Quy định về điều kiện, cách tính chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động

Chủ đề   RSS   
  • #607683 22/12/2023

    nguyenduy303
    Top 500
    Male


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (295)
    Số điểm: 2154
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 53 lần


    Quy định về điều kiện, cách tính chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động

    Bên cạnh trợ cấp thôi việc, nhiều người lao động cũng quan tâm đến chế độ trợ cấp mất việc làm sẽ được hưởng trong trường hợp nào, bài viết dưới đây sẽ làm rõ thêm về vấn đề này.

    1. Điều kiện để được chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 2 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP để được chi trả trợ mất việc làm người lao động phải thỏa mãn các điều kiện sau:

    - Điều kiện thứ nhất: bị mất việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:

    + Do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

    + Do doanh nghiệp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp.

    - Điều kiện thứ hai: đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm.

    Như vậy, nếu người lao động thỏa đồng thời hai điều kiện trên thì sẽ thuộc đối tượng được người sử dụng lao động tính trả trợ cấp mất việc làm cho mình.

    Mỗi năm làm việc người lao động sẽ được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp 01 tháng tiền lương. Tuy nhiên, nếu thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm theo quy định mà ít hơn 24 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

    2. Cách tính tiền chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp mất việc làm. Trong đó:

    - Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm:

    + Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;

    + Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định;

    + Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định;

    + Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định mà được người sử dụng lao động trả lương;

    + Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 của Bộ luật Lao động 2019.

    - Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định.

    - Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng):

    + Trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm,

    + Trường hợp trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.

    Như vậy, để xác định có được hưởng tiền trợ cấp mất việc làm hay không thì còn phải phụ thuộc vào thời gian làm việc thực tế của người lao động là bao lâu, từ đó mới có thể tính toán được mức chi trả chính xác. Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định về việc xác định thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trong một số trường hợp đặc biệt.

    3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm cho người lao động

    Tại Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2019, khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP và khoản 3 Điều 12 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm cho người lao động quy định như sau:

    - Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.

    - Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Bộ luật này thì tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.

    Lưu ý thêm, kinh phí chi trả trợ cấp mất việc làm đối với người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.

     
    47 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận