Số hiệu
|
04/2006/HS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm số04/2006/hs-gđt ngày 03-4-2006 về vụ án nguyễn xuân bính phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
|
Ngày ban hành
|
03/04/2006
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ04/2006/HS-GĐT NGÀY VỀ VỤ ÁN NGUYỄN XUÂN BÍNH
PHẠM TỘI “LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN”
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 03 tháng 4 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
Nguyễn Xuân Bính sinh năm 1944 tại Lĩnh Nam, Thanh Trì, Hà Nội; trú tại 92/19/16 Huỳnh Khương An, phường 5, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh; con ông Nguyễn Văn Vọng và bà Lê Thị Kiến (đều đã chết); có vợ và 08 con; bị bắt giam ngày 20-7-2002.
NHẬN THẤY:
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1934/HSPT ngày 16-12-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; các điểm b, p và s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 51 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Xuân Bính 10 (mười) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp với hình phạt 15 (mười lăm) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại bản án hình sự phúc thẩm số 1888/HSPT ngày 23-11-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội; buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 25 (hai mươi lăm) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 20-7-2002.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 01/HSST ngày 13-4-2005 (được đính chính theo Công văn đính chính số 117/ĐCBA – TA ngày 03-11-2005), Toà án quân sự quân khu thủ đô Hà Nội áp dụng khoản 1 Điều 181; điểm g khoản 1 Điều 48; các điểm b, p và s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 50; Điều 51 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Xuân Bính 02 (hai) năm tù về tội “Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả”; tổng hợp với hình phạt với 25 (hai mươi lăm) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại bản án hình sự phúc thẩm số 1934/HSPT ngày 16-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội; buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 27 (hai mươi bảy) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 20-7-2002.
Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nên đã có hiệu lực pháp luật.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 520/2005 ngày 17-5-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; các điểm b, p, và s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 42; Điều 47; khoản 1 Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Xuân Bính 13 (mười ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp với hình phạt 25 (hai mươi lăm) năm tù tại bản án hình sự phúc thẩm số 1934/HSPT ngày 16-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội; buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 30 (ba mươi) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 20-7-2002.
Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số27/2005/HS-TK ngày 30-11-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ phần quyết định tổng hợp hình phạt của bản án hình sự phúc thẩm số 520/2005 ngày 17-5-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đối với Nguyễn Xuân Bính, để tổng hợp hình phạt của các bản án theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Hình phạt 25 (hai mươi lăm) năm tù tại bản án hình sự phúc thẩm
số 934/HSPT ngày 16-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã được tổng hợp với hình phạt 02 (hai) năm tù về tội “Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả” tại bản án hình sự sơ thẩm số 01/HSST ngày 13-4-2005 của Toà án quân sự quân khu thủ đô Hà Nội; buộc Nguyễn Xuân Bính phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 27 (hai mươi bảy) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 20-7-2002.
Khi xét xử phúc thẩm Nguyễn Xuân Bính về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tại bản án hình sự phúc thẩm số 520/2005 ngày 17-5-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội không tổng hợp với hình phạt 27 (hai mươi bảy) năm tù tại bản án hình sự sơ thẩm số 01/HSST ngày 13-4-2005 của Toà án quân sự quân khu thủ đô Hà Nội mà một lần nữa lại tổng hợp hình phạt 25 (hai mươi lăm) năm tù của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên với hình phạt 13 (mười ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Như vậy, hình phạt 25 (hai mươi lăm) năm tù tại bản án hình sự phúc thẩm số 1934/HSPT ngày 16-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội bị tổng hợp 02 lần. Do tổng hợp hình phạt sai lầm này nên việc tổng hợp hình phạt của hai bản án (bản án hình sự sơ thẩm số 01/HSST ngày 13-4-2005 của Toà án quân sự quân khu thủ đô Hà Nội và bản án hình sự phúc thẩm số 520/2005 ngày 17-5-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội) không thể thực hiện được. Do đó, cần huỷ quyết định tổng hợp hình phạt của bản án hình sự phúc thẩm số 520/2005 ngày 17-5-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để giải quyết lại việc tổng hợp hình phạt của các bản án theo đúng quy định của pháp luật, nhưng không cần thiết phải xét xử phúc thẩm lại mà việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với Nguyễn Xuân Bính được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 285 và Điều 286 Bộ luật tố tụng hình sự;
QUYẾT ĐỊNH:
Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 520/2005 ngày 17-5-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đối với Nguyễn Xuân Bính về phần quyết định “tổng hợp với bản án số 1934/HSPT ngày 16-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử phạt 25 năm tù buộc bị cáo Nguyễn Xuân Bính phải chấp hành hình phạt chung hai bản án là 30 năm tù (ba mươi năm)”để tiến hành việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo đúng quy định của pháp luật.
Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên không bị kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án phúc thẩm:
Hình phạt của bản án hình sự phúc thẩm bị tổng hợp hai lần.
- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:
Thiếu sót trong việc tổng hợp hình phạt của các bản án khác nhau.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 12:59:20 CH