Bộ Y tế vừa ra Quyết định 4355/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Một trong những điểm đáng chú ý của hướng dẫn này là việc không bắt buộc phải đo huyết áp cho toàn bộ các trường hợp đến tiêm vắc xin.
Không cần đo huyết áp cho toàn bộ người đến tiêm vắc xin Covid-19 - Minh họa
Theo Hướng dẫn mới này, khi khám sàng lọc trước tiêm chủng, bên cạnh việc hỏi tiền sử bệnh người đến tiêm, các cơ sở sẽ tiến hành đánh giá lâm sàng. Trong đó, bao gồm đo thân nhiệt, huyết áp và đo mạch, đếm nhịp thở.
Tuy nhiên, việc đo huyết áp chỉ áp dụng đối với người có tiền sử tăng huyết áp/huyết áp thấp và có bệnh nền liên quan bệnh lý tim mạch, trên 65 tuổi. Trước đó, ở hướng dẫn cũ (đã được bãi bỏ), Bộ Y tế yêu cầu đo huyết áp với tất cả người đến tiêm.
Như vậy, hiện người dân chỉ cần đo thân nhiệt, riêng huyết áp và đo mạch chỉ áp dụng với một số trường hợp nhất định.
Trước đó, Bộ Y tế đã 4 lần cập nhật hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng. Các phiên bản sau càng có hướng dẫn cụ thể, phân loại rõ ràng các quy định về trường hợp chống chỉ định, trì hoãn, thận trọng khi tiêm chủng.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không đưa ra hướng dẫn cụ thể hay bắt buộc về các danh sách yêu cầu cần sàng lọc trước tiêm vaccine. Tổ chức này đưa ra nhóm người nên và không nên tiêm một loại vaccine COVID-19 cụ thể, từ đó, các quốc gia căn cứ vào điều này và lập thành bảng sàng lọc phù hợp. (Nguồn: Tuổi trẻ)
Hiện nay, do yêu cầu gấp rút của việc tổ chức tiêm chủng mà nhiều địa phương đã mở các điểm tiêm lưu động, không đảm bảo đầy đủ điều kiện nghỉ ngơi cho người đến chờ tiêm dẫn đến việc họ phải chờ đợi trong thời tiết nóng bức, không có ghế ngồi, thêm vào đó tâm lý lo lắng đối với người chuẩn bị tiêm là chuyện hết sức dễ hiểu. Những yếu tố này có thể làm huyết áp tăng cao hơn bình thường và là lý do người dân bị hoãn tiêm.
Tải toàn văn Quyết định 4355 tại file đính kèm.