Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao huỷ cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại từ đầu

Chủ đề   RSS   
  • #264220 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao huỷ cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại từ đầu

    Số hiệu

    10/2003/HĐTP-KT

    Tiêu đề

    Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao huỷ cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại từ đầu

    Ngày ban hành

    27/08/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Theo nhận định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nâhn dân tối cao thi Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm buộc bên A phải bồi thường cho tổng B chi phí phát sinh ngoài hợp đồng chỉ căn cứ vào lời khai của bên B là chưa có căn cứ vững chắc; Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xác minh rõ tại thời điểm này ở Việt Nam có loại đèn Thorn để xác định bên nào chịu thuế nhập khẩu và phí lưu kho của lô đèn này và chưa có cơ sở pháp lý để buộc bên A phải trả lãi suất do chậm thanh toán (từ đợt 3) cho tổng B.

    Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm quyết định tổng B phải chịu phạt và bồi thường cho bên A là không thoả đáng với thực tế vụ án.

    QUYẾT ĐỊNH SỐ10/2003/HĐTP-KT NGÀY 27-08-2003

    VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIAO THẦU HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ........................

    Tại phiên toà ngày 27-08-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp Hợp đồng giao thầu cung cấp lắp đặt thi công các hạng mục kỹ thuật gồm: hệ thống điện- điện lạnh – PCCC- CCTV, PA, PABX, hệ thống báo y tá trực, MATV (không có TV) tại công trình bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn, giữa:

    Nguyên đơn 1Công ty đầu tư phát triển và xây dựng; có trụ sở tại số 201 Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh .

    2- Công ty TNHH Văn Lang G; có trụ sở tại số 19 Hàm nghi, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơnCông ty Cổ phần Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn;

    Có trụ sở tại số 63 Bùi Thị Xuân, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

    NHẬN THẤY

    Ngày 15-12-1999 một bên là Công ty cổ phần bệnh viện phụ sản Quốc tế Sài Gòn (gọi là bên A) và một bên là Công ty đầu tư và phát triển xây dựng, Công ty TNHH Văn Lang G (gọi là tổng B) ký Hợp đồng số 22/HĐKT. Theo hợp đồng này thì bên A giao cho tổng B thực hiện thi công hoàn chỉnh trọn bộ chìa khoá trao tay các hạng mục M/E bao gồm: Thiết kế, thi công, cung cấp, lắp đặt và thử nghiệm, đưa vào hoạt động các hệ thống điện, điện lạnh, phòng cháy chữa cháy- CCTV, PA, PABX, hệ thống báo y tá trực, MATV cho bên A.

    Thời hạn thực hiện hợp đồng là 4 tháng, kể từ ngày 15-12-1999 đến ngày 15-04-2000. Sau này, tại Biên bản bổ sung số 01 ngày 11-05-2000 các bên thoả thuận gia hạn hợp đồng đến ngày 30-06-2000.

    Tổng giá trị hợp đồng là 768.955,00 USD bao gồm cả thuế GTGT. Thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam theo tỉ giá bán ra của ngân hàng Ngoại thương tại thời điểm thanh toán và chia thành 5 đợt như sau:

    – Đợt 1 : 25% tổng giá trị hợp đồng ngay sau khi ký hợp đồng;

    – Đợt 2: 15% giá trị hợp đồng không quá 7 ngày sau 2 tháng thực hiện thi công;

    – Đợt 3: 15% giá trị hợp đồng không quá 7 ngày sau khi nghiệm thu, bàn giao công trình.

    – Đợt 4: 40% còn lại thanh toán trong thời hạn 11 tháng, kể từ ngày nghiệm thu bàn giao công trình cộng với tiền lãi vay;

    – Đợt 5: 5% bảo hành công trình 12 tháng.

    Lãi suất vay 0,85%/tháng tính cho trả chậm của hợp đồng.

    Ngoài ra, hợp đồng còn quy định trách nhiệm của các bên.

    Thực hiện Hợp đồng, bên A thanh toán cho tổng B 2 đợt bằng 40% giá trị hợp đồng.

    Ngày 01-12-2000, bên A khai trương Bệnh viện nên đã đưa công trình M/E vào sử dụng.

    Do tranh chấp về việc nghiệm thu, chi phí phát sinh cho nên bên A không thanh toán tiếp đợt 3 cho tổng B; vì vậy ngày 25-05-2001 tổng B đã khởi kiện bên A tại Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tại phiên toà sơ thẩm, tổng B yêu cầu bên A phải thanh toán các khoản sau:

    1- Tiền nợ theo hợp đồng: 443.647,26 USD;

    2- Tiền phát sinh ngoài hợp đồng: 23.553,64 USD;

    3- Tiền lãi trả chậm: 85.791,31 USD;

    4- Tiền thuế nhập khẩu lô đèn thorn 105.754.216 đồng và chi phí lưu kho lô đèn này là 21.970.300 đồng;

    Bên A có yêu cầu phản tố, đòi tổng B phải chịu phạt bồi thường do chậm hợp đồng mỗi ngày 10.000.000 đồng, như đã thoả thuận tại Biên bản bổ sung số 01 ngày 11-05-2000 về việc gia hạn thời gian thi công hợp đồng số 22/HĐKT/CTCP/99. Thời gian tính phạt bồi thường là 153 ngày, kể từ ngày 01-07-2000 đến ngày 01-12-2000 (là ngày bên A khai trương bệnh viện) với số tiền là 1.530.000.000 đồng.

    Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số81/XX- KTST ngày 23-05-2002, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn.

    Công ty cổ phần bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn phải thanh toán cho Công ty đầu tư phát triển & xây dựng và Công ty TNHH Văn Lang G tổng số tiền là 508.540,14 USD, gồm:

    a- Thanh toán tiền nợ theo hợp đồng chính là 443.647,26 USD (theo từng thời hạn cụ thể).

    b- Tiền phát sinh ngoài hợp đồng: 23.553,64 USD

    c- Tiền lãi trả chậm của 3 đợt đầu là: 41.339,24 USD.

    Công ty đầu tư phát triển & xây dựng và Công ty TNHH Văn Lang G phải chịu phạt bồi thường thiệt hại cho Công ty cổ phần bệnh viện phụ sản Quốc tế Sài Gòn số tiền là 1.530.000.000 đồng.

    Công trình đã được đưa vào sử dụng từ 01-12-2000. Đến nay, trách nhiệm bảo hành công trình của bên thi công đã chấm dứt. Bên thi công phải giao cho chủ đầu tư các giấy tờ, chứng từ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn vận hành các thiết bị M/E của công trình. Hai bên thực hiện các thủ tục cần thiết để hoàn công công trình với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, trong Bản án sơ thẩm còn có quyết định về án phí, về lãi suất và quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 29-05-2002, Tổng B kháng cáo xin xét xử lại.

    Ngày 30-05-2002, bên A kháng cáo xin xét xử lại.

    Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 42/PTKT ngày 30-09-2002, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định sửa án sơ thẩm như sau:

    Buộc Công ty cổ phần bệnh viện phụ sản Quốc tế Sài Gòn phải thanh toán cho Công ty đầu tư phát triển & xây dựng và Công ty TNHH Văn Lang G các khoản:

    – Nợ theo Hợp đồng chính 443.647,26 USD.

    – Tiền phát sinh ngoài hợp đồng 23.553,64 USD.

    – Tiền lãi chậm trả và lãi quá hạn tính từ ngày 15-12-1999 đến ngày xét xử sơ thẩm 23-05-2002 là 1.631.985.119 đồng (sau này đính chính là 1.631.888.179 đồng).

    – Tiền thuế nhập khẩu lô đèn thorn (A4) là 105.754.216 đồng.

    – Tiền phí lưu kho lô đèn thorn (A4) là 21.970.000 đồng.

    Buộc Công ty đầu tư phát triển & xây dựng và Công ty TNHH Văn Lang G phải nộp phạt và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng cho Công ty cổ phần bệnh viện phụ sản Quốc tế Sài Gòn số tiền là 1.530.000.000 đồng.

    Công trình được đưa vào sử dụng từ này 01-12-2000. Đến nay trách nhiệm bảo hành công trình của bên thi công đã chấm dứt. Bên thi công phải giao cho chủ đầu tư đủ các giấy tờ, chứng từ, tài liệu kỹ thuật hướng dẫn vận hành các thiết bị M/E của công trình. Hai bên thực hiện các thủ tục cần thiết để hoàn công công trình với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, trong Bản án phúc thẩm còn có quyết định về phần án phí và lãi suất quá hạn do chậm thi hành án.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, bên A có đơn khiếu nại số165/10/CV- PSSG. 02 ngày 20-10-2002 đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét giám đốc thẩm đối với Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên.

    Ngày 06-02-2003, Tổng B có đơn khiếu nại Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên và đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét lại khoản phạt 1.530.000.000 đồng.

    Tại Kháng nghị số05/2003/KT- TK ngày 12-06-2003 đối với Bản án kinh tế phúc thẩm số 42/ PTKT ngày 30-09-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên và Bản án kinh tế sơ thẩm số81/XX- KTST ngày 23-05-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại Kết luận số14/KL- AKT ngày 12-08-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị số05/KT- TK ngày 12-06-2003 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY

    1. Về khoản tiền phát sinh ngoài hợp đồng 23.553,64 USD.

    Trong Hợp đồng không có quy định về việc phát sinh và trong quá trình thi công cũng không có bất kỳ phụ lục hợp đồng nào về việc này. Các bên có tranh chấp khoản chi phí phát sinh này, nhưng trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào xác định khoản phát sinh là 23.553,64 USD như Công ty đầu tư và phát triển xây dựng và Công ty TNHH Văn Lang G nêu ra. Tuy nhiên, xét thấy trong quá trình thi công có những công việc phát sinh làm phát sinh chi phí cho bên nhận thầu, nhưng cần phải đối chiếu giữa thực tế lắp đặt so với thiết kế đã được duyệt để xác định những việc gì đã phát sinh và chi phí cho những phát sinh đó là bao nhiêu để buộc bên A phải trả cho tổng B. Việc các Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm buộc bên A phải bồi thường cho tổng B chi phí phát sinh ngoài hợp đồng là 23.553,64 USD chỉ căn cứ vào lời khai của tổng B là chưa có căn cứ vững chắc.

    2- Về khoản thuế nhập khẩu và chi phí lưu kho của lô đèn Thorn.

    Các bên có thoả thuận trong trường hợp vật tư có trên thị trường Việt Nam hoặc Việt Nam đã sản xuất được thì không nhập khẩu những vật tư đó để giảm chi phí đến mức tối đa. Thế nhưng giữa bên A và tổng B vẫn còn có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Tổng B cho rằng trên thị trường Việt Nam tại thời điểm này không có loại đèn này mà phải nhập khẩu. Ngược lại bên A cho rằng tại thời điểm này trên thị trường Việt Nam có loại đèn này.

    Việc xác minh trên thị trường Việt Nam tại thời điểm đó có lưu hành loại đèn Thorn hay không là căn cứ quan trọng để xác định vấn đề bên nào phải chịu thuế nhập khẩu và chi phí lưu kho của lô đèn này. Vấn đề này cả hai cấp Toà án đều chưa xác minh làm rõ.

    3. Thời điểm thanh toán và tính lãi.

    Thời hạn thực hiện hợp đồng từ ngày 15-12-1999 đến ngày 30-06-2000. Theo quy định tại điểm 2 Điều 4 của HĐ số 22/HĐKT/CTCP/99 thì bên A phải thanh toán đợt 3 (15% giá trị HĐ) không quá 7 ngày sau khi nghiệm thu, bàn giao công trình; phải thanh toán đợt 4 (40% trị giá HĐ) trong thời hạn 11 tháng kể từ ngày nghiệm thu, bàn giao công trình..., lãi suất vay 0,85%/1 tháng được thoả thuận tính cho trả chậm của HĐ...

    Như vậy, ngày nghiệm thu, bàn giao công trình là căn cứ để bên A phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán đợt 3, đợt 4... cho tổng B.

    Thực tế đến ngày 30-06-2000, tổng B chưa hoàn thành công trình và cho đến nay tuy công trình đã được đưa vào sử dụng nhưng công trình vẫn chưa được nghiệm thu, bàn giao theo đúng quy định tại Điều 51 Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng (ban hành kèm theo Nghị định số52/1999/NĐ- CP ngày 08-07-1999 của Chính phủ) và tại khoản 2 Điều 19 Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng (ban hành kèm theo Quyết định số17/2000/QĐ- BXD ngày 02-08-2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng). Việc Toà án cấp sơ thẩm xác định ngày 01-12-2000 (ngày bên A đưa công trình vào sử dụng) là ngày nghiệm thu, bàn giao công trình và Toà án cấp phúc thẩm xác định ngày 21-09-2001 là ngày tổng B có phiếu chuyển 83 bản vẽ hoàn công cho bên A là ngày nghiệm thu bàn giao công trình đều không có căn cứ vững chắc. Cho nên chưa có cơ sở để buộc bên A phải trả lãi suất do chậm thanh toán (từ đợt 3) cho tổng B.

    4. Khoản phạt chậm tiến độ thi công và bồi thường thiệt hại 1.530.000.000 đồng.

    Việc tổng B vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng vì trong quá trình thi công bên A có những yêu cầu thay đổi. Mặt khác, bên A đưa công trình vào sử dụng khi công trình chưa được nghiệm thu, bàn giao là bên A cũng có lỗi. Vì vậy, việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm quyết định buộc tổng B phải chịu phạt và bồi thường cho bên A 1.530.000.000 đồng là không thoả đáng với thực tế của vụ án.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế,

    QUYẾT ĐỊNH

    Huỷ Bản án kinh tế phúc thẩm số 42/PTKT ngày 30-09-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh tế sơ thẩm số81/XX- KTST ngày 23-05-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

     

    Lý do huỷ Bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    – Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm buộc bên A phải bồi thường cho tổng B chi phí phát sinh ngoài hợp đồng chỉ căn cứ vào lời khai của bên B là chưa có căn cứ vững chắc.

    – Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xác minh rõ tại thời điểm này ở Việt Nam có loại đèn Thorn để xác định bên nào chịu thuế nhập khẩu và phí lưu kho của lô đèn này.

    – Chưa có cơ sở pháp lý để buộc bên A phải trả lãi suất do chậm thanh toán (từ đợt 3) cho tổng B.

    – Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm quyết định tổng B phải chịu phạt và bồi thường cho bên A là không thoả đáng với thực tế vụ án.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 05:25:17 CH
     
    5978 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận