Quy định về dạng tật, mức độ khuyết tật và thủ tục xác định mức độ khuyết tật

Chủ đề   RSS   
  • #607926 04/01/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (300)
    Số điểm: 2179
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 53 lần


    Quy định về dạng tật, mức độ khuyết tật và thủ tục xác định mức độ khuyết tật

    Quy định về dạng tật, mức độ khuyết tật; Trách nhiệm, thủ tục xác định mức độ khuyết tật và Giấy xác nhận khuyết tật được quy định tại Luật Người khuyết tật 2010.

    1. Quy định về dạng tật và mức độ khuyết tật

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP thì dạng tật bao gồm:

    - Khuyết tật vận động: là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.

    - Khuyết tật nghe, nói: là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.

    - Khuyết tật nhìn: là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.

    - Khuyết tật thần kinh, tâm thần: là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.

    - Khuyết tật trí tuệ: là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.

    - Khuyết tật khác: là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp nêu trên.

    Đồng thời, tại khoản 2 Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010 (được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP) thì người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:

    - Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

    - Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.

    - Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng và khuyết tật nặng.

    2. Trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật và Hội đồng xác định mức độ khuyết tật

    - Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Tuy nhiên, trong các trường hợp sau theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Người khuyết tật 2010 thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng giám định y khoa thực hiện:

    + Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;

    + Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;

    + Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.

    - Trường hợp đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì việc xác định mức độ khuyết tật theo quy định của Chính phủ.

    - Theo quy định tại Điều 16 Luật Người khuyết tật 2010 thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập, làm việc theo nguyên tắc tập thể, bao gồm các thành viên sau:

    + Chủ tịch UBND cấp xã là Chủ tịch Hội đồng;

    + Trạm trưởng trạm y tế cấp xã;

    + Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội;

    + Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã;

    + Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.

    - Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm tổ chức và chủ trì hoạt động của Hội đồng. Cuộc họp của Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng tham dự. Kết luận của Hội đồng được thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số, trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Kết luận của Hội đồng được thể hiện bằng văn bản do Chủ tịch Hội đồng ký. Hội đồng quyết định độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực trong việc xác định mức độ khuyết tật.

    3. Thủ tục xác định mức độ khuyết tật và Giấy xác nhận khuyết tật

    - Theo quy định tại Điều 18 Luật Người khuyết tật 2010, khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến UBND cấp xã nơi người khuyết tật cư trú. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

    - Hội đồng tổ chức việc xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra kết luận.

    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng, Chủ tịch UBND cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng và cấp giấy xác nhận khuyết tật.

    - Giấy xác nhận khuyết tật có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp xã ký và có các nội dung cơ bản theo quy định tại Điều 19 Luật Người khuyết tật 2010 gồm: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú của người khuyết tật; Dạng khuyết tật; Mức độ khuyết tật.

     
    344 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận