Tại Điều 38 Bộ luật dân sự (BLDS) 2005 quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân nhằm bảo vệ các bí mật, thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân. Tuy vậy, những quy định này vẫn chưa mang tính bao quát, dẫn đến tình trạng vi phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân vẫn diễn ra phổ biến. Do đó, BLDS 2015 đã có những sửa đổi bổ sung đối với quy định này. Để phù hợp với những thay đổi về kinh tế xã hội Việt Nam trong giai đoạn hội nhập vào nền kinh tế thế giới, BLDS 2015 đã mở rộng hơn so với BLDS 2005. Do đó, tại Điều 38 BLDS 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Nên, nếu so với quyền bí mật đời tư tại Điều 38 BLDS 2005 thì phạm vi của Điều 38 BLDS 2015 rộng hơn rất nhiều.
Theo đó đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Có thể thấy những thông tin riêng tư, bí mật được bảo vệ không chỉ dừng lại ở cá nhân mà còn bao gồm những thông tin về đời sống, bí mật gia đình cũng được bảo vệ. Điều này là hợp lý, bởi lẽ mỗi một cá nhân là thành viên của gia đình. Do đó sẽ khập khiễng nếu không bảo vệ những thông tin về đời sống, bí mật gia đình. BLDS 2015 khẳng định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Để có thể đảm bảo thực hiện quyền bất khả xâm phạm này của cá nhân, cần phải có các chế tài phù hợp để bảo đảm những quyền này được thực hiện trên thực tế. Rõ ràng cụm từ “bất khả xâm phạm” có ý nghĩa mạnh mẽ hơn so với cụm từ “được tôn trọng”. Điều này cho thấy sự rõ ràng trong tư duy của các nhà làm luật khi khẳng định không một ai được quyền hay khả năng để xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Và nếu có hành vi xâm phạm, thì đương nhiên pháp luật sẽ bảo vệ.
Một vấn đề gây ra lúng túng hoặc gây ra các cách hiểu khác nhau đó chính là việc hiểu như thế nào là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và như thế nào là bí mật gia đình. BLDS 2005 đã không thể đưa ra khái niệm bí mật đời tư khiến cho trong nhiều trường hợp có những tranh cãi liệu rằng đó có phải là bí mật đời tư hay không. Cần phải có các văn bản hướng dẫn một cách cụ thể để giúp cho việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất giữa các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy mà việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Một điểm mới trong Điều 38 BLDS 2015 này đó chính là quy định “Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.