Mới đây, Bộ Tư pháp công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư.
Theo đó, Dự thảo Nghị định đề cập đến chuẩn mực của nghề luật sư, đó là Luật sư phải là người liêm chính, trung thực, có tinh thần trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp hướng tới bảo vệ lẽ phải, công bằng, không vì lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn để trở thành luật sư:
- Người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư được xem xét cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
- Những người đã từng có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp hoặc bị kết án mà thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nếu muốn trở thành luật sư phải chứng minh được quá trình phấn đấu, rèn luyện và nhận thức của mình về các hành vi vi phạm sau khi bị xử lý.
- Những người đã từng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tính liêm chính, trung thực hoặc vi phạm pháp luật mà bị xử lý kỷ luật nhiều lần thì không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và có phẩm chất đạo đức tốt.
- Người đã từng bị mất chức danh, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức chức danh thẩm phán, kiểm sát viên; tước danh hiệu công an nhân dân, tước quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân không thuộc đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.
Xây dựng hình ảnh, uy tín của nghề luật sư không chỉ là trách nhiệm của luật sư mà còn là của cá nhân, tổ chức
- Cá nhân mỗi luật sư, cá nhân, tổ chức có liên quan có trách nhiệm xây dựng hình ảnh, uy tín của nghề luật sư.
- Luật sư phải giữ gìn hình ảnh, có hành vi ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, với cơ quan, tổ chức, cá nhân theo đúng chuẩn mực của nghề luật sư. Luật sư không được nhận và thực hiện vụ, việc với mục đích trái pháp luật, trái nguyên tắc hành nghề luật sư, điều cấm theo quy định của Luật luật sư; tập trung đông người, lôi kéo, kích động người khác tập trung đông người nhằm gây rối trật tự công cộng hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Luật sư có hành vi vi phạm nghiêm trọng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, vi phạm hiến pháp, pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của nghề luật sư, vi phạm chuẩn mực nghề luật sư hoặc vi phạm điều cấm theo quy định tại Điều 9 Luật luật sư sẽ bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Bị xóa tên khỏi danh sách Luật sư, phải sau 03 năm mới có thể quay trở lại
Cụ thể, Luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi Đoàn Luật sư nhưng chưa bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư thì phải sau ít nhất 03 năm kể từ ngày có quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư hoặc Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực mới có thể quay trở lại làm luật sư.
Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi Đoàn luật sư theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập Đoàn luật sư nhưng được tuyển dụng làm cán bộ, công chức hoặc chuyển sang nghề khác nếu có nguyện vọng quay trở lại làm luật sư phải làm thủ tục cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 19 của Luật luật sư.
Lưu ý: Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 90 ngày tính đến ngày người đề nghị cấp, cấp lại Chứng chỉ nộp hồ sơ tại Đoàn luật sư hoặc Sở Tư pháp.
Mời các bạn xem chi tiết tại Dự thảo thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư tại file đính kèm.