Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, theo đó đã có thay đổi từ chứng chỉ hành nghề y thành giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Theo quy định mới thì bác sĩ cần đáp ứng điều kiện gì và quy trình để cấp giấy phép hành nghề như thế nào?
1. Các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Theo quy định tại Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
- Bác sỹ;
- Y sỹ;
- Điều dưỡng;
- Hộ sinh;
- Kỹ thuật y;
- Dinh dưỡng lâm sàng;
- Cấp cứu viên ngoại viện;
- Tâm lý lâm sàng;
- Lương y;
- Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Theo đó bác sĩ thuộc đối tượng phải có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
2. Điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 30 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng bao gồm:
- Được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 hoặc có giấy phép hành nghề được thừa nhận theo quy định tại Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;
- Có đủ sức khỏe để hành nghề;
- Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài theo quy định của Chính phủ;
- Không thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nêu trên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, bác sỹ cần phải đáp ứng các điều kiện như trên để được xin cấp giấy phép hành nghề.
3. Quy trình cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho bác sỹ
Tại Điều 10 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định quy trình cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh trong đó có chức danh bác sỹ như sau:
(1) Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người có văn bằng tốt nghiệp thuộc lĩnh vực sức khỏe sẽ được lựa chọn một trong hai phương án liên quan đến cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề. Trước khi lập hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề phải hoàn thành việc thực hành theo quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định 96/2023/NĐ-CP và phải tham gia kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định tại Điều 9 Nghị định 96/2023/NĐ-CP;
- Tiếp tục học chuyên khoa và sau khi hoàn thành đào tạo chuyên khoa được thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề với phạm vi hành nghề chuyên khoa.
Trước khi lập hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề không phải thực hành theo quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định 96/2023/NĐ-CP nhưng phải tham gia kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định tại Điều 9 Nghị định 96/2023/NĐ-CP và đạt kết quả kiểm tra.
(2) Trường hợp sau khi được cấp giấy phép hành nghề theo quy định trên, nếu người đó tiếp tục đi học chuyên khoa và được cấp văn bằng chuyên khoa thì được lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép hành nghề với phạm vi hành nghề chuyên khoa mà không phải thực hành và kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề.
(3) Trường hợp người hành nghề tham gia các khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, chưa có trong phạm vi hành nghề đã được cấp thì không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh phạm vi hành nghề mà căn cứ chứng nhận đào tạo kỹ thuật chuyên môn theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 96/2023/NĐ-CP và năng lực thực hiện kỹ thuật chuyên môn của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép người hành nghề thực hiện kỹ thuật đã được đào tạo bằng văn bản.
Trường hợp người hành nghề được chuyển giao kỹ thuật đối với kỹ thuật chưa có trong phạm vi hành nghề đã được cấp thì không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh phạm vi hành nghề mà căn cứ chứng nhận đủ năng lực thực hiện kỹ thuật theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 85 Nghị định này, người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép người hành nghề thực hiện kỹ thuật đã được chuyển giao bằng văn bản.
(4) Trường hợp người đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa theo quy định nhưng không nộp hồ sơ đề nghị tham gia kiểm tra đánh giá năng lực trong vòng 24 tháng kể từ ngày được cấp văn bằng chuyên khoa thì phải thực hành lại về chuyên khoa đó đủ thời gian theo quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2023/NĐ-CP trước khi nộp hồ sơ đề nghị tham gia kiểm tra đánh giá năng lực.
(5) Trường hợp người được cấp văn bằng chuyên khoa theo quy định nhưng không nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép hành nghề trong vòng 24 tháng kể từ ngày được cấp văn bằng thì phải thực hành lại về chuyên khoa đó đủ thời gian theo quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2023/NĐ-CP trước khi nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép hành nghề.
Như vậy, từ ngày 01/01/2024, chứng chỉ hành nghề y chuyển thành giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Bác sỹ phải đáp ứng điều kiện theo quy định, hoàn thành chương trình đào tạo, có văn bằng tốt nghiệp để được cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.