Quy định thời gian thử thách đối với án treo. Thời gian thử thách trong án treo tính như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #602157 27/04/2023

    Quy định thời gian thử thách đối với án treo. Thời gian thử thách trong án treo tính như thế nào?

    Theo quy định của pháp luật hình sự, thời gian thử thách đối với người phạm tội hưởng án treo bằng 02 lần mức hình phạt tù. Vậy đối với người phạm tội đã bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình điều tra, truy tố; khi ấn định thời gian thử thách thì thời gian tạm giữ, tạm giam đó có được trừ vào thời gian tính hình phạt tù hay không.

     

    Thời gian thử thách là gì?

     

    Thời gian thử thách luôn đi cùng với chế định án treo. Đây có thể coi như là một chế định mang tính giáo dục cao cũng như thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước. Theo đó, những trường hợp người phạm tội sau khi được xem xét những yếu tố khách quan trong quá trình thực hiện tội phạm có thể được Tòa án áp dụng hình phạt án treo. Khi quyết định cho người bị kết án phạt tù hưởng án treo, Tòa án cũng sẽ đồng thời tuyên thời gian thử thách đối với người này.

     

    Thời gian thử thách là khoảng thời gian đủ để người bị kết án tự khẳng định về sự tự giác cải tạo của mình. Mặt khác, thời gian thử thách của án treo cũng giúp Toà án có điều kiện kiểm tra tính đúng đắn của việc áp dụng án treo đối với người bị kết án trong thời gian chấp hành bản án.

     

    Quy định về thời gian thử thách.

     

    Tại Điều 60 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về thời gian thử thách trong trường hợp được hưởng án treo như sau: 1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

     

    Tuy nhiên tại cụ thể lại không quy định về việc thời gian tạm giam liệu có được trừ vào thời gian thử thách hay không. Do đó, để thuận tiện cho công tác xét xử và thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn quy định khác nhau qua từng giai đoạn, cụ thể:

     

    Theo Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP , tại điểm b khoản 6.4 Điều 6 quy định cách ấn định thời thử thách cho người được hưởng án treo đã bị tam giam như sau: trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù TRỪ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.

     

    Sau đó, HĐTP TANDTC ban hành Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013 hướng dẫn áp dụng quy định về án treo. Tại Nghị quyết này không đề cập đến việc tính thời hạn thử thách đối với trường hợp trên mà chỉ quy định “đối với trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giữ, tạm giam thì chỉ cho hưởng án treo khi thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam ngắn hơn thời hạn phạt tù”. Như vậy vẫn chưa rõ quan điểm của HĐTP TANDTC về vấn đề này như thế nào.

     

    Tại khoản 2 điều 8 của Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP quy định “các hướng dẫn trước đây của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về án treo trái với hướng dẫn của Nghị quyết này đều bãi bỏ”. Sau khi ban hành Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP thì hiệu lực của quy định về án treo tại Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP vẫn còn bỏ ngỏ và gây ra nhiều lúng túng trong việc áp dụng.

     

    Sau khi nhận được nhiều ý kiến đề nghị hướng dẫn của một số Toà án, ngày 17/02/2014, TANDTC ban hành Công văn số 27/TANDTC-KHXX trả lời về việc có được trừ thời gian tạm giam, tạm giữ của người bị phạt tù được cho hưởng án treo vào thời gian thử thách hay không. Tại công văn khẳng định rõ “đối với trường hợp người bị xử phạt tù được hưởng án treo mà trước đó đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian họ bị tạm giữ, tạm giam không được trừ vào thời gian thử thách”. Và một lần nữa khẳng định Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP thay thế các hướng dẫn trước đây của HĐTP TANDTC về án treo, trong đó có hướng dẫn về việc ấn định thời gian thử thách.

     

    Sau khi Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 có hiệu lực), HĐTP TANDTC ban hành Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng về án treo thay thế Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP. Vấn đề này lại tiếp tục được đặt ra và có nhiều vướng mắc.

     

    Ngày 03/12/2020, VKSNDTC ban hành Công văn số 5487/VKSTC-V7. Theo công văn này, tại mục 27 phần 1 nêu rõ phải trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành phạt tù khi cho bị cáo hưởng án treo; nếu không trừ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, VKS phải kháng nghị.

     

    Ngày 06/5/2021, TANDTC có Công văn số 58/TANDTC-PC một lần nữa khẳng định quan điểm không trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời gian chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo.

     

    Đến ngày 19/8/2021, VKSNDTC ban hành Công văn số 3376/VKSTC-V7 với nội dung không trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào mức hình phạt tù để ấn định thời gian thử thách đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

     

    Như vậy, đến thời điểm hiện nay, giữa VKSNDTC và TANDTC mới thống nhất quan điểm là không trừ thời gian tạm giam, tạm giữ khi xác định thời gian phạt tù để ấn định thời gian thử thách cho bị cáo được hưởng án treo.

     

    Thời gian thử thách trong án treo tính như thế nào?

     

    Về thời gian thử thách trong án treo được quy định tại khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

     

    - Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của luật thi hành án hình sự.

     

    - Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

     

    - Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.

     

    - Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

     

    - Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

     

    Như vậy khi quyết định cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo, Toà án đồng thời buộc phải tuyên thời gian thử thách đối với người phạm tội và chế định án treo chỉ có ý nghĩa khi tuyên thời gian thử thách đúng theo luật định.

     
     
    7462 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận