Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể.
Theo đó hiện nay về việc thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 38 Nghị định 65/2023/NĐ-CP bao gồm:
Trách nhiệm của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý
- Xây dựng và ban hành quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý;
- Quản lý chỉ dẫn địa lý theo quy chế do mình ban hành;
- Lập và công khai danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý trên cơ sở thông báo của các tổ chức, cá nhân đó. Danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý phải được cập nhật khi có bất kỳ sự thay đổi nào;
- Tổ chức thực hiện các biện pháp để quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm bảo đảm sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng phù hợp với bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
- Theo dõi, thực hiện các biện pháp để phòng ngừa và ngăn cấm các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật;
- Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về tình hình quản lý chỉ dẫn địa lý theo định kỳ hai năm một lần.
Điều kiện pháp lý của quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý
- Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý: tên sản phẩm, mô tả về sản phẩm (tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm, quy trình sản xuất, khu vực sản xuất v.v…) tương ứng với nội dung trong bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm;
+ Việc ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý: hồ sơ yêu cầu ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý bao gồm yêu cầu ghi nhận, tài liệu chứng minh tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý và các tài liệu khác, nếu cần; việc xem xét hồ sơ, kiểm tra và đánh giá tính xác thực của tài liệu, bao gồm cả việc tuân thủ bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (nếu cần thiết) và ghi nhận các thông tin của tổ chức, cá nhân vào danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý;
+ Cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý: nội dung kiểm tra, kiểm soát (nguồn gốc địa lý, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm, quy trình sản xuất v.v…); kế hoạch kiểm tra, kiểm soát; công cụ, phương pháp kiểm tra, kiểm soát; cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát v.v...;
+ Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý: bảo đảm duy trì tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; thông báo cho tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý để được ghi nhận vào danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý trước khi sử dụng chỉ dẫn địa lý; báo cáo tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý về tình hình sử dụng chỉ dẫn địa lý theo định kỳ hằng năm v.v...;
+ Quyền và trách nhiệm của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý;
+ Kinh phí cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý;
+ Biện pháp xử lý trong trường hợp vi phạm Quy chế.
- Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý phải được lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trước khi được ban hành.
- Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý không bao gồm các nội dung hạn chế một cách bất hợp lý quyền sử dụng hợp pháp chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
=>> Theo đó hiện nay tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý cần phải thực hiện trách nhiệm nêu trên và xây dựng quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý đúng theo quy định.