đốc thẩm số07/2008/KDTM-GĐT ngày 20-6-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng

    HỢP ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO


                Ngày 20 tháng 6 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân  dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa:

                Nguyên đơn: Tổng công ty xây dựng đường thủy (VINAWACO) có trụ sở tại 40 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; do  ông Nguyễn Huy Hiền đại diện theo giấy ủy quyền số 440/UQ ngày 16-5-2006 của Tổng Giám đốc Lưu Đình Tiến.

                Bị đơn: Công ty liên doanh xi măng Holcim Việt Nam(MSC) có trụ sở tại 2A-4A Tôn Đức Thắng, quận I, thành phố Hồ Chí Minh; do ông Bùi Quang Nghiêm đại diện theo giấy ủy quyền ngày 08-4-2008 của Tổng Giám đốc Martin Foreman.

                Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Dredging International N.V (DI) có trụ sở tại: Haven 1025, Schededijk 30Zwijndrecht, Belgium (Bỉ); có văn phòng đại diện tại Việt Nam; phòng 510, khác sạn Guoman, số 83A Lý Thường Kiệt, Hà Nội, do ông Đặng Ngọc Châu đại diện theo giấy ủy quyền ngày 13-4-2004 của Giám đốc Christian Van Meerbeeck.

    NHẬN THẤY:

                1.Tại các đơn khởi kiện đề ngày 15-3-2000, 30-3-2001 và trong quá trình giải quyết vụ án VINAWACO trình bày:

                1.1.Về chi phí phát sinh do hỏng hóc, hao mòn máy móc và kéo dài thời gian thi công (2.866.650USD):

                Ngày 20-5-1995, VINAWACO ký hợp đồng thi công xây dựng  “Đào, nạo vét kênh và xây cảng” với MSC (gọi tắt là hợp đồng thầu chính – BL109-12;814-728) để thực hiện việc đào một luồng tàu (kênh dẫn dài khoảng 15,6 km và vũng quay tàu cho tàu biển vào lấy hàng và chuyên trở vật liệu.

                Ngày 20-5-1995, VINAWACO ký hợp đồng thầu phụ số DI/95/VN/001 (BL.915-9080) với Công ty Dredging International N.V. (viết tắt là DI) để thực hiện đào, nạo vét vũng quay tàu và 4,5 km đường luồng bắt đầu từ vũng quay tàu ra biển. Hợp đồng thầu phụ này đã được MSC chấp nhận theo đúng quy định tại Điều 4.1 của hợp đồng thầu chính (BL.103).

                Ngày 15-11-1995, DI bắt đầu thi công, đang thực hiện thì hệ thống thiết bị đào kênh vấp vào đá ong và san hô. Điều này trái với thông tin về khảo sát địa chất tại văn bản S572/94/4 do MSC cung cấp để làm cơ sở cho dự thầu, ký hợp đồng (theo bản báo cáo này, lớp địa chất của công trình không có đá, sỏi. VINAWACO và DI đã báo giá ký hợp đồng cũng như đưa các thiết bị chuyên  dùng thích hợp với đất sét mềm không có đá sỏi, đến hiện trường để thi công – BL.439-441; 402-406).

                Ngày 05-3-1996, VINAWACO đã gửi bản khiếu nại số 1 đến MSC (BL.240-238; 1517), yêu cầu được trả thêm chi phí do thiết bị hao mòn, hư hỏng, chi phí bảo trì, sửa chữa gia tăng cũng như năng suất giảm, thời gian thi công kéo dài và chi phí do vận chuyển phụ trội  từ nguyên  nhân địa chất nêu trên.

                Ngày 01-4-1996, đại diện MSC, VINAWACO và DI họp tại Hà Nội để giải quyết khiếu nại. Sau cuộc họp này, VINAWACO đề nghị với MSC chấp nhận sáng kiến của DI, cùng chỉ đinh giám định  viên độc lập để giám định trị giá tổn thất xảy ra  do địa chất công trình có đá, sỏi.

                Ngày 25-3-1996, VINAWACO thông báo cho MSC biết thiết bị của mình không thể thi công được loại địa chất của công trình và đề nghị ký tiếp hợp đồng với DI với  tư cách là nhà thầu phụ , đồng thời yêu cầu điều chỉnh lại giá hợp đồng lên  thành 2,97USD/m3  cho phù hợp với điều kiện thi công mới (BL.245-242) để thực hiện nốt phần luồng bên ngoài (khoảng 11,1 km –BL 1113).

                Ngày 02-4-1996, với sự đồng ý của MSC, VINAWACO và DI thỏa thuận ký phụ lục số 01 (BL.893-888), theo đó DI sẽ dùng thiết bị Rubens để đào thủ đoạn luồng bên ngoài. “Trong thời gian thử nghiệm, tất cả các bên bao gồm DI, VINAWACO, MSC sẽ giám sát các hoạt động nạo vét”. “Báo cáo nạo vét thử nghiệm  sẽ tạo cơ sở để thiết lập các điều kiện cho các công trình còn lại”. “Nếu tàu Rubens gặp phải  đá ong, sỏi hoặc những  thứ tương tự gây ra mòn – hỏng quá mức cho thiết bị nạo vét, thì chi phí phụ trội sẽ được một chuyên gia khảo sát độc lập xác định” (BL.892).

                Sau khi DI hoàn tất giai đoạn thử nghiệm đoạn luồng bên ngoài theo phụ lục số 01 ngày 09-5-1996, với sự đồng ý của MSC, VINAWACO và DI ký phụ lục số 02 (BL.899-894). Theo đó, DI thi công đoạn còn lại với đơn giá là 2,20USD/m3. “Nếu tàu Rubens gặp phải đá ong, cuộc hoặc những thứ tương tự, gây ra mòn hỏng quá mức cho thiết bị nạo vét thì chi phí phụ trội sẽ cho chuyên gia/ khảo sát viên độc lập xác định. Các chi phí này phải được  đưa vào khiếu nại có thể nếu các điều kiện đất không dự kiến trước được” (BL.898). “MSC công nhận phụ lục này và chấp nhận các điều khoản, điều kiện và việc thanh toán cho các phần việc này” (BL.897).

                Quá trình thi công vẫn gặp phải lớp đất có đá ong sỏi. Ngày 27-6-1996, VINAWACO gửi khiếu nại số 02 cho rằng do hư hỏng máy móc và tăng thêm thời gian và khối lượng thi công, làm cho chi phí tăng và đẩy giá thành lên 2,97USD/m3.

                Ngày 12-7-1996,MSC chỉ định Xí nghiệp khảo sát xây dựng số 4, thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt là CSE4-BL.1494) và DI chỉ định Công ty Van Woerkom, Nobels & Ten Veen (viết tắt là WT) làm giám định viên độc lập để cùng giám định sự việc và tổn thất xảy ra cho DI.

                Ngày 19-7-1996, công trình được hoàn tất,các bên ký biên bản nghiệm thu, bàn giao và MSC đã đưa công trình vào sử dụng. Ngày 25-7-1996, VINAWACO và DI ký biên bản nghiệm thu theo hợp đồng thầu phụ (BL.296-297).

                Ngày 29-7-1996, các giám định viên cùng với MSC, VINAWACO và DI họp tại Hòn Chông, Kiên Giang để tiến hành việc thực hiện giám định (BL.298-304). Nhưng, đến ngày 03-8-1996, CSE4 rút lui do không có thiết bị chuyên dùng (BL.309,310). Tại hiện trường chỉ còn WT tiếp tục công việc giám định.

                Ngày 15-11-1996, WT hoàn tât bản báo cáo giám định (BL.994-997 và 956-942) và gửi cho các bên. Bản báo cáo đã xác định chi phí thực tế tăng thêm do các thiết bị gặp phải lớp đất có nhiều đá và sỏi là 2.866.650USD.

                Ngày 28-5-1996, VINAWACO gửi văn bản yêu cầu thanh toán số tiền chi phí tăng thêm là 2.866.650 USD.

                Sau khi công trình hoàn tất, các bên vẫn tiếp tục thương lượng. MSC hứa sẽ giải quyết. Ngày 213-1998,MSC yêu cầu DI bổ túc thêm hồ sơ (BL.419-418); ngày 30-11-1998, MSC mời các bên họp tại thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết nhưng không thống nhất được với nhau (BL.1793-1787).

                Ngày 12-7-1999, VINAWACO lại gửi văn bản yêu cầu MSC thanh toán chi phí tăng thêm (BL.433). Ngày 22-9-1999, MSC gửi văn bản cho VINAWACO, chính thức từ chối thanh toán số tiền phát sinh trên (BL.435-434).

                Nguyên đơn yêu cầu buộc MSC phải thanh toán chi phí tăng thêm là 2.866.650USD và tiền lãi do chậm trả, theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trên tổng số tiền chậm thanh toán trên.

                1.2.Về 900.000USD chi  phí nạo vét bổ sung khối lượng sa bồi phát sinh:

                Ngày 08-12-1997, MSC có văn bản số 587/XMSM yêu cầu VINAWACO nạo vét lại vũng quay tàu và luồng vào do có sa bồi (BL.1159-1158). Ngày 17-12-1997, hai bên có văn bản thống nhất về thời gian và cách thức thực hiện việc nạo vét bổ sung này (BL.408,409).

                Công việc nạo vét được thực hiện từ ngày 02-01-1998 đến ngày 22-3-1998, MSC đã tiến hành đo đạc nghiệm thu (BL.415-417).

                Ngày 20-7-1998, VINAWACO yêu cầu MSC thanh toán tiền nạo vét duy tu 1.000.000USD (BL.422-426). Tại cuộc họp ngày 11-12-1998, VINAWACO giảm yêu cầu thanh toán xuống còn 900.000USD, nhưng MSC chỉ chấp nhận 691.000USD (BL.430-431).

                Nguyên đơn yêu cầu buộc MSC phải thanh toán số tiền nạo vét duy tu 900.000USD và tiền lãi chậm trả của số tiền này (BL.528).

                2.Bị đơn (MSC) trình bày:

                2.1.Về chi phí phát sinh do hỏng hóc, hao mòn và kéo dài thời gian thi công (2.866.650USD):

                MSC không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn và phản bác như sau:

                +VINAWACO không bị thiệt hại, đây là thiệt hại của nhà thầu phụ DI, VINAWACO chưa bồi thường cho DI và chưa  có phán quyết của cơ quan tài phán nào buộc VINAWACO phải bồi thường cho DI (BL.829). 

                +Sự tồn tại của đá ong không phải là trở ngại hoặc điều kiện vật chất không tiên liệu được đối với VINAWACO (BL.828) vì: Báo cáo địa chất S572/94/4 (BL.724) và Sổ tay tiêu chuẩn thiết kế công trình đã thông báo rõ sự tồn tại của đá ong (BL.723); báo cáo phương pháp thi công của chính VINAWACO cũng ghi rõ có đá ong (BL.722).

                +MSC không bị ràng buộc bởi các điều khoản của phụ lục 01 và phụ lục 02 của hợp đồng thầu phụ ký giữa VINAWACO với DI vì MSC không phải là bên tham gia ký kết phụ lục 01 và 02 này, đây là hai văn bản được ký kết và chỉ điều chỉnh quan hệ giữa Nhà thầu chính VINAWACO và nhà thầu phụ DI mà thôi; MSC ký vào phụ lục 01 và 02 theo quy định tại Điều 4.1 và 4.2 của hợp đồng thầu chính, chữ ký của MSC thể hiện sự chấp thuận của MSC, rằng MSC có biết đến các văn bản này giữa Nhà thầu chính và Nhà thầu phụ (BL.826); nội dung của báo cáo giám định mà DI đưa ra không khách quan, việc chỉ định giám định không đúng quy định của hợp đồng thầu chính, chỉ do phía DI đưa ra; nội dung không phù hợp với các quy định của hợp đồng thầu chính (BL.825).

                2.2.Về 900.000USD chi  phí nạo vét bổ sung khối lượng sa bồi phát sinh:

                Ngày 08-12-1997, MSC có văn bản số 587/XMSM (BL.1159-1158) yêu cầu VINAWACO nạo vét bảo hành trước khi  tiến hành nghiệm thu bàn giao kết thúc công trình 8A. Ngày 17-12-1997, MSC và VINAWACO họp bàn về nạo vét trong thời hạn trách nhiệm sai sót (Bl.408,409). VINAWACO đã tiến hành nạo vét lại do việc thi công nạo vét của VINAWACO chưa đạt chiều sâu của thiết kế. Ngay từ ngày 19-4-1996, MSC đã có thư thông báo cho VINAWACO về việc này (BL.1152). Vì vậy, công việc nạo vét đầu vào năm 1998 chỉ đơn thuần là công việc bảo hành, sửa chữa sai sót mà VINAWACO phải thực hiện trong thời hạn trách nhiệm sai sót 540 ngày theo hợp đồng thầu chính, chứ không phải là công việc phát sinh thêm, không có dự toán, không có thông báo khiếu nại và yêu cầu thanh toán của VINAWACO được nộp trong thời hạn 14 ngày, kể từ ngày hoàn tất công việc (BL.829). Do vậy, đề nghị bác các yêu cầu của VINAWACO.

                3.Người có quyền  lợi, nghĩa vụ liên quan (DI): Thống nhất hoàn toàn như trình bày của Nguyên đơn.

                -Tại bản án dân sự sơ thẩm số 2032/DSST ngày 11-11-2002 (BL.566-555), Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh  đã xử:

                Chấp nhận một phần yêu cầu của VINAWACO, buộc MSC thanh toán cho VINAWACO các khoản:

                “...900.000 Mỹ kim là chi phí nạo vét bổ sung.

                +2.866.650 Mỹ kim là tiền bồi thường...”

                -Tại bản án dân sự phúc thẩm số 270/DSPT ngày 27-8-2003 (BL.1261-1252), Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại  thành phố Hồ Chí Minh đã xử:

                “...Hủy phần...900.000USD chi phí nạo vét bổ sung và 2.866.650 USD tiền bồi thường...”giao Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo tố tụng kinh tế...

                -Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 291/KTST ngày 13-12-2004 (BL.1850-1841), Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xử:

                “...Buộc Công ty liên doanh xi măng Holcim Việt Nam phải trả cho Tổng Công ty xây dựng đường  thủy số tiền nợ theo hợp đồng là 3.766.650USD (gồm có chi phí phát sinh do hỏng hóc, hao mòn máy móc và kéo dài thời gian thi công 2.866.650 USD và chi phí nạo vét khối lượng sa bồi phát sinh là 900.000 USD)...”

                -Tại bản án phúc thẩm số 25/KTPT ngày  30-3-2005 (BL.1912-1903), Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xử:

                Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 291/KTST ngày 13-12-2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh “ để cho tiến hành giám định lại”.

                Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số342/2006/KDTM-ST ngày 12-7-2006 (BL.2077-2068), Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xử:

                “Bác bỏ toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đòi Công ty liên doanh xi măng Holcim Việt Nam phải thanh  toán chi phí phát sinh  do hỏng hóc, hao mòn máy móc và kéo dài thời gian thi công 2.866.650USD; chi phí nạo vét khối lượng sa bồi phát sinh 900.000USD”

                Sau khi có bản án sơ thẩm, cả VINAWACO và DI đều có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung của bản án sơ thẩm.

                Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số04/2007/KDTM-PT ngày 17-1-2007 (BL.2141-1-2134), Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xử:

                Bác kháng cáo của VINAWACO và DI, giử nguyên bản án sơ thẩm.

                Ngày 22-7-2007, VINAWACO có đơn khiếu nại đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số04/2007/KDTM-PT ngày 17-01-2007 và bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số342/2006/KDTM-ST ngày 12-07-2006.

                Ngày 10-12-2007, tại quyết định số 20/QĐ/KNGĐT-V12, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số04/2007/KDTM-PT ngày 17-01-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án  nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm  số342/2006/KDTM-ST ngày 12-7-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và bản án kinh doanh thương mại  phúc thẩm số04/2007/KDTM-PT ngày 17-01-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giao hồ sơ vụ án về giải quyết lại từ sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

                1.Về chi phí phát sinh do hỏng hóc, hao mòn máy móc và kéo dài thời gian thi công (2.866.650USD):

                Ngay trong quá trình tiến hành nạo vét, VINAWACO đã gửi khiếu nại số 01 ngày 05-3-1996 (BL.238) và khiếu nại số 02 ngày 27-6-1996 (BL.274). MSC đã tổ chức các cuộc họp để giải quyết mà không có văn bản từ chối bồi thường; ngày 15-11-1996 WT công bố kết quả giám định và xác định chi phí phát sinh do hỏng hóc, hao mòn máy móc và kéo dài thời gian thi công là 2.866.650USD; Ngày 28-11-1996, VINAWACO gửi văn bản yêu cầu thanh toán chi phí tăng thêm là 2.866.650USD,MSC vẫn không từ chối.

                Các bên tiến hành thương lượng về chi phí tăng thêm. Ngày 21-3-1998, MSC yêu cầu bổ túc thêm hồ sơ. Ngày 30-11-1998, các bên đã họp bàn tại thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết yêu cầu chi phí tăng thêm, nhưng không đi đến thống nhất.

                Ngày 12-7-1999, VINAWACO lại gửi văn bản yêu cầu MSC thanh toán chi phí tăng thêm. Ngày 22-9-1999, MSC có văn bản chính thức từ chối thanh toán số tiền phát sinh trên.

                Do vậy, tại bản án sơ thẩm số 291/KTST ngày 13-12-2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xác định thời điểm phát sinh tranh chấp là ngày 22-9-1999, tính đến ngày khởi kiện (15-3-2000) thì thời hiệu khởi kiện theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế vẫn còn. Nhận định này là có căn cứ và đúng pháp luật.

                VINAWACO giao toàn bộ việc nạo vét cho DI bằng hợp đồng thầu phụ và hai phụ lục số 01 và 02 đã được MSC đồng ý chấp thuận và cam kết “....công  nhận phụ lục này và chấp nhận các điều khoản, điều kiện và việc thanh toán cho các phần việc này”.

                Trong cả hai bản phụ lục này đều ghi nhận điều kiện: Ngoài việc thanh toán theo đơn giá trong phục lục (55.500USD/ngày và 2,20USD/m3), DI còn được thanh toán thêm chi phí phụ trội do mòn hỏng quá mức của thiết bị nạo vét nếu gặp phải đá ong, cuội hoặc những thứ tương tự. Chi phí phụ trội này sẽ do chuyên gia hoặc khảo sát viên độc lập xác định (BL.892 và 898). MSC chấp nhận đơn giá 2,20USD/m3  đi kèm với điều kiện này theo đơn giá là 2,97/m3 như VINAWACO đưa ra tại văn bản ngày 25-3-1996 (BL.245-242).

                Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không xác định đúng trách nhiệm của MSC trong việc thực hiện phụ lục số 01 và 02, mà cho là phụ lục 01 và 02 chỉ đơn thuần là sự thỏa thuận giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ, ông Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Anh không được ủy quyền đại diện cho MSC ký vào hai phụ lục này. Nhận định này là không đúng vì là do có chấp nhận như cam kết mà ông Nguyễn Ngọc Anh đã ký thì DI mới thực hiện và trong quá trình thực hiện các phụ lục này MSC không khiếu nại gì.

                Do vậy, phải coi các phụ lục hợp đồng thầu phụ là thỏa thuận giữa ba bên MSC, VINAWACO và DI và cả ba bên đều có trách nhiệm, nghĩa vụ thi hành các thỏa thuận đã ký trong các phụ lục.

                Trong quá trình thi công nạo vét DI và VINAWACO đã có khiếu nại số 01 (BL.238; 1517) ngày 05-3-1996 gửi MSC. Sau khi nhận khiếu nại số 01 của VINAWACO, không có bất kỳ một hoạt động giải quyết nào của kỹ sư như quy định tại Điều 12.2 của hợp đồng thầu chính mà ngày 01-4-1996 đại diện của cả ba bên đã họp bàn giải quyết khiếu nại. Theo VINAWACO (BL.257-252) và sự xác nhận của ông Donald. L. Mallinson – Trưởng dự án của MSC (BL.1779), từ cuộc họp của MSC, VINAWACO và DI tại Hà Nội ngày 01-4-1996 các bên đều thống nhất cùng chỉ định giám định viên độc lập để giám định tổn thất theo  khiếu nại số 01 Việc chỉ định giám định viên độc lập là do ý nguyện và lựa chọn của các bên, không bên nào ép buộc bên nào; ngay sau đó ba bên ký phụ lục số 01 ngày 02-4-1996 và phụ lục số 02  ngày 09-5-1996 của hợp đồng thầu phụ.

                MSC đã chỉ định chuyên gia khảo sát độc lập của mình là CSE4 (BL.1497-1494). Sau khi CSE4 rút lui, MSC không chỉ định chuyên gia khảo sát nào khác và cũng không phản đối việc giám định của WT do VINAWACO chỉ định và MSC đã cử đại diện của mình giám sát việc lấy mẫu của WT để làm giám  định. Sau khi WT công bố kết quả giám định, MSC không phản đối cũng không  đưa ra được các chứng cứ chứng minh kết quả giám định đó là không khách quan, không chính xác. Hiệp hội quốc tế các Công ty nạo vét (IADC) cũng xác nhận “Van Woerkom, Nobels & Ten Veen là các giám định viên và chuyên gia quốc tế độc lập nổi tiếng, có đủ chuyên môn và thẩm quyền đánh giá việc hao mòn thiết bị nạo vét” (BL.1171).

                Vì vậy, phải coi kết quả giám định của WT là căn cứ để giải quyết các khiếu nại số 01 và 02. Tuy nhiên, Tòa án các cấp chưa tham khảo ý kiến của Bộ giao thông vận tải , các chuyên gia, Hội đồng kỹ thuật, đánh giá thẩm định cách tính kết quả giám định của WT để xác định thiệt hại thực tế và giải quyết vụ án đúng pháp luật. Thiếu sót này cần khắc phục khi giải quyết lại vụ án.

                Tòa án cấp phúc thẩm cho là các thiệt hại về hao mòn quá mức máy móc, thiết bị là có thật, nhưng thuộc về DI chứ không phải của VINAWACO, cho đến nay chưa có một phán quyết nào của cơ quan có thẩm quyền buộc VINAWACO phải bồi thường cho DI (BL.2135), nên MSC không có trách nhiệm bồi thường cho VINAWACO. Nhận định này của Tòa án cấp phúc thẩm là không đúng với quy định tại Điều 4.1 và Điều 4.3 của hợp đồng thầu chính.Theo đó,trách nhiệm được xác định trực tiếp giữa Chủ đầu tư với nhà thầu chính cho dù Chủ đầu tư đồng ý cho Nhà thầu chính giao thầu lại cho Nhà thầu phụ. Trách nhiệm của Nhà thầu chính với các nhà thầu phụ là độc lập. Nhà thầu phụ yêu cầu, đòi nhà thầu chính như thế nào là quyền của nhà thầu phụ.

                2.Về  900.000USD chi phí nạo vét bổ sung khối lượng phù sa bồi phát sinh

                -Việc đào, nạo vét luồng, vũng quay tàu theo hợp đồng thầu chính đã hoàn tất,các bên đã nghiệm thu, bàn giao và MSC đã đưa công trình vào hoạt động từ ngày 19-7-1996 và không bên nào có thắc mắc gì về chất lượng công trình (khiếu nại của MSC ngày 19-4-1996 đã được giải quyết nên sau đó ba tháng – ngày 19-7-1996, MSC đã đo đạc, nghiệm thu). Công trình không bị sai sót theo thiết kế nên không có việc “khắc phục sai sót”. Sau khi nhận được văn bản số 587/XMSM ngày 08-12-1997 của MSC (BL.1159-1158), yêu cầu nạo vét do có sa bồi, ngày 17-12-1997 VINAWACO và MSC đã họp bàn thống nhất về thời gian và cách thức thực hiện (BL.408,409). Các bên không có thỏa thuận về giá cả, phương thức thanh toán.Công việc nạo vét được thực hiện từ 02-01-1998 đến ngày 22-3-1998.Đây là một giao dịch dân sự đã được thực hiện, hai bên đang trao đổi , thanh toán.Tại cuôc họp ngày 11-12-1998, MSC cũng đã chấp nhận thanh toána 691.000USD (BL.430-431).Các bên chỉ tranh chấp thanh toán .Khi  các bên không tự giải  quyết được thì Tòa án phải quyết định trên cơ sở xác định khối lượng công việc và đơn giá theo quy định tại thời điểm thực hiện , có tham khảo khối lượng và chi phí nạo vét sa bồi hàng năm của MSC với luồng và vũng quay tàu này.

                Bởi các lẽ, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297; khoản 1,2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

               

    QUYẾT ĐỊNH:

                1.Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số342/2006/KDTM-ST ngày 12-7-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số04/2007/KKDTM-PT ngày 17-01-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

                2.Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại từ sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

                Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

                Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã không xem xét đầy đủ hợp đồng thầu chính và các phụ lục hợp đồng nên đã giải quyết vụ án không đúng.

     

     
    4322 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận