Phí nền tảng của Grab - Ảnh minh họa
Grab có âm thầm “móc túi” khách hàng mỗi ngày cả tỷ đồng trong khi khách hàng vẫn không biết gì cho đến khi thông tin được đăng tải lên Báo Giao Thông thì mới "té ngửa"? Với mỗi chuyến đi Grab đều áp dụng thu phí nền tảng tuy số tiền trên mỗi chuyến là không lớn nhưng mỗi ngày có số cuốc xe lăng bánh là không hề ít. Việc này cũng ảnh hưởng khá nhiều đối với những khách hàng thường xuyên di chuyển bằng grab. Hãy cùng chia sẽ ý kiến với nhau về vấn đề này nhé.
Grab có âm thầm thu phí?
Khách không hề nhận được thông báo từ Grab, việc thông báo chỉ được Grab thông tin trên trang web của mình chứ không thông qua tin nhắn trên ứng dụng để hành khách được biết. Nếu Grab thông báo thu phí qua tin nhắn trên ứng dụng thì người dùng đã biết, còn Grab thông báo trên webssite của mình thì thật là không ai vào đó làm gì để mà biết được?
Đây có phải là hành vi cố ý che giấu việc thu thêm phí nền tảng. Grab thông báo trên website của mình nơi mà ít có khách hàng nào vào đọc thông tin, đa phần họ chỉ nhận thông báo qua tin nhắn hoặc thông qua thông báo trên app. Việc Grab cho rằng việc mình đăng thông báo trên web là đã thông báo đến khách hàng là có căn cứ xác đáng, có dấu hiệu cố ý che giấu hay không? Hơn nữa căn cứ trên tình hình thực tế hầu hết tất cả các khách hàng đều bỡ ngỡ về loại phí này.
Bên cạnh đó, thông tin đăng tải cũng không rõ ràng. Trên trang web chính thức của Grab, phải gõ hẳn từ khóa thu phí nền tảng, mới tìm kiếm được thông tin như sau
Từ 19.2, khách hàng sử dụng một số dịch vụ của Grab phải trả thêm 1.000 đồng - 2.000 đồng tùy dịch vụ sử dụng. Trong đó, mức phí đồng giá 1.000 đồng/chuyến đối với các dịch vụ GrabBike & GrabBike Premium, GrabExpress Siêu Tốc & GrabExpress Siêu Tốc COD; đồng giá 2.000 đồng/chuyến với các dịch vụ 4 bánh như GrabCar 4 chỗ/7 chỗ, GrabCar Plus, GrabCar Doanh Nghiệp, JustGrab (đã ngừng hoạt động từ 1.4), Grab 2 chiều, Grab Rent.
VÍ dụ: Khi khách hàng đặt dịch vụ gọi xe Grab với cước phí là 60.000 đồng, kết thúc hành trình khách sẽ phải trả thêm 1.000 đồng phí nền tảng nên sẽ thanh toán cho tài xế tổng cộng 61.000 đồng. Số tiền này được tính vào cước phí di chuyển của hành khách, sau đó khấu trừ qua ví tài khoản của đối tác tài xế. Điều đáng nói là số tiền này không được hiển thị khi khách đặt xe mà chỉ có tài xế biết được việc hành khách bị thu loại phí này qua tài khoản của họ.
Theo Luật bảo vệ người tiêu dùng bất cứ một loại phí thu thêm nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc thông báo rõ ràng, lý giải nguyên nhân và khách hàng được quyền lựa chọn đồng ý hay không tiếp tục sử dụng dịch vụ với mức giá đó. Nếu bên cung cấp dịch vụ âm thầm thu phí thì đã vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí có dấu hiệu gian lận thương mại.
----- >>> Dựa vào phân tích trên bạn có nghĩ việc Grab thu phí thêm là có công khai như đại diện Grab đã trả lời?
Vi phạm quyền lợi người tiêu dùng
1. Việc Grab thu thêm tiền là vô lý?
Các ứng dụng gọi xe như Grab, Gojek hay Be ở thị trường Việt Nam đều khẳng định mình là ứng dụng cung cấp dịch vụ kết nối giữa khách hàng và những người có phương tiện nhàn rỗi, không phải công ty vận tải.
Sản phẩm mà họ cung cấp là ứng dụng, và nhận chiết khấu từ tài xế đây được tính là doanh thu mà công ty nhận được trong quá trình người khác sử dụng phần mền mà họ cung cấp. Bên cạnh đó, khách hàng sử dụng dịch vụ đã trả tiền cước cho tài xế thì có lý do gì phải trả thêm loại phí này?
2. Quy định của pháp luật về thu phí
Căn cứ Điểm b Điều 10 Luật giá 2012 về Hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá có quy định như sau:
Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ;
Theo đó, khi đưa ra thêm khoản thu phí nào thì Grab cần công khai rộng rãi cho tất cả khách hàng biết. Nếu khách hàng biết có thêm loại phí mà vẫn chọn dịch vụ của Grab thì họ đã chấp nhận trả tiền thêm cho chuyến đi của mình. Ở đây chỉ lái xe biết là đã vi phạm vào điều cấm trên.
3. Khách hàng có thể kiện Grab?
Những khách hàng sử dụng nhiều lần dịch vụ Grab, nếu có đầy đủ các chứng cứ về các chuyến đi, khách hàng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khách hàng hoàn toàn có thể tự khởi kiện đòi lại tiền. Các Hội Bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước cũng đều có quyền đứng ra khởi kiện Grab vì lợi ích công cộng theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010 cụ thể:
Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 99/2011 tại Khoản 2 Điều 23 Grab còn có thể bị xử lý bằng hình thức:
Niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung công bố công khai gồm:
- Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm;
- Hành vi, địa bàn vi phạm;
- Cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm.
Thời hạn công bố tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm là ba mươi (30) ngày kể từ ngày công bố.
==== >> Trong thời đại mà các phương tiên điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ thì người tiêu dùng sử dụng các loại dịch vụ từ các phương tiện này càng cần phải mạnh mẽ đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Bên cạnh đó cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng phải vào cuộc để kịp thời xử lý các vi phạm bảo vệ người tiêu dùng tối ưu nhất.
Mọi người có ý kiến gì về vụ việc trên. Hãy cùng nhau thảo luận nhé.
Cập nhật bởi NguyenThanhNgan123 ngày 08/10/2020 08:09:43 SA