Hiện nay gửi tiền tại các tổ chức tín dụng có được bảo hiểm hay không? Những loại tiền gửi nào được bảo hiểm và mức nhận lại bao nhiêu khi tổ chức tín dụng không còn khả năng thanh toán?
1. Quy định về bảo hiểm tiền gửi
Căn cứ tại Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định về định nghĩa bảo hiểm tiền gửi như sau:
Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Căn cứ tại Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định về tham gia bảo hiểm tiền gửi:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.
- Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Khi tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản thì bảo hiểm tiền gửi hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm.
2. Loại tiền gửi được bảo hiểm
Căn cứ tại Điều 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định về tiền gửi được bảo hiểm:
Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.
Căn cứ tại Điều 19 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định về tiền gửi không được bảo hiểm:
- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.
- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
- Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.”
Theo đó, các loại tiền gửi được bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm thực hiện theo quy định nêu trên.
3. Hạn mức trả tiền gửi khi tổ chức tín dụng không còn khả năng thanh toán
Căn cứ tại Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi:
Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng (một trăm hai mươi lăm triệu đồng).
Theo đó, khi tổ chức tín dụng không còn khả năng thanh toán thì người gửi tiền (đối với những loại tiền gửi được bảo hiểm) sẽ được bảo hiểm tiền gửi chi trả trong hạn mức được quy định. Hiện nay hạn mức chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.