Ngày 02/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”. Trong đó có quy định mới nhất về các cấp Hội đồng, nguyên tắc làm việc và trách nhiệm của Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.
1. Các cấp Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”
- Theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 35/2024/NĐ-CP, Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” được thành lập ở từng cấp hội đồng, theo từng lần xét tặng; được sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị người có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng. Hội đồng cấp tỉnh được sử dụng con dấu của Sở giáo dục và đào tạo khi có ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng cấp Nhà nước được sử dụng con dấu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
- Các cấp Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 35/2024/NĐ-CP, cụ thể:
+ Hội đồng cấp cơ sở bao gồm: Hội đồng huyện; Hội đồng Sở giáo dục và đào tạo; Hội đồng cơ sở của các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ, ban, ngành, tỉnh; Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Hội đồng cơ sở của các đơn vị thành viên và cơ quan đại học quốc gia; Hội đồng cơ sở giáo dục đại học tư thục; Hội đồng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và Hội đồng đại học vùng;
+ Hội đồng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh và đại học quốc gia;
+ Hội đồng cấp Nhà nước.
2. Nguyên tắc làm việc và trách nhiệm của Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”
Theo Khoản 3 Điều 9 Nghị định 35/2024/NĐ-CP, nguyên tắc làm việc và trách nhiệm của Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” được quy định như sau:
- Cá nhân đang là đối tượng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” không tham gia các cấp hội đồng;
- Số lượng thành viên Hội đồng các cấp tối thiểu là 11 người;
- Các cuộc họp của hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên của hội đồng tham dự. Trường hợp vắng mặt, thành viên hội đồng phải được Chủ tịch Hội đồng đồng ý và gửi lại phiếu bầu;
- Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu. Kết quả xét tặng của hội đồng được công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng;
- Cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” phải đạt từ 90% số phiếu đồng ý trở lên trên tổng số thành viên hội đồng;
- Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” ở mỗi cấp có tổ thư ký do Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập. Tổ thư ký có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, tóm tắt thành tích, tổng hợp ý kiến thăm dò dư luận; gửi tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng đến các thành viên hội đồng và tổ chức cuộc họp của hội đồng;
- Hội đồng cấp cơ sở có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của hồ sơ cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý;
- Hội đồng cấp dưới có trách nhiệm báo cáo Hội đồng cấp trên kết quả giải quyết đơn thư (nếu có) đối với các cá nhân được đề nghị xét tặng;
- Hội đồng các cấp đánh giá uy tín về chuyên môn, tầm ảnh hưởng của nhà giáo theo quy định tại khoản 2 Điều 7 và khoản 2 Điều 8 Nghị định 35/2024/NĐ-CP để báo cáo Hội đồng cấp trên.
Như vậy, Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” được quy định tại Điều 9 Nghị định 35/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/5/2024.