Quyết định giám đốc thẩm số 03/2008/KDTM-GĐT ngày 10-01-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng

Chủ đề   RSS   
  • #264085 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 03/2008/KDTM-GĐT ngày 10-01-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng

    Số hiệu

    03/2008/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số03/2008/KDTM-GĐT ngày 10-01-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng

    Ngày ban hành

    10/01/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Quyết định giám đốc thẩm số03/2008/KDTM-GĐT ngày 10-01-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

                …………

                Ngày 10 tháng 01 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa:

                Nguyên đơn: Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (sau đây viết tắt là Ngân hàng); trụ sở tại: 194 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; có ông Tống Ngọc Toàn – Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng đầu tư và phát triển tỉnh Hà Nam; tham gia tố tụng theo giấy ủy quyền số 3153/QĐ –PCCĐ ngày 07-7-2004 của Tổng giám đốc Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam.

                Bị đơn: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 277 Hà Nam (sau đây viết tắt là Công ty cổ phần 277); trụ sở tại tổ 1, phường Quang Trung, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; có ông Quách Hồng Chương và ông Nguyễn Đức Hoa tham gia tố tụng theo giấy ủy quyền ngày 01-4-2007 của Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 277 Hà Nam.

                Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Theo xác minh của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thanh Hải – nguyên là Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu 277; địa chỉ: tổ 1, phường Trần Hưng Đạo, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

    NHẬN THẤY:

                Trong các ngày 12-7-2001, ngày 02-10-2001 và ngày 08-01-2001 Công ty xuất nhập khẩu 277 Hà Nam ( sau đây viết tắt là Công ty XNK 277) – do ông Nguyễn Thanh Maib – Giám đốc Công ty làm đại diện đã ký 03 hợp đồng tín dụng vay tổng số tiền là 3.511.805.500 đồng với chi nhánh Ngân hàng đầu tư và phát triển tỉnh Hà Nam – do ông Vũ Đình Khảm – Giám đốc chi nhánh là đại diện thep giấy ủy quyền số 138/NHĐT ngày 24-07-1999 của Tổng Giám đốc Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam với nội dung sau:


                - Hợp đồng số 03/2001/HĐ ký ngày 12-7-2001 vay: 878.304.300 đồng( theo 08 bảng kê vay vốn); thời hạn vây là 10 tháng; lãi suất là: 0,67%/tháng(8,04%/năm); lãi suất nợ quá hạn là 135% lãi suất cho vay trong hạn; công ty đã trả được 154.859.000 đồng, số tiền còn nợ ngân hàng là 723.445.300 đồng;

                - Hợp đồng số 04/2001/HĐ ký ngày 02-10-2001vay: 1.115.535.200 đồng (theo 11 hợp đồng tín dụng ngắn hạn cụ thể); thời hạn vay và lãi xuất xác định ( theo từng hợp đồng tín dụng ngắn hạn cụ thể); lãi xuất nợ quá hạn là 135% lãi suất cho vay trong hạn; hợp đồng này công ty đã trả được 31.000.000 đồng, số tiền còn nợ Ngân hàng là 1.048.535.200 đồng;

                -Hợp đồng số 01/2002/HĐ ký ngày 08-01-2002 vay: 1.517.966.000 đồng (theo 4 hợp đồng tín dụng ngắn hạn cụ thể); thời hạn vay là 6 tháng; lãi suất xác định trong từng (hợp đồng tín dụng ngắn hạn cụ thể) và theo chế độ lãi suất của Ngân hàng theo từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn là 135% lãi suất cho vay trong hạn; hợp đồng này công ty chưa trả đồng nào, còn nợ Ngân hàng 1.517.966.000 đồng.

                Tại đơn khởi kiện đề ngày 21-12-2006 Ngân hàng đề nghị Tòa án  buộc Công ty cổ phần 277 phải trả nợ cho Ngân hàng: 4.669.115.289 đồng, trong đó nợ gốc là 3.325.946.500 đồng và số tiền lãi tính đến ngày 30-11-2006 là 1.343.168.789 đồng; số tiền lãi phát sinh từ ngày 30-11-2006 đến khi thi hành án.

                Tại Biên bản hòa giải không thành ngày 06-3-2007, Ngân hàng vẫn giữ nguyên yêu cầu; Công ty cổ phần 277 hoàn toàn nhất trí với số tiền vay như Ngân hàng đã nêu và như nội dung các Biên bản bàn giao tài chính, nhưng công ty không đồng ý thanh toán như Ngân hàng đề nghị.

                Tại bản kinh doanh thương mại sơ thẩm, (sau đây viết tắt là KDTM-ST) số 02/2007/KDTMST ngày 15-3-2007 Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam quyết định:

                “…Chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng;

                Buộc Công ty cổ phần XNK 277 Hà Nam phải trả nợ vay theo các hợp đồng tín dụng cho Ngân hàng đầu tư phát triển Hà Nam; nợ gốc là 3.325.946.500 đồng, lãi tính đến ngày 30-01-2006 là 1.343.167.189 đồng; cộng hai khoản là 4.669.115.289 đồng…”

                Ngày 22 và ngày 23-3-2007 Công ty cổ phần 277 có đơn kháng cáo với nội dung: Ngân hàng cho vay không đúng đối tượng, ông Nguyễn Thanh Mai không giải trình được việc vay và sử dụng vốn vay, các chứng từ vay vốn ,thu chi, sổ thủ quỹ không rõ ràng. Đề nghị Tòa án và Viện kiểm sát chờ kết quả điều tra của Công an tỉnh Hà Nam.

                Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm (sau đây viết tắt là KDTM-PT) số174/2007/KDTM-PT ngày 22-8-2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:

                “…Hủy bản án KDTM-ST số 02/2007/KDTMST ngày 15-3-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam về việc “tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam do ông Tống Ngọc Toàn – Phó giám đốc Ngân hàng đầu tư và phát triển chi nhánh tỉnh Hà Nam đại diện theo ủy quyền với Công ty cổ phần XNK 277 Hà Nam.

                Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại…”

                Ngày 11-9-2007 Ngân hàng có đơn khiếu nại, cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét đầy đủ các chứng cứ liên quan đến quá trình vay vốn mà Ngân hàng đã cung cấp; kết luận thiếu khách quan; các căn cứ áp dụng để hủy bản án sơ thẩm là mâu thuẫn và không có cơ sở thực tế.

                Ngày 20-9-2007, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam có công văn số39/2007/CV-KT đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án KDTM-PT nêu trên.

                Ngày 26-9-2007, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam có công văn số1048/BCGĐT-P5 gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên.

                Tại quyết định số 19/QĐ/KNGĐ-V12 ngày 26-9-2007 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghi bản án kinh doanh thương mại  phúc thẩm số174/2007/KDTM-PT ngày 22-8-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc; hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số174/2007/KDTM-PT ngày 22-8-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số02/2007/KDTM-ST ngày 15-3-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam.

                Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm đã nêu trong kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

                Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện cuối năm 2001, đầu năm 2002 Ngân hàng và Công ty XNK 277 Hà Nam (nay là Công ty cổ phần XNK 277 Hà Nam) đã ký và thực hiện 03 hợp đồng vay tín dụng. Công ty XNK 277 đã nhận đủ tiền vay theo ba hợp đồng, nhưng đã không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ theo quy định, tính đến  ngày 30-11-2006  Công ty cổ phần 277 còn nợ  Ngân hàng tiền gốc là 3.325.946.500 đồng và tiền lãi là 1.343.168.789 đồng.

                Hai bên đã làm thủ tục trình tự kế toán theo dõi số tiền vay và số dư nợ của từng năm theo quy định, Công ty XNK 277 đã nhiều lần làm việc và đối chiếu nợ với Ngân hàng đều thừa nhận số nợ này và Công ty XNK 277 đã ký 39 giấy xin gia hạn nợ đối với ngân hàng. Khi chuyển đổi Công ty XNK 277 Hà Nam thành Công ty cổ phần NNK 277 Hà Nam, Sở Tài chính tỉnh  Hà Nam đã kiểm tra quyết toán tài chính năm 2002, quyết toán tài chính đến 31-3-2003 và bảng cân đối số phát sinh quý I năm 2003 đều ghi Công ty XNK 277 Hà Nam nợ Ngân hàng 3.564.496.500 đồng. Tại Biên bản bàn giao tài chính ngày 20-7-2003 có đại diện các Sở lao động, thương binh và xã hội, Sở Tài chính  -  Vật giá tỉnh Hà Nam, Công ty XNK 277 cùng ghi nhận Công ty XNK còn nợ Ngân hàng ở ba hợp đồng tín dụng với số tiền đúng như Ngân hàng đã nêu, phù hợp với 39 giấy xin gia hạn nợ.

                Tại các biên bản làm việc ngày 28-02-2005, ngày 06-5-2005, ngày 09-9-2005 và ngày 16-3-2006 Công ty cổ phần XNK 277 Hà Nam đều xác nhận nợ với Ngân hàng và đã đề ra kế hoạch trả nợ cho Ngân hàng.

                Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty cổ phần 277 phải trả nợ vay theo các hợp đồng tín dụng cho Ngân hàng là có căn cứ, đúng pháp luật.

                Việc Tòa án cấp sơ thẩm khẳng định: các tài liệu có trong hồ sơ vụ án phản ánh việc cho vay và việc nhận nợ của các bên đương sự; nhưng cho rằng không thể hiện Công ty XNk 277 trong thời gian ông Nguyễn Thanh Mai làm Giám đốc đã rút vốn và sử dụng  tiền như thế nào qua ba hợp đồng tín dụng nêu trên. Số tiền vay từ Ngân hàng có được nhập vào quỹ của công ty hay không? Việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích hay không? Hoạt động kinh doanh bằng nguồn vốn vay này có lãi hoặc thua lỗ vì nguyên nhân, lý do gì dẫn đến việc phải xin gia hạn khoản nợ vay nhiều lần đều chưa được làm rõ và trong quá trình giải quyết vụ kiện Công ty XNK 277 nhiều lần đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Thanh Mai với Ngân hàng về khoản tiền vay nêu trên, nhưng đến nay  Cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận cụ thể về việc đề nghị này công ty XNK 277 nhằm làm rõ việc cho vay và sử dụng vốn vay có đúng quy định của pháp luật hay không? Cá nhân ông Mai phải chịu trách nhiệm hay công ty phải chịu trách nhiệm trở nợ khoản tiền vay? Và Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm là không đúng với quy định của pháp luật vì Công ty XNK 277 sử dụng tiền vay như thế nào, có hiệu quả hay không, kinh doanh bị lỗ hay lãi là  công việc kinh doanh của công ty , hoàn toàn không loại trừ trách nhiệm dân sự của Công ty cổ phần 277 phải trả nợ Ngân hàng theo ba hợp đồng tín dụng.

                Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 2 Điều 297 và Điều 298 Bộ luật tố tụng dân sự

    QUYẾT ĐỊNH:

                Hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số174/2007/KDTM-PT ngày 22-8-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội va giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2007/KDTMST ngày 15-3-2007  của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam xét xử vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa Ngân Hàng đầu tư và phát triển Việt Nam với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 277 Hà Nam.

                Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

                Lý do Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm là không đúng pháp luật.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 10:40:22 SA
     
    3335 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận