Để đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án được giải quyết một cách nhanh chóng đồng thời không làm mất đi quyền của các đương sự, trong nhưng trường hợp theo luật định thì tùy từng trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhập hoặc tách các quan hệ pháp luật để xử lý cho phù hợp với đúng bản chất của vụ án.
Vì vậy việc quyết định nhập, tách vụ án có ý nghĩa quan trọng mà đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải thực hiện đúng. Vậy cơ quan nào có thẩm quyền và trong trường hợp nào thì thực hiện nhập, tách vụ án?
Theo quy định hiện hành về nhập, tách vụ án tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:
*Giai đoạn điều tra (Điều 170 BLTTHS 2015) :
Thẩm quyền: Thủ trưởng Cơ quan điều tra
Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Bị can phạm nhiều tội;
b) Bị can phạm tội nhiều lần;
c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.
Lưu ý:
Chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Quyết định nhập hoặc tách vụ án phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định nhập hoặc tách vụ án của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ và nêu rõ lý do.
* Giai đoạn truy tố (Điều 242 BLTTHS 2015):
Thẩm quyền: Viện trưởng Viện kiểm sát
Viện kiểm sát quyết định nhập vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Bị can phạm nhiều tội;
b) Bị can phạm tội nhiều lần;
c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.
Viện kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can:
a) Bị can bỏ trốn;
b) Bị can mắc bệnh hiểm nghèo;
c) Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
* Việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự (Điều 273 BLTTHS 2015)
Khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện:
- Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân;
- Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.
Cập nhật bởi MinhPig ngày 30/11/2019 03:58:13 CH