Hồ sơ đăng ký công bố hợp quy và trình tự xử lý hồ sơ công bố hợp quy khi tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng
1/ Thành phần hồ sơ đăng ký công bố hợp quy
Căn cứ quy định tại Điều 14 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN và căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 19 Thông tư 06/2020/TT-BKHCN thì hồ sơ đăng ký công bố hợp quy gồm:
(1) Đối với trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất)
Hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:
- Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN và nội dung bổ sung quy định tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN);
- Báo cáo kết quả tự đánh giá bao gồm các thông tin sau:
+ Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax;
+ Tên sản phẩm, hàng hóa, nhà sản xuất;
+ Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
+ Kết quả thử nghiệm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của tổ chức thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng;
+ Kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
+ Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.
(2) Đối với trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba)
Hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:
- Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN và nội dung bổ sung quy định tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN);
- Bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng kèm theo mẫu dấu hợp quy do tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp cho tổ chức, cá nhân.
2/ Trình tự xử lý hồ sơ công bố hợp quy
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN thì hồ sơ công bố hợp quy được gửi tới cơ quan chuyên ngành được xử lý như sau:
- Đối với hồ sơ công bố hợp quy không đầy đủ theo quy định tại Điều 14 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN (được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN và Khoản 4 Điều 19 Thông tư 06/2020/TT-BKHCN), trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản đề nghị bổ sung các loại giấy tờ theo quy định tới tổ chức, cá nhân công bố hợp quy.
Sau thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan chuyên ngành gửi văn bản đề nghị mà hồ sơ công bố hợp quy không được bổ sung đầy đủ theo quy định, cơ quan chuyên ngành có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
- Đối với hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ theo quy định tại Điều 14 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN (được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN và Khoản 4 Điều 19 Thông tư 06/2020/TT-BKHCN), trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ công bố hợp quy:
+ Trường hợp hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ và hợp lệ, cơ quan chuyên ngành ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (theo Mẫu 3. TBTNHS quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN).Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy có giá trị theo giá trị của
giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp
hoặc có giá trị ba (03) năm kể từ ngày lãnh đạo tổ chức, cá nhân ký
xác nhận báo cáo đánh giá hợp quy (đối với trường hợp tổ chức, cá
nhân tự đánh giá hợp quy);
+ Trường hợp hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ nhưng không hợp lệ, cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy về lý do không tiếp nhận hồ sơ.
Trên đây là các quy định về hồ sơ công bố đăng ký hợp quy và trình tự xử lý hồ sơ công bố hợp quy khi tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.