Tài sản của cá nhân sau cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng bàn giao đất xử lý như thế nào? Tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP có hướng dẫn bán đấu giá thì quy trình thực hiện ra sao?
Tài sản của cá nhân sau cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng, bàn giao đất xử lý như thế nào?
Theo Khoản 5 Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì trường hợp tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế biện pháp khắc phục hậu quả mà có tài sản không thuộc đối tượng cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo.
Trường hợp không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.
Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải tiến hành lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.
Nếu quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định tại Luật đấu giá tài sản 2016. Tài sản này sẽ thuộc vào trường hợp tại điểm p Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản 2016: Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.
Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó.
Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy.
Quy trình bán đấu giá đối với tài sản sau cưỡng chế mà đối tượng có tài sản không đến nhận lại?
Theo Điều 55 Luật đấu giá tài sản 2016 thì trình tự, thủ tục đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Chương III, Chương IV (Điều 33 đến Điều 63) của Luật này.
Như vậy, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản sẽ thực hiện theo hướng dẫn tại Chương III, IV Luật đấu giá tài sản 2016 (Điều 33 đến Điều 63 Luật này).
Về cơ bản thủ tục đấu giá tài sản trong trường hợp này sẽ thực hiện như sau:
Bước 1: Quyết định đấu giá và thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá (Điều 55, 56)
Bước 2. Ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản (Điều 33) hoặc thành lập Hội đồng đấu giá tài sản (Điều 60)
Bước 3. Ban hành và công khai quy chế cuộc đấu giá (Điều 34), công khai giá khởi điểm, phương thức đấu giá (Điều 57, 58)
Tổ chức đấu giá tài sản ban hành Quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản.
Lưu ý: Theo Điều 58 Luật đấu giá tài sản 2016 thì trường hợp tài sản có quy định phải bán thông qua đấu giá thì việc đấu giá tài sản chỉ được thực hiện theo phương thức trả giá lên.
Bước 4. Niêm yết việc đấu giá tài sản
Tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 35 Luật Đấu giá tài sản 2016.
Bước 5. Xem tài sản đấu giá
Kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến ngày mở cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản hoặc mẫu tài sản trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 02 ngày. Trên tài sản hoặc mẫu tài sản phải ghi rõ tên của người có tài sản đấu giá và thông tin về tài sản đó.
Bước 6. Đăng ký tham gia đấu giá
Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản.
Lưu ý: Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Bước 7. Tham gia đấu giá
Tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau đây để tiến hành cuộc đấu giá:
- Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;
- Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;
- Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
- Đấu giá trực tuyến.
Bước 8. Lập biên bản đấu giá (Điều 44)
Cuộc đấu giá chấm dứt khi đấu giá viên công bố người trúng đấu giá hoặc khi đấu giá không thành.
Bước 9. Chuyển hồ sơ cuộc đấu giá (Điều 45)
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản phải ghi kết quả đấu giá tài sản vào Sổ đăng ký đấu giá tài sản và thông báo bằng văn bản cho người có tài sản đấu giá. Trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện thì trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Hội đồng thông báo kết quả đấu giá tài sản bằng văn bản cho người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản hoặc Hội đồng đấu giá tài sản chuyển kết quả đấu giá tài sản, biên bản đấu giá, danh sách người trúng đấu giá cho người có tài sản đấu giá để ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc cho cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt kết quả đấu giá tài sản, hoàn thiện các thủ tục liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Hi vọng thông tin trên hữu ích đối với bạn!