Quy định về tỷ giá quy đổi nộp thuế thu nhập cá nhân khi trả lương bằng ngoại tệ

Chủ đề   RSS   
  • #615051 09/08/2024

    Quy định về tỷ giá quy đổi nộp thuế thu nhập cá nhân khi trả lương bằng ngoại tệ

    Năm 2024, người nước ngoài, cư trú tại Việt Nam nhận tiền lương từ công ty của Việt Nam là USD thì khi quy đổi ra VND để tính thuế TNCN cho ông A thì quy đổi theo tỷ giá nào?

    Bài viết này cung cấp quy định về vấn đề trên.

    Tỷ giá quy đổi nộp thuế thu nhập cá nhân khi trả lương bằng ngoại tệ là tỷ giá nào?

    Vấn đề này trước đây có quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 13 Thông tư 92/2015/TT-BTC về quy đổi thu nhập chịu thuế ra Đồng Việt Nam

    Theo đó: 

    - Doanh thu, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được tính bằng Đồng Việt Nam.

    Trường hợp doanh thu, thu nhập chịu thuế nhận được bằng ngoại tệ phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế mua vào của ngân hàng cá nhân mở tài khoản giao dịch tại thời điểm phát sinh thu nhập.

    Trường hợp người nộp thuế không mở tài khoản giao dịch tại Việt nam thì phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ mua vào của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm phát sinh thu nhập.

    Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam.

    - Thu nhập chịu thuế nhận được không bằng tiền phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo giá thị trường của sản phẩm, dịch vụ đó hoặc sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh thu nhập.

    Tuy nhiên hiện tại quy định này đã bị bãi bỏ bởi  Điểm n Khoản 4 Điều 87 Thông tư 80/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

    Hiện vấn đề nộp thuế cho nghiệp vụ trả bằng ngoại tệ quy định tại Điều 7 Luật quản lý thuế 2019 như sau:

    Về Đồng tiền khai thuế, nộp thuế:

    - Đồng tiền khai thuế, nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.

    - Người nộp thuế hạch toán kế toán bằng ngoại tệ theo quy định của Luật Kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch.

    Theo khoản 1 Điều 10 Luật kế toán 2015 về Đơn vị tính sử dụng trong kế toán

    Đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”. Trong trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ, thì đơn vị kế toán phải ghi theo nguyên tệ và Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam.

    Đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng một loại ngoại tệ thì được tự lựa chọn loại ngoại tệ đó làm đơn vị tiền tệ để kế toán, chịu trách nhiệm trước pháp luật và thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Khi lập báo cáo tài chính sử dụng tại Việt Nam, đơn vị kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    ==>> Giao dịch trả lương bằng ngoại tệ cho cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam thì người nộp thuế hạch toán kế toán bằng ngoại tệ theo quy định của Luật Kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch.

    Trong trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ, thì đơn vị kế toán phải ghi theo nguyên tệ và Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam.

    ==>> Về mặt quy định, việc nộp thuế khi có giao dịch trả lương bằng ngoại tệ được dẫn chiếu qua pháp luật về kế toán. Người nộp thuế có thể tham khảo các quy định trên và liên hệ thêm đơn vị kế toán để xác định vì vấn đề này cần xác định theo các quy định về hạch toán kế toán thuộc chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành kế toán.

    Quy định về thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của người lao động trong Công ty 

    Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC:

    Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

    - Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

    - Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ một số khoản phụ cấp, trợ cấp theo điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

    - Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.

    - Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.

    - Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức, có hướng dẫn chi tiết tại điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

    - Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây liệt kê tại điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

    - Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản quy định tại điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC.

     
    1082 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận