Đặt tên cho con theo quy định pháp luật mới nhất
Quyền đối với họ, tên là một trong những quyền nhân thân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Điểm a, Khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định: “Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán”.
Tuy nhiên, việc cha mẹ thỏa thuận đặt tên cho con cái phải tuân thủ theo quy định tại Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015:
“Điều 26. Quyền có họ, tên
1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có).Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.
Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
4. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình
5. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.”
Như vậy, từ ngày 01/01/2017 – ngày Bộ Luật dân sự năm 2015 có hiệu lực, khi đăng ký khai sinh cho công dân Việt Nam; đăng ký khai sinh cho trường hợp con chung giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, nếu cha mẹ lựa chọn mang quốc tịch Việt Nam cho con thì họ, chữ đệm, tên của trẻ phải tuân thủ theo các quy định trên. Sở dĩ Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về đặt tên như vậy là nhằm tạo cơ sở pháp luật thống nhất cho việc xây dựng, cập nhật và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Luật Căn cước công dân năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành (gồm các thông tin như: Số định danh cá nhân; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; chứng minh nhân dân; mã số thuế cá nhân; trình độ học vấn…)
Để có thể đăng ký khai sinh cho con gia đình cần phải chọn tên con phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, tên của con sẽ gắn liền với con suốt cả một đời, gia đình nên đặt tên cho con theo tiếng Việt để dễ đọc, dễ viết, tránh tình trạng đọc sai, viết sai ảnh hưởng đến lợi ích của con sau này.